Sợi tơ từ lá dứa
Dứa là loại trái cây phổ biến ở các đất nước vùng cận nhiệt đới như: Brazil, Hawaii và Indonesia. Ngay cả ở Việt Nam, dứa cũng là loại cây dễ trồng và quen thuộc với nông dân Việt. Thế nhưng, để nói về vải làm từ dứa thì đất nước nổi tiếng nhất phải là Philippines - được xem như là “quê mẹ” của loại vải này.
Theo ước tính, ngành công nghiệp dứa thải ra 40.000 tấn lá dứa mỗi năm bằng 2 con đường chủ yếu: vứt ra bãi rác hoặc đốt cháy. Sự xuất hiện của vải dứa giúp giải quyết được hiểm họa môi trường ô nhiễm đất, nguồn nước và thải chất độc ra không khí khi đốt cháy lên từ những hành động này. Vải dứa được làm từ cellulose chứa trong lá dứa - vốn là phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi nên việc tận dụng phần lá không ảnh hưởng đến chất lượng hay năng suất thu hoạch dứa.
Nhắc đến vải dứa thì không thể không nhắc đến Piñatex - chất liệu thay thế tuyệt vời cho da động vật được phát triển đầu tiên bởi công ty Ananas Anam và ước tính giảm tỷ lệ ô nhiễm hơn 20% so với da động vật. Đầu tiên, lá dứa thu hoạch từ những cánh đồng tại Philippines sẽ được cắt ra thành từng lớp và chiết thành những sợi dài và hơi bông xù (chất thải của quá trình biến sợi sẽ được trả lại cho người nông dân để họ làm phân bón). Sợi dứa sau khi được rửa sạch, phơi khô qua quá trình xử lý sẽ tạo nên một chất liệu không dệt với tên gọi Piñafelt. Chất liệu thô này được chuyển sang nhà máy tại Tây Ban Nha hoặc Ý để thực hiện những công đoạn cuối cùng và trở thành những tấm vải da thuần chay Piñatex chất lượng. Sản xuất 1m vuông Piñatex cần trung bình cần 480 sợi dứa tương đương khoảng 16 lá dứa. Vải da Piñatex có độ bền cao và chống nước, được sử dụng bởi hơn 1000 nhãn hàng gồm cả Hugo Boss và H&M...
Các sản phẩm dệt may từ dứa đã từng phổ biến một thời, thế nhưng đã dần ngưng sản xuất đi bởi sự cạnh tranh của vải cotton công nghiệp có giá thành thấp. Trong 20 năm trở lại đây, vải dứa bắt đầu được hồi sinh vì nhu cầu cho các loại vải bền vững, thân thiện ngày một tăng lên và vải dứa trở thành một lựa chọn lý tưởng cho thiên nhiên lẫn người dùng, thường bắt gặp trong các sản phẩm: túi, giày, ví, dây đeo đồng hồ, bọc ghế...
So với nước bạn, Việt Nam ta không hề kém cạnh về trồng trọt dứa, là nước cho sản lượng dứa đứng thứ 10 trên thế giới, với tổng diện tích trồng dứa cả nước khoảng 34.642ha và sản lượng đạt 555.047 tấn (theo FAO, 2016). Nhưng đầu ra của dứa hiện nay chủ yếu vẫn là bán trái thô, sản lượng chưa ổn định, trong khi giá phụ thuộc nhiều vào thương lái, khiến nông dân gặp không ít khó khăn.Nếu có thể sản xuất thành công tơ dứa thì quả là đáng mừng. Năm 2015, báo chí đưa tin một nhóm học sinh THPT An Lạc Thôn đã tiến hành nghiên cứu việc sử dụng các tơ sợi trong lá khóm(dứa) có khả năng chịu lực cao để dệt thành các tấm vải nhằm sản xuất ra bao bì, dây thừng, hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên đến nay cũng không có nhiều thông tin về đề tài. Nhưng với những con số biết nói trên, vải dứa có rất nhiều tiềm năng phát triển ở nước ta. Hi vọng tương lai xa, chúng ta sẽ được sử dụng vải dứa “made in Việt Nam” vừa xanh, sạch lại bền vững!