[Sách] Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ
Ngày đầu tiên của năm 2022, tôi đọc Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của Tiến sỹ (TS.) Đặng Hoàng Giang và ở mỗi một chương, tôi cóp nhặt một mảnh ghép để kiến tạo nên hình hài của chính mình. Cuốn sách tập hợp những ghi chép của Đặng Hoàng Giang về những người trẻ ở độ tuổi trên dưới hai mươi, độ tuổi mà vừa bước qua tuổi thơ nhưng chưa đến trưởng thành, vì thế ông gọi đây là độ tuổi “hậu tuổi thơ”, cùng với những dẫn chứng từ các nghiên cứu tâm lý học để cố gắng đem đến những góc nhìn đầy nhân văn, thấu hiểu và thấu cảm đối với những người trẻ hoang mang, lạc lõng, bơ vơ trong dòng đời và hành trình kiếm tìm bản thân.
Những người trẻ cô độc
Từ “cô độc” luôn mang một sắc thái nặng nề và ảm đạm hơn “cô đơn”, nó gợi nhắc cho người ta đến cảm giác hoang hoải, bơ phờ như sau một cuộc chạy marathon mà không có ai chìa tay ra đưa cho một chai nước hay vỗ vai động viên, u ám và trống rỗng như trong một cái hố đen không thấy điểm bắt đầu và kết thúc, cũng không nhìn thấy cả bàn tay mình đang giơ lên. Những đứa trẻ, người trẻ trong Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đều ở trạng thái cô độc như thế, cô độc trong chính gia đình mình, trong vòng tròn xã hội của mình, cô độc ở tận sâu tâm hồn, cô độc trong tình yêu thương (hay những nhân danh tình yêu thương). Thật buồn đau khi nghe một cô gái mới mười tám tuổi thốt lên rằng “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác”, nỗi buồn không chỉ là thoảng qua kiểu trùng xuống một chút nhưng chỉ cần cái chép miệng, thở dài là có thể qua đi, nỗi buồn giống như vũng nước đọng trên lòng đường, rồi cũng sẽ ngấm xuống và khô dần nhưng đã kịp ảnh hưởng lâu dài đến vùng đất phía dưới. Những bậc phụ huynh – là sản phẩm của một thời quá vãng, cũng là nạn nhân của những tổn thương, đớn đau mà họ chưa kịp nhận ra hay không muốn nhận ra, trở thành những người đi làm tổn thương đến chính con cái mình. Nỗi đau thành sẹo trở thành một nỗi ám ảnh, những đứa trẻ không được yêu thương trở nên không quen với việc yêu thương người khác.
Những mái ấm lạnh lẽo
Trong suốt hành trình của cuốn sách, nhiều lần ta sẽ không khỏi ngập ngừng và tự hỏi, Liệu rằng ta có thể trách cứ những bậc cha mẹ ấy? hay Có trách thì trách đến đâu là đủ? Điều nhân văn mà tác giả đưa được vào cuốn sách của ông là dù có đau đớn, tổn thương, nhức buốt đến tận tâm can, dù cho những tâm hồn bị tổn thương mãi mãi, bị hủy hoại vì chính người thân yêu của mình, thì đến cùng những đứa trẻ vẫn thổn thức tình yêu và tình thương với chính những người đã khiến chúng tổn thương. Tình yêu con cái với cha mẹ là một lẽ tự nhiên như vạn vật hữu sinh trên cõi đời này. Nhưng những đòn roi, chửi rủa, người mẹ dùng thắt lưng thắt cổ con gái mình, người mẹ chửi con mình là con chó, con đĩ, người cha thờ ơ, lạnh nhạt và vô trách nhiệm,…đã hủy hoại những tâm hồn ấy vĩnh viễn. Đó là khi tình yêu cũng không cứu rỗi nổi con người, không một sự bù đắp nào khỏa lấp được nữa cho những tháng năm đã mất, những phần đời đã bị hủy hoại. Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ nỗ lực hướng đến nhân bản, đã cố gắng bóc tách và gợi mở trái tim những người cha người mẹ tưởng như lạnh lẽo ấy để ta thấy rằng sâu bên trong những người gây ra khổ đau cho người khác cũng là một trái tim và tâm hồn vằn vện những vết sẹo. Ta trách cứ họ một nhưng cũng phải thương họ một, thương cho những con người chưa từng được yêu thương, chưa từng được cứu rỗi khỏi hố đen địa ngục của chính mình.
