So sánh sự khác nhau giữa Nho học Trung Quốc với Nho học Nhật Bản (tức là Nho học khoa cử và Nho học tự do).
kiến thức chung
Nho học Trung Quốc- Nho học khoa cử Nho học Nhật Bản- Nho học tự do
Mục đích Để thi cử và tuyển chọn quan lại Vận dụng tạo ra một nền học thuật tự do.
Đối tượng Kẻ sĩ làng quê và quan lại Những chuyên gia nghiên cứu Nho học và những võ sĩ
Nội dung
Nhấn mạnh chữ “hiếu”
Đề cao chữ “trung”
1. Nho học Trung Quốc
Dưới thời phong kiến, nho học được dùng làm kiến thức căn bản để thi tuyển quan lại, là trọng tâm của chế độ khoa cử. Chế độ khoa cử là chế độ tuyển chọn nhân tài của xã hội phong kiến cổ đại Trung Quốc dựa trên việc tổ chức thi cử theo khoa mục (Tú tài, Minh kinh, Tiến sĩ, Minh pháp, Minh thư, Minh toán). Chế độ khoa cử bắt đầu vào thời Tùy, hoàn thiện vào thời Đường, Tống và kết thúc vào đời Thanh, tồn tại trong xã hội Trung Quốc hơn 1300 năm, nó đã có ảnh hưởng to lớn đến giáo dục và sự phát triển của xã hội Trung Quốc.
Về mặt tích cực và tiêu cực của Nho học khoa cử:
- Đào tạo, giáo dục nhân tài và làm phong phú, hoàn thiện nền giáo dục và chính trị văn hóa Trung Quốc.
Nho học đã đào tạo ra lớp nhân tài đã tiếp thu giáo dục văn hoá có hệ thống, nắm vững những tri thức lý luận về phương pháp quản lý quốc gia, được bồi dưỡng văn hoá tương đối tốt, đảm bảo được đội ngũ quan lại có trình độ tương đối cao, có lợi cho việc nâng cao hiệu suất hành chính, củng cố nền chính trị quốc gia.
- Thể hiện tính chất dân chủ và minh bạch trong việc tuyển dụng nhân tài.
Chống lại sự lũng đoạn của tầng lớp quyền quý trong việc lựa chọn quan lại, trong một chừng mực nhất định đã tạo điều kiện và cơ hội để tầng lớp bình dân gia nhập hàng ngũ của giai cấp thống trị, từ đó, dùng khoa cử tuyển quan chức là một công cụ để củng cố vương quyền.
- Có lợi cho việc luân chuyển các tầng lớp xã hội.
Nó thúc đẩy một số đông người từ tầng lớp sĩ dân chuyển lên tầng lớp trên, đó là lực lượng quan trọng làm kết cấu xã hội thay đổi, việc mở khoa thi tuyển chọn người tài không ngừng được tiến hành đã khiến cho tầng lớp sĩ dân không dừng lại ở việc thải cũ (tiến vào đội ngũ quan trường) nạp mới (thu nạp sinh viên mới), từ đó, ở một mức độ nhất định, đảm bảo được sự đổi mới của đội ngũ quan lại.
- Có chức năng nhất định trong việc điều hành thống nhất văn hoá và phổ cập văn hoá.
Trong mỗi kỳ thi, chỉ có một số ít người trúng cử có thể gia nhập tầng lớp trên, còn tuyệt đại đa số vẫn ở lại tầng lớp dưới, trở thành những người truyền bá văn hoá.
Như vậy, nhờ tính cạnh tranh bình đẳng nhất định về trình độ, có ích cho sự luân chuyển các giai tầng trong xã hội, cho sự thống nhất và phổ cập văn hoá , lại có lợi cho việc ổn định và củng cố sự thống trị của các vương triều phong kiến nên Nho học khoa cử được tầng lớp thống trị qua các đời rất coi trọng.
Song, nho học khoa cử (Nho học từ chương) bị khuôn đúc, giới hạn về mặt kiến thức. Thêm vào đó, Nho học khoa cử từ chỗ rất tích cực: thể hiện tính chất dân chủ và minh bạch trong việc tuyển dụng nhân tài, nhưng dần dần suy thoái đi đến chỗ “hư học” và bệnh “chuộng bằng cấp, trở thành một vật cản cho sự phát triển văn hoá tư tưởng và tiến bộ xã hội khi tuyển chọn nhân tài bằng thể văn bát cổ và chính trị chuyên chế quân chủ phong kiến.
