Sinh viên ngành VĂN HÓA TRUYỀN THÔNG cần học những gì?
Một bài viết mình viết để gửi tặng các em sinh viên ngành Văn hóa truyền thông (khoa Văn hóa học) nơi mình đang giảng dạy nhưng mình post lên đây bởi mình nghĩ nó đều cần cho các bạn sinh viên nói chung.
Sau buổi workshop (ngày 29/4/2021) mình đã nhận được khá nhiều những feedback của các em sinh viên. Hầu hết các bạn đều bày tỏ sự biết ơn đối với chương trình về những kiến thức đã được chia sẻ cũng như những định hướng, lòng nhiệt thành giải đáp những khúc mắc, câu hỏi từ phía các thầy cô và khách mời. Bên cạnh đó, nhiều bạn cũng cảm thấy “ngộ ra”, “rõ hơn” những gì mình cần phải học tập, trau dồi để có thể vững vàng trong nghề nghiệp mà các em đã lựa chọn. Một số bạn không khỏi băn khoăn không biết mình nên bắt đầu từ đâu và phần nào lo lắng khi cảm thấy đang còn thiếu quá nhiều thứ cần phải trau dồi, học tập. Đó chính là lý do mình quyết định viết bài viết chia sẻ này nhằm giúp cho các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành Văn hóa truyền thông (đang học tập ở khoa mình) có sự nhìn nhận rõ hơn về ngành học cũng như những kiến thức, kỹ năng cần có để có thể học hỏi, trau dồi cho nghề nghiệp trong tương lai. Tất nhiên, khi mình viết bài viết này mình cũng ý thức rằng mình không phải là chuyên gia truyền thông, cũng không phải là người đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực truyền thông nhưng bằng những gì mà mình quan sát, học hỏi, lắng nghe và bằng kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế qua việc học hàng ngày, mình chia sẻ với các em những suy tư của mình về ngành học này. Hy vọng rằng những điều này sẽ giúp ích chút nhiều cho các bạn sinh viên trên hành trình học tập, nuôi dưỡng ước mơ và nghề nghiệp của bản thân.
Một điều không thể phủ nhận rằng, trong xã hội ngày nay, việc truyền thông có ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta hay không không còn là vấn đề phải bàn. Bởi thực tế rằng chúng ta đang sống trong truyền thông, ở trong truyền thông. Hàng ngày chúng ta liên tục tiếp xúc với tivi, báo in, tạp chí, mạng internet, hình ảnh quảng cáo, các chiến dịch truyền thông...(với sự lên ngôi của truyền thông thị giác và truyền thông xã hội) ở khắp mọi nơi. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa phương tiện. Một điều không thể nghi ngờ gì nữa là truyền thông đang tác động khá lớn đến nhận thức, niềm tin, hành động của mỗi chúng ta. Điều này cho thấy truyền thông đã và đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Chúng ta đã, đang sống trong truyền thông, chịu ảnh hưởng, tác động từ truyền thông trên cả mặt tích cực và tiêu cực. Thế nên, có thể nói, trong những ngành học hiện nay, ngành học liên quan đến lĩnh vực truyền thông trở nên “hot” hơn bao giờ hết và cũng trở thành ngành sẽ đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sau khi ra trường. Đặc biệt với sinh viên chuyên ngành Văn hóa truyền thông (như khoa mình đang đào tạo) thì kiến thức về văn hóa (trong nhiều môn học đại cương, cơ sở ngành) chính là lợi thế/thế mạnh của các em khi làm về truyền thông. Những hiểu biết, kiến thức nền tảng về văn hóa chính là những chất liệu để các bạn có thể là truyền thông theo 2 hướng: sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông (content, thiết kế poster, video, clip, quảng cáo…) mang những nét đặc trưng, riêng có (từ chất liệu văn hóa) và truyền thông cho những sản phẩm văn hóa (thể hiện qua những dự án truyền thông văn hóa được nhiều bạn trẻ đang thực hiện hiện nay). Tuy nhiên, để phát huy được những thế mạnh này và trở nên vững vàng trong nghề nghiệp tương lai, các em sẽ cần phải học tập và trau dồi những gì?
