Self-help: Đọc sao cho khỏi ngộ độc?
Năm 1953 (không phải, hình như là 1979), những sinh viên tốt nghiệp khoá MBA tại Yale (hình như là cả ở Harvard nữa) được hỏi liệu họ đã xác định rõ ràng những mục tiêu trong cuộc đời họ và viết chúng xuống giấy hay chưa. Chỉ có 3% có những mục tiêu cụ thể và viết chúng xuống giấy. 20 năm sau (hay hình như là 10 năm sau) các nhà nghiên cứu tìm lại những học viên năm nào. Họ phát hiện ra 3% thiểu số kia sở hữu số tài sản nhiều hơn tổng tài sản của 97% còn lại.
Nghiên cứu này được trích dẫn lần đầu bởi Mark McCormack (trong cuốn “What They Don’t Teach You in the Harvard Business School”), rồi Brian Tracy (“Goals!”), và họ đều đi đến một kết luận mang tính chân lý muôn đời là: Biết đặt mục tiêu cụ thể và viết chúng xuống giấy có thể tạo nên sự khác biệt ghê gớm một trời một vực giữa người với người, và bạn muốn thành công, muốn giàu thì bắt buộc phải làm như 3% kia. Sau đó thì các bậc thầy self-help khác như Zig Ziglar, Tony Robbins cũng đua nhau truyền tụng và rao giảng về nghiên cứu năm nào tại Yale để nói lên tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu. Nhan nhản hàng trăm hàng ngàn cuốn sách self-help hàng năm tại Mỹ dẫn ra nghiên cứu này và cổ suý cho việc đặt mục tiêu.
Có một vấn đề nhỏ. Nghiên cứu tại Yale hay Harvard kia chưa bao giờ diễn ra. Chính Đại học Yale và cả Harvard khi được hỏi về cuộc nghiên cứu huyền thoại ở trên cũng đều đã chính thức xác nhận là không có cuộc nghiên cứu nào như thế diễn ra. Những sinh viên tốt nghiệp năm 1953 ở Yale hay Harvard cũng đều xác nhận là không có cuộc điều tra nào như thế. Hàng chục năm những lời khẳng định như chân lý khắc vào đá của các bậc thầy self-help, dựa trên một nghiên cứu không có thật. Đây chỉ là một trong không ít những lỗ hổng trong mạch tư duy và nội dung của nhiều cuốn sách self-help.
Những lỗ hổng này xuất hiện một phần do sự tuyệt đối hoá và đơn giản hoá vấn đề đôi khi quá mức của các tác giả self-help, không ngoài mục đích thực dụng, thu hút người đọc, kích thích họ hưng phấn để hành động. Có thể có dụng ý tốt. Tuy nhiên. Những sự tuyệt đối hoá và đơn giản hoá quá mức này đôi khi có thể dẫn đến những lệch lạc, thiên kiến hay cố chấp trong tư duy và hành động của người đọc, hay như nhiều người nói là ‘ngộ độc’ (Và sự thật là: đặt mục tiêu và ghi chúng xuống giấy chỉ là một bước có thể có ích cho sự nghiệp của bạn, nhưng chắc chắn không phải là một bước bắt buộc hay là cách duy nhất để bạn có một cuộc đời viên mãn và hạnh phúc).
Cuộc đời không phải trắng và đen rạch ròi. Luôn có những sắc thái màu xám yêu cầu con người ta phải bình tĩnh và tư duy tinh tế hơn một chút. Bài viết này sẽ chỉ ra những ‘sắc thái màu xám’ thường thấy trong dòng sách self-help để giúp bạn tránh được những ‘ngộ độc’ tư duy khi đọc chúng. Ngoài ra bài viết cũng sẽ đưa ra những chiến thuật cụ thể để giúp bạn đạt được hiệu quả cao nhất từ sách self-help, và dần dần giúp bạn đi đến “cảnh giới” cao nhất để có thể “dừng cơn nghiện lại và bắt đầu viết cuốn self-help cho chính mình”.
1, Bản chất của self-help: bán lời khuyên
2, Căn cứ khoa học trong self-help: Những ngôi nhà trên cát
3, Các lời khuyên đều mang tính tự truyện
4, Tôi làm chủ vận mệnh!
5, Đ.m Đam mê
6, Tâm và Thuật
7, Đọc sao cho hiệu quả
8, Không chỉ nghe, hãy soi
9, Hãy viết ra quyển self-help cho chính bản thân
Tài liệu tham khảo
========
1, Bản chất của self-help: bán lời khuyên
Người đọc có một vấn đề cụ thể muốn giải quyết: kiếm được nhiều tiền hơn, cải thiện quan hệ xã hội với những người xung quanh, thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp. Sách đưa ra những lời khuyên, hứa hẹn giải pháp cho vấn đề. Người đọc mua sách.
Người đọc đang ở trong trạng thái tinh thần không tốt. Tuyệt vọng. Tinh thần đi xuống, cảm thấy lười, thiếu động lực. Bất mãn với cuộc đời, chán ngán với bản thân. Anh tìm được một cuốn sách như hiểu được cảm giác của bạn, tác giả như vỗ vai bạn: tôi cũng từng như anh, thậm chí còn tệ hơn, nhưng tin tôi đi, anh vẫn ổn và có thể đi lên lại được. Người đọc mua sách.
Như vậy dòng sách self-help có thể tạm phân loại thành hai loại dựa vào mục đích nhắm tới của lời khuyên:
1.) Loại self-help kích thích và nâng đỡ tham vọng. Đốt lửa, cắm tên lửa vào đít bạn, khiến bạn hừng hực khí thế muốn chinh phục thế giới. “Tôi tài giỏi”, “Tôi bá đạo”, “Tôi có thể làm được!”, “Tôi sẽ thành triệu phú”, “Tôi sẽ có một cuộc đời khiến cho người khác phải ngước nhìn.” Ví dụ? (Thôi không nói nữa, ra hiệu sách là thấy cả đống.)
2.) Loại self-help an ủi, vỗ về sự thất vọng hay tuyệt vọng (khi những tham vọng kia hết lửa và gục). Những lời an ủi có tác dụng an thần, làm cho người đọc cảm thấy hài lòng với những gì đang có, như nói với người đọc: “anh đâu có cần gì khác, anh hoàn toàn ổn như tình trạng bây giờ, anh không phải là người xấu”. Hay cao hơn nữa là đi đến sự giải thoát của Đạo, của Tôn giáo cho những người chán ngán với đời sống vật chất. Ví dụ: sách của Eckhart Tolle, Wayne Dyer… phảng phất âm hưởng Phật-Lão.
Sách self-help được nhiều người đọc vì những tác giả self-help đã làm thành công hai điều khó nhất trên thế gian này:
1.) Đưa ý tưởng vào đầu người khác: Bằng những thủ thuật thuyết phục – đôi khi đơn giản hoá vấn đề và tuyệt đối hoá quá mức một số quan điểm.