2. Nho học Nhật Bản
Nho học ở Nhật Bản lại mang tính tự do.
Vì Nhật Bản không áp dụng chế độ khoa cử mà họ sử dụng chế độ thế tập: quý tộc cung đình, lãnh chúa địa phương, võ sĩ truyền đời nên khi Trung Quốc xác định mục đích giáo dục của Nho giáo là để thi cử và tuyển chọn quan lại, người Nhật đã vận dụng nó vào việc tạo ra một nền học thuật tự do. Do vậy, người Nhật luôn công nhận sự tồn tại của nhiều trường phái Nho giáo khác nhau. Ví dụ: trong thời kì Edo, mặc dù Chu Tử học phái (Shushigakuha - 朱子学派) của (đại diện tiêu biểu là) Hayashi Razan (林羅山)được xem là chính thống (Quan Nho phái-官儒派) nhưng không vì thế mà các học phái khác không được thừa nhận. Ngoài Chu Tử học phái, có thể kể ra nhiều học phái khác trong thời kì Edo như: Dương Minh học phái(Youmeigakuha - 陽明学派)của Nakae Touju(中江藤樹, Kumazawa Banzan(熊沢蕃山; Cổ học phái(Kougakuha- 古学派)của Itou Jinsai(伊藤人斎; Công lợi chủ nghĩa phái (Kourishugiha - 功利主義派) của Ogyuu Sorai(荻生将来... Tùy theo quan điểm của từng lãnh chúa (Daimyo) ở các địa phương khác nhau mà các học phái được thừa nhận và trọng dụng một cách rất khác nhau. Ví dụ: ở các Phiên khác nhau, người ta có thể lựa chọn trí thức để phục vụ cho mình từ nhiều nguồn học vấn khác nhau: có Phiên sử dụng trí thức Chu Tử học, có phiên lại dùng phái Cổ học hay Dương Minh học… Chính quyền trung ương không tham dự vào công việc này. Nhờ thế mà trí thức Nhật Bản không bị "đóng khuôn" kiến thức. Ngoài ra, các học phái Nho giáo ở Nhật Bản thời bấy giờ về phương diện tư tưởng đều luôn đấu tranh, phê phán nhau kịch liệt, nhờ vậy tạo điều kiện cho học thuật và xã hội tiến bộ. Ví dụ: Dương Minh học phái (Youmeigakuha - 陽明学派)có nội dung tư tưởng chống lại chính sách cố định thành phần (cấm thay đổi thành phần trong xã hội) của chính quyền Mạc phủ; và phê phán Chu Tử học phái (Shushigakuha - 朱子学派) ở nội dung mong muốn xã hội yên bình trong một trật tự nghiêm khắc. Dù phản đối kịch liệt các tư tưởng mới của Dương Minh học phái (Youmeigakuha - 陽明学派)nhưng qua các cuộc tranh luận, các phái bảo thủ khác (tầng lớp bảo thủ) cũng lặng lẽ tiếp thu khá nhiều những tư tưởng có tính cách cách mạng của Dương Minh học phái (Youmeigakuha - 陽明学派).
Ở Trung Quốc, người đảm trách Nho giáo là người có học, họ là kẻ sĩ làng quê hoặc quan lại. Còn ở Nhật Bản, người đảm trách Nho giáo là những chuyên gia nghiên cứu Nho học và những võ sĩ ở các phiên (lãnh địa) và đô thị tìm đến Nho giáo như là môn học về luân lý cá nhân. Người đảm trách Nho giáo khác nhau, nên vai trò xã hội của Nho giáo cũng khác nhau. Kẻ sĩ Nhật Bản là võ sĩ lúc đầu xuất thân từ nông dân, nhưng dần dần tách ra khỏi tầng lớp này trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Do võ sĩ cấm không được thờ hai chủ nên nhiều người trong số họ sau khi chủ chết đã trở thành “rounin” (lãng nhân – võ sĩ thất nghiệp), lên các đô thị sinh sống, rồi trở thành trí thức đô thị hay thương nhân. Chính điểm này đã khiến Nho giáo Nhật Bản mang tính chất "đô thị" và nội dung giáo dục của Nho giáo Nhật Bản dễ dàng tiếp thu các yếu tố khoa học tiến bộ từ phương Tây.
