Secretary (2002) v. bộ ba Fifty Shades of Grey (2015 - 2018)
Ở thời điểm bộ tiểu thuyết Fifty Shades of Grey của E.J.James ra đời, nó đã gây sốt trên toàn thế giới và nói không ngoa khi có thể coi đây là một trong những bộ fanfiction thành công nhất khi ngoài việc giúp cho tác giả kiếm được hàng triệu đô tiền tác quyền, nó còn được chuyển thể thành bộ ba phim tình cảm ăn khách. Tuy nhiên, Fifty Shades of Grey (2015 – 2018) không phải là loạt phim điện ảnh đầu tiên về đề tài BDSM, mười ba năm về trước, Steven Shainberg đã đưa Secretary (2002) lên màn ảnh và từ đó, bộ phim trở thành một tượng đài khó lòng thay thế trong thể loại phim erotic. Khán giả cũng khó lòng không nhận ra sự tương đồng nhất định của hai bộ phim, vì thế, bài viết này sẽ đặt hai bộ phim tương đồng cả về thể loại và đề tài này để so sánh.
1. Cách khai triển đề tài
Cả hai bộ phim đều tận dụng đề tài về mối quan hệ giữa những nhân vật có khuynh hướng tình dục bao hàm các yếu tố BDSM (thống trị, phục tùng, và kiểm soát) với những trải nghiệm đau đớn và quyền lực nhằm tạo ra căng thẳng, khoái cảm và giải thoát trong tình dục. Tuy nhiên, cách khai triển cốt truyện của hai bộ phim đi theo hướng khác nhau hoàn toàn.
Secretary (2002) là mối quan hệ tăng dần đều giữa hai cá thể đều bị tổn thương về tâm lý, trò tình ái của Lee Holloway (Maggie Gyllenhaal) và Edward Grey (James Spader) dần dần biến chuyển thành một mối liên kết sâu sắc và toàn diện hơn khi nó từ hoạt động tình dục thuần túy biến chuyển thành mối ràng buộc tình cảm giữa hai người. Sự phát triển này chậm rãi, logic và không vồ vập giúp cho khán giả cảm nhận rõ rệt sự biến chuyển tâm lý nhân vật và thấu hiểu nhân vật hơn dù cho có khó đồng cảm với khuynh hướng tình dục của họ.
Trong khí đó, với Fifty Shades of Grey (2015 – 2018), mạch truyện được triển khai theo hướng lọ lem – hoàng tử kết hợp với người đẹp – quái vật. Cô sinh viên Anatasia “Ana” Steel (Dakota Johnson) 21 tuổi tình cờ “va phải” chàng CEO điển trai, quyến rũ, giàu có Christian Grey (Jamie Dornan) và hai người nhanh chóng bị thu hút bởi nhau, sự chênh lệch thấy rõ ở đây là điển hình của mô tuýp lọ lem – hoàng tử. Tuy nhiên, chàng CEO giàu có, quyến rũ, điển trai lại mang trong mình những vết sẹo tâm lý từ quá khứ và có khuynh hướng tình dục kỳ lạ đã cuốn cô gái trẻ ngây thơ vào cuộc tình mà ở đó cô ấy là kẻ khám phá, kẻ bị động, nhưng dần dà lại trở nên yêu anh, thì đây là mô tuýp điển hình của người đẹp – quái vật. Mối quan hệ giữa Christian và Ana mang sự chênh lệch rõ rệt không chỉ từ địa vị của hai người mà còn từ vai trò của họ trong mối quan hệ của hai người, mối quan hệ giống như một cuộc săn bắt mà ở đó, Ana là con mồi, đặt dưới sự khống chế dịu dàng và quyến rũ của Christian để rồi cuốn vào cuộc tình mà cô không có đầy đủ ý thức và nhận thức về loại hành vi tình dục đó ngoài việc cố gắng để khiến Christian hài lòng, rồi dần dần yêu anh ta. Sự chiều chuộng và bao dung có phần thái quá và phi logic của Ana với Christian biến mối quan hệ của họ gần như lệch trục hẳn về phía Christian, bỏ ngỏ một câu hỏi lớn về vai trò và tiếng nói của Ana trong mối quan hệ này.
