Sự thật phía sau những hình ảnh tượng mồ và nhà mồ ở Tây Nguyên?

  1. Văn hóa

Nhà mồ và tượng mồ là một trong những văn hóa tâm linh đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là ở một vài dân tộc như Ba na, Ê đê, Gia rai, Xơ Đăng. Tượng Nhà mồ được làm ra để dùng cho lễ bỏ mả, để tiễn những linh hồn về thế giới ông bà. Quần thể tượng mô tả sự mô tả quá trình sống của một con người với đa dạng hình dáng phổ biến. 

866_kien_truc_nha_mo_tay_nguyen

Tượng nhà mồ được tạo nên như thế nào?

Đầu tiên, người chủ hộ phải kiếm gỗ đẽo tượng trước khoảng 2 tháng trước lễ bỏ mả và theo quy trình thì cần phải đẽo tượng mồ trước khi dựng nhà mồ. Ở những ngôi nhà mồ to đẹp, bề thế trước đây, cột tượng thường được làm bằng loại gỗ tốt như gỗ cây hương, cây cà chít. Gỗ đẽo tượng được kéo về dựng tại nghĩa địa của làng, bên cạnh ngôi nhà mồ sắp bỏ mả. Trước khi đẽo tượng mồ, người Gia rai có cúng thần nhà rông, thần bến nước để xin phép đẽo tượng mồ cho người chết ở trong làng. Dụng cụ đẽo tượng hữu hiệu và thông dụng nhất là chiếc rìu hoặc cây chà gạc thường dùng để sửa lại các chi tiết trên mặt tượng.

IMG_8714

Một bức tượng khi khi đẽo xong vừa phải truyền tải được về tính dân gian và mang tính chất xã hội của cộng đồng người Gia-rai, vừa phải đảm bảo tính vững chắc của hàng rào nhà mồ. Vì mỗi cột tượng sẽ đóng vai trò là một trong những cột chính trong hàng rào, để giữ hàng rào chắc chắn bao quanh nhà mồ. Do vậy khi đẽo tượng bao giờ người Gia-rai cũng chủ động tạo ra một khe hở rộng giữa hai chân của bức tượng hình người, khe hở giữa chân và đuôi tượng chim, khe hở giữa hai chân trước và hai chân sau của tượng thú bốn chân. Khe hở đó là nơi xuyên một thanh gỗ dài chạy qua, giống như hệ thống mộng giằng để giữ tất các cột tượng với nhau, và giữ các cột phụ chôn sát cột chính liên kết tạo thành hàng rào.

Ý nghĩa văn hóa, tâm linh của tượng nhà mồ

Theo quan niệm của người Gia rai và Ba na thì người chết có linh hồn biến thành ma (atâu). Sau khi chết, linh hồn cứ lẩn quất gần nơi chôn, lưu luyến với cuộc sống dương thế, không siêu thoát được. Người thân hàng ngày phải mang cơm nước đến, quét dọn nhà mả, gọi là thời kỳ giữ mả. Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả thì linh hồn mới được siêu thoát, trở về với thế giới bên kia một cách nhẹ nhàng, không còn lưu luyến gì với cuộc sống trước đây, mà người sống cũng yên tâm trở về làm ăn với ý nghĩ hồn ma đã yên nghỉ, không còn lẩn quất và quấy phá dương gian.

ad_RIRU

Tượng nhà mồ ngoài yếu tố là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nó còn hàm chứa khát vọng nhân sinh muôn thuở của con người: vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc và hoan lạc... Theo quan niệm của người bản địa, tất cả những cảm xúc ấy không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà ở cả thế giới người đã khuất, những giá trị nhân sinh đó vẫn tiếp diễn.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, nhà mồ và tượng mồ được làm ra chỉ để phục vụ Lễ bỏ mả, sau đó những bức tượng đó được bỏ lại nghĩa địa. Với sự phát triển của xã hội khiến nhà mồ bị thay thế bởi những công trình hiện đại khác nên ngày càng ít người biết đến sự tồn tại của tượng nhà mồ.

Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

tượng mồ

,

tượng nhà mồ

,

tây nguyên

,

văn hóa