Sai lầm lớn nhất của bạn khi đầu tư là gì?
Trả lời: Jay Kim (Hedge Fund Manager & Private Equity Investor)
Chúng tôi đã uống hết nửa chai Chivas. Dù đã khá say nhưng tôi vẫn cố giữ tỉnh táo.
Khi ra ngoài với sếp (cũ), chúng tôi luôn gọi Chivas. Nó hơi ngọt đối với tôi, nhưng làm sao tôi dám cãi lại một giám đốc điều hành cấp cao tại một ngân hàng hàng đầu là nơi tôi từng làm việc, người đồng thời cũng là sếp trực tiếp của tôi.
Hôm đó là chỉ là một tối thứ 4 bình thường nhưng ông thấy khát và nhắn tin cho tôi qua BBM (Blackberry Messenger).
‘’Đi uống không ku? Gặp anh ở quán Armani 9h nhé.’’
‘’Không, cảm ơn’’ luôn là một câu trả lời không được chấp nhận. Nếu sếp gọi, dù có đang làm gì đi nữa thì cũng phải dừng và có mặt. Đó là cách làm việc hồi đó. Bạn phải luôn sẵn sàng nhận điện thoại từ sếp, và việc có một cuộc sống khác bên ngoài công việc là hoang tưởng.
Phần lớn thời gian làm việc buổi tối là để tiếp khách hàng. Đầu tháng, chúng tôi sẽ nhìn vào danh sách khách hàng và lên lịch để gặp họ, không bao giờ để quá 2 tháng mà không gặp mặt khách hàng để đảm bảo rằng họ luôn nhớ đến công ty chúng tôi.
Nhưng tối đó là lần hiếm hoi chúng tôi không phải tiếp khách, nhưng sếp vẫn muốn ra ngoài. Thận của tôi thực sự muốn được nghỉ 1 đêm và tôi cũng khá mệt, nhưng khi mà sếp gọi thì bạn phải có mặt không cần biết lý do.
Chai Chivas vơi đi khá nhanh vì chúng tôi chỉ ngồi ngắm các em gái lượn qua lại. Sếp tôi luôn thích đi với một nhóm đông nên tối đó là một dịp hiếm. Chúng tôi vừa trải qua một kỳ phát thưởng và tôi vừa mới lần đầu tiên được nhận một khoản thưởng có 6 chữ số. Đó là một con số lớn hơn nhiều so với số tiền mà tôi nghĩ mình sẽ kiếm được cho đến lúc chết nên lúc đó tôi đang rất phấn khích.
Năm đó sếp tôi kiếm được hơn 1 triệu đô.
Tối đó ông lại ít nói và rất trầm tư. Là một người thích đùa nên tôi chưa bao giờ có cơ hội chuyện trò thật lòng với ông. Thật ra, ngoài chuyện phiếm và mấy câu đùa tục tĩu, tôi nhận ra tôi chưa bao giờ thật sự nói chuyện với ông.
Tại phố Wall có 2 loại người. Loại thứ nhất là những người thực sự thích thị trường tài chính, họ làm việc kể cả khi không kiếm được nhiều tiền.
Loại thứ hai là những người giống tôi. Làm tại phố Wall đơn giản là vì tiền. “Kế hoạch” của tôi là kiếm được một mớ tiền và nghỉ việc hoặc nghỉ hưu sớm rồi theo đuổi những sở thích khác khi về già.
Tôi tận dụng cơ hội hiếm có tối hôm đó để hỏi ông câu hỏi đã luẩn quẩn trong đầu tôi lâu nay.
“So what’s your plan boss? What are you going to do after you’ve made your money on Wall Street?
(‘’Anh có kế hoạch gì không? Anh sẽ làm gì sau khi kiếm được đủ tiền ở phố Wall?’’)
Ông không chớp mắt hoặc nhìn lên.
"Chết toi", tôi tự nhủ. Có phải tôi đã tự hại mình? Có phải tôi đã tự hủy hoại sự nghiệp với câu hỏi ngu ngốc này?
Sau một hồi lâu thì ông nhìn tôi và nói với một giọng lè nhè:
“I don’t know Jay boy…I have no other skills…”
(‘’Anh cũng chả biết nữa… anh chả biết làm gì khác cả…”)
Và chỉ với một câu trả lời đó, tôi liền nhận ra sai lầm lớn nhất của mình khi đầu tư:
Tôi đã không đầu tư cho bản thân mình.
Tôi đã dành cả sự nghiệp để cố gắng kiếm được tiền cho công ty mình, làm ví của họ dày hơn, luồn cúi trước cấp trên, tất cả chỉ để kiếm được một khoản thưởng nhiều hơn vào cuối năm.
Nhưng vấn đề là khi bạn đã chọn đi theo con đường đó thì bạn đã tự đánh mất tự do của mình.
Sếp tôi hẳn cũng có những đam mê khi còn trẻ… để theo đuổi sau khi ‘’kiếm đủ tiền’’ ở phố Wall. Nhưng thời gian trôi qua, ông ấy bị mắc kẹt và đã không tích cực đầu tư vào bản thân để tìm lối thoát.
Tệ hơn nữa, ông đã nâng cấp lối sống của mình mỗi năm dựa trên số tiền kiếm được, và bây giờ bản thân bị mắt kẹt trong một cuộc sống xa hoa buộc ông phải đi làm cho một công ty sẽ trả ông bất cứ số tiền nào mà ông cần.
Ông thuộc về loại “thứ ba” không chính thức ở phố Wall, những người đã có tuổi nhưng không thể “làm gì khác’’ để nghỉ việc.
Kể từ lúc đó, tôi nhận ra khoản đầu tư tốt nhất của một người đó là đầu tư cho chính mình.
Nguồn tiếng Việt: FB Nguyễn Hoàng Giang
Nguồn bài viết gốc: