Sự khác nhau giữa entrepreneur và doanh nhân là gì?

  1. Kinh doanh và Khởi nghiệp

  2. Kinh doanh

Người ta thường dịch chữ entrepreneur là doanh nhân, nhưng chữ business person là doanh nhân thì chính xác hơn. Chữ entrepreneur lấy gốc từ tiếng Pháp hàm ý là dám làm, dám phiêu lưu. Như vậy đẳng cấp của entrepreneur và doanh nhân khác nhau chỗ nào?

Sau khi ông Henry Ford thiết lập dây chuyền sản xuất hàng loạt, ông ta tăng lương công nhân gấp đôi từ $2.35 lên $5 một ngày; đồng thời hạ giá xe từ $850 xuống còn $700. Điều này có nghĩa là công nhân của ông có khả năng mua xe, hưởng thụ sản phẩm của họ sau 7 tháng tiền lương. Ngày nay, hãng Vinfast đầu tư sản xuất xe, một chiếc xe xăng giá tầm 430 triệu VNĐ, xe điện giá khoảng 975 triệu VNĐ. Nếu tính rộng rãi lương nhân công là 10 triệu VNĐ/tháng, thì công nhân Vinfast phải mất 43 hoặc 97 tháng lương mới mua được xe.

Doanh nhân là quản lý một mô hình kinh doanh nào đó, bỏ 1 đồng vốn, kiếm vài đồng lời; còn entrepreneur là những người đi khai phá mở cõi, có khả năng làm những chuyện trái với nguyên tắc kinh doanh như ông Ford, hạ giá sản phẩm, tăng lương nhân công. Công thức cho sự sinh tồn của họ là “better, faster, cheaper" - tốt hơn, nhan hơn, rẻ hơn. Muốn đạt đẳng cấp này, tối thiểu người ta phải đứng trên thành tựu của khoa học, kỹ thuật, sử dụng chất xám, công nghệ mà không cần phải dựa vào nguồn nhân công rẻ. Có thể nói lịch sử 5000 năm của nền văn minh Trung Quốc nuôi dưỡng rất ít người đạt đẳng cấp entrepreneur, bởi vậy từ này không có nghĩa tương đương trong tiếng Việt.

https://cdn.noron.vn/2022/02/15/1955252462416901-1644896747_1024.jpg

Nền văn minh Trung Hoa sau ngàn năm tự ru ngủ gật mình tỉnh giấc trước sức mạnh kỹ thuật của phương Tây. Họ không thể tưởng tượng được làm sao người Tây phương lại có nhiều sắt thép đến như vậy. Khi Mao lên nắm quyền, muốn chứng minh sức mạnh của CNCS qua sản lượng thép, mỗi nhà là một lò luyện thép, mỗi người là công nhân đúc thép, cả nước phải có sản lượng thép vượt trội Tây phương.

Kết quả sản lượng thép tuy có vượt trội, nhưng con số thì gian dối, chất lượng thì tồi tàn. Kỹ nghệ luyện kim ngày nay vẫn còn có nhiều người entrepreneur tuy không nổi tiếng với công chúng, nhưng họ vẫn tìm cách ngày một gia tăng sản lượng, dùng ít nhân công, nhưng giá thành lại rẻ. Tương tự, kỹ nghệ bán dẫn dùng vật liệu căn bản là cát, mỗi năm hãng nào không chạy kịp với công thức “better, faster, cheaper” sẽ bị thị trường đào thải không thương tiếc.

Kỹ nghệ sản xuất vật liệu xây dựng ở Mỹ vẫn liên tục làm ra sản phẩm mới đẹp, bền, rẻ từ vật liệu thải như gỗ vụn, mạt cưa… Đẳng cấp của những người entrepreneur là kỹ nghệ do họ tạo ra dư khả năng cung cấp nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Cách duy nhất để chiếm giữ thị phần là liên tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngày một đẹp, bền, rẻ.

Số người entrepreneur đi tiên phong thiết lập kỹ nghệ mới và tạo môi trường nuôi dưỡng những thế hệ sau của Mỹ rất nhiều. Elon Musk là một người như vậy trong thời đại này. Kỹ nghệ xe điện bị khai tử nhiều lần, sự thành công của Tesla không chỉ đơn giản đến từ mẫu mã, động cơ điện, hệ thống pin, và các trạm sạc.