Thái độ, tinh thần học tập
Mọi kết quả tốt đẹp chỉ đến với chúng ta khi chúng ta có thái độ, tinh thần học tập tốt. Điều này được thể hiện qua sự chuyên cần, khiêm tốn, cầu thị học hỏi; luôn tò mò, mong muốn được hiểu, được biết, được làm, được trải nghiệm, được sai…để từ đó chúng ta có sự trưởng thành hơn trong nhận thức và tư duy. Sự trưởng thành mà mình nói ở đây không đơn giản là sự lớn lên của lứa tuổi, sự ổn định về đời sống vật chất, có công danh sự nghiệp, gia đình, các mối quan hệ…theo những tiêu chí mà lâu nay chúng ta thường cho đó là đã đầy đủ để có thể coi là trưởng thành. Theo một số nhà nghiên cứu (như Koul Berg, James Marcia) trưởng thành là khi chúng ta thực sự hiểu bản thân mình muốn gì, hiểu và đọc tên được những cảm xúc của mình và của người khác để có thể cân bằng hay quản trị được nó để từ đó có cách ứng xử hài hòa trong các mối quan hệ, là khi ta có chính kiến, quan điểm riêng, hành động trên nguyên tắc của cá nhân mà không phụ thuộc hay tuân thủ theo ý kiến của người khác và những quy ước chung của xã hội... Do đó, trưởng thành là khi bạn đạt được “căn tính” (identity) do mình tạo nên từ những lựa chọn của mình (tạo ra được bản thể: tôi là ai, hệ giá trị của tôi), là khả năng suy ngẫm đúng/sai và hành động theo hệ giá trị của mình, là đạt được năng lực, chỉ số thông minh cảm xúc (IQ).
Khi là sinh viên và dù sau này các bạn hãy luôn đặt mình ở vị thế người muốn học, được học, được mở rộng sự hiểu biết, luôn tham gia với tâm thế tích cực và trọn vẹn nhất trong mỗi khoảnh khắc hiện tại. Có như vậy, các bạn mới có thể học hỏi được nhiều điều thú vị trong cuộc sống và từ những người xung quanh. Mình tin rằng khi chúng ta thực sự mong muốn điều gì, vũ trụ sẽ dẫn dắt chúng ta đến với những điều đó theo các con đường khác nhau. Tránh thái độ kiêu ngạo, tự mãn với bản thân, đừng biến mình thành cái “thùng rỗng kêu to”, những “giáo sư biết tuốt” bởi không ai có thể trở thành người giỏi tất cả. Kiến thức ngoài kia là đại dương mênh mông còn chúng ta chỉ là hạt cát bé nhỏ giữa mênh mông đại dương ấy. Điều quan trọng là các bạn cần biết mình là ai, những mong muốn, sở thích, ước mơ, thế mạnh của mình là gì để nỗ lực trau dồi, vun đắp. Hãy tin vào năng lực, vào những thế mạnh riêng có của bản thân để hiện thực hóa những tiềm năng và hãy “Cứ thử đi vì cuộc đời cho phép…” (Một bài viết mình đã chia sẻ gần đây các bạn có thể tìm đọc trên Noron.vn/Kỹ năng mềm hoặc facebook cá nhân của mình) . Mình tin rằng, một thái độ sống tích cực, một tinh thần học tập tốt, mọi cố gắng, nỗ lực của các bạn sẽ được đền đáp.
Luôn học tập, nỗ lực không ngừng
Mình luôn tâm niệm học tập là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, “mưa dầm thấm lâu”, “tích tiểu thành đại”, là quá trình tích luỹ đủ về lượng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất hay theo một cách nói ví von “đủ nắng hoa sẽ nở”. Thế nên việc học không bao giờ là nhanh chóng, dễ dàng. Bạn nên nhớ “dục tất bất đạt”, không có cái gì là “một đập ăn quan”, là có kết quả ngay được. Mọi kết quả đều đến từ sự tích luỹ (kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, kỹ năng…) từng bước một để đến một ngày bạn nhận ra mình đã tiến bộ vượt bậc như thế nào trong nhận thức, tư duy, hành động so với chính bạn của ngày hôm qua. Do đó, học là một quá trình luôn đòi hỏi sự nỗ lực tự thân của mỗi người. Do đó, mình luôn đến với sự học bằng tâm thế tích cực, với câu hỏi thôi thúc bên trong, mong muốn được tìm hiểu, khám phá, giải đáp những khúc mắc chứ không phải vì những mục đích hời hợt, trước mắt hay đưa mình vào tâm thế “phải học”(Nguyễn Thanh Mai, “Hạnh phúc của sự học”/Noron.vn/Kỹ năng mềm).
