Sinh viên ngành Quốc tế học ra trường có cơ hội nghề nghiệp như thế nào?
kiến thức chung
Cơ hội nghề nghiệp
Cán bộ đối ngoại
Làm việc trong một môi trường nhiều trọng trách nhưng vô cùng thú vị. Tiếp cận những cơ hội khám phá các vùng đất mới, các nền văn hoá mới. Đầy vinh dự và tự hào khi bạn có thể là người góp phần quan trọng bảo vệ lợi ích của đất nước, làm cầu nối đưa văn hoá Việt Nam quảng bá trên thế giới.
Những công việc và nhiệm vụ phải thực hiện:
Đại diện quốc gia và chính phủ thực hiện công việc đối ngoại, bao gồm: Công bố chính sách và quyết định đối ngoại của nhà nước; Đàm phán các hiệp định; Kí các văn kiện ngoại giao; Tham gia hội nghị quốc tế; Hỗ trợ công tác đào tạo và quản lí cán bộ ngoại giao.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
• Lòng yêu nước nhiệt thành, bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao;
• Trình độ cao về kiến thức và nghiệp vụ;
• Giao tiếp hiệu quả và Tạo dựng niềm tin;
• Nhạy bén, tinh tế, chủ động, linh hoạt;
• Biết xây dựng sự đồng thuận.
Các cơ quan, đơn vị tuyển dụng:
Các cơ quan đối ngoại của Đảng và Nhà nước như Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ các tỉnh và Thành phố, Văn phòng đối ngoại của các cơ quan, doanh nghiệp; Các Tổ chức quốc tế…
Triển vọng nghề:
Trong bối cảnh quá trình hội nhập của đất nước ngày càng sâu rộng, nhu cầu hợp tác quốc tế ngày càng cấp thiết. Đây chính là cơ hội để các cử nhân Quốc tế học thể hiện khả năng và đóng góp sức lực vào quá trình đầy năng động và đòi hỏi sự dũng cảm đó.
Nhà báo
Với kiến thức và kĩ năng được trang bị, các cử nhân Quốc tế học có đủ khả năng thực hiện công việc của một nhà báo thực thụ, đặc biệt là khả năng thực hiện tốt các trang tin liên quan đến các vấn đề quốc tế.
Những nhiệm vụ và công việc cụ thể:
• Biên tập các bản tin văn hoá, chính trị, kinh tế quốc tế;
• Biên tập chương trình;
• Tiến hành các cuộc phỏng vấn;
• Làm phóng sự;
• Dẫn chương trình bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
Có bản lĩnh vững vàng; Năng lực chuyên môn tốt; Tư duy độc lập và óc xét đoán; Sự kiên trì và sự nắm bắt; Trung thực và Khách quan; Giao tiếp năng động và nghệ thuật
Cơ quan tuyển dụng:
• Đài truyền hình các địa phương;
• Đài tiếng nói Việt Nam;
• Các tờ báo, tạp chí;
• Báo điện tử;
• Bộ phận PR của các doanh nghiệp.¬¬¬¬
Triển vọng nghề nghiệp:
Sự phát triển của nền kinh tế đất nước đã ngày càng nâng cao mức sống của nhân dân. Đi kèm với việc cải thiện chất lượng cuộc sống, nhu cầu tìm hiểu và giải trí tăng lên mạnh mẽ. Cung cấp thông tin trở thành một kênh quan trọng đáp ứng nhu cầu tinh thần phong phú và đa dạng đó. Đây chính là cơ hội để các cử nhân Quốc tế học vận dụng kiến thức được trang bị để tham gia một trong những ngành nghề hấp dẫn và thú vị là nghề làm báo.
Quản lí và điều phối
Các môn học kĩ năng như Quản trị kinh doanh, Nghiệp vụ ngoại thương, Quan hệ công chúng… được đưa vào giảng dạy nhằm thiết lập khả năng tổ chức công việc của mỗi cá nhân. Quản lí và điều hành các hoạt động kinh doanh hoặc các dự án hỗ trợ phát triển với những quy mô khác nhau, vì thế, nằm trong khả năng của một cử nhân Quốc tế học.
Những nhiệm vụ, công việc cụ thể phải thực hiện:
• Thực hiện công tác quản trị;
• Điều hành tổng thể hoặc quản lí từng bộ phận của doanh nghiệp, dự án phát triển…;
• Thiết lập và xử lí các mối quan hệ bên trong và bên ngoài;
• Lập kế hoạch, kiểm soát và điều phối dự án.
Các yêu cầu về năng lực, tính cách:
• Kĩ năng điều hành và tổ chức công việc;
• Kĩ năng liên kết nhân sự và giao tiếp;
• Khả năng làm việc với cường độ cao và chịu đựng áp lực công việc;
• Khả năng làm việc độc lập;
• Khả năng làm việc theo nhóm với những nền văn hoá và quốc tịch khác nhau.
Cơ quan tuyển dụng:
• Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trong và ngoài nước.
• Các tổ chức kinh tế.
Triển vọng nghề nghiệp:
Hội nhập vào một thế giới có tính cạnh tranh cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có một đội ngũ tốt hơn. Do đó, nhu cầu về lao động có các kĩ năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng hiện rất lớn. Đây là cơ hội để các cử nhân Quốc tế học tham gia vào những lĩnh vực rất giàu tiềm năng phát triển.
Các cơ hội việc làm khác:
• Các cơ sở đào tạo như các Trường Cao đẳng, Đại học… (làm giảng viên giảng dạy các môn về quan hệ quốc tế, lịch sử và văn hoá, kinh tế quốc tế…);
• Các cơ sở nghiên cứu như Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu châu Mĩ, Viện Nghiên cứu châu Âu… (làm nhà nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu, quan hệ giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế…);
• Các Tổ chức Phi chính phủ trong và ngoài nước (đảm nhiệm các công việc thư kí, điều phối dự án), đặc biệt là các tổ chức nước ngoài của các quốc gia như Mĩ, Liên minh châu Âu…;
• Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Nhân viên bộ phận kinh doanh; Quan hệ công chúng, Nghiên cứu thị trường…).
Phan Phước