Sinh ra để làm gì?
Thế rốt cuộc, câu “Điều quan trọng không phải ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương, mỗi sáng khi mặt trời ló dạng, bạn nên bắt đầu chạy …” là của ai?
Mò mẫm trong biển trí thông minh nhân loại của Google, rất nhiều cái tên hiện ra, rất nhiều phỏng đoàn cho đáp án mà chẳng cái nào đáng tin cậy hơn cái nào… Ngay cả khi câu trả lời đã được gửi cho độc giả, tôi vẫn loay hoay tiếp tục tìm kiếm, mà chả biết tại sao mình cứ tìm kiếm.
Trong số những đáp án, tôi một lần nữa cũng chả hiểu sao mình bị ám ảnh bởi tựa đề cuốn sách Born to run của nhà báo Christopher McDougall. Đến nỗi cuối tuần đó, khi đưa con đi chơi Bờ Hồ, tôi quyết định chọn mua cuốn sách ấy, và bắt đầu đọc.
Khó có thể nói đó là một cuốn sách có văn phong hay, cốt truyện mạch lạc… nhưng chả hiểu sao tôi bị cuốn hút và đọc từ đầu đến cuối, dù trong cùng lúc ấy, tôi cũng đang đọc 2-3 cuốn khác.
Nếu bảo vì nội dung cuốn sách hợp với sở thích của tôi thì còn khó hiểu hơn nữa. Vì cuốn sách là thế giới của những người mê môn thể thao chạy bộ, trong khi tôi thì… đá bóng may ra chạy đươc cả trận 4-5km, chứ chạy bộ lần gần đây nhất tôi thử chắc cũng cố được 500m.
Nôm na, cuốn sách là câu chuyện thật về sự trăn trở của chính tác giả, một nhà báo Mỹ, đam mê chạy để giữ gìn sức khỏe. Nhưng điều đáng nói là ông này có dáng chạy rất xấu và thường xuyên bị chấn thương, càng chạy càng thấy đau và được các bác sĩ khuyên là tìm môn thể thao khác hoặc tiêm thuốc…
“Tại sao chân tôi đau?” – Đó. Chỉ một câu hỏi đó thôi nhưng được phát triển thành một cuốn sách sau này bán hết veo 3 triệu bản. Cuốn sách đó có cái tên cũng rời rạc không thua gì kết cấu nội dung như tưởng tượng ban đầu của tôi: “Sinh ra để chạy: Một bộ lạc ẩn dật, những vận động viên siêu phàm và cuộc đua vĩ đại nhất mà thế giới chưa từng được chứng kiến”.
Chris, tác giả và là nhân vật chính của cuốn sách, đã mò mẫm từ Mỹ sang phía Tây Bắc của Mexico, chui vào khu vực khe núi Copper Canyon hoang sơ và đầy rẫy nguy hiểm, nơi giữa thời đại của Internet mà cách duy nhất để liên lạc với thế giới văn minh là một đường dây điện thoại mỗi lần đứt cần đến ít nhất 3 ngày để sửa. Bởi nơi đó được cho là địa điểm mà một tay chạy bộ lập dị, được coi là huyền thoại trong mắt của Chris, đang ẩn dật. Người đàn ông tên là Caballo Blanco – hay Ngựa trắng theo tiếng Latin – này từ bỏ cuộc sống của một vận động viên đấm bốc tên tuổi, để đến nơi xa xôi hẻo lánh, sống cùng với những người bộ lạc Tarahumara, chỉ bởi vì, đây được cho là bộ lạc duy nhất còn sót lại trên thế giới, có khả năng chạy bộ siêu việt: chạy liên tục tới 320km với tốc độ đáng kinh ngạc trong tấm áo choàng trên vai và đôi dép xỏ ngón làm bằng lốp ô tô dưới chân.
Gặp Chris, Caballo nuôi dưỡng ý tưởng tổ chức một cuộc đua huyền thoại của những người chạy bộ, nơi những người Tarahumara – hãy trong ngôn ngữ của bộ lạc là người Raramuri, những người chạy bộ - giỏi nhất sẽ chạy đua với những vận động viên chạy bộ danh tiếng nhất thế giới. Phần thưởng là… chả có gì cả. Chỉ là việc được tham gia vào một giải đua vô tiền khoáng hậu vùng đất của các bộ lạc. Ấy thế mà, Scott Jurek, Jenn Shelton… cùng một số vận động viên chạy đường dài khác, đã bị hấp dẫn và sẵn sàng tham dự cuộc đua mà trước khi khởi tranh, Caballo bắt mọi người phải thề là không đổ lỗi cho ai nếu họ… chết.
Và cuộc đua ấy đã diễn ra.