2.) Móc được tiền ra từ ví người khác: Bằng những lời hứa hẹn béo bở cùng những giải pháp đơn giản dễ thực hiện nhưng là bí mật ngàn năm đào dưới chân Kim Tự Tháp lên … – ok đoạn này có chút gió từ bản thân người viết bài, không phải quyển nào cũng đào từ dưới chân Kim Tự Tháp, nhưng mà có một vài quyển như vậy thật mà.
========
2, Căn cứ khoa học trong self-help: Những ngôi nhà trên cát
Một xu hướng self-help của thời hiện đại là kể những câu chuyện hấp dẫn và đan xen vào đó những giới thiệu về những nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên không ít những nghiên cứu khoa học được giới thiệu này giống như nghiên cứu tại Yale về việc đặt mục tiêu (giới thiệu ở đầu bài viết), chúng không đúng, không tồn tại, hoặc bị bóp méo nhào nặn theo ý của tác giả self-help.
Phương pháp đọc vị của NLP: nhìn sang trái hay nhìn sang phải có thể đoán được một người đang nói dối hay nói thật, khi một người thuận tay phải hướng sang bên tay phải của anh ta (người đối diện sẽ thấy anh ta hướng mắt sang bên trái), có nghĩa là anh ta đang dùng não phải hoạt động (nửa não ở bên tay phải, kiểm soát tay trái), não phải phụ trách tư duy sáng tạo, tưởng tượng. Á à, biết rồi nhá, anh nhìn sang bên phải của anh, não phải hoạt động, anh đang cố tưởng tượng bịa chuyện, đang nói dối đúng không?!
Phương pháp đơn giản, dễ làm, căn cứ khoa học. Ngoại trừ một việc, những nghiên cứu sau này tại đại học Herfordshire cho thấy: những người nói dối và nói thật, đều nhìn sang trái sang phải với tần suất dao động không khác nhau là mấy, gần như là y hệt. Soi mói mắt người khác nhìn trái hay nhìn phải để biết người đối diện có nói thật hay không trên thực tế là một việc gần như là ngớ ngẩn, không có căn cứ khoa học vững chắc. Đây cũng là một trong nhiều ví dụ mà nhiều nhà phê bình NLP lấy ra để gọi NLP là một dạng ‘nguỵ khoa học’ (‘pseudo-science’).
Một ví dụ khác khi kết quả nghiên cứu khoa học bị đơn giản hoá hay nhào nặn theo ý của những tác giả self-help để họ minh hoạ cho ý tưởng của riêng họ.
“55% hiệu quả giao tiếp đến từ ngôn ngữ cơ thể.
33% đến từ giọng nói.
7% đến từ bản thân ngôn từ được nói”
“Theo thống kê xã hội học của Mĩ thì sức mạnh truyền đạt qua ngôn từ chỉ có 7%, qua giọng nói là 38%, qua hình ảnh là 55%. Các bạn có tin nổi không?”
Những thông điệp như khẳng định một cách tuyệt đối và chính xác đến từng phần trăm về kỹ năng giao tiếp. (Tự dùng tư duy đơn giản cũng có thể thấy có những trường hợp mà ngôn từ chiếm 100% hiệu quả giao tiếp, khi bạn buồn đi tiểu và hỏi một người nhà vệ sinh ở đâu, một câu “ở cuối hành lang” nói với một thái độ nhăn nhó hay tươi cười xum xoe – như nhau hết… thậm chí là một cái chỉ tay cũng là đủ 100% hiệu quả).
Đây là ví dụ về cách mà những nghiên cứu khoa học bị đơn giản hoá hay nhào nặn theo ý của những tác giả self-help để họ minh hoạ cho ý tưởng của riêng họ. Bản thân nhà nghiên cứu Mehrabian – người đã đưa ra công thức 55/38/7 sau 2 nghiên cứu khoa học vào năm 1967 cũng đồng ý là công thức của ông không phải là tuyệt đối và không thể ứng dụng cho mọi tình huống giao tiếp. Trong cuốn “Nonverbal Communication”, Mehrabian viết: “Khi có những sự không thống nhất tương ứng giữa thông điệp ngôn từ và thông điệp cử chỉ, yếu tố cử chỉ sẽ là yếu tố chủ đạo trong việc đánh giá tổng thể thái độ giao tiếp.”
Ngay cả khi căn cứ khoa học, những nghiên cứu khoa học được trình bày một cách khách quan đầy đủ, ngay cả khi đó, căn cứ khoa học vẫn không phải là đinh đóng cột. Một nghiên cứu khoa học thực hiện trong 4 năm bởi 270 nhà khoa học của Center for Open Science cho thấy, trong 100 nghiên cứu tâm lý hành vi hàng đầu được lặp lại, thì chỉ có 39 nghiên cứu khoa học có thể được lặp lại với cùng một kết quả. Đáng tin ở đâu, khi mà không đến một nửa những nghiên cứu khoa học có thể làm lại và tạo ra cùng một kết quả?
Vì thế ngay cả những nghiên cứu khoa học nghiêm túc cũng không nên được coi là chân lý khắc vào đá, hay có một tâm thế linh hoạt hơn, và cảnh giác khi thấy những cụm từ kiểu “nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng…”, “thí nghiệm x*x vào năm yyy cho thấy….”, những cụm từ có tác dụng thôi miên và làm bạn ngừng suy nghĩ vì vô thức cho rằng: ày, khoa học mà, chỉ có chuẩn thôi, khỏi nghĩ nhiều. Mỗi khi thấy những cụm từ dẫn dắt như vậy, bạn hãy:
1.) Truy vấn xem có thực sự tồn tại những thí nghiệm hay nghiên cứu khoa học như vậy không (những lời bốc phét là cái không bao giờ khan hiếm trên đời này)
2.) Tìm về bản gốc trình bày kết quả của nghiên cứu xem người thuật lại có thuật đúng và khách quan kết quả nghiên cứu không.
3.) Kể cả khi hai điều trên thoả mãn thì cũng vẫn chỉ nên xem kết quả nghiên cứu như một dạng ‘mẹo’ kinh nghiệm với xác suất thành công chấp nhận được (lớn hơn 60%), có thể không đúng trong nhiều trường hợp. Hãy tìm cách áp dụng và tự chứng nghiệm với bản thân rồi quyết định dùng hay bỏ.
