Sự biến Nagasaki: Một cuộc thị uy lố bịch của hải quân Trung Quốc
Ngày 1 tháng 8 năm 1886, tức Meiji (Minh Trị) năm thứ 19, bốn chiến hạm Thanh Quốc sau khi thao diễn ở Bắc Dương trên đường từ Vladivostok- Nga về xứ đột nhiên muốn xin ghé vào cảng Nagasaki lấy lý do là cần để sửa chữa - nhưng thực ra là để "show-of-force" (thị uy) Nhật Bản.
Bắc Dương Hạm đội được Lý Hồng Chương (李 鴻章 ) - một đại thần nhà Thanh thành lập để đối kháng với Nga và Nhật (2 địch quốc giả tưởng). Chỉ huy hạm đội là đề đốc Đinh Nhữ Xương (丁汝昌).
Bốn chiến hạm nầy là Định Viễn (kỳ hạm), Trấn Viễn, Tế Viễn và Uy Viễn do Đức Quốc đóng cho năm 1881. Hai chiếc đầu là loại thiết giáp hạm, cả 2 đều có khối bài thủy khoảng 7300 tấn. Hai chiếc còn lại là tàu hộ tống. So với chiến hạm của Nhật Bản lúc bấy giờ - thường chỉ đạt đến 2-3 ngàn tấn, Thanh hạm quả là "Đông Dương đệ nhất kiên hạm" hay là anh khổng lồ dưới nước của Á Đông cuối thế kỷ thứ 19.
Lúc bấy giờ Nagasaki liên tục được tàu Anh, Nga và Thanh (TQ) ghé bến, việc bắn đại bác để chào đón tàu bạn làm dân chúng điếc tai. Họ chưa quen với cách sống của thời đại mới nầy. Nhưng nếu là một cuộc thăm viếng hữu nghị thì phải tìm cách làm quen thôi.
Ngày 13 tháng 8, tuy không có xin giấy phép 500 thủy thủ Thanh quốc đột nhiên lên bờ. Họ tìm chỗ ăn nhậu rồi phá hoại thiết bị trên phố, xong đi ăn cướp, rượt bắt đàn bà con gái như một đám thổ phỉ. Trong đó có bọn vừa mua vừa đoạt đồ cổ Nhật như đao kiếm gây ra rối loạn. Khi cảnh sát can thiệp thì họ đánh cả cảnh sát sau đó nhà cầm quyền phải tăng cường nhân lực để bắt giam kẻ phạm tội. Cuộc giao chiến nầy làm cho 80 người chết và bị thương hai bên. Sự mua giấu đao kiếm có sự giúp tay của thương nhân người Thanh địa phương làm cho dân Nhật lo thấp thỏm .
(Ảnh: Tranh vẽ các thủy thủ hống hách của Mãn Thanh, Trung Quốc đang co cụm lại, máu me be bét trong vòng vây của các Samurai Nhật do cư xử lối cư xử ngang ngược của họ.)
Ngày 14 tri sự (thị trưởng) thành phố Nagasaki đến gặp lãnh sự nhà Thanh yêu cầu họ kềm chế thủy thủ của họ. Phía nhà Thanh đồng ý và cam kết là về sau khi cho lính lên phố họ sẽ phái theo sĩ quan để quản đốc. Nhưng trái với sự cam kết ngày hôm sau 300 lính thủy lại xông lên bờ đứng đái trước bót (koban) cảnh sát. Khi bị khiển trách thì họ đánh cảnh sát ngay. Người lao động kéo xe thấy bất bình ra tay can thiệp cũng bị đám lính Thanh hành hung. Dân Nhật tức giận có người dùng gạch đá ném bọn côn đồ. Cuộc xung đột lan ra cả phố Nagasaki làm cho nhiều người mất mạng.
Sau khi trấn áp mọi sự tri sự thành phố Nagasaki yêu cầu chính phủ Thanh Quốc xin lỗi và bồi thường. Họ hứa là sẽ điều tra trong khi đó Lý Hồng Chương gặp công sứ Nhật Bản ở Thiên Tân vừa khiển trách vừa trấn an. Trong nước nhóm quá khích đòi trừng phạt Nhật Bản bằng quân sự.
Nếu ta có dịp xem bộ phim "Saka no ue no kumo" (坂の上の雲) dựa theo tiểu thuyết khảo chứng lịch sử của Shiba Ryotaro (司馬遼太郎) do đài NHK chế tác 3 năm trước đây, chắc có người còn nhớ thái độ ngạo mạn của Lý Hồng Chương đối với sứ giả Nhật gởi sang để cầu hòa trước chiến tranh Thanh Nhật.
Về sau người Nhật gọi cuộc viếng thăm bất ngờ của hạm đội Bắc Dương là "Nagasaki Jiken" (長崎事件・Nagasaki Incident) .
Sự kiện nầy tạo ra một mối ác cảm trong dân Nhật đối với người Tàu. Chính nó cùng với cuộc chính biến Giáp Thân đã làm cơ nhân tốt cho nhóm chính khách "Genyosha"(玄洋社) đổi hướng từ "Dân quyền luận" sang "Quốc quyền luận" đưa đến con đường quân bị cho Đế Quốc Nhật về sau.
Thái độ ngạo mạn của nhà Thanh chẳng qua là do định kiến sẵn có về người Nhật xưa nay và họ muốn bắt chước Hoa Kỳ dùng "tàu lớn" để làm nhục Nhật Bản. Về phía chính quyền Meiji lúc bấy giờ Ito Hirobumi (伊藤博文) là thủ tướng của nội các. Là người có mắt nhìn xa, Ito muốn tránh chiến tranh bằng mọi cách trong lúc nầy. Cho nên chuyện xảy ra ở Nagasaki được ông tìm cách giải quyết một cách ổn thỏa dù rằng Nhật phải chấp nhận sự yêu cầu của nhà Thanh là cấm cảnh sát Nhật mang kiếm và bỏ ra nhiều tiền hơn nhà Thanh để cứu tế người đã bị thương và mất mạng (lý do là bên Thanh Quốc số thiệt mạng nhiều hơn)
Sau đó thì .....
Woo Map