Sự thật về Hội chữ thập đỏ và những tổ chức từ thiện?

  1. Văn hóa

Hội chữ thập đỏ và những tổ chức từ thiện tương tự thường tạo cảm giác cho chúng ta về sự 'anh hùng' cũng như khả năng 'bảo hộ' người dân của họ. Nếu một người được hỏi rằng khi các thảm họa và thiên tai xảy ra, người dân nên liên hệ với tổ chức nào, thì thường câu trả lời sẽ là Hội chữ thập đỏ.

Tuy nhiên, các hoạt động từ thiện, cứu trợ của tổ chức này không phải lúc nào cũng thành công. Thậm chí, khá nhiều tờ báo đã từng đăng bài bóc mẽ sự thiếu hiệu quả trong hệ thống vận hành cứu trợ của tổ chức này. Vậy rốt cục những tổ chức như thế này hiệu quả đến mức nào?

Các vấn đề trong hệ thống Hội chữ thập đỏ

Tuy là một tổ chức lớn có danh tiếng, nhưng Hội chữ thập đỏ mang trong nó, có thể nói là không ít bất cập. Dưới đây là danh sách của một vài bất cập đó:

red-cross

(Ảnh:

sintmaartengov.org
)

1/ Tình nguyện viên thiếu trình độ chuyên môn:

Đây thực chất là một bất cập quan trọng và cần sớm được khắc phục. Nhiều nhân chứng (trong các thảm họa như động đất ở Haiti và Indonesia) cho biết, đối với những ca trợ cứu nhỏ, ở diện hẹp, ví dụ như tai nạn giao thông, hoặc các vụ xô xát trong thành phố...thì thường Hội chữ thập đỏ có thể giải quyết khá ổn thỏa. Họ chỉ cần nhanh chóng xuất hiện khi sự việc xảy ra, và cung cấp bông băng thuốc đỏ, dụng cụ y tế các loại...là coi như vấn đề có thể được giải quyết.

Tuy nhiên, đối với những thảm họa mang tính toàn cầu, trên diện rộng, ví dụ như thiên tai (sóng thần, động đất...) thì hoạt động tổ chức này có vẻ không hiệu quả lắm. Nguyên nhân là vì họ thường làm việc thông qua các tình nguyện viên - volunteers - nhưng các tình nguyện viên nhìn chung không sở hữu đủ kỹ năng cần thiết cho những tình huống đặc biệt nguy hiểm hoặc nghiêm trọng.

Trong lúc một trận động đất 7 - 8 độ Richter đang xảy ra, việc xuất hiện kịp thời và cung cấp bông băng thuốc đỏ thực sự chẳng giúp thuyên giảm mấy tình hình, nhiều chuyên gia cho biết.

2/ Ngân sách thu - chi không rõ ràng:

Ngay cả khi truy cập vào website chính thức của Hội chữ thập đỏ (redcross.org), bạn cũng khó có thể tìm được những thông tin về ngân sách thu - chi của tổ chức này. Trong khi được biết là thu về hơn 2.6 tỉ USD mỗi năm, việc Hội chữ thập đỏ dùng nguồn tiền khổng lồ đến từ các nhà tài trợ này vào những việc gì là rất không rõ ràng.

Một vài nguồn ghi nhận rằng khi thảm họa động đất ở Haiti diễn ra, Hội chữ thập đỏ đã gây được một quỹ cứu trợ khổng lồ - 488 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, số tiền quỹ này đã không hoàn toàn được chi cho việc cứu trợ tại Haiti.

Thậm chí, họ còn cho biết, ngoài việc đầu tư mua sắm những dụng cụ y tế và cứu nạn cơ bản (vốn không đủ hiệu quả cho một thảm họa như ở Haiti), thì Hội chữ thập đỏ đã quyết định chia sẻ nguồn quỹ còn lại với những tổ chức từ thiện khác. Không ai rõ là những tổ chức nào, hay vì bất cứ lí do nào. Việc này đã khiến độ tin cậy của Hội chữ thập đỏ trong mắt các nhà tại trợ cũng như công chúng giảm mạnh.

tu-thien

Slogan của Hội chữ thập đỏ (Ảnh:

onlinengo.org
)

3/ Quy trình, hệ thống vận hành 'quan liêu':

Theo thói quen, nhiều người Việt có thể sẽ cho rằng 'quan liêu', 'cồng kềnh' là những thuộc tính chỉ thuộc về các hệ thống công quyền Việt Nam nói riêng, hoặc Á Đông nói chung. Nhưng thực chất, những thuộc tính này không thuộc về riêng bất cứ quốc gia nào. Điển hình là với Hội chữ thập đỏ, cho dù chúng ta đang xét đến trụ sở của tổ chức này tại Việt Nam, Anh hay Mỹ, thì cũng sở hữu một hệ thống vận hành rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng lớp...đến mức độ thiếu hiệu quả.

