Sách Vũ trụ trong hạt bụi: Đi vào Kinh Hoa Nghiêm
Cuốn sách này dành cho những ai quan tâm tới:
1. Vũ trụ, vật lý lượng tử, khoa học và Phật giáo
2. Tâm thức, tâm lý
3. Đại thừa nói riêng và Phật giáo nói chung
Giới thiệu sách
Từ “Vũ trụ” hay “Kosmos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là trật tự, hài hòa. Hy Lạp là cái nôi của nền văn minh Tây phương cho đến hiện đại. Vũ trụ về mặt vĩ mô là các hành tinh, các ngôi sao, cho đến các thiên hà, về mặt vi mô là thế giới của các nguyên tử và các hạt hạ nguyên tử. Tất cả chúng đều hiện hữu trật tự và hài hòa với nhau. Với Đông phương cũng có những quan niệm xưa cổ về vũ trụ, trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhưng nói về vũ trụ rộng nhất và sâu nhất là Kinh Hoa Nghiêm, được xem là kinh cao nhất của Phật giáo, được nói ngay sau khi Đức Phật giác ngộ. Kinh Hoa Nghiêm cũng nói vũ trụ ở mặt vĩ mô: những thế giới hải, những thế giới úp, những thế giới ngửa, những thế giới hình như hoa xoắn tròn, những thế giới hình hoa sen…về mặt vi mô, kinh nói “lỗ chân lông, vi trần (hạt bụi nhỏ), sát na (phần nhỏ nhất của một khoảnh khắc)… Và tất cả những cái đó hoàn toàn trật tự, hài hòa với nhau để tạo thành vũ trụ.
Nhưng trật tự hài hòa của vũ trụ Hoa Nghiêm còn sâu sắc hơn nữa, mở rộng hơn nữa, đến gần như vô tận. Một sự vật không chỉ trật tự hài hòa với tất cả các sự vật khác mà còn bao gồm tất cả các sự vật khác (nhiếp) và thâm nhập tất cả các sự vật khác (nhập). Điều này chỉ có thể xảy ra khi tất cả đều “vô ngại” với nhau, và vô ngại bởi vì đều là tánh Không. Như thế cho đến cảnh giới rốt ráo là “sự sự vô ngại” và “trùng trùng duyên khởi, trùng trùng vô tận”. Để đạt đến sự thật “sự sự vô ngại”, người ta phải thấy trực tiếp, chứng kiến trực tiếp, qua thí nghiệm trực tiếp, như khoa học. Phòng thí nghiệm, dụng cụ khoa học của chúng ta chính là thân tâm mình. Chính nơi phòng thí nghiệm thân tâm mình mà người ta tìm ra, nhìn thấy sự thực “sự sự vô ngại” của vũ trụ. Thế nên người xưa thường dùng chữ “thân chứng”, đích thân chứng nghiệm.
Phật giáo có rất nhiều dụng cụ phương tiện cho việc này, tất cả nằm trong những khả năng sẵn có – chỉ cần mài giũa, làm tinh xảo thêm – của con người. Đó là sức tập trung (Chỉ, Định), khả năng quan sát, tưởng tượng sắc bén (Quán), những hoạt động tương ứng với sự thật (Hạnh), sự tha thiết mong cầu (Nguyện), lòng vị tha muốn ích lợi cho người khác (từ bi)… Bởi vì cảnh giới sự sự vô ngại này ở khắp mọi không gian thời gian của vũ trụ, không nơi nào không có, không phút giây nào không hiện hữu, thế nên người ta có thể bắt gặp nó vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Rồi cứ thế đi sâu vào thực tại ấy như phẩm Nhập Pháp Giới của kinh diễn tả. Bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, cho nên người ta có thể bắt gặp Nó nơi một góc phố, nơi một chiếc lá nằm trên ghế đá công viên, nơi một đám mây lơ lửng trên thành phố chẳng ai để ý, nơi một âm thanh tình cờ buổi sáng, nơi khuôn mặt một người xa lạ, nơi một mảnh ngói bên lề đường, nơi một ngọn cỏ rung rinh theo gió…
Đó là điều kinh nói, “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”. Nguyện mọi người được an vui và lợi ích khi đọc tác phẩm này
Trích dẫn sách
Pháp thân tánh Không ấy không chỗ nào không có, nên bình đẳng hiện diện trước mặt tất cả chúng sanh. Pháp thân ấy là chỗ quy về của mọi pháp môn, mọi tông phái. Thấy trực tiếp tánh Không ấy gọi là ngộ, và tiếp tục đi sâu và rộng bằng Bồ tát hạnh thì gọi là nhập, hay “Nhập pháp giới”.
