Sống thử - Nên hay Không nên?
1. Lợi ích của sống cùng nhau
Lợi ích đầu tiên của việc sống thử là cho phép các cặp tìm hiểu sự hoà hợp lâu dài. Ai cũng có những suy nghĩ, thói quen mà phải sống cùng họ mình mới có thể biết được. Có người bừa bộn, có người gọn gàng, có người đi ngủ sớm, có người đi ngủ muộn, có người thích vừa ăn vừa xem TV, có người coi bữa ăn là thời gian riêng tư của hai người.
Sống thử cho phép hai người phát hiện ra những điểm không tương đồng. Quan trọng hơn, là để hai người có yêu nhau đủ để có thể thoả hiệp, thay đổi cuộc sống cá nhân để phù hợp với người kia không.
Thứ hai, sống thử cho phép các cặp yêu nhau thảo luận về cách phân bổ trách nhiệm. Và rồi trách nhiệm tài chính: một chủ đề các cặp yêu nhau ngại nói đến nhưng lại là một trong những lý do phổ biến nhất khiến các cặp vợ chồng bất hạnh.
Sống thử dành cho những người sống xa gia đình, sống với người mình yêu thương mang đến cho mình nhiều an ủi về mặt tinh thần. Nếu ở một mình, có khi ăn uống linh tinh, dở bữa, nhưng ở với ai đó, tự nhiên bạn ăn uống đúng giờ hơn và có động lực để ăn uống lành mạnh hơn. Những việc tẻ nhạt như đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều.
2. Quan hệ tình dục
Việt Nam, đáng buồn là một trong những quốc gia đi sau cùng thế giới về giáo dục giới tính.
Ở nhà, các bậc phụ huynh cấm con cái quan hệ thay vì dạy chúng cách quan hệ an toàn. Ở trường, giáo viên đỏ mặt khi nói về chủ đề này, dạy qua loa cho có. Nhưng vì tình cảm không thể ngăn cấm được, Việt Nam đứng đầu châu Á và trong top 5 trên thế giới về tỷ lệ phá thai.
Yêu là một chuyện hết sức bình thường. Quan hệ tình dục là một chuyện hết sức bình thường miễn là cả hai có thể chịu trách nhiệm về việc mình làm và hậu quả của nó. Bạn chỉ nên quan hệ nếu đó là điều bạn muốn chứ không phải vì nếu bạn không làm điều đó, người yêu sẽ bỏ bạn. Nếu người yêu bạn ép bạn hay dè bỉu bạn vì bạn không muốn, họ không phải là người tốt.
Nếu hai người quyết định quan hệ, mình chỉ hy vọng cả hai đặt câu hỏi: Hai người sẽ làm gì nếu chẳng may có thai? Dĩ nhiên, cả hai phải dùng biện pháp tránh thai nếu chưa sẵn sàng, nhưng không biện pháp tránh thai nào là hiệu quả 100%.
Đây là một câu hỏi khó, nhưng nếu bạn chưa sẵn sàng trả lời thì đồng nghĩa bạn chưa sẵn sàng để quan hệ tình dục. Nếu hai người không thể đồng tình với nhau về câu trả lời thì bạn không nên quan hệ tình dục. Và mình cũng nghĩ các bạn không nên quan hệ trước 18 tuổi, bởi 18 tuổi còn quá nhỏ để có thể chịu trách nhiệm cho bất kỳ vấn đề gì.
3. Sống thử có làm tăng khả năng tan vỡ hay không?
Năm 2018, Journal of Marriage and Family đưa ra kết luận dựa trên một nghiên cứu rằng tỷ lệ ly dị của các cặp vợ chồng sống cùng nhau trước khi cưới thấp hơn trong năm đầu tiên, nhưng cao hơn sau 5 năm. Nhưng chỉ hai tuần sau, một tổ chức phi lợi nhuận University of Texas at Austin, cũng dùng nghiên cứu đó để đưa ra kết luận ngược lại: sống cùng nhau trước khi cưới giảm tỷ lệ ly dị. Lý do là trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1970, cả sống thử và ly dị vẫn còn chịu nhiều định kiến xã hội của Mỹ. Các cặp vợ chồng dám đi ngược định kiến xã hội để sống thử thì cũng sẽ dám đi ngược lại định kiến xã hội để ly dị; và vì vậy, tỷ lệ ly dị cho các cặp sống thử cao hơn trong thời gian này. Nhưng kể từ năm 2000, khi mà sống thử trở thành chuyện bình thường trong xã hội Mỹ, tỷ lệ ly dị cho các cặp đã sống thử trở nên thấp hơn. Vẫn có những cặp đã sống thử rồi vẫn tiến tới hôn nhân ngay cả khi họ không phù hợp với nhau.
