Sinh thái học điện ảnh là gì?
kiến thức chung
Sinh thái học điện ảnh là gì? Câu hỏi đó đã được đặt ra ngay từ khi có những bước tiến quan trọng trong sự phát triển của phê bình sinh thái nói chung. Phê bình sinh thái điện ảnh chính là việc nghiên cứu tác động của việc sử dụng ngôn ngữ và biểu tượng với quan niệm và trải nghiệm thiên nhiên của các tác giả. Sinh thái học điện ảnh được gọi với những cái tên như “chủ nghĩa phê bình điện ảnh xanh” hay “chủ nghĩa phê bình điện ảnh - sinh thái”, chủ nghĩa này phải bóc tách được thiên nhiên và các đặc điểm thiên nhiên từ các tái trình hiện thị giác, cách mà chúng được đóng khung bởi ống kính may quay và định hình bởi quy trình biên tập. Sự ra đời của sinh thái học điện ảnh chính là “thước đo” cho sự phát triển của trào lưu phê bình sinh thái, nó phát triển từ việc con người ta trước đây tập trung vào nghiên cứu những vấn đề thuộc văn chương nay đã chuyển sang tìm hiểu điện ảnh dưới nhiều góc độ khác nhau. Những đặc điểm, mối quan hệ giữa chúng ta và giới tự nhiên được tái hiện chân thực, đặc tả nhất qua sự lột tả của máy quay, chính điện ảnh đã cho ra đời những tác phẩm cổ vũ mạnh mẽ phong trào bảo vệ thiên nhiên trên thế giới. Điện ảnh là một trong những phương tiện, công cụ để con người tự thu lại góc nhìn với thiên nhiên theo cách của chính chúng ta.
David S. Ingram - giáo sư danh dự tại Đại học Edinburgh và Lancaster đã định nghĩa điện ảnh duy - môi trường là thiết yếu với nghiên cứu về một thể loại đang nổi, đó là điện ảnh sinh thái. Thuật ngữ điện ảnh sinh thái được dùng để chỉ những bộ phim quan tâm đặc biệt tới các vấn đề về môi trường, qua việc khám phá những vấn đề cụ thể, qua việc biến “thiên nhiên”, từ cảnh vật cho tới đời sống hoang dã, thành tâm điểm. Trong cuốn Green Screen: Environmen-talism and Hollywood Cinema, Ingram đã phân tích đại thể về các bộ phim “duy - môi trường”, những phim tận dụng đáng kể môi trường trong mạch truyện, nhưng môi trường chỉ là phông nền cho hoàn cảnh con người.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Derek Bousé – Phó Giáo sư tại trường Đại học Công nghệ Hoa Kỳ (Li – băng) cho rằng điện ảnh sinh thái chính là việc dùng những thủ pháp hình ảnh như góc máy quay, cận cảnh, quay chậm “có thể làm ta rời xa thiên nhiên hơn là gắn bó, và… thực chất, sự tiếp xúc liên tục với thiên nhiên và đời sống hoang dã qua lăng kính của điện ảnh có thể làm giảm sự nhạy cảm với thiên nhiên. Ngoài ra, những kỳ vọng của khán giả về thiên nhiên ngày càng phụ thuộc vào sự tiêu thụ hình ảnh về thiên nhiên của chúng ta, chứ không phải sự tiếp xúc cá nhân với các bối cảnh thiên nhiên và hiểm họa môi trường; do vậy, nhiều khả năng khán giả sẽ tin vào bề nổi của những hình ảnh này, và chỉ có thể so sánh chúng với những hình ảnh khác thôi. Cũng quan điểm của ông, điện ảnh đã làm cho ý thức của con người về thiên nhiên hoang dã có phần sai lệch, chúng ta dễ dàng tin vào một bản tin, một bộ phim, hay chỉ một quảng cáo hình ảnh để nhận định vấn đề đang xảy ra trên thế giới. Điện ảnh có hai mặt, những nhà làm phim, tác giả có thể thay đổi nội dung tác phẩm nghệ thuật theo cách riêng, đồng thời, các việc làm đó làm thay đổi bản chất của vấn đề theo cách nhìn nhận cá nhân, phi khách quan.
Những cuốn sách khác cũng góp phần vào nghiên cứu điện ảnh Hollywood và sinh thái, trong đó có Ecology and Popular Film: Cinema on the Edge của Robin Murray and Joseph Heumann, The Landscape of Hollywood Westerns: Ecocriticism in an American Film Genre của Deborah Carmichael, và Hollywood Utopia: Ecology in Contemporary American Cinema của Pat Brereton. Murray và Heumann phân tích một loạt đề tài môi trường. Trong tác phẩm Ngôn ngữ Cầu tiến trong An Inconvenient Truth and Everything Cool, Mark Minster đã phân tích ngôn ngữ trong hai bộ phim tài liệu sinh thái nổi tiếng về biến đổi khí hậu, nhằm trả lời phần nào câu hỏi về khả năng khơi dậy hành động nơi công chúng của điện ảnh sinh thái
Những bộ phim như Erin Brockovich của Stephen Soderbergh và phim tài liệu độc lập Fenceline: A Company Town Divided của Slawomir Grünberg khiến công chúng chú ý tới sự bất công môi trường và khích lệ những chiến dịch vận động, bằng cách phản ánh công tác vận động vì công lý môi trường ngay từ những năm 1980 và 1990.
Murray và Heumann vượt qua giới hạn của sự phê bình sinh thái với điện ảnh, bằng cách chuyển sang phân tích một nhóm những bộ phim đã coi thường, chối bỏ thiên nhiên ngay cả khi nó hiện diện. Họ phân tích những bộ phim làm lại tác phẩm The Fast and the Furious 1955 của John Ireland để cho thấy rằng, những bộ phim về văn hóa xe hơi không chỉ ca ngợi tốc độ và sự kiểm soát mà còn “biến đổi cảnh vật thiên nhiên thành một cảnh vật nhân tạo, cái mà lại tự biến đổi nhưng không đếm xỉa tới sự đe dọa môi trường”. Các nhà phê bình phim và phê bình sinh thái cần nghiên cứu trào lưu điện ảnh - nghệ thuật một cách hệ thống hơn, bởi nó đã góp phần thúc đẩy phê bình sinh thái điện ảnh.
Nội dung liên quan
Lê Đức Phương