Nhưng sách của McDougall có lẽ cũng không đủ hấp dẫn nếu chỉ là một câu chuyện về cuộc đua. Mà, thực tế, đó là nhiều câu chuyện. Không. Là rất nhiều câu chuyện. Tất cả đều liên quan đến chạy bộ. Từ nguồn gốc của việc tại sao con người chạy chậm hơn hầu hết các loại thú ăn thịt, yếu hơn hầu hết các loài thú lớn mà lại tồn tại? Tại sao người Neanderthal to khỏe, thiện chiến, săn bắt tốt, có thể chế tạo vũ khí mà lại bị diệt vong trong khi tổ tiên của loài người lại là Homo sapiens, một giống loài yếu hơn, gày gò hơn và có thể, còn ngốc nghếch hơn? Tại sao sau cổ người có một sợi dây chằng mà không loài nào có? Tại sao con người đứng bằng 2 chân? Tại sao con người hiện đại lại đam mê mỗi khi chạy hoặc mỗi khi chơi thể thao và điều đó có liên quan gì đến những tập tính của người tiền sử? Tại sao Nike sau bao nhiêu năm quảng cáo giày chạy thì cuối cùng tiến tới việc quảng cáo miếng lót dành cho những người chạy chân đất? Tại sao người Tarahumara trở thành những người chạy bộ vĩ đại nhất?...
Có rất nhiều những câu chuyện lý giải cho những thứ “Tại sao” như vậy trong cuốn sách. Và tất cả, bằng cách nào đó, đã được gắn kết lại với nhau rất tài tình. Để rồi, tất cả cùng đi đến câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao chân tôi đau?” của Chris và thậm chí là còn giúp cho anh ta không bao giờ thấy đau nữa.
Đọc hết cuốn sách. Tôi mới nhận ra điều cuốn hút tôi. Đó là đi tìm kiếm điều tôi luôn luôn thiếu. Nó như thể là bản năng của não bộ. Giống như những kẻ yếu đuối về thể trạng thì thích đọc truyện chưởng vậy.
Tựa đề cuốn sách là Born to run. Tôi nhận ra đây là câu hỏi dù tôi chưa bao giờ hỏi mình, nhưng nó vẫn ở đấy bấy lâu. Tôi sinh ra để làm gì? Cuộc đời tôi từ khi làm nghề, gắn liền với các con chữ, nhưng tôi vẫn chẳng bao giờ dùng điều đó để làm điều gì đó có ý nghĩa có mình, chứ chưa nói đến cho cuộc đời này.
Điều này khác với Chris. Các câu chuyện của Chris rời rạc. Nhưng đó là tổng thể của hàng chục nghiên cứu của ông. Những nghiên cứu nghiêm túc về những bằng chứng có thật, con người có thật. Tất cả đều để trả lời cho trăn trở của chính bản thân ông. Đó là điều mà tôi thiếu một cách trầm trọng. Tôi đã lựa chọn cho mình những câu trả lời tạm được để giải quyết nhanh các vấn đề hàng ngày trong công việc, chứ có lẽ chưa bao giờ đi đến tận cùng.
Suốt cả thời gian làm việc của mình, tôi thường đi tìm câu trả lời cho nhiều nỗi đau của người khác thay vì nỗi đau của chính mình. Những nỗi đau của tôi, vẫn cứ ở đó và chờ đợi để được xoa dịu không phải bởi tôi.
“Tôi sinh ra để làm gì?” – tôi chưa có câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng ít ra, nhờ cuốn sách này, tôi sẽ bắt đầu tự hỏi mình câu hỏi đó.
borntorun
,hàrio
,sách
Không biết anh đã từng đọc qua " Man's search for meaning - Đi tìm lẽ sống" chưa?
Em cảm thấy hai cuốn sách này thật sự giống nhau, ở một vài khía cạnh nào đó. "Đi tìm lẽ sống" không còn là câu chuyện về chạy bộ, mà là bối cảnh ở một trại tập trung,nơi người ta đấu tranh để sinh tồn. Bởi mỗi chúng ta đều là những con người nhỏ bé với trí tò mò không ngừng về thế giới bao la, nên câu chuyện về chúng ta là ai, chúng ta sinh ra để làm gì và mục đích cuộc đời đều không còn là câu chuyện xa lạ. " Đi tìm lẽ sống" chính là một trong những câu trả lời mà con người ta có thể tin vào.