========
3, Các lời khuyên đều mang tính tự truyện
“Tất cả mọi lời khuyên đều mang tính tự truyện”
_Austin Kleon (tác giả cuốn “Steal like an Artist “)
Ngoài những căn cứ khoa học được dùng để tăng tính thuyết phục hay ‘thôi miên’ trong các cuốn self-help, không ít tác giả còn đưa vào sách chính cuộc đời của bản thân với những thành tích phi thường, từ đó đúc rút ra những bài học về thành công cho độc giả. Tuy nhiên cách tiếp cận này không tránh khỏi có những hạn chế sau mà tác giả Robert Ringer nêu ra trong cuốn “Winning through intimidation”:
* Ngay cả khi những người thành công thật lòng muốn chia sẻ những bí quyết của mình, họ cũng rất hiếm khi biết rõ chính xác thành công của bản thân đến từ đâu. Họ ở quá lâu trong “khu rừng” sự nghiệp của bản thân, chỉ nhìn thấy từng cái cây cụ thể, mà vì thể khó có một cái nhìn toàn cảnh về cả khu rừng, về bản thân cách tư duy cũng như phương pháp làm việc đã đưa họ đến thành công.
* Thành công cũng làm không ít người say men kiêu ngạo tự cao. Lòng tự cao này làm cho họ tự che mắt và không nhìn thấy những yếu tố ngoại tại quan trọng đã giúp họ thành công: may mắn ngẫu nhiên, những ân sủng trợ giúp từ một vài nhân vật quyền thế hay người thân… Thay vào đó, họ chỉ nhìn thấy và sẽ chỉ kể lại cho người khác về những yếu tố thuộc về nỗ lực bản thân của họ: về thái độ tư duy tích cực, về tinh thần làm việc chịu khó chịu khổ, hay về tư chất thông minh trời sinh của bản thân (một cách khéo léo như kiểu “ham chơi lêu lổng nhưng học vẫn giỏi”).
* Ngoài ra cũng có những lí do thực tế khác mang đậm chất thương mại làm tiền. Những tác giả self-help viết sách trước hết là để bán (lấy tiền), để củng cố thương hiệu cá nhân (từ đó mở ra các cơ hội khác). Vì thế mà họ sẽ viết những điều mà người đọc muốn nghe: rằng thành công có thể đến nếu như họ tư duy tích cực cũng như làm việc chăm chỉ, hay là cố một mô hình phương pháp “bí mật” nào đấy từ những người đã từng thành công.
Những người làm trong ngành công nghiệp sách hiểu rằng: Thực tế phũ phàng tàn nhẫn của đời sống cực kỳ khó đưa vào sách một cách trần trụi khô khan đúng với thực tế của nó, mà vẫn bán chạy được. Ngoài ra, trong những tác giả self-help có những thành công trong ngành nghề của họ, nhiều người sẽ luôn cố ý giấu nghề. Không một ai lại dại mà đi công khai lợi thế cạnh tranh của mình – nhưng phương pháp tư duy, làm việc, tính toán mà họ mất công (công sức, thời gian, và kể cả tiền) thử nghiệm và cải tiến để có được thành công trong ngành.
Những ngón nghề này có lẽ sẽ được họ ‘chân thành’ chia sẻ sau khi họ có một lợi thế cạnh tranh mới và những ngón nghề này đã đều bị những đối thủ trong ngành quan sát và học được. Và cuối cùng, viết sách cũng là một cách để xây dựng thương hiệu cá nhân. Không ai lại đi công khai những thực tế xấu xí về quá trình làm giàu tích luỹ tài sản của mình. Một người như Napoleon Hill sẽ không đưa những câu chuyện lừa đảo làm giàu của mình vào trong cuốn “Suy nghĩ và làm giàu” khi mà ông ta đang cố gắng xây dựng tên tuổi và làm giàu qua việc bán sách. Không ít tác giả self-help còn giống như Napoleon Hill, sẵn sàng mạnh mồm bịa đặt ra những điều không có thật mà tạm thời khó kiểm chứng để tăng tính thuyết phục cũng như thu hút người đọc cho sách của họ. ( ví dụ như cách mà Napoleon Hill nói về cuộc phỏng vấn với tỷ phú Andrew Carnegie cũng như những bí quyết tư duy thần thánh mà vị này chia sẻ với ông).
Nếu nhìn từ góc độ của Austin Kleon: “mọi lời khuyên đều mang tính chất tự truyện”, ta cũng có một cách tiếp cận khác trong việc tìm kiếm lời khuyên mà không nhất định phải đâm đầu vào self-help. Hãy đọc sử. Cụ thể là đọc tiểu sử của những nhân vật đã qua đời, những người có những thành tựu được người đời đánh giá cao và ghi lại vào sử sách. Ví dụ như những quyển tiểu sử viết bởi nhà báo Walter Isaacson về Steve Jobs, Ben Franklin, hay Albert Einstein… đều là những bộ tiểu sử có giá trị, mang lại cho bạn một bức tranh toàn cảnh và khách quan về cuộc đời của những con người này, từ đó mỗi người tự rút tỉa ra những bài học cho riêng mình, chứ không phải là những món ăn dọn sẵn. Tuy tiểu sử cũng vẫn không thể đạt được đến 100% khách quan, nhưng chắc chắn sẽ là một bức tranh toàn diện hơn hơn, không có những toan tính tư lợi khi kể về truyện đời mình như những tác giả self-help hiện đại.
======
4, Tôi làm chủ vận mệnh!
Những cuồn sách self-help bên cạnh những lời khuyên thường cũng kèm theo những câu chuyện về cuộc đời của tác giả: với xuất thân khó khăn, nghèo khổ, hay một xuất thân bình thường rơi vào nghịch cảnh, rồi bằng những nỗ lực phi thường, tài năng của bản thân, và những bí quyết học được mà họ sắp chia sẻ trong sách, họ đã có được sự thịnh vượng về tài chính, địa vị cao trong xã hội, khiến cho người khác phải ngưỡng mộ ngước nhìn.
Không chỉ trong dòng sách self-help mà ngay cả trên các phương tiện truỳen thông đại chũng cũng không ít những câu chuyện cùng motif: những tinh hoa của xã hội leo lên đến đỉnh cao nhờ thực tài và nỗ lực của bản thân, bất chấp những rào cản xuất thân của họ (tàn tật, gia cảnh nghèo khó,…)
Đằng sau những câu chuyện đó là một thông điệp ngầm. TRong xã hội hiện đại ngày nay, vớicow hội giáo dục và sự nghiệp được mở rộng cho gần như tất cả mọi người. Ai cũng như ai, đều có thể leo đến đỉnh cao. Dựa vào thực tài và nỗ lực là xong.
Mục tiêu lý tưởng của mọi xã hội là công bằng về cơ hội và điều kiện mưu cầu hạnh phúc cho mọi công dân. Thành công trong sự nghiệp và địa vị xã hội của mỗi người trong điều kiện lý tưởng này sẽ hoàn toàn thuần chất là kết quả của nỗ lực và tài năng của người đó. Đây là một lý tưởng nhân văn và có lẽ đã thực hiện được một phần nào ở nhiều quốc gia trên thế giới. Phần nào.
Vấn đề là ở chỗ nhiều người, và đặc biệt là rất nhiều tác giả self-help lại tuyệt đối hoá vấn đề và nhìn cuộc sống qua lăng kính lý tưởng này.
