[Sân Khấu] Lucrèce Borgia: Nỗi ô nhục của nước Ý hay người đàn bà bị hiểu lầm
1. Lịch sử của Giáo hội La Mã để lại không ít tai tiếng còn mãi đến đời sau, nhưng ngay cả khi có một lịch sử đầy tai tiếng như thế, các sử gia của Giáo hội khi nhắc đến một vị Giáo Hoàng cũng phải thốt lên rằng “…Giáo Hoàng này tuyệt nhiên không làm vinh dự cho Giáo hội…” (Giáo Hội và thời Phục Hưng, 1449-1517). [1]
Lịch sử cũng đã chứng kiến nhiều kẻ bạo chúa, nhiều gia tộc với những tội ác tày đình đến mức người đời sau vẫn phải rùng mình mỗi khi nhắc đến. Và nước Ý trong thời kỳ Phục Hưng rực rỡ của âm nhạc, nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, v.v. cũng đã chứng kiến sự tàn bạo của một gia tộc vừa tài năng, xuất chúng nhưng lại vừa tàn bạo, vô luân. Dòng họ Borgia - một dòng họ quý tộc Ý gốc Tây Ban Nha, là một trong những cái tên quyền lực nhất nước Ý thế kỷ 15 - 16. Dòng họ này sản sinh ra hai vị Giáo Hoàng, là Callixtus III (1455 - 1458) và Alexander VI (1492 - 1503); hàng loạt nhà chính trị - quân sự vừa xuất chúng vừa tàn bạo, và trong tác phẩm “Quân Vương” nổi tiếng của mình, Machiavelli đã lấy gia tộc Borgia làm chủ đề cho tác phẩm mà sự tàn nhẫn sâu xa đại diện cho thuyết chính trị của tác giả; bên cạnh sự lỗi lạc là tai tiếng và tội ác, khi Giáo Hoàng Alexander VI - trên con đường mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của mình đã thể hiện tham vọng không che giấu bằng hàng loạt tội ác khiến người ta kinh sợ, giết chóc, ám sát, loạn luân, dâm loạn, v.v. - quả nhiên không có một vị Giáo Hoàng nào lại làm vấy bẩn lịch sử Giáo Hội đến thế và không có một gia tộc nào mà tên tuổi lại vang xa vì sự tàn bạo đến thế, thậm chí danh tiếng ấy còn phủ mờ cả sự xuất chúng của họ. [2]
Vào thời kỳ nắm quyền của mình, Giáo Hoàng Alexander VI đã giúp giải quyết tranh chấp giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha về việc phân chia các lãnh thổ mới được khám phá ở Châu Mỹ. Quyền lực của Alexander VI giúp ông đứng đầu lãnh địa thuộc quyền của Giáo Hoàng bao gồm: các lãnh thổ ở phần Trung Bộ nước Ý, và Giáo Hoàng cai trị vương quốc của mình giống bất kỳ vị quân chủ nào thời bấy giờ. Tuy nhiên, cũng như các vị Giáo Hoàng trước, thời kỳ cai trị của Alexander VI được đánh dấu bằng nạn hối lộ, gia đình trị, các bê bối về đời tư và chính trị, cũng như những cái chết đáng ngờ. Giáo Hoàng Alexander VI cũng là người có đời tư không trong sạch khi ông có một tình nhân lâu năm và có với bà này 4 người con và 1 người con ngoài giá thú với một tình nhân khác. Với một người “vị quân vương” nắm trong tay cả quyền lực của đức tin và quyền lực chính trị, ông cũng cũng không thể làm ngơ trước các liên minh chính trị và sử dụng thủ đoạn chính trị nhằm đạt được mục đích của mình. Alexander VI sắp xếp các cuộc hôn nhân của con cái ông với những gia tộc quyền thế và có tầm ảnh hưởng khác để phục vụ cho tham vọng chính trị của người cha.
Alexander VI có một người con gái tên Lucrezia, trước năm 13 tuổi, nàng từng được hứa hôn với 2 vị hoàng tử Tây Ban Nha nhưng đều bị hủy hôn khi cha nàng nhận thấy những cuộc hôn phối này không giúp gì cho tham vọng quyền lực của ông. Sau khi Alexander trở thành Giáo Hoàng, Lucrezia được gả cho Giovanni Sforza (1493), đây là một cuộc hôn nhân thuần túy mang tính chính trị nhằm củng cố quyền lực của Giáo Hoàng. Cho đến khi Alexander VI không còn cần dựa vào thế lực của nhà Sforza, ông tìm cách chia rẽ cuộc hôn nhân này vào năm 1497 bằng cách tuyên bố rằng cuộc hôn nhân chưa bao giờ được hoàn thành.
Sau đó ít lâu, Lucrezia có dính dáng tình cảm đến một người đàn ông Tây Ban Nha tên Pedo Calderón hay còn gọi là Perotto. Tuy nhiên, sau này người ta tìm thấy xác của Perotto cùng một người hầu gái của Lucrezia. Có nhiều nguồn tin cho rằng chính Cesare - anh trai của Lucrezia là người đứng sau cái chết của Perotto và nữ hầu gái kia bởi vì anh ta lo sợ mối quan hệ này của em gái sẽ phá hỏng việc thương lượng với cuộc hôn nhân thứ hai của nàng. Cũng tại thời điểm này, một đứa trẻ nữa được sinh ra tại nhà Borgia, có nhiều lời đồn thổi cho rằng đây là con trai của Lucrezia nhưng tất nhiên nhà Borgia không bao giờ thừa nhận hay đưa ra một lời xác quyết gì về vấn đề này.
Cuộc hôn nhân thứ hai của Lucrezia là với hoàng tử Alfonso xứ Aragon, cho phép nhà Borgia thiết lập liên minh với một trong những gia đình quyền lực nhất châu Âu. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng không kéo dài lâu. Bởi vì lần này, Cesare, anh trai của Lucrezia, muốn thắt chặt mối quan hệ với nước Pháp và hoàn toàn chấm dứt liên minh với Vương quốc Naples, mà cha chồng của Lucrezia lại là vua của Vương quốc Naples. Lúc này, cục diện trở nên phức tạp hơn, làm sao để Borgia có thể liên minh với Pháp mà không làm mất lòng người em rể. Một vụ ám sát nhanh chóng được lên kế hoạch và tiến hành nhưng không thành công, liền sau đó, Alfonso bị xiết cổ chết trong tư dinh của mình.
Cuộc hôn nhân thứ ba và cuối cùng của Lucrezia là với Alfonso I d’Este, Công tước xứ Ferrare. Sau khi Giáo Hoàng Alexander VI qua đời, rốt cuộc con gái ngài cũng được sống bình yên và tự do đến cuối đời với chồng và những đứa con, một cuộc hôn nhân sẽ không bị tan vỡ vì tham vọng chính trị của người cha và các anh. Tuy nhiên, 10 ngày sau khi sinh đứa con út vào năm 1519, Lucrezia qua đời ở tuổi 39.
Lucrezia có lẽ là người đàn bà nổi danh nhất của dòng họ Borgia, bởi với dòng máu của nhà Borgia chảy trong huyết quản và người mẹ là một danh kỹ thành Rome, nàng được cho là có trí tuệ sắc sảo và tầm nhìn chính trị chiến lược không thua kém bất cứ người anh nào của mình và vẻ đẹp được thừa hưởng từ người mẹ - Vannoza Cattanei, tình nhân lâu năm của Giáo Hoàng Alexander VI và là người đẹp nhất thành Rome lúc bấy giờ. Nàng cũng từng bị chỉ trích vì những cuộc hôn nhân ngắn ngủi, vị lợi, và cái chết của hai người chồng trước. Tuy nhiên sau này, khi các sử gia lục lại tư liệu và nhìn lại về lịch sử với con mắt khách quan hơn, thì Lucrezia Borgia được nhìn nhận lại, sử gia hiện đại coi nàng như một nạn nhân của sự dối trá và tham vọng quyền lực của chính gia đình mình, gần như cả cuộc đời ngắn ngủi của nàng, Lucrezia chỉ làm một quân chờ trên bàn cờ chính trị của cha và anh trai.