Hãng Tesla nghiên cứu, làm chủ, tự quản công nghệ sản xuất đa số phụ tùng xe của họ, từ vật liệu thô thay vì mua lại từ hãng khác. Họ thay đổi cách thức lắp ráp khung sườn, dùng công nghệ dập gọi là Giga Press thay thế phương pháp hàn bằng robot như các hãng khác đang làm. Sự thay đổi ấy mang lại lợi thế sản xuất cho họ đến nỗi các hãng đi đầu kỹ nghệ ôtô buộc phải thay thế dây chuyền đang sử dụng, đầu tư cả trăm tỷ dollars áp dụng công nghệ mới.

https://cdn.noron.vn/2022/02/15/1955252462416909-1644896825_1024.jpg

Đằng sau một chiếc ôtô là cả một hệ sinh thái kỹ nghệ phức tạp, đằng sau hệ sinh thái ấy là khối chất xám phát minh và điều hành nó. Sức mạnh của Tesla đến từ những yếu tố này, xây dựng nhà máy lắp ráp với nhân công rẻ như Vinfast không bao giờ là thế mạnh của kỹ nghệ ôtô.

Một quốc gia muốn nuôi dưỡng, phát hiện nhân tài có đẳng cấp của entrepreneur buộc phải có hệ thống luật pháp làm việc có khoa học, công bằng, và minh bạch. Ngoài ra, những khối chất xám lỗi lạc ấy phải có quyền lực được luật pháp bảo vệ để họ thay đổi xã hội theo ý tưởng và ước mơ của riêng họ.

Nhìn vào cảnh thất thế của Jack Ma và giới entrepreneur của Trung Quốc trước Hoàng Đế Tập Cập Bình, dễ kết luận rằng Trung Quốc sẽ không tài nào có được những người lỗi lạc có khả năng tiên phong, khai phá kỹ nghệ mới, và hệ quả là thay đổi xã hội. Nhiều sử gia nhận xét, những người như vậy, ở nước Mỹ cứ mỗi 50 năm sẽ có một thế hệ xuất hiện khớp với chu kỳ phát triển của khoa học, công nghệ. Nếu như trẻ em Mỹ không còn được giáo dục các giá trị tự do, nếu như dân Mỹ đánh mất tinh thần tự do của những người tiên phong mở cõi, nước Mỹ và thế giới sẽ không còn biết đến đẳng cấp lỗi lạc của giới entrepreneur.

Tôi so sánh Vinfast và Tesla trong bài này vì nhiều lẽ. Tự dưng tôi nghĩ đến cái Tivi màu to đùng 19 inch “made in VN" mua đâu năm 92 của gia đình bên VN. Đó là niềm tự hào của giới trẻ không đỏ thì nhuốm hồng ở thời ấy, sau 17 năm sau chiến tranh VN đã sản xuất được Tivi màu có remote control hẳn hòi. Thực chất là công ty Nhật nào đó đã đẩy được của nợ dây chuyền lỗi thời bán cho VN làm niềm tự hào dân tộc.

Ngày nay mỗi lần đi chợ Costco nhìn thấy dàn Tivi ngày một rẻ, ngày một đẹp, một rõ nét, tôi nhớ cái Tivi ấy, năm 97 phải đập vài lần nó mới chịu lên hình đã nhạt màu. Tôi coi nhiều youtube video của giới trẻ thần tượng Vinfast, chiếu cảnh dây chuyền hàn khung xe bằng robot nhìn có vẻ hiện đại, nhưng tốc độ hàn lại chậm chạp, làm việc như uể oải, thiếu tính song hành. Tôi cố làm con tính nhẩm, không biết làm sao họ đạt được ½ triệu xe/năm là số lượng tối thiểu để hòa vốn.

Chợt nhớ đến Giga Press, và tin các hãng làm xe lớn nối đuôi Tesla áp dụng nó dập khung xe đào thải dây chuyền hàn. Tương lai chiếc xe “made in VN" có đi theo số phận của Tivi màu của những năm 90s? Điểm giống nhau là cả hai đều phụ thuộc vào phụ tùng, linh kiện không phải do Việt Nam sản xuất. Số phận của nhà máy “hiện đại” của Vinfast ra sao nếu bên Đức ngừng sản xuất phụ tùng vì nhiều lý do dễ hiểu?

Tôi không muốn bàn nhiều về khoản đầu tư 80 triệu của Vinfast vào công ty nghiên cứu làm pin nào đó của Israel. Có thể đó là cách hợp pháp để giới nhà giàu VN mang tiền ra nước ngoài. Nguồn năng lượng điện tương lai có nhiều khả năng không phải từ pin mà là từ SuperCap, có khả năng sạc điện nhanh như đổ xăng. Giới nhà giàu Việt Nam dùng tiền của dân đầu tư kiểu đó đúng nghĩa “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN", lời ăn trọn, lỗ thì “xã hội hóa”.

