Sợi dây nghiệp - không phụ thuộc
Mỗi một mối quan hệ trong cuộc đời đều liên kết với nhau bởi sợi dây nghiệp. Những mối quan hệ càng sâu đậm đồng nghĩa với sợi dây nghiệp bện các bạn với nhau càng chặt chẽ.Chúng ta đều biết nghiệp là năng lượng dẫn dắt cảm xúc suy nghĩ. Đôi khi chúng ta không lý giải được tại sao chúng ta lại phụ thuộc vào đối phương đến như vậy trong một mối quan hệ.
Có bao giờ bạn tự hỏi, những lúc quá mệt mỏi, buông xuôi tất cả, để mặc mọi thứ trôi đi trong cơn vật vã của chính bạn, bạn có hoàn thành tốt những gì đã cam kết với linh hồn? Chỉ cần những lúc khủng hoảng nhất, bạn đủ tỉnh táo và sáng suốt để đặt câu hỏi cho chính mình và tự trả lời những câu hỏi ấy, bạn đã bước đầu thuận lợi nhìn thấy hướng giải quyết đối với nghiệp:
- Có phải tôi đã từng gây ra điều gì đó để hôm nay nhận lại phản lực này?
- Bài học tôi cần nhận ra là gì?
- Tôi cần làm gì để hoàn thành trải nghiệm này?
Nhận ra bài học đã giúp cho nghiệp của bạn vơi đi nhiều phần. Lên phương án ứng xử thông qua những hành động, việc làm cụ thể sẽ tiến tới quá trình giải nghiệp. Tôn trọng mọi cảm xúc, nhận biết mọi suy nghĩ, lập luận xem điều gì làm cho bạn mắc kẹt mãi ở điểm nút này mà không tháo gỡ được? Việc đắm chìm mãi trong trạng thái tiêu cực, tìm cách trốn chạy, buông xuôi, dịch chuyển sự chú ý. Cộng thêm thái độ chịu đựng, hờn oán, đổ lỗi, vai trò nạn nhân không giúp cho nghiệp của bạn vơi bớt đi.
Với cách ứng xử như vậy sẽ khiến khó khăn của bạn thêm nghiêm trọng hơn theo hình thức lãi mẹ đẻ lãi con. Đây là thái độ ứng xử của tâm thức vô minh. Bởi thế mà con người cứ trầm luân mãi trong luân hồi. Đối tượng này đi qua vẫn sẽ gặp lại đối tượng khác với y một cái khung cũ (vòng lặp). Sau đây, tôi sẽ nêu ra vài ví dụ cụ thể để bạn có thể áp dụng vào trong hoàn cảnh thực tế của chính mình:
Ví dụ 1: Tôi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ luôn áp đặt cuộc sống của tôi. Biến tôi thành một người yếu đuối, không có cách nào độc lập tự quyết những vấn đề trọng đại cho cuộc đời mình. Tôi rất mệt mỏi với những sắp xếp của bố mẹ. Đó là điều mà họ mong muốn chứ không phải là điều mà tôi thích.
Bài học tôi cần nhận ra trong hoàn cảnh này chính là sự đột phá cá nhân. Vượt lên khỏi vùng an toàn dưới sự chi phối của bố mẹ để đạt được tự do linh hồn. Thêm một điểm quan trọng nữa, hãy hành động bằng cái tâm yêu thương chứ không phải là sự bốc đồng, nông nỗi.
Có thể xin phép ra sống riêng một thời gian để học được cách tự lập. Sau thời gian đó quay trở lại khẳng định cho bố mẹ thấy tôi rất hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống mà tôi chọn.
Ví dụ 2: Tôi có người chồng rất vũ phu về tinh thần với tôi và những đứa con, anh ta luôn áp đặt mọi người sống theo khuôn khổ, ý muốn mà anh ta thích. Nhưng tôi không thể xa rời bởi vì tôi bị phụ thuộc mọi mặt trong đời sống. Con tôi cần được nuôi dưỡng trong điều kiện đầy đủ, thêm nữa chúng nó cần một gia đình chuẩn mẫu.
Bài học cần nhận ra trong hoàn cảnh này là hãy trân trọng bản thân, vượt thoát ra khỏi sự yếu đuối hèn nhát. Nghiệp nợ với anh ta, tôi cũng đã chịu đủ trong thời gian tâm trí bị mắc kẹt bởi vô minh. Tôi phải giải thoát mình khỏi sự thao túng về tâm trí, giải thoát cho mình cũng chính là giúp cho người chồng nhận ra bài học của anh ta, anh ta xem trọng lý tưởng, mong ước của bản thân thì anh ta phải tôn trọng lý tưởng sống của người khác. Vùi dập ước mơ sống của người khác, chỉ đẩy anh ta sa đoạ hơn vào nghiệp xấu. Tôi tưởng rằng sự nhẫn nhịn là tình yêu thương tôi dành cho chồng cho con, nhưng điều đó chỉ làm cho tội của anh ta thêm nặng hơn. Sau khi quan sát để đưa ra đánh giá đúng, hãy lên phương án phù hợp để giải thoát chính mình.