2. “Khi một người phụ nữ đang nói, hãy nghe điều nàng nói qua đôi mắt nàng.”
Gần 400 năm sau thời đại của nhà Borgia, tại nước Pháp láng giềng, thời kỳ lãng mạn trong nghệ thuật và văn học nở rộ. Cũng giống như nước Ý thời kỳ Phục Hưng, nước Pháp thời kỳ lãng mạn đã để lại cho lịch sử nhân loại hàng loạt cái tên vĩ đại. Và có lẽ, lịch sử thế giới nói chung và lịch sử nước Pháp nói riêng sẽ tự hào khi đã sản sinh ra cái tên Victor Hugo - một tâm hồn trí thức lãng mạn và tiến bộ nảy nở trong chính những hiện thực xã hội khắc nghiệt. Con mắt của Hugo luôn độc đáo và khác biệt, tràn đầy niềm tin hướng đến tương lai tốt đẹp và đậm chất nhân văn, các tác phẩm của ông trải dài từ tiểu thuyết, kịch nói, thơ…đều thể hiện những điều đó. Hàng trăm năm qua, những “Nhà thờ đức bà Paris” hay “Những người khốn khổ” của ông vẫn làm nức lòng độc giả khắp thế giới vì tinh thần cao thượng, chất lãng mạn làm nên vẻ đẹp của con người ngay trong những giờ phút tăm tối nhất. Hugo viết nhiều về hiện thực tăm tối của xã hội phong kiến, viết nhiều về số phận của con người cùng khổ, nhưng ông không lựa chọn sự phê phán gay gắt mà lại lựa chọn soi chiếu vào con người ở chiều sâu nhất của bản thể, qua từng lát cắt tâm hồn để soi chiếu vào cả phần độc ác và phần hướng thiện trong đó. Chúng ta làm sao quên được một Jean Valjean, dầu cho bị nhấn chìm xuống đáy xã hội, bị cầm tù cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng cuối cùng vẫn vượt thoát lên khỏi số phận nghiệt ngã để trở thành một nhà công nghiệp thành công và trao tặng lại xã hội đã giam cầm mình sự vị tha và cao thượng, sự hy sinh cao cả vì những điều tốt đẹp còn sót lại.
Tuy nhiên, thế giới dường như chỉ nhớ đến những tiểu thuyết đồ sộ, xuất sắc của Victor Hugo mà quên mất ông cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực sân khấu và thơ ca. Hugo là một văn hào tài năng, không còn nghi ngờ gì, nhưng ông cũng đồng thời là một nhà viết kịch đầy sắc sảo và hài hước. Ông sáng tác thơ và kịch trước khi dấn thân vào tiểu thuyết, ông cũng đã cống hiến lớn lao cho việc đổi mới thơ ca và sân khấu.Khi qua đời, lễ tang của ông được cử hành với nghi lễ quốc tang và thi hài ông được đưa vào điện Pathéon, và Hugo được mãi yên nghỉ cùng với những vĩ nhân của nước Pháp từ cổ chí kim.
3. Một tối thứ Bảy, tôi rốt cuộc cũng quyết định đặt vé đi xem kịch sau rất lâu rồi không tới lui các sân khấu ở Hà Nội, đơn giản là vì tôi nhớ sân khấu ghê gớm. Hôm đó, Viện Pháp công chiếu vở kịch trên màn ảnh rộng “Lucrèce Borgia” của Victor Hugo.
“Lucrèce Borgia” được viết vào năm 1833, nói về Lucrèce Borgia - người con gái duy nhất của dòng họ Borgia nổi tiếng, người con gái mà cuộc đời nàng được bủa vây bởi biết bao lời đồn thổi, bao nhiêu tội ác nảy mầm từ tham vọng chính trị của cha là Đức Giáo Hoàng và những người anh trai. “Lucrèce Borgia” là một trong những tuyệt tác kịch tiêu biểu nhất từng được trình diễn tại Nhà hát kịch danh tiếng La Comédie-Française, được đạo diễn bởi Denis Podalydès. Podalydès từ nói “Đại văn hào Victor Hugo sáng tác vở kịch Lucrèce Borgia để kể cho chúng ta về viên ngọc quý trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi ác quỷ.”
