So sánh tiểu thuyết “Bất hạnh và khổ đau” (1920) của Merari Siregar và “Tố tâm” (1925) của Hoàng Ngọc Phách ?
kiến thức chung
“Bất hạnh và khổ đau” (Azab dan sengsara) là một cuốn tiểu thuyết được viết vào năm 1920 bởi nhà văn người Indonesia Merari Siregar và xuất bản bởi Balai Pustaka, một nhà xuất bản lớn của Indonesia. Đây được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học Indonesia hiện đại.
_Nội dung:
Câu chuyện bất hạnh của đôi nam nữ thanh niên tên là Aminudin và Mariamin. Aminudin và Mariamin là đôi bạn học cùng trường, lớn lên họ yêu nhau. Aminudin báo tin cho cha mẹ biết công việc của mình đã trôi chảy và đòi cha mẹ hỏi Mariamin cho mình làm vợ. Đồng thời anh cũng viết thư cho Mariamin để cô chuẩn bị. Gia đình Mariamin gặp tai biến, bị phá sản còn bố thì chết. Cha mẹ Aminudin quyết định chọn cho anh một người khác làm vợ. Họ đến nhờ thầy bói phán dùm cuộc tình duyên giữa Aminudin và Mariamin sẽ bất lợi và xung khắc. Sau đó cha anh dẫn nàng dâu tương lai đi Medan và buộc Aminudin phải lấy cô ấy với lí do Mariamin đã đi lấy chồng.
Còn Mariamin được gia đình gả cho Kasibun, người mà cô không quen biết và cùng làm việc ở Medan. Kasibun đã đứng tuổi, mắc bệnh hoa liễu, hay ghen tuông và hành hạ người vợ trẻ đủ điều, thậm trí còn đánh đập vợ một cách tàn nhẫn. Mariamin sống trong hoàn cảnh hoàn toàn bị dày vò và đau khổ. Một hôm Aminudin đến thăm Mariamin và bị Kasibn bắt gặp khiến hắn trở lên ghen tuông hơn bằng bạo lực. Không chịu nổi cảnh sống đày đọa về tinh thần và thể xác, Mariamin bỏ chồng và về nhà mẹ đẻ ở Sipirok, chịu tiếng xấu với dân làng. Vì buồn phiền nghĩ ngợi nhiều, Mariamin sinh bệnh rồi chết.
_Nhận xét:
+Bất hạnh và khổ đau mang giá trị của một cuốn tiểu thuyết mở đầu cho một thể loại mới trong văn xuôi hiện đại Indonesia.
+Tác phẩm được kết cấu bằng hai tuyến nhân vật đối lập nhau rõ ràng, mạch lạc, tiểu thuyết vẫn chưa thoát khỏi lối kết cấu theo trình tự thời gian.
+Đây là cuốn tiểu thuyết mở đầu cho hàng loạt các cuốn tiểu thuyết khác cùng mang nội dung phê phán tập tục cổ hủ, phê phán những tư tưởng phong kiến lỗi thời cản trở bước tiến của xã hội Indonesia.
+Văn học Indonesia hiện đại chú trọng khai thác các đề tài mang tính dân tộc, thể hiện khát vọng đấu tranh giải phóng và xây dựng một đất nước văn minh, trí tuệ và giàu tình người.
*Tác phẩm “Tố tâm” của Hoàng Ngọc Phách
Đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam cũng bất ngờ có một cuộc chuyển mình và gia nhập với dòng văn chương thế giới. Nền văn học Việt Nam trong bước đầu hiện đại hoá này đã làm một cuộc cách tân cả về nội dung lẫn hình thức, nó đã vượt qua những ràng buộc gò bó, chật hẹp của mẫu hình văn học Trung Quốc cũ với hệ thống niêm luật chặt chẽ. Trong số đó, đặc biệt nhất là thể loại tiểu thuyết, từ chỗ ảnh hưởng tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc nó đã chuyển sang tiếp nhận tiểu thuyết phương Tây. Nhưng xét về chất lượng của thể loại tiểu thuyết thời kỳ này, phải đặc biệt kể đến sự “tự ngời sáng” của “Tố Tâm”- tiểu thuyết đầu tay và duy nhất trong sự nghiệp văn chương của Hoàng Ngọc Phách (1896- 1973).
