Sự cô đơn tối thượng
Hỏi: Kính thưa thầy, tại sao khi mất đi một tình bạn tri kỷ con cảm thấy cô đơn không chịu nổi? Trước đây chúng con rất đồng tâm nhất trí, nhưng từ khi con biết đạo, đem chia sẻ với bạn ấy thì bạn ấy bắt đầu bất đồng quan điểm với con, từ đó con mất đi người bạn tri kỷ. Phải chăng đường đời và đường đạo khác xa nhau?
Thầy Viên Minh: Đạo và đời tuy cùng chung một cuộc sống nhưng lại đi hai hướng khác nhau. Như tuy một dòng sông mà thuyền có xuôi có ngược. Nên đường Đạo gọi là nghịch lưu vì đi ngược với dòng đời. Lão Tử nói: "Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn" vào đời thì càng có càng muốn có thêm, có được điều này thì mất điều khác nên có hoài không đủ, có mãi không cùng. Vào Đạo thì ngày càng bớt đi, bớt cho đến khi không còn gì để bớt, không có được thứ gì, cũng không là gì cả. Hai hướng như thế quả thật khác xa.
Trong đời sống có một điều mà hầu như ai cũng cần có, đó là mối quan hệ xã hội. Phải có cha con, chồng vợ, bạn bè, câu lạc bộ, hội đồng hương ... vì con người luôn muốn tìm cái gì đó “đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” nhất là những người bạn tri kỷ, đồng tâm nhất trí, hiểu biết lẫn nhau, nhưng trên thực tế khó có ai tìm được người luôn đồng chí hướng với mình trong suốt cuộc đời, nên thế nào cũng có ngày đi vào ngõ rẽ, nhất là khi đạo đời hai hướng.
Nho giáo nói: "Tính tương cận, tập tương viễn". Bản tính thì gần nhau nhưng sự huân tập thì lại xa dần, giống như gốc thì chung nhau nhưng ngọn thì mỗi hướng khác nhau. Khi bạn tâm giao bỗng nhiên đổi hướng thì bắt đầu cảm thấy cô đơn không chịu nổi, vì vậy lại tiếp tục đi tìm mối quan hệ mới.
Ở đời cô đơn thật là bất hạnh, nhưng trong Đạo thì cô đơn là điều kiện tất yếu để trở về thầm lặng khám phá chính mình. Đó là “khung cửa hẹp” để vào Nước Chúa. Nên Chúa nói “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống, chẳng bởi Ta không ai đến được cùng Cha” nghĩa là không trở về với chính mình (Tứ Niệm Xứ), không sống đúng đạo lý (Bát Chánh Đạo) thì không thể nào thấy được Chân Lý Rốt Ráo (Niết-bàn). Cho nên cô đơn đúng là một điều kỳ diệu. Nhất là cô đơn chịu đựng một mình những khổ đau, thăng trầm, bất hạnh giữa cuộc đời mà không cần than thân trách phận với ai, không cần tìm lời an ủi, thì chính những uất ức, khổ nhục ấy mới giúp mình lớn mạnh, cũng như bùn dơ hôi hám giúp sen nở ngát hương.
(Ảnh cây thông cô đơn - Đà Lạt)
Khi thật sự trở về trọn vẹn với chính mình mới thấy ra cô đơn là điều tuyệt diệu, vì chỉ khi cô đơn đến tận cùng thì tâm mới thật sự mở ra vô lượng (từ-bi- hỷ-xả). Ngược lại khi cố tìm nơi nương tựa bên ngoài, nương tựa vào người bạn tri kỷ thì tâm liền bị ràng buộc trong mối quan hệ nhỏ hẹp rất dễ bị tổn thương. Đó là lý do vì sao khi mất đi tình bạn ấy thì cảm thấy cô đơn hụt hẫng và đớn đau. Đức Phật khai ngộ cho rất nhiều người nhưng không bao giờ muốn ai lệ thuộc vào mình và ngài cũng không bao giờ lệ thuộc vào ai.
Trích Soi sáng thực tại - Trà đạo ngày 19.8.2017