Trong vở kịch, Hugo đã xây dựng người con gái của dòng họ Borgia là một người đàn bà tham vọng và tàn độc, sẵn sàng ra tay sát hại kẻ thù của mình, phản bội lời hứa liên minh để đạt được tham vọng của mình, tội lỗi ghê gớm hơn là bà ta còn thông dâm và loạn luân với anh trai, là nguyên nhân gây ra sự tranh giành giữa hai người anh trai và khiến một người giết chết người kia. Lucrèce Borgia - con gái của Giáo Hoàng và một người kỹ nữ, người đàn bà mang trong mình cùng lúc hai dòng máu, dòng máu Giáo Hoàng và dòng máu kỹ nữ. Người đàn bà khiến cho người khác không dám nhắc đến tên, bởi nội việc nhắc đến tên bà ta thôi cũng đủ khiến người ta run rẩy vì kinh hãi và ghê sợ.
Vở kịch mở màn với một nhóm những chàng trai trẻ mới mười chín, đôi mươi trong một bữa tiệc hóa trang ở Venise, họ là những người lính với trải tim trẻ trung, thuần khiết và quả cảm nhất. Trên chiến trường, họ chiến đấu và hy sinh cho nền Cộng hòa của Venise, còn sau khi rời khỏi chiến trường, họ là những quý tộc trẻ tuổi hẵng còn đắm say với lạc thú và hừng hực tin yêu vào cuộc đời bằng sự ngây thơ, thuần khiết nhất của trái tim tuổi trẻ. Họ thậm chí còn chẳng nề hà gì cái chết, miễn là được chết cùng nhau, phân đoạn Gennaro và Maffio Orsini bá vai bá cổ nhau nói rằng “Có một nhà tiên tri đã nói rằng chúng tôi sẽ chết cùng một ngày” như một câu nói vừa vui đùa vừa chẳng sợ hãi đã chứng minh cho điều ấy. Gennaro là người khác biệt nhất trong toán lính trẻ toàn con cái nhà quý tộc ấy, chàng là một đứa trẻ mồ côi, chưa từng biết cha mẹ đẻ của mình là ai ngoài những lá thư mà chàng nhận được từ người mẹ chưa từng gặp mặt, và chàng coi chúng như sự sống của mình. Gennaro là tổng hòa của tất cả những yếu tố cao thượng nhất của một người quân tử chân chính trong thời đại đó, một trái tim quả cảm và tâm hồn cao thượng, một sự ngây thơ và chất phác đáng quý không từng bị vấy bẩn, và như Lucrèce Borgia bộc bạch, “ta ước gì ta được yêu bởi một người con trai như thế”, chàng chưa từng được gặp mẹ mình cũng chỉ được biết qua về bà qua những bức thư chàng nhận được, nhưng bấy nhiêu đó thôi đã đủ để lay động trái tim của một đứa con. Gennaro bộc bạch rằng chàng không nghĩ đến tình yêu, khi gặp Lucrèce Borgia, chàng nói rằng chàng yêu bà nhưng chàng sẽ yêu mẹ mình hơn. Và khi đứng trước đứa con của mình, Lucrèce Borgia vừa run rẩy, xúc động vì nhớ thương, lại vừa lo sợ cho thân phận của mình sẽ bị bại lộ và đứa con mình hằng thương nhớ sẽ khinh bỉ mình. Bà đã theo chàng Gennaro trẻ tuổi trên mỗi con đường mà chàng đi qua, chỉ để thỏa mãn trái tim thương nhớ của một người mẹ, được từ xa ngắm nhìn đứa con mình dứt ruột sinh ra nhưng chưa một ngày được ấp ôm nó. Nhưng hành động của Lucrèce Borgia lại bị người chồng thứ ba của bà, Công tước Alfonso d’Este của Ferrare hiểu lầm, rằng Genarro là tình nhân của vợ mình. Công tước quyết giết chết chàng trai trẻ Gennaro vì lòng ghen và danh dự của mình. Khi biết chuyện, Lucrèce Borgia hết sức cứu lấy chàng, dầu cho chàng hắt hủi bà, khinh bỉ bà sau khi biết được bà là Lucrèce Borgia.
