Sẽ như thế nào, khi nhà không còn là nơi người ta chọn để quay về?
Người ta nói rằng gia đình là nơi chúng ta sẽ lựa chọn quay về lúc mệt mỏi, nhưng mình thấy rằng có một số lượng lớn các bạn trẻ đã trả lời rằng nhà không phải là nơi họ sẽ quay trở về.
Yếu tố đầu tiên và phổ biến nhất là sự tan vỡ của gia đình, nhiều nguyên nhân bên trong như việc ly hôn của bậc phụ huynh, bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó thì sự vô tâm đến cảm xúc hay là việc đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái, thiếu đi sự bênh vực dành cho đứa trẻ cũng là một nguyên nhân mình thấy rằng cũng chiếm phần lớn mà hầu như khi nói đến thì mọi người đều cho rằng điều đó là sự bồng bột của tuổi trẻ nên mới suy nghĩ thế. Nhưng nếu nhìn ở phía những người trẻ ấy thì rõ ràng phải có lý do gì đó thì họ mới lựa chọn như thế.
Cá nhân mình thì nhà mình ba mẹ mình khá khó tính, thậm chí là bảo thủ và cổ hữu. Những gì mình đã trải qua trong cả tuổi thơ là mỗi việc học, học chính quy, học thêm, và bài tập về nhà. Yêu cầu của mẹ mình khá cao, thậm chí nhưng năm cấp một, việc bị xé tập vở để viết lại bài rèn chữ khi sai một hai lỗi chính tả là chuyện thường ngày, có lúc cũng bị đuổi ra khỏi nhà giữa đêm cũng chỉ vì sai một hai lỗi rèn chữ. Và trong cả cuộc sống thì ba mẹ mình cũng khá là kiểm soát từ việc tóc mình để kiểu nào và mình ăn mặc như thế nào. Cho đến hết cấp ba thì mình cũng không được phép đi chơi với bạn bè gì hết. Ba mẹ mình thì khá tự hào vì con gái ngoan, lo hết cơm nước nhà cửa, không đi chơi bao giờ. Cơ mà thật ra thì cũng không phải bản thân mình chưa từng thử xin đi chơi, mà mẹ mình thì thường rất nghiêm khắc trả lời mình là Không! hoặc đơn giản hơn là tìm một lỗi nào đấy của mình gần nhất để không cho mình đi. Và mình cũng không được sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Tất nhiên bản thân mình thì cũng vẫn dùng laptop để nói chuyện với bạn nhưng cũng không được thoải mái hoặc là không dược để mẹ mình biết. Có thể coi như đó cũng có phần là ba mẹ lo lắng cho mình. Nhưng mà cũng có những lúc mỉnh đã tổn thương rất nhiều. Đầu năm, trước ngày vào lớp 11 đúng một ngày thì mình bị sốt, mình có nói với mẹ thì lại bị mắng cho một trận là mai vào học rồi mà còn ốm... sau đấy thì dù bệnh mình vẫn phải làm việc nhà và mọi hoạt động như thường mà không được bất cứ sự quan tâm nào,mình cũng có hỏi sao mẹ lại cư xử như thế thì câu trả lời được nhận lại là mẹ làm như thế để mình mạnh mẽ hơn. sau đó thì cũng tới e trai mình bệnh và cả nhà đều rất rất lo lắng từ miếng ăn giấc ngủ. Lúc học cấp ba thì mình cũng có thời gian bị bắt nạt, nhưng thay vì quan tâm mình hơn, mẹ mình lại chọn bỏ mặc mình và cho rằng lỗi đó của mình và mình đáng bị như thế. Gần đây thì việc bạo lực học đường bắt đầu được lên án một cách dữ dội, chiều nay mình có vô tình xem được một phỏng vấn của VTV về việc đó, bạn trong phỏng vấn cũng đã nói rằng khi bị bắt nạt thì có nói với gia đình nhưng ba mẹ lại cho rằng là lỗi là do bạn ấy, không có lửa thì sao có khói. Mình chợt nhận ra rằng à, thì ra không phải có một mình mình bị gia đình nhìn nhận như thế, ngoài kia cũng có nhiều bạn trẻ như thế.
Câu trả lời chung của chúng mình từ những lần tự mạnh mẽ do những vết thương đến từ gia đình là dù cho bơ vơ lạc lõng thì gia đình cũng sẽ không phải là nơi mà bản thân mình lựa chọn để trở về. Không phải vì mình không cần chỗ dựa ít nhất thì cũng là về tinh thần, nhưng mà chúng mình không thể nào thả lỏng ở trong chính căn nhà của mình.
Tôi nhớ rằng có câu nói "Đứa trẻ hạnh phúc sẽ dùng tuổi thơ để chữa lành mọi vết thương trong đời. Đứa trẻ bất hạnh sẽ dùng cả đời để hàn gắn những tổn thương của thời ấu thơ".
Minh Khuê