“Bạn chịu hoàn toàn trách nhiềm về những gì xảy đến với bạn”, “Tất cả những gì bạn muốn đều có thể đạt được nếu bạn nỗ lực.” Quan điểm này có thể làm cho nhiều người hưng phấn. NHững người còn trẻ và còn cả một sự nghiệp dài ở phía trước, nó thổi bùng đam mê tham vọng để họ nỗ lực cho giấc mơ (hiện thực hay hoang tưởng không biết)
Với những người thành đạt và đã có được địa vị xã hội, họ lại càng đắc ý và cổ vũ cho tư duy đó, vì điều đó có nghĩa là: “Tất cả những gì tôi đạt được đều là tự thân vận động, một tay tôi làm tên, tôi xứng đáng đứng ở đây vì tôi giỏi và xứng đáng hơn các anh!”
Đặng Hoàng Giang trong một bài viết về self-help trên Tuổi trẻ đã đưa ra hai bất cập của quan điểm này như sau [ngắt đoạn đánh số 1, 2 là do người viết] :
” Đằng sau “tư duy tích cực” này kia là quan điểm nguy hiểm rằng bản thân mỗi người, giàu có hay bần hàn, hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình, và đó là lý do hoàn hảo nhất để người giàu tự tán dương mình và phủi tay chối bỏ trách nhiệm xã hội. Gần đây người ta tâm đắc với câu “35 tuổi mà còn nghèo, đấy là tại bạn”. Thông điệp ở đây là gì? Nghèo đói không thuộc về trách nhiệm của quyền lực – họ vô can. Người nghèo nghèo vì họ không có “tư duy triệu phú”.
“Quan điểm này bỏ ra ngoài những bất bình đẳng trong xuất thân, trong tiếp cận giáo dục và y tế. Nó không đặt câu hỏi về những bất công trong xã hội, không bàn tới công lý lẫn thể chế, nó không có khái niệm những nhóm người dễ tổn thương. Nó bỏ qua đúc kết dân gian “con sãi ở chùa lại quét lá đa”.
Nói cách khác tư duy cực đoan này của nhiều sách self-help về trách nhiệm cuộc đời, nó mang lại một cái nhìn lạnh lùng và tàn nhẫn hơn đối với những thất bại, và cũng khiến ta tự tàn nhẫn và khắc nghiệt với bản thân khi chưa đạt được những gì ta muốn.
Alain de Botton trong một TED talk năm 2009 đã đưa ra một ví dụ về cách nhìn nhận này. Một người nghèo ăn xin ở nước Anh trung cổ sẽ được coi là một người không may mắn, do số phận trời sinh anh ta ra như thế. Trái lại, một người nghèo ăn xin ở nước Mỹ hiện đại sẽ bị nhìn vào một cách khinh bỉ như một kẻ thất bại, phế vật của xã hội. Alain de Botton cho rằng đây là một cách nhìn quá tàn nhẫn và cũng không khách quan. Thành công của một người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ít nhất là quá nửa thành công của bất kỳ ai đều thuộc về may mắn. De Botton gợi ý một cách khác, bao dung hơn trong cách đánh giá thất bại, – cách nhìn của bi kịch Hi Lạp cổ đại về thất bại. Những người Hi Lạp cổ đại cho rằng, một người có thể rất tốt, không làm gì sai, nhưng chỉ đơn giản vì không may mắn, vì một sai lầm nhỏ tưởng như vô hại mà bất ngờ thất bại và mất tất cả. Những tình huống đó họ coi là bi kịch, những bi kịch này nhận được sự cảm thông từ những người Hi Lạp cổ. Họ không phê phán rằng những anh hùng thất bại kia thiếu tư duy tích cực, thiếu tư duy triệu phú này nọ..
Sử gia người Anh Liddell-Hart trong cuốn “Sherman” có đưa ra một nhận xét về những vĩ nhân:
” Trong những người leo đến đỉnh cao lãnh đạo và danh vọng ta có thể nhận thấy hai dạng người – những người được sinh ra với niềm tin về sự vĩ đại mà bản thân sẽ đạt được và những người với niềm tin về bản thân phát triển chậm chạp tỉ lệ thuận với những thành công họ dần dần đạt được trên thực tế. Những người thuộc dạng sau luôn ngạc nhiên với những thành công của bản thân, vị ngọt của thành công cũng ngày càng đậm đà hơn. Nhưng kèm theo với đó, họ cũng ngày càng nghi ngờ về thành công đó và tìm cách kiểm tra cẩn thận và xác thực lại rằng thành công của họ không phải là một giác mơ. Trong sự nghi ngờ đó là lòng khiêm tốn thực sự.”
Bạn không nhất thiết phải có một lòng tự tin khủng khiếp vào khả năng của bản thân, rằng bạn chịu hết tất cả trách nhiệm cho những gì xảy đến – có khả năng xoay chuyển số mệnh. Nhiều danh tướng thời xưa như Napoleon Bonaparte hay Alexander đại đế họ có niềm tin sắt đá rằng mình có khả năng xoay chuyển số mệnh và đã thành công. Đấy là dạng người thứ nhất mà Liddell-Hart ở trên nói đến. Nhưng bạn có thẻ chọn làm dạng người thứ hai: từ từ và thận trọng nỗ lực với một sự hoài nghi nhất định về khả năng của bản thân cũng như cơ hội thành công, chuẩn bị tinh thần cho thất bại, như thế thì lòng tự tin về khả năng, sự lạc quan về cuộc đời của bạn sẽ được xây dựng trên những nền tảng thành công đạt được trong thực tế. Như thế nó thật hơn, và bớt ảo đi chút.
Tư duy một cách trắng đen tuyệt đối là một việc dễ làm và cũng dễ để kích thích người ta hùng hục hành động. Sẽ khó hơn để có được những cái nhìn bình tĩnh, lý trí, có chừng mực, nhưng những cái nhìn này sẽ có lợi hơn cho bản thân bạn về dài hạn. Hãy bao dung hơn với những thất bại của bản thân và người khác. Không phải lúc nào cũng 100% do bạn. Hãy khiêm nhường, thận trọng hơn, và bớt chút tham vọng trong việc xoay chuyển số phận. Không ít thảm hoạ xảy đển do những con người tự tin vào khả năng làm chủ số mệnh của cuộc đời mình. Ví dụ: thảm hoạ tài chính 2008 do những thiên tài phố Wall.
=======
5, Đ.m Đam mê
Trong một thông điệp cho các doanh nhân trẻ đầu năm 2018, tỉ phú người Mỹ Mark Cuban đưa ra một lời khuyên: “Một trong những loài khuyên dối trá nhất trên đời là ‘Hãy theo đuổi đam mê’. Mọi người cứ thích câu nói này”.