Ví dụ 3: Có một người đồng nghiệp luôn đố kị với tôi. Chỉ cần có cơ hội là họ nói xấu, thậm chí đưa tôi vào thế khó.
Bài học cần nhận ra là: trong 1 kiếp sống nào đó, tôi cũng gây ra những điều tương tự như vậy. Người đó xuất hiện để dạy tôi bài học phải bao dung và yêu thương với mọi lỗi lầm từ sự vô minh của họ
Phương án hành động: sau khi đã nhận định rõ ràng về nghiệp, dừng sự oán hận, trách móc đang phóng lên đối tượng đó. Ngừng phản ứng bằng sự khó chịu, mà hãy thu mình lại, xử sự với họ bằng tình yêu thương và lòng bao dung. Nếu chưa thể uốn nắn được cái tâm để nương theo cách xử lý đó thì cũng đừng quan tâm đến họ nữa.
Chúng ta thường tìm rất nhiều lý do để biện hộ cho sự yếu đuối, bao biện cho cái tâm không dám vượt thoát khỏi sự an toàn khốn khổ của chính mình:
- Tôi làm điều này là tốt cho con tôi.
- Tôi cần anh ta vì anh ta là chỗ dựa kinh tế của tôi.
- Rất nhiều người đang phụ thuộc vào tôi, cần tôi cung cấp một đời sống vật chất đầy đủ.
- Ba mẹ tôi cần tôi.
Có bao giờ bạn tự ngẫm lại, suy nghĩ của bạn áp đặt lên hoàn cảnh có phải là tốt nhất với những gì đang diễn ra? Hay đó chỉ là suy nghĩ của chính bạn đối với điều bạn cho rằng là như vậy. Làm sao bạn có thể chủ quan cho rằng điều gì là tốt nhất cho những đứa trẻ, cho bố mẹ, cho gia đình của bạn? Trong định nghĩa đúng đắn của yêu thương, sự phụ thuộc không phải là tình yêu đúng nghĩa. Tình thương ích kỷ, chiếm hữu, bó buộc sẽ chỉ mang lại khổ đau.
Để cho người yêu thương được sống đúng là chính mình, tự do phát triển tâm thức mới là tình thương thật sự, là món quà ý nghĩa mà bạn muốn trao tặng cho người yêu thương. Đừng nhân danh tình yêu để kìm hãm một con người vào sự dính mắc, bám chấp bởi vô minh của chính ta.
Để ai đó phụ thuộc vào mình là bạn đang cắt đi trải nghiệm cần học hỏi của họ, bạn vô tình biến họ từ một người không khuyết tật thành khuyết tật. Vậy đấy có phải là tình yêu thương đúng nghĩa? Để bản thân phụ thuộc vào ai đó, hoàn cảnh, công việc nào đó, bạn đã từ chối cơ hội trải nghiệm ý nghĩa của một kiếp sống. Cầm tù chính linh hồn mình trong cái ngục mà bạn tự cho là an toàn.
Nghiệp kết nối các mối quan hệ với nhau, nhưng lựa chọn đắm chìm vào nó hay dũng cảm đối mặt để nghĩ biện pháp vượt thoát lại thuộc về tự do ý chí của bạn. Đừng đổ lỗi cho bất cứ hoàn cảnh hay đối tượng nào. Họ chỉ là tác nhân mang lại trải nghiệm, bài học cho bạn. Bạn ko phải là nạn nhân của họ hay của cảnh
Bởi vì quyết định cuối cùng thuộc về bạn, tiếp tục để những đợt sóng vô minh nuốt trọn linh hồn hay chủ động đi tìm ánh sáng tỉnh thức vượt thoát bài học nghiệp thuộc về lựa chọn của bạn. Hãy yêu thương trong sự tỉnh thức. Hãy tạo cơ hội cho mỗi linh hồn được tự do và tự lập cuộc sống của mình. Đến một lúc, bạn không phụ thuộc vào bất kì ai hay bất kì ai cũng không còn bị phụ thuộc bởi bạn, cũng là lúc nghiệp nợ chấm dứt, sự buông bỏ diễn ra, bạn và người ta đạt được tự do thực sự - điều mà mỗi linh hồn đều khao khát.