Trở lại với câu hỏi: " Sinh ra để làm gì?", trong suốt những năm trưởng thành, không biết bao nhiêu lần em từng bật khóc vì không thể biết được mình là ai hay mình sinh ra để làm gì. Em tin bất cứ ai cũng từng có giai đoạn như em, hoài nghi vào bản thân, lo lắng sợ hãi trước thế giới bao la này. Và theo năm tháng, thời gian không ngoảnh lại, em bỗng nhận ra câu chuyện mình là ai và mình sinh ra để làm gì, nó không còn thực sự quan trọng. Thay vào đó, em nghĩ mỗi người chúng ta nên tự đặt cho mình câu hỏi :" Chúng ta muốn trở thành người như thế nào?", đấy mới là cốt lõi của cuộc đời. Nắm lấy cuộc đời chính mình, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân . Sau cùng, khi trả lời được câu hỏi của em, chắc hẳn phần nào anh cũng đáp được câu hỏi " Sinh ra để làm gì?" rồi, anh nhỉ?
Trần Huỳnh Như Ý
Không biết anh đã từng đọc qua " Man's search for meaning - Đi tìm lẽ sống" chưa?
Em cảm thấy hai cuốn sách này thật sự giống nhau, ở một vài khía cạnh nào đó. "Đi tìm lẽ sống" không còn là câu chuyện về chạy bộ, mà là bối cảnh ở một trại tập trung,nơi người ta đấu tranh để sinh tồn. Bởi mỗi chúng ta đều là những con người nhỏ bé với trí tò mò không ngừng về thế giới bao la, nên câu chuyện về chúng ta là ai, chúng ta sinh ra để làm gì và mục đích cuộc đời đều không còn là câu chuyện xa lạ. " Đi tìm lẽ sống" chính là một trong những câu trả lời mà con người ta có thể tin vào.
Trở lại với câu hỏi: " Sinh ra để làm gì?", trong suốt những năm trưởng thành, không biết bao nhiêu lần em từng bật khóc vì không thể biết được mình là ai hay mình sinh ra để làm gì. Em tin bất cứ ai cũng từng có giai đoạn như em, hoài nghi vào bản thân, lo lắng sợ hãi trước thế giới bao la này. Và theo năm tháng, thời gian không ngoảnh lại, em bỗng nhận ra câu chuyện mình là ai và mình sinh ra để làm gì, nó không còn thực sự quan trọng. Thay vào đó, em nghĩ mỗi người chúng ta nên tự đặt cho mình câu hỏi :" Chúng ta muốn trở thành người như thế nào?", đấy mới là cốt lõi của cuộc đời. Nắm lấy cuộc đời chính mình, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân . Sau cùng, khi trả lời được câu hỏi của em, chắc hẳn phần nào anh cũng đáp được câu hỏi " Sinh ra để làm gì?" rồi, anh nhỉ?
Hường Hoàng
Câu hỏi "tôi sinh ra để làm gì" và câu hỏi "Tôi sống vì cái gì ?" Dường như có nhiều điểm tương đồng và rất nhiều người trong mỗi chúng ta ai cũng băn khoăn . Càng lớn thì chúng ta càng bớt những giấc mơ xa vời, những mục tiêu lớn lao mà đi sâu vào tìm hiểu về con người mình, hiểu bản thân, đi từ những thứ nhỏ nhất, tìm cách lý giải nó, lý giải chính mình. Và từng chút, từng chút mỗi ngày chúng ta dường chạm gần hơn tới những lý giải về ý nghĩa của cs, của cuộc đời khi chúng ta thực sự cảm nhận cuộc sống, đi sâu vào tìm cách hiểu, lý giải từng thứ nhỏ nhất xung quanh ta thay vì mải mê và đeo đuổi những thứ phù phiếm khác.
Doc review của anh về Sinh ra để chạy, em rất thích cách anh mô tả về cách tác giả lý giải những thứ diễn ra xung quanh chayh bộ; cách đi đên tận cùng để tìm kiếm câu trae lời của một vạn những câu hỏi tại sao. Nghe tựa đề cuốn sách, em cungz bất giác nghĩ tới cuốn "Tôi nghĩ gì khi tôi chạy bộ"
Minh Hưng
Đây cũng là câu hỏi mà mình băn khoăn suốt một thời gian dài.
Thiên Tân
Seven Job cũng đã chạy. Song kết quả thế nào? Có ai chạy được như Seven Job? Anh ấy đã kết thúc trong sự nuối tiếc và đau đớn.Bạn có biết Alexsander đại đế? Ông ấy đã đạt được cái gì? Bạn có biết nhân vật Phiero trong Kinh Thánh Tân Ước cách đây 2000 năm ? Ông ấy là người đánh cá thôi nhưng bây giờ hàng tỷ người vẫn ngợi ca công việc và cuộc đời của ông ấy. Vậy sự khác nhau ở chỗ nào? Chạy như thế nào?