Trong một cuốn sách khác xuất bản năm 2012: “So good so they can’t ignore you” tác giả Cal Newport (giáo sư về Khoa Học máy tinh tại đại học …) cho rằng lời khuyên theo đuổi niềm đam mê trong sự nghiệp chưa chắc đã tốt cho những thanh niên trẻ. Newport cho rằng ‘đam mê’ là một khái niệm hết sức mơ hồ, ông nghi ngờ cái giả định ngầm của lời khuyên là ai cũng có sẵn một niềm đam mê có thể lựa chọn làm con đường sự nghiệp để theo đuổi, Công việc của bạn là tìm ra cái đam mê đó, dấn thân hết mình vào nó, thế là xong. Cal Newport cho rằng những cái yêu thích ban đầu mà người ta cho là ‘đam mê’ này nó nền móng không vững để đảm bảo là giúp cho ta có thẻ tìm được công việc mà ta yêu thích. Ông cho rằng khi ta bắt đầu sự nghiệp, đam mê không phải là điểm xuất phát, thú vui và tình yêu trong công việc là thứ ta sẽ đạt được sau một quá trình dài cố gắng với những lựa chọn thực tế trong công việc.
Cal Newport có nêu ra một trường hợp của doanh nhân Steve Jobs, người mà luôn được cho là hình mẫu lý tưởng của việc theo đuổi đam mê. Newport nhìn vào khởi đầu của Jobs với ngành công nghiệp máy tính và phát hiện ra rằng Jobs khởi đầu với ham muốn kiếm tiền chứ không hoàn toàn sinh ra với đam mê và lòng thôi thúc phải tạo ra một công ti máy tính thần thánh…
Năm 1974 Steve Jobs từ Ấn Độ trở về, làm việc vất vưởng ở mấy xưởng điện tử kiếm tiền qua ngày, 1975, một ngày tình cờ đọc được 1 tờ báo về những bộ máy tính cá nhân mà những người đam mê có thể tự lắp ráp cho bản thân (cũng cùng một tờ báo mà một ông sinh viên đầu to mắt cận ở harvard đọc được, ông đầu to mắt cận này đọc xong hưng phấn quyết định viết BASIC cho loại máy tính này và lập ra 1 công ti với cái tên dị dị là Microsoft).
Steve Jobs thấy có 1 cơ hội kiếm tiền: Làm ra bảng mạch điện tử theo tiêu chuẩn của bộ máy tính tự lắp ráp đó, rồi bán cho mấy bố ham hố máy tính điện tử khác như một thú vui, chắc cũng kiếm được vài củ. Steve định kiếm chế ra tầm 100 bảng mạch, bán 50 đô một bảng mạch, chắc cũng lãi được tầm 1000 đô tiêu pha ăn chơi một thời gian. Jobs bèn tìm đến một thanh niên cũng đầu to mắt cận như kiểu thanh niên ở Harvard ở trên để rủ làm cùng. Steve rủ Wozniak làm bảng mạch điện tử để bán cho mấy thanh niên đú đởn máy tính cá nhân ở California.
Jobs và Wozniak làm xong mấy cái bảng mạch điển tử đấy, Jobs đến một cửa hàng máy tính chào hàng. Ông chủ cửa hàng không muốn mua bảng mạch điện tử, bảo: Mấy cậu làm hẳn cho tôi mấy cái máy tính cá nhân tử tế, tôi đặt mua 50 cái, mỗi cái trả cậu 500 đô một cái luôn. Tận 25000 đô lận, quả này ăn lớn đây. Đánh hơi thấy mùi làm tiền, Jobs lại hộc tốc chạy về nhà thúc đít Wozniack làm máy tính, chạy đi mọi nơi cầm đồ vay tiền, rồi 1976 … Máy tính làm xong thành cơn sốt, khách mua ầm ầm. Jobs càng làm càng hăng, từ đó dấn thân vào sự nghiệp làm máy tính cá nhân, rồi sau này iPod, iPhone, iPad các kiểu…
Rồi sau này nói chuyện phỏng vấn các kiểu lúc nào cũng: Phải tham đuổi đam mê đến cùng các anh ạ. Steve Jobs nhìn cây mà không nhìn thấy rừng. Sự thực là khởi đầu của Jobs không xuất phát từ đam mê cháy bỏng phải làm thành một cái gì đấy vĩ đại. Nếu năm 1975 đó Jobs thực sự theo đuổi đam mê đến cùng thì có lẽ ông đã tiếp tục con đường huyền bí tu hành kiểu Á Đông (vừa từ Ấn về mà). Jobs chỉ đơn giản muốn kiếm tiền để có thể tiếp tục lông bông đú đởn. Nhạy bén về cơ hội kinh doanh, xu hướng thời đại. Jobs nắm bắt lấy cơ hội kiếm tiền, rồi thì càng làm càng hăng say. Cái đam mê đối với công việc của Jobs nó không phải là điểm xuất phát, nó là kết quả của một quá trình làm việc mà khởi đầu là ham muốn kiếm tiền.
Cal Newport đưa ra quan điểm cá nhân rằng: Niềm vui trong công việc, hay ‘đam mê’ là cái ta đạt được sau một quá trình dài nỗ lực rèn luyện tích luỹ kĩ năng và trở nên xuất sắc trong công việc mà mình chọn. Đam mê là điểm đến, không phải điểm xuất phát. Để tìm được một công việc mà bạn đam mê muốn có thể dốc sức và có niềm vui trong nó, bạn không xuất phát bằng cách nghĩ xem: Ờ việc gì mà mình thích điên cuồng, đam mê tột độ nhỉ?
Bạn không xuất phát với đam mê đó, bạn xuất phát bằng những câu hỏi thực tế hơn:
Việc gì mà mình có thể làm được mà cảm thấy không quá nhạt nhẽo, không quá chán ghét nó?
Hiện tại mình có thể tự nâng cao trình độ, phát triển những kỹ năng gì của công việc này?
Và với kỹ năng hiện tại của mình trong công việc này, thị trường lao động, các công ty có trọng dụng và trả lương tốt không?
Rồi sau đó từng bước từng bước phát triển các kĩ năng trong công việc đó, rồi khi bạn trở nên xuất sắc trong công việc đó, xuất sắc đến mức bạn được trả rất nhiều tiền để làm việc, thậm chí có thể tạo ra công việc riêng cho bản thân mình, tự do không phải làm công cho ai. Đến lúc đó bạn sẽ thấy niềm vui trong công việc. Với góc nhìn này, Newport cho rằng những người mới bắt đầu sự nghiệp nên có một tâm thế của “một người thợ” (“craftman mindset”), cố gắng cần mẫn trong công việc để thành một người thợ lành nghề, đừng bận tâm bởi những âm thanh nhiễu khác của những thông điệp vè niềm đam mê hay những sứ mệnh cao cả thay đổi thế giới…
==========
6, Tâm và Thuật
Trong chương mở đầu của cuốn “7 thói quen để thành đạt”, tác giả Stephen Covey nêu ra một sự chuyển biến trong các sách vở viết về thành công (mà trong bài viết này đề cập là sách self-help) tại Hoa Kỳ tính từ năm 1776 đến nay. Covey nhận thấy:
“Trong 150 năm đầu tiên từ sau ngày thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, hầu hết các sách nói về thành công đều tập trung khai thác quan điểm Đạo đức tính cách (Character Ethic) – bao gồm sự chính trực, đức khiêm tốn, lòng trung thành, sự mực thước, lòng can đảm, sự công bằng, sự cần cù, tính giản dị, lòng thật thà cùng bộ Quy tắc vàng về ứng xử xã hội (Golden Rule) – được xem là nền tảng của thành công. Tự truyện của Benjamin Franklin là một đại diện tiêu biểu cho trào lưu này. Về cơ bản, đó là câu chuyện về một người cố gắng kết hợp các nguyên tắc sống và những thói quen cố hữu với tính cách của mình.
