Sinh viên năm cuối phân chia quỹ thời gian hằng ngày sao cho hợp lý?
Từ khi trở thành sinh viên đại học mình đã xác định lên kế hoạch cho từng năm của mình thật cụ thể. Thế nhưng ở đại học lại rất dễ bị cuốn theo một nhịp sống bận rộn với các mối quan hệ và việc học hành bị rối vào nhau. Cho đến khi mình trở thành sinh viên năm cuối, khi việc học không quá nhiều nhưng áp lực sau khi ra trường lại bị đè nặng nên mình quyết định lên kế hoạch cụ thể cho bản thân và mình rút ra được một vài tips nhỏ, hy vọng sẽ giúp ích cho những bạn từng gặp khó khăn giống mình
Hãy sắp xếp các công việc ưu tiên hợp lý
Khi trở thành sinh viên năm cuối, việc bạn ưu tiên chắc chắn là công việc có khả năng tích lũy kỹ năng nhưng đừng vì thế mà bỏ bê việc học. Do vậy, để không bỏ lỡ những kế hoạch quan trọng, bạn cần biết cách lên danh sách ưu tiên và lựa chọn những công việc quan trọng nhất
Như mình, khi bắt đầu bước vào một kì học mới, mình sẽ viết ra tất cả công việc và vị trí mà mình đang làm hay đảm nhận, hoặc những kế hoạch mà mình dự định sẽ làm trong thời gian sắp tới, sau đó bắt đầu sắp xếp thứ tự ưu tiên của những việc đó.
Tất nhiên top đầu trong thứ tự ấy đối với mình luôn là việc học tập, mình lên danh sách và thời hạn cho các bài báo cáo, thảo luận, đề cương,… sau đó mới đến công việc đi làm bên ngoài
Những việc ít được ưu tiên nhất đối với mình chắc chắn là ngồi lướt web, facebook,...
Hãy tự giác
Không chỉ các bạn trẻ ngày nay mà ngay cả mình luôn có tâm lý trì hoãn, lên kế hoạch và dồn công việc đến ngày mai, ngày mai lại dồn kế hoạch sang ngày tiếp, điều này dẫn đến tình trạng phá vỡ kế hoạch
Theo mình, việc quản lý thời gian hiệu quả chỉ đơn giản là bạn phải “dính” vào thời gian biểu mình đã lập ra và không trì hoãn. Vì vậy, nếu bạn loại bỏ được những khoảng thời gian “thừa”, bạn sẽ ngạc nhiên với tốc độ hoàn thành công việc của mình đấy!
Đừng tạo quá nhiều áp lực cho bản thân
Mình biết việc lập kế hoạch ra không phải là vừa lập ra đã thực hiện được, bạn không thể nào sau một đêm trở thành người quản lý thời gian hoàn hảo. Vì thế đừng nôn nóng, hãy bắt đầu quản lý thời gian của mình một cách từ từ. Đừng ôm đồm quá nhiều việc khi thấy mình có thời gian rảnh. Quản lý thời gian không chỉ là quản lý công việc của bạn mà còn để bạn có thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình. Con người không phải là cỗ máy. Nếu bạn bị cuốn theo một guồng làm việc và học tập quá nhanh, những áp lực tích tụ dần dần sẽ bùng nổ.