Đẳng cấp entrepreneur còn có yếu tố gọi là “force multiplier", có nghĩa họ là lực cấp số nhân. Trái với lý thuyết CS về thặng dư lao động và lợi nhuận tư bản, một người như Elon Musk có cấp số nhân hơn cả vạn lần người thường. Họ tạo môi trường cấp số nhân cho nhiều tài năng khác tỏa sáng, kéo theo đó cả một hệ sinh thái, và hàng triệu người hưởng lợi từ đó. Họ thay đổi xã hội theo mơ ước của riêng họ, khi mơ ước đó phù hợp với ý nguyện của nhiều người, xã hội chấp nhận sự thay đổi ấy.

Những người entrepreneur nổi tiếng của nước Mỹ không những mang đến xã hội trù phú, thừa thải vật chất, tiện nghi cuộc sống cho nước Mỹ và thế giới, mà họ còn để lại hệ thống trường đại học danh tiếng cùng khối tài sản khổng lồ làm quỹ tài trợ các trường ấy.

Chuyện dân gian Việt Nam về con cá gỗ, có nhiều nét tương đồng với doanh nhân làm ăn theo cung cách XHCN của TQ và VN.

Thay vì tạo sản phẩm thật, giá trị thật như giới entrepreneur, doanh nhân XHCN luôn tìm cá gỗ, kéo dài niềm hy vọng của dân vào một tương lai mà họ biết họ không tài nào với tới được, gần như cách Mao huy động dân TQ làm thép, tạo phong trào để dân có việc làm quên thực tế. Chừng nào VN còn đất để bán, còn tiền mua cá gỗ, thì tự hào VN vẫn còn duy trì được hết giới trẻ này đến thế hệ giới trẻ khác.

Chỉ khi nào giới trẻ VN ý thức được chất xám, tinh thần tự do, luật pháp công minh mới là những yếu tố làm nên kỳ tích đẹp, bền, rẻ cho những sản phẩm “made in VN", thì lúc đó doanh nhân XNCH mới hết bán được cá gỗ, và dân Việt Nam mới thụ hưởng được cá thật do giới entrepreneur đúng đẳng cấp của người Việt mang lại.

Nguồn: (Vy Nguyên) Via CTO Vietnam Network

Từ khóa: 

tinh thần tự do

,

chất xám

,

đẳng cấp

,

doanh nhân

,

kinh doanh và khởi nghiệp

,

kinh doanh

Theo mình Entrepreneur là doanh nhân, nhưng chữ business person là Thương nhân thì chính xác hơn. Chỉ là ở Việt Nam, từ Doanh nhân dễ dàng được gắn với hình ảnh của một ai đó và người ta dùng từ đó thường xuyên để "vuốt ve" những trường hợp ở Việt Nam mà bạn gắn trong bài viết thôi!

Trả lời

Theo mình Entrepreneur là doanh nhân, nhưng chữ business person là Thương nhân thì chính xác hơn. Chỉ là ở Việt Nam, từ Doanh nhân dễ dàng được gắn với hình ảnh của một ai đó và người ta dùng từ đó thường xuyên để "vuốt ve" những trường hợp ở Việt Nam mà bạn gắn trong bài viết thôi!

Tác giả bài viết thật lú lẫn, có đi vài quốc gia, thấy được một số chuyện thì cho rằng đã hiểu cuộc đời, lên án chế độ.

Khi phương Tây còn ăn lông ở lỗ, thì phương Đông đã phồn hoa văn minh, lúc đó thì là do điều gì? Khi phương Tây tận dụng được khoa học công nghệ để phát triển thì họ vượt trội với phương Đông nói chung, đâu phải chỉ hơn 1 nước, một quốc gia nào? Bây giờ Trung Quốc phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, đã vươn lên siêu cường thứ 2 thế giới cả về kinh tế lẫn khoa học kỹ thuật. Và rất nhiều học giả tin rằng chỉ trong vòng 100 năm tới đây, Trung Quốc chắc chắn sẽ vươn lên số 1, và văn minh nhân loại sẽ chuyển dịch 1 lần nữa từ Tây sang Đông.

Các bạn ấy không hiểu phương Tây phát triển được như hôm nay đã trải qua rất nhiều giai đoạn man rợ, cướp bóc, bóc lột tư bản khủng khiếp thế nào.

Bạn ấy không thấy trên thế giới còn biết bao quốc gia theo chế độ TBCN mà đang tham nhũng, lầm than như thế nào.

Nếu muốn phân tích sự khác biệt giữa doanh nhân và nhà khởi nghiệp sáng tạo thì cứ phân biệt, còn lái về chế độ là không nên. Nếu không thấy hợp với Việt Nam bạn có thể lượn.