Sáng tạo - Khác biệt nhưng không dị biệt
“Sự sáng tạo thật ra không phải chỉ có ở nơi nó tạo ra những tác phẩm lịch sử vĩ đại, mà ở khắp nơi nào con người tưởng tượng, phối hợp, biến đổi và tạo ra một cái gì mới, cho dù cái mới ấy nhỏ bé đến đâu đi nữa so với những sáng tạo của các thiên tài”. - Lev Vygotsky đã từng khẳng như thế khi nói về sáng tạo.
Sáng tạo là tạo ra giá trị mới có ích, nó bắt buộc phải mang tính mới mẻ, độc lập. Sáng tạo giúp con người tiến bộ, phát triển qua từng thời đại. “sáng tạo là con đường ngắn nhất đến thành công” - có khả năng tư duy, sáng tạo, chúng ta sẽ vận dụng được tổng hợp những kiến thức có được thành những thứ mới mẻ hơn, hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề. Tư duy sáng tạo rất cần thiết và quan trọng với tất cả mọi người, mọi lĩnh vực; đừng bao giờ đánh giá thấp nó, bởi nó chắc chắn khắc phục được sự buồn tẻ, chán ngắt trong công việc của bạn. Sáng tạo không phải là điều gì quá cao siêu, nó có thế xuất phát từ những điều gần gũi xung quanh chúng ta như thay đổi phương pháp học tập hiệu quả hơn, tận dụng các vật dụng bỏ đi để sáng chế đồ dùng mới…đem lại sự mới mẻ và sự tiện ích cho con người.
Mỗi cá nhân có cách sáng tạo riêng phụ thuộc vào tư duy, thái độ, tính cách mỗi người. Sáng tạo không phải là bản năng sẵn có, nó tích góp qua những trải nghiệm, va chạm, học tập. Vậy nên, nền tảng của sáng tạo là học hỏi, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Hay trong một vấn đề cũ, nhiều người đã từng khai thác, vậy làm thế nào để có thể làm mới nó? Câu trả lời chắc chắn là ở góc nhìn của bạn. Mỗi người sẽ có mỗi cách nhìn nhận vấn đề khác nhau, cách giải quyết vấn đề khác nhau. Vậy nên, đừng ngại áp dụng cá tính của bản thân vào việc xử lý vấn đề ấy, nó sẽ là một ý tưởng không tồi giúp bạn có hướng đi mới lạ.
Hoặc khi bạn quá căng thẳng với công việc, học tập, hãy cho bản thân thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, đó là lúc các ý tưởng mới sẽ “tìm đến bạn”. Áp lực đè nặng không phải là môi trường lý tưởng cho sự sáng tạo, mà trái lại nó sẽ khiến ta bị trì trệ, vô thức đi theo lối mòn.
Việc tiếp thu các ý kiến đóng góp từ mọi người xung quanh cũng là một ý kiến hay giúp ta tìm thấy ý tưởng mới. Hay đơn giản là nhận được một lời khen từ bạn bè, đồng nghiệp, hay lời cổ vũ động viên từ gia đình cũng giúp ta có thêm năng lượng tuyệt vời để bắt tay vào công việc. Trạng thái tâm lý quyết định rất nhiều tới suy nghĩ, tư duy của mỗi người, vậy nên hãy luôn giữ cho mình một tâm hồn đẹp, lạc quan để có những sáng tạo tuyệt vời bạn nhé!
Sáng tạo hay là thế, giúp ích cho đời sống xã hội là thế, song có một lưu ý nhỏ giúp bạn sáng tạo, thể hiện cá tính bản thân nhưng không đi ra khỏi chuẩn mực của xã hội, đó là: “khác biệt nhưng không dị biệt”.
Khác biệt là những nét riêng, sự độc đáo được khẳng định, được đề cao gắn với đời sống của con người trong xã hội. Sự khác biệt có thể được thể hiện ở suy nghĩ, quan điểm, lối sống, hành động, cách ứng xử của bản thân với người khác. Còn dị biệt là khi bạn cứ cố khác biệt “bề nổi” bằng cách chống đối lại toàn bộ các quy tắc, đi ngược lại mọi chuẩn mực thông thường – dù đó chưa chắc là con người thật của bạn. Sống khác biệt giúp chúng ta có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, thể hiện được cá tính của bản thân. Mỗi cá nhân là một thực thể với những màu sắc đa dạng. Sống khác biệt để tránh rập khuôn, một màu một cách sáo rỗng. Khác biệt không xấu, nhưng ép mình khác biệt đến nỗi trở nên “dị biệt” thì là điều tuyệt đối không nên.
Khoảng cách của khác biệt và dị biệt rất mong manh - khác biệt là có trí tuệ, có bản lĩnh thực thụ; dị biệt lại xuất phát từ bản năng, từ sự thiếu hiểu biết. Để có thể bứt phá khỏi đám đông và giành được thành công, bạn cần hiểu rõ ý nghĩa thực sự của “cái tôi khác biệt” và tránh rơi vào những tình huống “ngược đời”. Có những sự khác biệt dẫn đến thành công và được công nhận, ấy là sáng tạo. Còn có những sự khác biệt trở nên lệch lạc và dị hợm, ấy là dị biệt.
Sáng tạo là yếu tố then chốt của thành công, là khởi nguồn cho sự phát triển. Song bên cạnh đó, sáng tạo là khác biệt với đám đông, tìm lối đi riêng nhưng không đi ngược lại với các quy chuẩn xã hội đã đặt ra. Tất cả sự sáng tạo, khác biệt nói riêng; hay bất kì hành động, “lời ăn tiếng nói” của con người nói chung đều phải đi cùng trên con đường mang tên chuẩn mực đạo đức.
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng mình trong bài viết trên, mình rất mong nhận được thêm các ý kiến đóng góp của các bạn! ❤️
Trang Chau