Trong việc học, các bạn cần có những định hướng cụ thể, xác định rõ cho mình, điều mình “thực sự muốn trở thành” để từ đó trau dồi những kiến thức, kỹ năng cần có. Ví dụ, với sinh viên ngành Văn hóa truyền thông để có những lợi thế về công việc sau này, trước hết các bạn cần học tốt các môn nền tảng, cơ sở về văn hóa Việt Nam và thế giới như Cơ sở văn hóa Việt Nam, Văn hóa dân gian Việt Nam, Tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, Phong tục tập quán Việt Nam, Các nền văn minh thế giới, Địa văn hóa và các vùng văn hóa…Đồng thời luôn tích lũy, trau dồi, mở rộng những kiến thức cho mình về văn hóa như đọc thật nhiều, theo dõi các sự kiện, các chương trình về văn hóa, khám phá, tìm hiểu văn hóa các vùng miền, các quốc gia trên thế giới…Bởi như mình đã nói, đây chính là thế mạnh riêng có của các bạn khi các bạn là sinh viên trường Đại học Văn hóa – môi trường, cái nôi đào tạo hàng đầu về các ngành học liên quan đến văn hóa. Đồng thời đây chính là chất liệu để các bạn sáng tạo các sản phẩm truyền thông và thực hiện các dự án truyền thông văn hóa. Vì vậy, đừng bỏ qua bất cứ môn nào liên quan đến văn hóa và hãy học với tinh thần, thái độ tích cực, tập trung nhất, tích lũy cho mình nhiều nhất những kiến thức, hiểu biết về văn hóa.
Đồng thời, khi bước vào chương trình kiến thức chuyên ngành, các bạn cần trau dồi những kiến thức và kỹ năng truyền thông với các môn học liên quan trực tiếp như Khai thác và xử lý thông tin trong truyền thông, Các phương tiện truyền thông, Công chúng truyền thông, Kỹ năng viết trong truyền thông…Tuy nhiên, những môn học trong chương trình với lượng thời gian có hạn không đáp ứng được hết nhu cầu học tập cho các bạn, đặc biệt là việc thực hành. Vì vậy, thay bằng việc đặt quá nhiều kỳ vọng trong các môn học và giảng viên giảng dạy các bạn nên tìm thêm những khóa học chuyên sâu, những môi trường được thực hành (các dự án, các chương trình tình nguyện viên cho các tổ chức phi chính phủ, các công ty, doanh nghiệp…) để tích lũy kiến thức và được thực hành nghề nghiệp tương lai sau này. Như mình được biết, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, có khá nhiều các khóa học bổ ích (hoàn toàn miễn phí) cả online và offline. Chỉ cần bạn thực sự mong muốn, mình tin rằng các bạn sẽ học được và được học. Bạn cũng cần gia tăng việc học tập qua trải nghiệm
Ngoài ra, sinh viên hiện nay và đặc biệt với sinh viên ngành Văn hóa truyền thông thì vấn đề ngoại ngữ (mà cụ thể là tiếng Anh – ngôn ngữ phổ biến mang tính toàn cầu) là không thể thiếu. Học tiếng Anh, giỏi tiếng Anh không phải để bạn trở nên nổi tiếng, trở thành người được khen ngợi, ngưỡng mộ từ những người xung quanh mà điều quan trọng là tiếng Anh sẽ trở thành công cụ, phương tiện giao tiếp để bạn có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, kiến thức mới cập nhật liên tục trên thế giới. Các khóa học hay hiện nay đa phần được giảng dạy bằng tiếng Anh. Do đó, biết tiếng Anh sẽ là một lợi thế cho các bạn trong quá trình tìm kiến tri thức cho việc học của mình (Các bạn có thể đọc bài chia sẻ “Câu chuyện học tiếng Anh của tôi”, “Tìm kiếm động lực và phương pháp học tiếng Anh” phù hợp của mình trên Noron.vn/Kỹ năng mềm hoặc trang facebook cá nhân nhé).