“Tố Tâm” được Hoàng Ngọc Phách viêt năm 1922, khi ông học năm cuối trường Cao đẳng sư phạm. Tác phẩm được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học hiện đại Việt Nam. Ngay từ lúc chào đời “Tố Tâm” đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận, “nó đã gây nên hiệu ứng xã hội không ngờ, làm lung lay cả luân lí hàng ngàn năm”. Tác phẩm kể về câu chuỵên tình thơ mộng nhưng đầy bi thương của đôi trai tài gái sắc: Đạm Thuỷ- Tố Tâm, qua lời dẫn truyện của nhân vật kí giả.
_Nội dung:
Tác phẩm kể về câu chuyện tình thơ mộng nhưng bi thương của đôi trai tài, gái sắc: Đạm Thủy – Tố Tâm, qua lời dẫn truyện của nhân vật ký giả.
Nghỉ hè, tại trường Đại học, nhân vật ký giả sang phòng bạn thân là chàng tân khoa Lê Thanh Vân, giỏi văn chương, biệt hiệu là Đạm Thủy. Chàng có chiếc hộp kỉ vật đề dòng chữ "Mấy mảnh di tình". Biết bạn có ẩn tình riêng, ký giả hỏi về chiếc hộp. Được khơi đúng tâm trạng, Đạm Thủy kể lại chuyện tình đau buồn của mình…
Một lần về quê, bị rơi mất ví dọc đường, Đạm Thủy đến trình quan huyện sở tại, được quan tiếp đãi nồng hậu. Trở lại trường, chàng được nhắn đến nhà bà Án, chị của quan, để nhận ví. Chàng kết thân với cậu Tân, con bà Án. Chính dịp này, chàng gặp và thầm yêu chị của Tân, nàng Nguyễn Thị Xuân Lan, cô gái đẹp nhất phố, nết na, hiền thục, tuy có phần kiêu kỳ. Nàng biết cả chữ Nho, chữ Tây, say mê văn chương. Vốn yêu thơ Đạm Thủy, nay biết mặt chàng, nàng thêm quyến luyến. Mỗi khi chàng đến chơi, hai người thích mạn đàm văn chương. Đạm Thủy đặt biệt hiệu cho nàng là Tố Tâm. Hai người dần cảm thấy không thể thiếu nhau. Bấy giờ, gia đình đã tính chuyện hôn nhân cho Đạm Thủy. Chàng đành viết thư kể sự thật với nàng. Nàng chủ động hẹn gặp, tỏ vẻ vui tươi, nhưng kỳ thực đau khổ. Đến nhà nàng bất chợt, Đạm Thủy càng hiểu tình yêu mãnh liệt của nàng. Từ đó, hai người ít gặp nhau, nhưng lại thường xuyên gởi cho nhau những bức thư nhớ thương, say đắm. Đôi lần, họ hẹn nhau đi chơi vùng quê, gặp nhau ở bể Đồ Sơn. Họ càng có thêm những kỷ niệm đẹp. Tình yêu thêm nồng nàn, nhưng là một mối tình trong sáng, cao thượng, không hề pha sắc dục. Lúc này, mẹ Tố Tâm ốm nặng, gia đình buộc nàng lấy chồng. Nàng nhất quyết khước từ. Đạm Thủy, vì quá yêu, nên có ý tưởng cùng nàng trốn đi, xây hạnh phúc. Nhưng nghĩ tình gia đình, chàng bỏ ý định. Tố Tâm cũng can ngăn chàng. Tố Tâm tiếp tục bị thúc ép. Phần vì quá thương mẹ, lại thêm Đạm Thủy viết thư khuyên nhủ, nàng đành chịu lấy chồng. Trước ngày cưới, nàng hẹn gặp Đạm Thủy, trao chàng kỷ vật và khóc từ biệt. Nhận lá thư vĩnh biệt củaTố Tâm, Đạm Thủy đáp từ, tặng nàng mấy cành hoa lan mừng ngày cưới. Sau lễ cưới, nhân hội chùa Đồng Quang, hai người thoáng thấy nhau, nhưng nàng quay mặt đi. Lúc này, nàng đã ốm nặng. Về, biết mình không khỏi bệnh, nàng tiếp tục viết nhật ký cho Đạm Thủy. Nàng cũng kể sự thật với chồng. Rồi nàng qua đời, chỉ sau ba mươi sáu ngày lên xe hoa.