2. Cách khai triển các yếu tố tình dục trong phim
Cả hai bộ phim/loạt phim này đều thuộc thể loại erotic với đề tài BDSM nên việc khai triển yếu tố tình dục là một trong những phần quan trọng nhất trong phim. Tần suất yếu tố tình dục diễn ra trong Fifty Shades of Grey (2015 – 2018) nhiều hơn hẳn so với Secretary (2002), tuy nhiên, cách khai triển những yếu tố tình dục đó mới là điều đáng nói.
Trong Fifty Shades of Grey, sự ám ảnh của Christian với Ana nhanh chóng nhuốm màu tình dục khi anh ta đưa ra một thỏa thuận tình ái giữa hai người, Ana không ký thỏa thuận đó nhưng vẫn bị cuốn vào mối quan hệ tình ái với Christian. Christian thể hiện rõ bản thân là một người thống trị, trong khi đó, Ana không thực sự ý thức hết mối quan hệ mà cô đang dấn thân vào. Cô chấp nhận việc làm tình với Christian phần nhiều vì muốn tìm hiểu về Christian chứ không trên cơ sở hiểu biết đầy đủ về BDSM, điều này dẫn đến sự đồng thuận của Ana trở nên khiên cưỡng và nửa vời. Sự phục tùng của Ana không trên cơ sở mong muốn hay khuynh hướng tình dục của cá nhân cô mà dựa trên việc làm hài lòng người tình của mình khiến cho mối quan hệ tình ái giữa hai người thiên về sự thao túng và dễ chừng trở nên toxic. Bên cạnh đó, yếu tố tình dục dày đặc xuyên suốt bộ ba phim góp phần khiến cho mối quan hệ giữa Christian và Ana có vẻ như xoay quanh tình dục hơn là sự chia sẻ cảm xúc thuần túy sâu sắc. Thêm nữa, mối quan hệ này càng ngày càng có xu hướng toxic hơn khi Christian dường như chi phối mọi khía cạnh của mối quan hệ, bao gồm cả quyết định tự đẩy Ana ra khỏi cuộc đời mình sau đó lại tự động xuất hiện trở lại, sự bị động khó hiểu của Ana trong tình huống này khiến cho vai trò của cô trong mối quan hệ ngày càng mờ nhạt, ngay cả việc kết hôn của hai người cũng có sự can thiệp sâu sắc của Christian còn Ana đơn giản là hiển nhiên đồng ý.
Nói đến sự đồng thuận trong các hành vi tình dục của nhân vật, Secretary biểu hiện giữa Edward và Lee phát triển một mối quan hệ kiểu “mèo vờn chuột” nhưng được xây dựng trên cơ sở sự thấu hiểu lẫn nhau của hai tâm hồn đều bị tổn thương. Mặc dù Edward hiện lên với vai trò là một người chủ động, thống trị, nhưng sâu xa hơn chúng ta nhìn thấy sự hưởng ứng không cố kỵ của Lee. Thậm chí, cô yêu thích việc phục tùng Edward, việc anh ta kiểm soát số lượng hạt đậu trong bữa tối và cô sung sướng phục tùng, cực khoái khi nghĩ đến anh ta và dùng những hành vi có-vẻ-tiêu-cực để khơi gợi ham muốn kiểm soát, thống trị của Edward như khi cô gửi con giun chết cho anh để đẩy anh đến giới hạn. Mối quan hệ này rõ ràng là cân bằng và cho thấy sự chủ động giữa cả hai bên, Lee hoàn toàn ý thức được mối quan hệ mà cô đang dính dáng đến và đồng thuận với nó. Ngoài tình dục, người xem còn được chứng kiến sự phát triển tình cảm song song giữa hai người khiến cho bộ phim trở nên sâu sắc hơn. Trường đoạn tả thực duy nhất trong phim về tình dục là một trong những cảnh tình dục hay nhất trong điện ảnh, máy quay tập trung vào từng đường nét trần trụi trên cơ thể của Maggie Gyllenhaal và lột tả tất cả những vết sẹo tự hoại trên cơ thể cô cùng với bàn tay của James Spader dịu dàng di chuyển trên từng đường cong đó trở nên một cảnh tượng vừa hết sức dục tình vừa hết sức tinh tế, gợi tả.