Theo quan điểm của Đạo đức tính cách, có một số nguyên tắc sống cơ bản. Để sống thật sự hạnh phúc và thành công, con người phải biết gắn những nguyên tắc này vào tính cách riêng của mình.
Sau Thế chiến thứ nhất, quan điểm chủ đạo về thành công chuyển từ Đạo đức tính cách sang Đạo đức nhân cách (Personality Ethic). Lúc bấy giờ, mọi người cho rằng thành công chủ yếu là do nhân cách, hình ảnh xã hội, thái độ và hành vi, các kỹ năng và bí quyết giúp quá trình giao tiếp giữa con người với nhau được thông suốt hơn. Quan điểm này gồm hai xu hướng: một là các quy tắc ứng xử cá nhân và xã hội, hai là thái độ sống tích cực (PMA – Positive Mental Attitude). Vài nội dung của triết lý này được diễn dịch thành những câu châm ngôn tuyên truyền rất có giá trị, chẳng hạn như: “Thái độ quyết định tầm nhìn”, “Một nụ cười là mười người bạn”, “Những gì con người nhận thức được và tin, họ sẽ làm được”… Trong đó cũng cả việc hướng dẫn sử dụng các tiểu xảo để lấy lòng người, hay giả vờ quan tâm đến những thú vui của người khác để được phần mình, hoặc sử dụng “sức mạnh ánh mắt” để chinh phục hay doạ dẫm người khác.
Một số sách theo quản điểm Đạo đức nhân cách cũng thừa nhận tính cách là một trong những yếu tố của thành công, nhưng lại hạ thấp vai trò nền tảng hay tính xúc tác của nó đối với thành công. Do đó, trong những cuốn sách này, Đạo đức tính cách dường như trở thành những lời nói suông và các tác giả chỉ nhấn mạnh các kỹ xảo gây ảnh hưởng cá nhân, âm mưu quyền lực, kỹ năng giao tiếp và thái độ tích cực.” (Trang 34-35).
Sự dịch chuyển trọng tâm từ Đạo đức tính cách sang Đạo đức nhân cách mà Covey đề cập đến có thể gói gọn trong hai chữ Tâm – Thuật. Quan điểm Đạo đức tính cách chú trọng xây dựng phần Tâm, tạo cho bản thân một một giá trị sống thành thật với cá tính của bản thân. Quan điểm Đạo đức nhân cách có thể gọi gọn trong chữ Thuật, chú trọng vào những tiểu xảo để làm sao được việc, được người đời quý mến ủng hộ. Để ý những tên sách self-help về giao tiếp ta cũng có thể thấy có không ít tên sách kiểu như sau: “Thuật lãnh đạo”, “thuật nói chuyện”, “thuật chinh phục x*x”, “thuật thuyết phục”…
Sự thiên lệch về phần Thuật trong dòng sách self-help cũng là một lí do khiến nhiều người dị ứng và phản cảm phát ngấy với sách. Cơ man nào là đủ loại phương pháp này nọ để vụ lợi, quá thiên lệch về thuật mà lại tiếp cận không đúng, không đủ không hợp lý về phần ‘tâm’.
Học giả Nguyễn Duy Cần cũng từng phê phán ‘Đắc nhân tâm’ :
“Người nào có đông bạn, đáng nghi ngờ về lòng Trung Tín của họ (Bạn thân của đông người không là bạn thân của ai cả: “L’Ami de tout le monde n’est ami de Personne”.) Thường là kẻ thích sự cầu thân để kết bè kết đảng là kẻ theo đạo “Đắc nhân tâm để được thành công” của nhà tỉ phú Mỹ Dale Carnergie. Sách này bán chạy nhất vì đã đáp ứng lòng vị lợi và thích thành công của con người ngày nay, sống không ngoài khẩu hiệu DANH và LỢI.” [[chú thích trang 138, Dịch Kinh Tường Giải – quyển Hạ] .
Những cuốn self-help cho dù có nói đến dụng tâm phải chân thành nhưng cái khởi điểm của nó là một khởi điểm mất cân bằng tinh thần: vụ lợi, thực dụng, hừng hực khí thế để đạt được mục tiêu chứ không thành tâm nghĩ đến người khác. Quan niệm địch ta, thuyết phục là làm sao để câu được người khác về, ngay cả khi rao giảng về ‘mang lại giá trị cho người khác’ thì trong đầu cũng vẫn đậm chỉ có một chữ tiền rồi… Một tâm thái mất cân bằng, nuôi dưỡng cái tôi hiếu thắng.
Sách self-help mang đến cho ta phần ‘thuật’, để giải quyết các vấn đề, tuy nhiên mặt bất cập của nó là ở chỗ tác động của nó lên phần ‘tâm’ của ta, lên tâm tính, cách nhìn nhận và suy nghĩ về cuộc sống ta. Tác động bất cập là ở những góc nhìn cực đoan, đơn giản hoá vấn đề, thiên lệch phần ‘thuật’ đến mức lu mờ phần ‘tâm’, đánh vào những cảm xúc cơ bản, cực đoan của con người: ích kỷ, hiếu thắng, tham lam, hám danh. Cũng vì thế mà nhiều người miêu tả sách self-help mang lại cảm giác “lâng lâng khoái cảm” cho người đọc…
========
7, Đọc sao cho hiệu quả
Làm thế nào để nhanh chóng với một xác suất tạm ổn tìm một cuốn sách phù hợp?
* Đọc bìa, lời giới thiệu, lời nói đầu: để biết cơ bản cuốn sách này nhắm đến những vấn đề gì trong cuộc sống của bạn. Ông tác giả bán lời khuyên gì.
* Đọc mục lục xem bao nhiêu % là tự sự, lướt phần mở đầu chương rồi đến chương cuối lướt đến phần cuối từng chương (nếu cuốn sách đáng để đọc và có tính thực dụng thì sẽ có phần tóm tắt với những câu hỏi hay gợi ý hành động, còn nếu không thì không đáng đọc). Lập tức đọc mục lục: xem từng phần viết về vấn đề gì, giải quyết vấn đề gì. những ý chính của mình cùng những gợi ý hành động, bạn không cần để ý đến anh ta làm gì.