Ngày đưa tang nàng, Đạm Thủy đau xót đến viếng, nhưng không dám xuất hiện. Hôm sau, chàng ra thăm mộ nàng, lấy áo mình đắp lên mộ. Trở lại thăm nhà bà Án, chàng được trao hộp kỷ vật, trong đó có quyển nhật ký của Tố Tâm. Đọc nhật ký, Đạm Thủy thương tiếc nàng, hối hận mà thành bệnh. Anh trai Đạm Thủy biết em suy sụp vì tình yêu nên kịp thời động viên, an ủi. Từ đó, Đạm Thủy quyết tâm học hành, lòng giữ hai điều thiêng liêng: công danh sự nghiệp và mối tình nồng nàn, cao thượng với Tố Tâm.
_Nhận xét:
+Tố Tâm thể hiện tính chất hiện đại trong việc lựa chọn đề tài. Là một thể loại văn học gần gũi nhất với cuộc sống, tiểu thuyết lấy đề tài từ hiện thực. Do dung lượng lớn, nó có thể khai thác mọi chiều kích, khía cạnh của hiện thực. Bởi vậy, hiện thực trong tiểu thuyết bao giờ cũng là một cuộc sống toàn diện, phong phú và nhiều mặt. Đặc biệt, tiểu thuyết hiện đại quan tâm đến số phận con người cá nhân, với tính cách đa dạng và thế giới nội tâm cực kỳ phức tạp. Đề tài của Tố Tâm đã hướng theo yêu cầu này: khai thác bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ. Tuy nhiên, Tố Tâm chỉ chọn một phạm vi nhỏ: chuyện tình yêu trai gái.
+Tố Tâm xây dựng được cốt truyện khá mới mẻ, hiện đại. Cốt truyện hấp dẫn không nhờ tình tiết ly kỳ mà vì tâm lý nhân vật được khai thác đến tận cùng những ngóc ngách sâu kín của nó.
+Tố Tâm đặt ra một chủ đề có sức tác động lớn đến người đọc: khẳng định vị trí của cá nhân, quyền sống của con người, trước uy quyền còn khá kiên cố của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Nó báo hiệu đã đến thời đại mà con người được quyền sống, được quyền chọn hạnh phúc, với tư cách con người cá nhân của mình.
+Tiểu thuyết Tố Tâm xây dựng được những hình tượng nhân vật mới mẻ, khá thuyết phục. Xây dựng hình tượng Tố Tâm và Đạm Thủy, tác giả đã hướng vào một lớp trí thức, đang chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, họ sẽ là lực lượng chủ yếu của xã hội thành thị Việt Nam trong thập niên sau đó.
_Kết luận:
Có thể thấy, tính chất tiên phong, hiện đại của tác phẩm Tố Tâm, trong lĩnh vực tiểu thuyết đầu thế kỷ XX, thực sự là điều không thể phủ nhận. Thành công của nó gắn liền với quá trình hiện đại hóa văn học. Nói cách khác, nếu không có quá trình hiện đại hóa văn học, chắc chắn không có Tố Tâm. Ngược lại, thành tựu tiểu thuyết sẽ còn khiếm khuyết, nếu quá trình hiện đại hóa văn học đầu thế kỷ XX không có Tố Tâm. Tác phẩm vẫn giữ địa vị tiên phong, xứng đáng mở đầu cho nền tiểu thuyết mới đầu thế kỷ XX, đồng thời mở màn cho trào lưu văn học lãng mạn của văn học Việt Nam hiện đại. Và hẳn nhiên, điều đó cũng gắn liền với tên tuổi Hoàng Ngọc Phách.
Nội dung liên quan
Lan Thảo Tiên