Học tập, trau dồi Kỹ năng
Bên cạnh những kỹ năng cứng (thường được hiểu là kỹ năng chuyên môn, kỹ năng cần có, riêng có của công việc cụ thể mà bạn sẽ làm trong tương lai), bạn sẽ cần thường xuyên học tập và nâng cao kỹ năng mềm. Đó là kỹ năng bổ trợ, kỹ năng chung mang tính phổ quát mà gần như ai cũng cần để giúp cho cuộc sống và công việc được thuận lợi. Ví dụ, đó là các kỹ năng mềm giúp bạn quản trị bản thân như cân bằng cảm xúc, rèn luyện tư duy tích cực, thấu hiểu bản thân, hình thành động cơ và thái độ đúng…hoặc các kỹ năng liên quan đến lối sống của bạn như: kỹ năng giao tiếp - ứng xử, quản lý thời gian, rèn luyện sự kiên trì, bền bỉ, lập kế hoạch và hành động và đôi khi kỹ năng mềm có thể bao gồm cả kỹ năng làm việc, như: rèn luyện sự tập trung khi làm việc, thiết kế và quản lý chiến lược, phân tích, sắp xếp công việc, tổ chức và điều hành hội họp…Hoặc trong bối cảnh công nghiệp 4.0 hiện nay người ta thường nhấn mạnh đến những kỹ năng mềm cần có để có thể nhanh chóng và dễ dàng thích nghi với thời đại như: kỹ năng/tư duy sáng tạo, kỹ năng phản biện, kỹ năng quản trị bản thân…Nếu chúng ta “sở hữu” được một bộ kỹ năng mềm cần có như trên thì mình tin chắc rằng bạn sẽ vô cùng vững vàng trong nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, để tránh ôm đồm, học một lúc quá nhiều thứ, ở mỗi thời điểm, tùy theo công việc bạn có thể lựa chọn, xác định, tập trung rèn luyện cho mình những kỹ năng cần có, phù hợp với nhu cầu bản thân. Khi còn là sinh viên, theo mình các bạn hãy rèn luyện những kỹ năng cơ bản: kỹ năng đọc, viết, kỹ năng giao tiếp - ứng xử, quản lý thời gian, rèn luyện tư duy phản biện, sáng tạo…Với sinh viên ngành Văn hóa truyền thông, các bạn cần chú trọng thêm một số các kỹ năng liên quan trực tiếp đến ngành nghề của mình như: kỹ năng viết trong truyền thông, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin, …Và đặc biệt người làm truyền thông luôn cần kỹ năng/tư duy sáng tạo. Vì vậy, hãy nuôi dưỡng cho mình môi trường để có thể thoải mái phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo của bản thân. Mình tin rằng, khi các bạn có nhiều kỹ năng các bạn sẽ ngày càng hoàn thiện và phát triển bản thân và đặc biệt nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cuộc sống hiện tại và sau này của các bạn (Những điều này mình đã chia sẻ trong rất nhiều bài viết trên Noron.vn: Kỹ năng mềm và vai trò của Kỹ năng mềm; Làm thế nào để rèn luyện Kỹ năng mềm?; Áp dụng tư duy tập trung và tư duy phân tán trong học tập; Kỹ năng/tư duy sáng tạo – nền tảng quan trọng trong thời đại số…).
Trên đây là những chia sẻ của mình để giúp cho các bạn sinh viên nói chung, sinh viên ngành Văn hóa truyền thông nói riêng có thể có những định hướng rõ ràng cho việc học trong hiện tại và tương lai. Ba yếu tố cần có mà mình đề cập đến ở đây để bạn có thể đạt được điều mình muốn: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Trong đó, thái độ sống tích cực là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng giúp bạn vượt qua những khó khăn, thử tháchđể đạt được hạnh phúc và thành công. Bên cạnh đó, bạn sẽ cần phải có kiến thức, kỹ năng nhất định– cái giúp bạn có thể hiện thực hóa điều mình muốn.
Chúc các bạn sinh viên luôn hạnh phúc và thành công trên chặng đường học tập và nghề nghiệp tương lai!