Thứ tha và chữa lành
Cuộc hành trình nào rồi cũng có điểm kết thúc. Con đường dù tăm tối đến đâu thì cũng sẽ đến lúc nhìn thấy tia sáng cuối đường. Sau tất cả những tổn thương và đớn đau, người ta thường lựa chọn thứ tha, dù khó khăn. Thứ tha không phải là quên đi những nỗi đau, là coi như không có chuyện gì, thứ tha là để lòng thêm an bình và để cho những nỗi đau được cởi mở, những nút thắt được tháo gỡ, để rồi từ đó, họ an tâm bước tiếp trên hành trình đầy hy vọng đến với sự chữa lành. Hành trình này hẳn cũng không dễ chịu gì hơn, nhưng kết quả của nó thì luôn đáng giá. Cô gái cô độc tìm thấy những người sẵn sàng lắng nghe cô không phán xét. Một người mẹ đã hiểu con mình và cũng được chữa lành luôn cho cả chính mình. Một cậu con trai cuối cùng đã lựa chọn chụp cùng ba mình một bộ ảnh và nói với ông về những nỗi đau của cậu do ông gây ra. Thứ tha hay không là lựa chọn của mỗi người, không ai dám nói rằng tha thứ là tốt hơn hay không tha thứ là tệ hơn, nhưng mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn. Mong rằng mỗi một con người trong cuốn sách này và trong cuộc đời này rồi đây sẽ tìm được những bình yên trong lòng.
Phân tích của một nhà khoa học
Điều khiến Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ khác biệt với những cuốn sách về tâm lý khác là nó không hướng đến sự tích cực ngạo ngược và giả tạo, nó không dùng thuần túy những quan sát cá nhân và võ đoán để dễ dàng nói về ai đó, nó cũng không sử dụng tiền đề tôn giáo và tâm linh như nhiều cuốn sách bán chạy khác trên thị trường. TS.Đặng Hoàng Giang đã viết lại những câu chuyện mà ông được lắng nghe từ người trong cuộc bằng sự thấu cảm tuyệt vời, lòng trắc ẩn và sự kiên nhẫn vô cùng, và ông phân tích chúng bằng kiến thức khoa học, bằng dẫn chứng có cơ sở từ các nghiên cứu tâm lý học nhưng không khô cứng và lạnh lùng.
Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ là một cuốn sách đẹp về nỗi đau. Nó mô tả nỗi đau trần trụi nhưng không thô bạo, nó ân cần và dịu dàng với những tâm hồn chằng chịt vết thương và những trái tim đã bị hủy hoại, nó chứa đựng sự thấu cảm và nhạy cảm sâu sắc với con người. Đồng thời, nó vẫn mang tinh thần khoa học, vẫn đề cao sự thật và dùng khoa học, sự thật để cắt nghĩa nỗi đau, để kêu gọi người ta thấu cảm với những nỗi đau và không phán xét. Một cuốn sách thường thức vừa nhân văn với con người vừa ngợi ca vẻ đẹp của khoa học.
sách
,khoa học thường thức
,tâm lý học
,tâm lý thanh thiếu niên
,review sách
,sức khoẻ
,giáo dục
,sách
,tâm lý học
Từ “cô độc” luôn mang một sắc thái nặng nề và ảm đạm hơn “cô đơn”, nó gợi nhắc cho người ta đến cảm giác hoang hoải, bơ phờ như sau một cuộc chạy marathon mà không có ai chìa tay ra đưa cho một chai nước hay vỗ vai động viên, u ám và trống rỗng như trong một cái hố đen không thấy điểm bắt đầu và kết thúc, cũng không nhìn thấy cả bàn tay mình đang giơ lên.
haizzz... hình ảnh so sánh này hay thế ... câu này chạm đến cảm xúc của mình ...
Thiên An
Từ “cô độc” luôn mang một sắc thái nặng nề và ảm đạm hơn “cô đơn”, nó gợi nhắc cho người ta đến cảm giác hoang hoải, bơ phờ như sau một cuộc chạy marathon mà không có ai chìa tay ra đưa cho một chai nước hay vỗ vai động viên, u ám và trống rỗng như trong một cái hố đen không thấy điểm bắt đầu và kết thúc, cũng không nhìn thấy cả bàn tay mình đang giơ lên.
haizzz... hình ảnh so sánh này hay thế ... câu này chạm đến cảm xúc của mình ...
Oanh Pham
" Thứ tha hay không là lựa chọn của mỗi người, không ai dám nói rằng tha thứ là tốt hơn hay không tha thứ là tệ hơn, nhưng mỗi vết thương đều cần được chữa lành, để nó không còn gây cho người ta những đớn đau, nhức buốt trong tâm hồn " 👏 👏 👏
Bùi Đức Lương
quyển này mình chưa đọc nhưng sẽ thử vì theo review của bạn chắc là hay!
Angelica
Mình thấy cách dùng từ của bạn rất sắc bén, chắc bạn đọc nhiều lắm rồi phải không?
Trần Hải Bình
ui, bài viết hay và thực sự sâu sắc. Cảm ơn chị nhiều, mong sẽ đọc được nhiều các bài viết hay như thế này nữa ^^ em đặc biệt hóng 1 bài viết về Hoàng tử bé chị nhé, em đoán chắc chị đọc rùi hihi
Thuỷ Thu Nguyễn
Bài viết tuyệt vời quá bạn ạ 🤩