Không phải cặp nào sống thử cũng sẽ tiến tới hôn nhân. Phần lớn các cặp sống thử sẽ nhận ra rằng họ không phù hợp với nhau, và chia tay là điều nên xảy ra. Khi hai người đến với nhau với ý định nghiêm túc và tôn trọng cuộc sống của nhau, nếu như hai người không sống thử cùng nhau trước khi cưới, nhiều khả năng họ sẽ không thể sống thật nhau sau khi cưới.
4. Hậu quả tinh thần và xã hội của việc sống thử
Ở Việt Nam, các cặp sống thử vẫn phải chịu nhiều định kiến từ xã hội. Nhiều bạn giấu gia đình và bạn bè chuyện sống cùng người yêu, để khi gặp rắc rối trong chuyện sống thử, ví dụ như bị lạm dụng, bạo hành, hay có thai ngoài ý muốn, họ không thể chia sẻ hay tìm sự giúp đỡ từ ai.
Sống cùng nhau thổi phồng những vấn đề của một mối quan hệ không lành mạnh. Sau khi chia tay, những người đã từng sống thử, nhất là phụ nữ, rất có thể sẽ bị người mới đánh giá là dễ dãi. Mình biết một số trường hợp gia đình phản đối chuyện kết hôn vì cô dâu đã từng sống thử với người khác.
5. Sống thử như thế nào?
Sống cùng nhau là một bước tiến tự nhiên trong một mối quan hệ nghiêm túc. Thông thường, việc chuyển vào sống cùng nhau diễn ra sau khi yêu nhau ít nhất một năm.
Sống cùng nhau là cột mốc đánh dấu cam kết của hai người dành cho nhau. Mặc dù nó không đồng nghĩa với việc sẽ cưới, nhưng là bước đệm để hai người đánh giá sự hoà hợp lâu dài. Nếu bạn biết chắc rằng bạn không muốn ở cùng ai đó lâu dài, bạn không nên sống thử với người đó. Đừng sống thử chỉ vì muốn quan hệ tình dục, để có người hầu hạ, hay để chia tiền phòng. Bạn chỉ nên sống thử khi cả hai có thể tự lo cho cuộc sống của mình và không làm cuộc sống của đối phương thêm áp lực hơn. Bạn không nên sống cùng ai nếu như bạn sẽ phải phụ thuộc vào người đó, hoặc ngược lại.
Trong phần lớn trường hợp, các bạn sinh viên không nên sống thử, bởi họ chưa thể tự chủ cuộc sống của mình và cũng chưa đủ chín chắn để quyết định có muốn sống với ai lâu dài hay không. Theo mình, sinh viên là quãng thời gian để gặp gỡ nhiều người, yêu nhiều, trải nghiệm với nhiều mối quan hệ khác nhau để biết bản thân muốn một mối quan hệ như thế nào.
Sống cùng nhau không đồng nghĩa với việc bạn phải làm mọi thứ cùng nhau. Bạn cần phải duy trì cuộc sống của chính mình để có thể phát triển bản thân và không trở thành gánh nặng cho người còn lại. Bạn vẫn nên có bạn bè, vẫn có thể ra ngoài mà không cần xin phép, vẫn tự lập tài chính, vẫn có thể chơi với người khác giới, vẫn có thể dành thời gian tập trung vào sự nghiệp. Bạn cũng không nên giấu bạn bè chuyện sống thử. Nếu bạn phải giấu bạn thân của bạn điều gì đó, thì hoặc là điều đó là sai.
6. Cặp đôi nào yêu nhau cũng nên sống thử?
Mặc dù sống thử có nhiều lợi ích, song nó cũng nhiều điểm bất cập. Không phải cặp nào yêu nhau cũng nên sống thử và sinh viên càng không nên sống thử. Một cách sống khá phổ biến với bạn bè mình là hai người tuy không ở cùng nhau chọn căn hộ gần nhau, thậm chí cùng khu chung cư, để có thể dành nhiều thời gian bên nhau, nhưng vẫn có thể về nơi của riêng mình mỗi khi cần không gian riêng.
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết trên, mình rất mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các bạn! ❤️