* Lướt ngay đến những chương với những chiến thuật cụ thể để giải quyết những vấn đề cụ thể, kiểu “Làm thế nào để’, ” 3 chiến thuật…”, “5 phương pháp…”.
Nhảy vào chương đó và bắt đầu từ phần cuối với những tóm tắt nội dung chương cùng những gợi ý hành động cụ thể. Một người viết self-help bán lời khuyên mà không có thời gian để tổng kết ngắn gọn những thông tin có thể thử nghiệm áp dụng thì sách của anh ta không đáng đọc (những người bán lời khuyên chuyên nghiệp tìm mọi cách tiết kiệm thời gian cho khách hàng).
* Sau những bước khảo sát ở trên, nếu thấy sách có những cách tiếp cận, những chiến thuật hành động mới lạ. Ok mua sách về, mua một người làm thuê (ông tác giả) về.
Hãy chỉ vào cuốn sách và thầm nói với ông tác giả: Bây giờ tôi mua anh về, anh là thằng làm thuê cho tôi, có nhiệm vụ đưa ra những lời khuyên giúp tôi giải quyết vấn đề. Tôi sẽ lắng nghe anh cẩn thận và hành động, lời khuyên của anh hi vọng là sẽ có giá trị, bằng không phí tiền tôi mua thằng làm thuê như anh về. Còn về cuộc đời anh, tôi chẳng quan tâm mấy, khi nào rảnh mình nói chuyện sau, bây giờ thì nói cho tôi biết phải làm gì.
Sau khi chọn được sách:
Hãy tìm mọi cách để phá vỡ cấu trúc sắp đặt sách của tác giả. Sách self-help không cần đọc theo thứ tự từ trang đầu đến trang cuối như một cuốn tiểu thuyết.
Hãy có một cách tiếp cận vụn vặt, – tức là không để tâm đến hệ thống của cuốn sách, khi giở một cuốn sách self-help ra hãy đừng đọc theo thứ tự mà tác giả đặt ra, đây là thứ tự sắp xếp nội dung mà tác giả đặt ra nhằm dẫn dụ và tiêm vào đầu bạn những ý tưởng, cũng là cách để tác giả khiến bạn hứng thú đọc sách, cũng là cách mà tác giả khiến cuốn sách của họ trở thành một hệ thống, một mô hình – như thế thì trông sẽ có vẻ chuyên nghiệp và khoa học hơn. Bạn không cần hứng thú, cái bạn cần là thông tin bạn có thể sử dụng ngay lập tức cho những vấn đề trước mắt. Người viết một vài gợi ý như sau:
1.) Đặt câu hỏi “Làm sao để…”
2.) Dựa vào những gì đã đọc, những gì đã làm, hãy viết ra câu trả lời của riêng bạn về vấn đề đã đặt ra.
3.) Tìm sách để trả lời câu hỏi cụ thể đó (hoặc hơn cả đọc sách là tìm một người mà bạn biết chắc là có năng lực trong vấn đề trên để xin lời khuyên).
4.) Ghi chép những phương án giải quyết bạn thấy thú vị và hợp lý.
5.) Tiến hành làm theo những phương án đó với tỉ lệ 1/4. Bạn đọc một phương án, thì hãy thực hiện nó trong thực tế ít nhất là 4 lần trong một tuần. Để còn xem hiệu quả. Hãy tự thí nghiệm trên bản thân và ghi chép lại.
Hãy có một cách tiếp cận vụn vặt, thay vì tổng thể có hệ thống khi đọc sách self-help. Hãy tìm từng lời gợi ý nhỏ để giải quyết một vấn đề cụ thể. Để tiết kiệm thời gian ta cần hệ thống hoá kiến thức, nhưng hệ thống đó nên là một hệ thống bạn tạo ra cho riêng bản thân, thay vì bê y nguyên hệ thống của một người (nhiều khả năng không hiểu gì cũng như không quan tâm mấy đến bạn).
=======
8, Không chỉ nghe, hãy soi
Không ít những tác giả viết self-help với mục đích đúng nghĩa đen của từ ‘self-help’ là để phục vụ chính bản thân họ thay vì chia sẻ những bí quyết thực sự đã giúp họ thành công: họ sẽ rắc thính cho bạn những gì bạn muốn nghe “bạn có thể có tât cả những gì bạn muốn trên đời này”, “chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong cách nghĩ là cuộc đời bạn quay 180 độ từ đáy lên đỉnh, tất cả những điều đó giúp cho sách của họ bán chạy, giúp cho họ tạo nên một cộng đồng sùng bái hiển hiện trên truyền thông, mạng xã hội, tạo bệ phóng cho những cơ hội kiếm tiền tiếp theo của họ.
Bản thân điều vừa kể trên không có gì xấu, cái ý muốn sách của mình bán chạy, có nhiều người hưởng ứng mình để có thêm cơ hội thể hiện, kiếm tiền, không có gì xấu, nếu như người viết thực lòng với những gì mình viết và thành tâm muốn giúp người đọc, và giúp họ trong số lượng giấy mực hợp lý nhất có thể, chứ không phải bằng cách bôi ra sách của mình thành hàng chục series, liên tục đặt trước mũi người đọc một củ cà rốt rằng cuốn sách tiếp theo của tôi sẽ nâng bạn lên tầng cao mới, sẽ thực sự giải thoát cho bạn…
Nhưng có một điều họ không giấu được. Đó là: ngón nghề viết sách mê hoặc người đọc của họ là không thể giấu được. Bạn nhìn ra điều đấy nếu như bạn không quá tập trung vào nuốt từng lời của họ như là nuốt kinh thánh, Thay vào đó bạn dùng một con mắt của nhà quan sát, như một giám khảo ảo thuật nghiêm khắc nhìn vào kỹ sảo của nhà ảo thuật trước mắt, để phân tích, bóc tách, chứ không phải để thưởng thức.
Một cách đọc self-help là không phải đọc họ nói với anh những gì mà là dùng hai mắt anh chiếu laser vào cách họ đang dùng để thuyết phục, mê hoặc anh, nhìn vào cấu trúc từng chương sách của họ và tự hỏi: thằng cha này muốn định hướng tình cảm và suy nghĩ của mình như thế nào trong phần này?
Ví dụ về cấu trúc của một số cuốn self-help:
1.) Tôi đã tệ như thế nào (gia cảnh bần hàn, cơm không có mà ăn, phá sản, sống gầm cầu ổ gà ổ chuột, chán đời muốn chết, nhảy cầu)
2.) Tôi đã vùng lên như thế nào từ xuất phát thấp kém đó bằng chính khả năng của bản thân.
3.) Tôi đã đạt được thành công và học được những gì.
4.) Bạn cũng có thể làm được như tôi.