3. Nhân vật Edward Grey và Christian Grey
Fifty Shades of Grey đi sâu nhiều hơn vào vấn đề của Christian Grey, những tổn thương, những vết sẹo quá khứ đã kiến tạo nên anh ta của hiện tại, trong khi đó Secretary gần như lược bỏ thông tin về quá khứ tạo nên Edward Grey của hiện tại mà tập trung vào tâm lý nhân vật và hành vi hiện tại của anh. Tất cả những gì chúng ta được thấy trong Secretary là sự giằng xé và dằn vặt của Edward trước khuynh hướng của bản thân và khi gặp được người phụ nữ sẵn sàng hưởng ứng và thậm chí còn chủ động đẩy anh ta đến giới hạn hết lần này đến lần khác. Anh ta nhận thức rõ khuynh hướng của mình không phải là khuynh hướng bình thường với xã hội, không chỉ bị giằng xé trong mối quan hệ với Lee, mà còn giằng xé giữa việc tiếp tục buông thả bản thân để tận hưởng hay dừng lại trước khi đi quá giới hạn thêm. Mối quan hệ giữa Edward và Lee được xây dựng dựa trên nền tảng đạo đức rõ ràng chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề khuynh hướng tình dục. Trong khi đó, Christian gần như không quan tâm đến cảm xúc của Ana, tất cả những gì anh ta cố gắng là thuyết phục Ana tham gia vào “trò chơi tình ái” của mình và thể hiện chiêu trò để thao túng cảm xúc của cô gái ngây thơ. Sự phục tùng bị động của Ana trong mối quan hệ khiến cho Christian trở thành một kẻ thao túng lão luyện hơn, mọi cảm xúc của cô gái phải chạy theo anh ta khiến cho mối quan hệ của hai người họ trở nên phi lý và phi đạo đức.
Diễn xuất của James Spader thực sự xuất sắc và lột tả hoàn toàn những giằng xé, day dứt của Edward Grey trước khuynh hướng tình dục của mình. Trong khi đó, Jamie Dornan không thực sự nêu bật được chiều sâu của nhân vật, hoặc có thể do sự phát triển nhân vật của anh quá nghèo nàn đến nỗi năng lực diễn xuất của Dornan cũng không thể cứu nổi nhân vật.
4. Nhân vật nữ chính Lee Holloway và Anatasia Steele
Trái ngược với cách xây dựng nhân vật nam, nhân vật nữ chính của Secretary lại chủ động hơn và được khai thác sâu sắc về câu chuyện của cô hơn, trong khi đó Ana trong Fifty Shades of Grey lại bị động và câu chuyện quá khứ của cô không được khai thác sâu. Lee ý thức rất rõ ràng việc bản thân cô bị thu hút bởi Edward và khuynh hướng tình dục của cô, chính vì thế cô hoàn toàn tự nguyện chủ động tham gia vào cuộc tình với Edward, và sau này là chấp nhận hết sức dễ dàng, hiển nhiên tình cảm của mình dành cho anh. Trong khi đó, như đã nói ở trên, tình cảm của Ana, dù đã được cố gắng tô vẽ cho thật hợp lý, thì cũng không thể làm lu mờ đi sự bị động và không ý thức được toàn bộ vấn đề của cô. Ana bị cuốn theo sự quyến rũ, ngọt ngào của Christian, bị chi phối cả về cảm xúc lẫn hành vi bởi anh, như thể cô chỉ là một vệ tinh xoay xung quanh mặt trời, điều đó với một cô gái trong một mối quan hệ mà nói thì không thể nào tệ hơn được.
