Sinh viên Khoa Văn học trường Đại học Xã hội và Nhân văn cần phát huy theo những tiêu chí và sứ mệnh như thế nào ?
kiến thức chung
Sinh viên Khoa Văn học nói riêng và sinh viên trường Đại học trường Đại học Xã hội và Nhân văn nói chung luôn được đào tạo chuyên sâu và được tạo điều kiện tốt nhất để có thể trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như rèn luyện đạo đức, thể chất... Các sinh viên đều có thể tham gia các buổi giới thiệu sách của các nhà văn, nhà nghiên cứu cũng như các toạ đàm, thuyết trình trao đổi chuyên môn của các học giả, các nhà nghiên cứu, các giáo sư trong và ngoài nước. Tại đây, sinh viên có cơ hội được học tập, trao đổi kiến thức chuyên môn trong một môi trường học thuật rộng mở, luôn cập nhật một cách hiện đại và tốt nhất.
Ngoài ra, một trong những hoạt động phổ biến và rèn dũa kinh nghiệm tốt nhất cho học sinh đó là nghiên cứu khoa học. Phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa Văn học luôn được duy trì mạnh mẽ và phát triển. Khoa Văn học là một trong những khoa luôn đóng góp cho phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên những báo cáo có chất lượng cao về chuyên môn. Trong năm học 2016 - 2017, đã có 50 báo cáo tham dự Hội nghị KHSV cấp Khoa, trong đó có 15 báo cáo đạt các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích cấp Khoa, có 03 báo cáo được chọn tham dự HNKHSV cấp Trường (01 báo cáo được giải Nhất và 02 báo cáo được giải Nhì cấp trường).
Song song với việc bồi đắp kiến thức chuyên môn, Khoa Văn học cũng đặc biệt lưu ý đến việc rèn luyện đạo đức, thể chất và tinh thần của sinh viên. Khoa đã thành lập các câu lạc bộ tạo môi trường cho các em giao lưu học hỏi như câu lạc bộ văn hoá dân gian, câu lạc bộ điện ảnh, câu lạc bộ thư pháp. Song song với đó, Khoa Văn học đã liên tục tổ chức các hoạt động ngoại khoá gắn liền với chuyên môn như đêm kịch Khoa Văn mở rộng (mỗi năm một lần), các đêm thơ, giới thiệu văn hóa truyền thống tới sinh viên. Đặc biệt, Khoa Văn học còn hợp tác với các đơn vị ngoài trường tổ chức các hoạt động văn hoá giúp sinh viên có thêm ý thức bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc như: hợp tác cùng Nhà hát Chèo Việt Nam và Quỹ Văn hoá Hà Nội trong Dự án Chèo 48h để mở các lớp học trải nghiệm về chèo, xẩm và trầu văn; tổ chức chương trình âm nhạc dân tộc “Hà thành ba mươi sáu phố phường”; phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao tổ chức chương trình “Trải nghiệm di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam 2016”,… Các hoạt động này đã mở ra một môi trường vừa học vừa chơi lý thú, bổ ích tạo điều kiện cho sinh viên Khoa Văn học được giao lưu, học hỏi một cách tích cực, chủ động và sáng tạo.
Nội dung liên quan
Đinh Thị Ngọc Yến