Thế giới chúng ta đang sống đây luôn luôn có Phật, có thân Phật:
Như trong hội này thấy Phật ngồi
Tất cả vi trần đều như vậy
Phật thân không đến cũng không đi
Bao nhiêu cõi nước đều hiện rõ.
Như Lai xuất hiện khắp mười phương
Trong mỗi vi trần vô lượng cõi
Vô lượng cảnh giới đều hiện ra
Đều trụ vô biên vô tận kiếp.
Phật trụ Chân Như Pháp giới tạng
Vô tướng vô hình không cấu nhiễm
Chúng sanh xem thấy được Phật thân
Tất cả khổ nạn đều tiêu diệt.
(Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm, thứ 1)
Hoa Nghiêm là được trang hoàng bằng hoa trí huệ và công đức của Phật, trang hoàng bằng giải thoát giác ngộ, tất cả công đức và tất cả thần biến của Phật. Sự trang hoàng ấy vào đến những không gian nhỏ nhất như vi trần, những thời gian ngắn nhất như niệm, sát na, khoảnh khắc.
Thấy chỗ nào, thời gian nào cũng có đầy đủ trí huệ và công đức Phật, thậm chí trong mỗi hạt bụi, mỗi khoảnh khắc đều đầy đủ hoa và các báu trí huệ và công đức Phật. Đó là pháp giới Hoa Nghiêm, một thế giới trang hoàng bằng hoa không lúc nào ngừng nghỉ, chấm dứt. Thế giới ấy luôn luôn được trang nghiêm bằng hoa giác ngộ và công đức là một mùa xuân không dứt, vì “không thật có sanh, nên cũng không diệt hoại”. Mùa xuân vĩnh cửu trang nghiêm thanh tịnh ấy có thể gọi là mùa xuân Hoa Nghiêm.
Về tác giả
Đương Đạo Nguyễn Thế Đăng là một nhà tu, thuộc thế hệ thứ ba của Tổ Khai sơn chùa Tây Tạng ở Bình Dương là Thiền sư Nhẫn Tế (1888 – 1951). Tổ vốn thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 40, từng sang Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng tham bái và tu học. Tổ đã cầu đạo ở Tây Tạng, đắc pháp và được ban cho pháp danh Thubten Osel bởi những vị cao cấp của dòng Mũ Vàng (Gelugpa). Sau hơn một năm ở Tây Tạng, Tổ được phép trở về Việt Nam để lập chùa Tây Tạng, Bình Dương. Nhiều năm qua, tác giả Nguyễn Thế Đăng đã viết hàng trăm bài đăng trên Văn Hóa Phật Giáo. Tuần san và Nguyệt san Giác Ngộ cũng đã đăng hàng chục bài của tác giả, chưa kể các báo điện tử như giacngo.vn, thuvienhoasen, phattuvietnam.net, vanhoaphatgiaoblog.com, sangdaotrongdoi.vn… mỗi báo cũng đã đăng hàng chục bài.
Tác phẩm tiêu biểu:
10 Tư Tưởng Pháp Hoa Trong Đời Sống Hằng Ngày 2013;
Con Người Toàn Diện, Hạnh Phúc Toàn Diện 2012;
Chú Giảng Cư Trần Lạc Đạo Phú 2019;
Thiền Tông Bản Hạnh 2020.
Thực Hành Theo Luận Đại Thừa Khởi Tín 2021
Vũ Trụ Trong Hạt Bụi 2022