Ngoài ra, diễn xuất của Maggie Gyllenhaal thực sự tinh tế, vẻ đẹp quyến rũ hư hỏng của Lee Holloway trở thành một biểu tượng khó lòng thay thế của thể loại. Trong khi đó, nét diễn đơ cứng và một màu của Dakota Johnson kèm theo hình tượng nhân vật mờ nhạt khiến cho đây trở thành một vai diễn không hề ấn tượng.
5. Cinematography
Mặc dù nội dung có sự chênh lệch lớn, nhưng về cách quay dựng thì cả hai bộ phim này đúng là một chín một người. Fifty Shades of Grey (2015 – 2018) có nhiều khung hình đẹp và gợi tả, góc quay bắt toàn cảnh thành phố Seattes hoa lệ để tạo cảm giác choáng ngợp trước địa vị và vai trò của Christian Grey và vẻ đẹp ngây thơ của Ana Steele. Hầu hết các cảnh quay đều đối xứng rồi dần dần được trải rộng ra, tạo nhiều lớp lang hơn cho cảnh phim và hàm chứa bất an, khó chịu như chính tâm lý của nhân vật. Tông màu xám, tối được sử dụng chủ yếu khi nhắc đến Christian giúp người xem liên tưởng đến tiêu đề phim, và màu sắc sáng lên ở những phân đoạn có sự xuất hiện của Ana cho thấy cô đã trở thành một nguồn sáng trong cuộc sống của Christian. Góc trung và cận cảnh được tận dụng triệt để nhằm làm nổi bật tâm trạng và suy nghĩ của nhân vật trong từng tình huống.
Với Secretary (2002), việc sử dụng màu sắc tự nhiên tạo cho người xem cảm giác dễ chịu và thoải mái, không bị nặng nề dù đề tài nó chuyển tải không hề dễ dàng cũng là đề tài thường bị xếp vào dạng đen tối. Thông thường, những bộ phim thuộc đề tài này sẽ lựa chọn tông màu tối chủ đạo, nhưng việc sử dụng màu sắc đa dạng trong phim khiến cho người xem có thái độ thoải mái và góc nhìn bình thường hơn với BDSM. Điều này phù hợp với ý định của đạo điễn Steven Shainberg khi mong muốn của ông là truyền tải đến công chúng rằng BDSM hoàn toàn là một khuynh hướng tự nhiên và bình thường. Bối cảnh văn phòng của Edward không xa hoa, lộng lẫy mà tạo cho người xem cảm giác ấm cúng, riêng tư, một không gian phù hợp với một văn phòng luật sư một thành viên, đồng thời cũng phù hợp để các nhân vật có thể chia sẻ một mối quan hệ riêng tư, dữ dội và bạo liệt trong đó.
Tóm lại, như nhiều nhận xét có thể dễ dàng tìm thấy trên internet về hai bộ phim/loạt phim này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy “Secretary tuyệt vời, Fifty Shades of Grey tệ hại”. Bài viết này không nhằm đưa ra những luận điểm cảm tính đơn thuần như vậy, mà là nỗ lực để đặt hai bộ phim cùng đề tài hiếm hoi này trong một tương quan so sánh để người xem có thêm những góc nhìn mới về cả hai bộ phim/loạt phim.
điện ảnh
,bdsm
,nudity
,so sánh phim
,so sánh
,phim ảnh
,tình yêu
Coi xong 50 sắc thái tự hỏi tại sao nó hot luôn ấy. Một thằng cha giàu có thích BDSM lời nói luôn trái vs hành động và 1 cô gái sau bao nhiêu lần vẫn nghĩ đó là hoàng tử trong mơ -
Đình Phúc
Coi xong 50 sắc thái tự hỏi tại sao nó hot luôn ấy. Một thằng cha giàu có thích BDSM lời nói luôn trái vs hành động và 1 cô gái sau bao nhiêu lần vẫn nghĩ đó là hoàng tử trong mơ -
Gia Khánh
Với 50 sắc thái, cảm nhận riêng thì mình thấy đọc sách là hay nhất, bộc lộ được hết nội tâm nhân vật. Phim nó không thể hiện rõ nét được, nên hơi bị hời hợt ấy
Huy Hoàng
50 sắc thái dở thật sự mà =)))))