Nho sĩ võ sĩ Nhật Bản xem võ nghệ là sở trường và là cơ sở để đánh giá năng lực, Họ dứt khoát, mạnh mẽ, quyết liệt và có đầu óc thực tiễn cao, đặc biệt ưa võ, trọng sức mạnh, nuôi tham vọng bình thiên hạ. Vì thế, sự trói buộc tinh thần với quá khứ của giới trí thức Nhật Bản theo đó cũng giảm bớt sự nặng nề khi bước vào thời cận đại. Đây là đặc điểm vô cùng quan trọng chi phối đến đường hướng cùng những đóng góp của Nho sĩ đối với sự phát triển của dân tộc trong suốt những chặng đường lịch sử về sau.
Nếu như ở Trung Quốc nhấn mạnh chữ "hiếu", ở Triều Tiên – Hàn Quốc nhấn mạnh chữ"Lễ", ở Việt Nam nhấn mạnh chữ "Nghĩa" thì người Nhật Bản nhấn mạnh chữ "Trung" (Quan điểm của giáo sư Tsuboi Yoshiharu, Nhật Bản). Ở Nhật Bản, chữ "Trung" là quan điểm đạo đức được đề cao nhất. Đối với các Nho sĩ - võ sĩ Samurai thì lòng trung thành được xem là tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu, gọi là “Trung thành tâm” (忠誠心 chùseishin). Chữ “Trung” của Nhật Bản không giống với chữ Trung ở Trung Quốc hay Việt Nam. Trung vốn được hiểu là trung với nước, trung quân gắn liền với ái quốc. Lòng trung của các Nho sĩ Nhật Bản trước hết là lòng trung thành với chủ chứ không phải là trung quân nói chung. Lòng trung thành ấy sẽ phát triển theo cấu trúc hàng dọc và đơn tuyến: từ trung thành với lãnh chúa đại danh mới đến trung thành với tướng quân, rồi cuối cùng với Thiên hoàng. Điều này khác biệt với Nho giáo Trung Hoa chính thống khi nó đặt trọng tâm cao nhất mối quan hệ quân - thần trong Tam cương.
3. Lý giải sự khác biệt
Nhật Bản là một quốc đảo nằm về phía Đông Bắc của lục địa Châu Á. Sự ngăn cách do biển Hoa Đông và eo biển Triều Tiên khiến cho Nhật Bản gần như biệt lập với Trung Quốc, giúp Nhật Bản tránh được họa ngoại xâm đến từ nước này. Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử, Nhật Bản thực sự trở thành chư hầu của Trung Hoa. Vì thế, những ảnh hưởng văn hóa từ Trung Hoa truyền vào Nhật Bản không phải bằng con đường cưỡng bức mà bằng chính thái độ tự nguyện và chủ động.
Nói cách khác, khi Nho giáo Trung Hoa truyền vào Nhật Bản thì nó chỉ được tiếp nhận khi đã được Nhật hóa. Bởi thế, cùng với việc lưu giữ những giá trị căn cốt của Nho giáo phù hợp với bản sắc chung của khu vực Á Đông để làm nên cái nền văn hóa chung mang đặc tính Nho giáo ở nước này (tức những điểm tương đồng) thì Nho giáo khi thâm nhập vào lại được tái cấu trúc trong môi trường đặc thù của nước đó.
Nho giáo khi vào Nhật Bản bị khúc xạ theo hướng dương tính hóa do chịu tác động của văn hóa du mục Phương Bắc. Những đặc trưng của dòng văn hóa du mục Phương Bắc ở cực dương tính (như: Tính quốc tế thể hiện ở mục tiêu cao nhất của người quân tử là “bình thiên hạ”; Tính “phi dân chủ” mà hệ quả của nó là tư tưởng “bá quyền”, coi khinh các dân tộc khác coi thường người dân, đặc biệt là phụ nữ; Tính “trọng sức mạnh”, trọng võ; Tính “nguyên tắc” kỷ luật) thấm nhiễm trong Nho giáo Nhật Bản đã tác động không nhỏ đến tư tưởng của người Nhật.
Như vậy, rõ ràng là Nho giáo được tiếp nhận ở Nhật Bản một cách tự nguyện, chủ động và thông qua lăng kính khúc xạ mang đậm sắc thái Nhật Bản.
Nội dung liên quan
Nguyễn Thị Thảo Tâm