5.) Một hai chương kích thích tinh thần: thử thách của thời đại như thế này thế này, thay đổi và học theo tôi không thì bạn sẽ bị xã hội đào thải đấy, – đọc sách hay là chết (đại loại những khẩu hiệu quá khích như thế. Tôi có thể đảm bảo không đọc sách bạn sẽ không chết, và nhiều khi không đọc sách và sống trong thiên nhiên ta lại có thể học được nhiều hơn từ sách vở, xét cho cùng, sách vở cũng có thể là một dạng đồ chơi tiêu khiển, tiêu khiển trí óc, nghiện cũng không tốt)
6.) Sau khi kể với bạn về thành tích, về sự nghiệp vĩ đại của họ, những tác giả mới bắt đầu chia sẻ với bạn về những phương pháp “được cho là” đã giúp thành công, và những chương sách hệ thống phương pháp này cũng không thiếu những câu chuyện thủ dâm tinh thần của người viết.
Tất cả đều có thể bị bóc tách, đều có thể bị nhìn ra và để bạn dùng chính những ngón đòn của họ làm lợi cho bản thân bạn. Làm việc tốt hay xấu thì lại do cái dụng tâm của bạn, như trên đã nói, phần ‘thuật’ bản thân nó trung tính.
=======
9, Hãy viết ra quyển self-help cho chính bản thân
Hãy viết ra quyển self-help cho chính mình, do chính bạn viết ra, và vì lợi ích của chính bạn và một mình bạn, để giải quyết cho cuộc đời của bạn,
Bạn trưởng thành khi bạn bắt đầu viết cuốn self-help cho chính mình. Một cuốn self-help đúng nghĩa, không phải là viết cho ai mà viết cho chính bản thân bạn, vì sự tiến bộ của chính bạn, những lời khuyên, những chiến thuật dành cho những mưu toan riêng của cuộc đời bạn.
Hoàng đế Marcus Aurilus ở đỉnh cao của quyền lực của Đế chế La Mã, suốt đời không có ai có thể chia sẻ tâm sự. Ông viết nhật ký, như để nói chuyện với chính bản thân, để nhắc nhở bản thân về những nguyên tắc sống mà ông tổng hợp, đúc rút ra dành cho bản thân. Ông viết để nhắc nhở bản thân hàng ngày, để làm theo những nguyên tắc giúp ông sống tốt. Cuốn nhật ký đó sau này được người đời tổng hợp thành cuốn “Tư Tưởng” (“The Meditation”) – một tác phẩm gối đầu giường dành cho không ít người hứng thú với Triết học Stoic (Triết học Khắc kỷ).
Mỗi một quyển sách về thành công đều như những thanh kiếm để chém vào những vấn đề, chém tan những chướng ngại trong cuộc sống. Chém được là được. Nhưng quan trọng là anh cầm kiếm lên và chém, chư không chỉ đơn giản là đi sưu tầm các loại kiếm, rồi trầm trồ nghe các nhà luyện kiếm tán tụng về sự đặc biệt của thanh kiếm họ làm ra..
Và tốt nhất là mỗi người trong chúng ta nên có những thanh kiếm do chính mình tạo ra, như Marcus Aurelius, sau khi đã học hỏi sưu tầm kiếm của những người khác, tạo ra cho mình thanh kiếm vừa tay mình nhất, đúng phong cách chiến đấu của mình nhất. Hay như Washington có tự viết một sổ tay "The Rules of Civility and Decent Behavior in Company and Conversation"
Quanh đi quẩn lại thì cũng từng đấy nguyên tắc, không ai phủ nhận là thể loại sách thành công không có tác dụng, nó có tác dụng nhất định cho mỗi người ở một giai đoạn nhất định. Nhưng quan trọng là cái tỉ lệ giữa việc đọc và hành động.
Hãy hành động thật nhiều. Đọc 1 tiếng hành động 4 tiếng. Bằng không sách dạy thành công, dạy thuật này thuật nọ, sẽ trở thành những liều thuốc kích thích, khiến người ta hưng phấn cảm thấy mình có thể xoay chuyển trời đất, và rồi tiếp tục hùng hục đi tìm những liều thuốc tương tự với những mùi vị khác để có thể đưa họ đến những cuộc phiêu lưu tinh thần khác…
Và đến một thời điểm nào đó bạn sẽ phát hiện ra, càng hành động nhiều thì bạn sẽ thấy sách chỉ cho ta những nguyên tắc cơ bản. Để được việc thì phải luôn tự lực nghĩ kế theo từng tình huống, có thể lấy cảm hứng từ sách cũng như việc kinh doanh. Những bước cơ bản để kiểm tra tính khả thi và triển khai một ý tưởng là có, sách có thể dậy cho bạn.
Việc tìm ra và gọt dũa ý tưởng chi tiết đang giá triệu đô, không ai chỉ cho ai được. Vì:
1.) Nếu triệu đô thật, họ giữ họ làm, khoe với bạn làm gì?
2.) Tự mình nghĩ ra và tay chân lấm lết đưa nó vào thực tế, nó cũng là một cái thú. Về lâu dài đây mới chính là nguồn nuôi dưỡng động lực là lí do để bạn bật dậy sớm 5h sáng hàng ngày và làm việc qua đêm quên giờ giấc.
=========
Tài liệu tham khảo
Peter Bregman. Consider not setting goals in 2013. Harvard Business Review
<<This is accepted common sense in the business world and it’s reinforced by research. Like that study done on the Harvard Business School class you may have heard of, in which only 3% of the graduating students wrote down clear goals. Twenty years later, those 3% were worth 10 times the worth of the rest of the class combined. Compelling, right?
It would be if it were true. But it isn’t. That study doesn’t exist. It’s pure urban myth.>>
Laura Sider. Where can I find information on Yale’s 1953 goal study. Yale University Library.
Andy Kessler. Studies are usually bunk, study shows. The Wall Street Journal. August 13, 2017.
Joseph Stromberg. Myth Busted: Looking left or right doesn’t indicate if you’re lying. July 12, 2012. Smithsonian magazine.
Robert Ringer. Winning through intimidation. 1984. Ballantine Books. New York.
Jeff Thompson. Is Nonverbal Communication a Numbers Game?. Sep 30, 2011. Psychology Today.
Đặng Hoàng Giang. Sự khốn cùng của tư duy triệu phú. Tháng 6, 2015. Tuổi trẻ online.
H. Liddell-Hart. Sherman: Soldier, Realist, American. 1929.
Cal Newport. So good they can’t ignore you: Why Skills trump passion in the Quest for Work you Love. 2012. Hachette Book Group, New York.
Stephen R. Covey. 7 thói quen thành đạt. 2007, Nxb Trẻ.
Mark Cuban.
Alain de Botton. A kinder, gentler philosophy of success. TED 2009.
Nguyễn Duy Cần. Dịch Kinh Tường Giải.
Austin Kleon. Steal like an artist
Jeffrey S. Young. Steve Jobs: The Journey is the reward. 1987. Lynx Book
(Nguồn:
Nguyễn Ánh Nguyệt
itnguyen2015
Bài viết quá hay. Cảm ơn bạn