Một người đàn bà ác độc từng giết người, từng phản bội, từng đạp lên tất cả vì tham vọng của mình, nay lại vì lo sợ đứa con sẽ khinh bỉ mình mà không dám nói cho nó biết mình là mẹ nó, lại thà chịu sự khinh bỉ của nó chứ không tiết lộ mình là ai để giữ cho nó được sống, bởi vì biết bao nhiêu kẻ thù sẽ dòm ngó đến tính mạng của đứa con trai mà Lucrèce Borgia mang nặng đẻ đau nhằm trả thù cho tội lỗi của người mẹ.
Ở “Lucrèce Borgia”, Hugo không đơn thuần nói về một người đàn bà độc ác và xảo quyệt, đầy tội lỗi, mà như phong cách lãng mạn và nhân văn vốn có của mình, Hugo không chấp nhận con người chỉ tồn tại với duy nhất một mặt tốt hay xấu của họ. Con người phức tạp hơn thế, và càng đi sâu vào tâm hồn họ, càng phô bày những lát cắt trong chính tâm hồn ấy, người ta sẽ càng nhìn thấy nhiều điều không tưởng hơn. Ngay cả “Lucrèce Borgia” khét tiếng cũng vì khao khát được yêu thương và đón nhận bởi đứa con trai duy nhất của mình, mà phải quỳ gối, phải hạ mình, phải cầu xin cả kẻ thù.
Dưới bàn tay dàn dựng tài tình của Denis Podalydès, “Lucrèce Borgia” đã đưa khán giả đến hết cao trào cảm xúc này đến cao trào cảm xúc khác, “dẫn dắt chúng ta vào một hành trình cảm xúc độc nhất vô nhị, giữa yêu thương và thù hận, giữa đốn mạt và thanh tao”. Rốt cuộc thì sau khi vở kịch khép lại, ta vẫn còn lay động mãi với vẻ đẹp thuần khiết của nó, với chiều sâu của những xúc cảm được chạm đến và với những lát cắt sâu thẳm trong tâm hồn phức tạp của con người được vạch trần ra. Để rồi không ngừng tự hỏi rằng, làm sao ta có thể tin rằng con người sẽ cứ mãi chẳng đổi thay, sẽ mà là người mà ta tin rằng họ là, bởi vì sẽ thật nông cạn và thiển cận biết bao khi chỉ nhìn thấy đáy giếng trên mặt nước nhờ vào khúc xạ ánh sáng mà lại tưởng rằng cái giếng đó thật nông.
Tham khảo:
[1] A-léc-xan-đơ VI—Một giáo hoàng Rô-ma không thể ngơ được;
[2] Wikipedia, House of Borgia,
nghệ thuật sân khấu
,kịch nói
,victor hugo
,lucrece borgia
,nghệ thuật
Đọc bài này của bạn và nhân vật Lucrèce Borgia làm mình nghĩ tới tất cả những nhân vật phản diện mình đã từng đọc, từng xem. Bởi sau tất cả, mình thấy họ đáng thương nhiều hơn. Vì tình yêu, vì thèm khát hạnh phúc mà họ mới trở nên tham lam, độc ác, ích kỷ như vậy.
Emma
Đọc bài này của bạn và nhân vật Lucrèce Borgia làm mình nghĩ tới tất cả những nhân vật phản diện mình đã từng đọc, từng xem. Bởi sau tất cả, mình thấy họ đáng thương nhiều hơn. Vì tình yêu, vì thèm khát hạnh phúc mà họ mới trở nên tham lam, độc ác, ích kỷ như vậy.