Để chứng thực điều này, ta chỉ cần nghiên cứu cách thức mà Hội chữ thập đỏ can thiệp vào những vụ buôn bán người xuyên biên giới. Đối tượng thường gặp của những vụ việc này là các thanh thiếu niên dưới tuổi trưởng thành (18 tuổi). Thông thường, các em, sau khi bị bắt cóc & bán sang một quốc gia khác (thường là đi theo đường từ Việt Nam -> Trung Quốc -> châu Âu), do không biết ngôn ngữ, lại không nơi nương tựa, nên sau khi được chính quyền địa phương giải cứu sẽ được giao cho những người giám hộ chăm sóc.

Thường thì các em này có mong muốn tìm lại người thân, nên tổ chức đầu tiên mà các em được đề nghị liên lạc là Hội chữ thập đỏ địa phương. Sau khi liên lạc, các em sẽ được tổ chức này hẹn gặp khoảng vài tháng một lần. Trong mỗi lần gặp, họ sẽ giúp xác định càng nhiều manh mối truy tìm càng tốt. Nhưng thường thì giai đoạn này có thể kéo dài hàng tháng trời, thậm chí lâu hơn. Nhiều trường hợp, vì phải chờ đợi quá lâu, nên nhiều thanh thiếu niên đã quyết định từ bỏ việc tìm lại người thân.

Chưa hết, trong những trường hợp tổ chức này đã xác định được địa điểm chính xác để có thể tìm đến người thân của các em, nguyên tắc vận hành của họ cũng quá cứng nhắc, thiếu linh động dẫn đến...hỏng chuyện. Cụ thể, do bản chất phức tạp của các đối tượng bắt cóc & bị bắt cóc, rất nhiều thanh thiếu niên yêu cầu Hội chữ thập đỏ tiếp cận khu vực, nhưng không để lộ danh tính tổ chức, vì các em không muốn bị những kẻ bắt cóc làm phiền, khi biết rằng các em đang 'cấu kết' với Hội chữ thập đỏ.

Tuy nhiên, nguyên tắc làm việc của tổ chức này là các tình nguyện viên luôn phải mặc đồng phục, với logo của tổ chức để nhận dạng. Và họ thà từ chối giúp đỡ những nạn nhân bị bắt cóc, chứ không muốn thay đổi nguyên tắc làm việc của mình. Một tổ chức như vậy thì liệu có xứng đáng được gọi là một tổ chức từ thiện??

hoi-chu-thap-do

Các tình nguyện viên luôn phải mặc đồng phục. (Ảnh:

redcross.ca
)

4/ Thiếu đánh giá hoạt động khách quan:

Vấn đề nghiêm trọng cuối cùng của tổ chức này chính là sự thiếu vắng các báo cáo, đánh giá khách quan về tính hiệu quả của họ. Vấn đề này thực chất đã bắt đầu được các chính quyền ở một vài địa phương tại Mỹ chú ý. Tuy nhiên hiện thời họ (ý nói các chính quyền) đã có giải pháp nào cụ thể hay chưa, chúng ta không có thông tin chính xác.

Một vài giải pháp

Những tổ chức như Hội chữ thập đỏ thường đóng vai trò là những người giải quyết vấn đề, ở đây ta tạm thời bỏ qua mức độ hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề này của họ. Giải quyết những vấn đề, những thảm họa, thiên tai đang xảy ra là quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, một biện pháp hữu ích hơn nữa là phòng tránh chúng. Và hiện nay, ít nhất là với Hội chữ thập đỏ, biện pháp này có vẻ như chưa được chú trọng đầu tư.

Một lưu ý khác xoay quanh phong cách làm việc của những tổ chức từ thiện là, đối với những vấn đề ở diện rộng và toàn cầu, việc cứu tế chỉ thông qua tài trợ tài chính là chưa đủ. Các tổ chức từ thiện cần đầu tư phát triển kỹ năng chuyên môn của các tình nguyện viên, cũng như rõ ràng hơn trong các khoản chi phí của mình.


Tham khảo:

Tạp chí Metropolis: The Red Cross won't save Houston.

Từ khóa: 

hội chữ thập đỏ

,

red cross

,

từ thiện

,

tổ chức phi lợi nhuận

,

ngos

,

văn hóa