Sách tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. HIỂU TRƯỚC, PHẢN BÁC SAU!

  1. Giáo dục

Xin chào mọi người, khi đọc được những dòng này, thì xin chúc mừng bạn, bạn đang ở Noron! - một nơi rất khác, rất khác so với Facebook. Và tôi tin (cũng như hy vọng), những thứ mọi người sắp đọc tiếp theo đây cũng sẽ rất khác, rất khác Facebook.

Trước khi bắt đầu, để tôi và bạn cùng tránh được cái “bẫy tranh luận trên Internet”, chúng ta sẽ phải cùng nhau thống nhất một vài quan điểm nền tảng để không mắc phải những lỗi tư duy sau:

  1. Thiên kiến chứng thực: Thông tin sẽ là thông tin 2 chiều, lập luận (nếu có) chặt chẽ. Không phớt lờ những bằng chứng không ủng hộ quan điểm của mình, không lấp liếm bất cứ thứ gì bằng thuyết âm mưu, tránh sử dụng ngôn từ “đao to búa lớn” để áp đặt, gây sức ép tâm lý.
  2. Thiên kiến truyển kể: Không kết luận một quan điểm dựa trên những “mẩu truyện kể” mà phớt lờ tính khoa học và logic. Trong quyển Lược Sử Thời Gian, Stephen Hawking chia sẻ: “Mỗi một phương trình mà tôi đưa vào sẽ làm giảm số lượng bán đi một nửa”. HÃY TÔN TRỌNG KHOA HỌC.
  3. Thiên kiến hồi tưởng: “Ông cha ta đã nói”, “Ông bà xưa đã nói”, “Ông bà tôi bảo”, “Ngày xưa ông bà tôi thế này”, “Ngày xưa bố mẹ tôi thế kia”. Những câu này không giúp quan điểm của chúng ta thêm phần thuyết phục chút nào cả.
  4. Kiến thức “lái xe”: “Sau khi nhận giải Nobel Vật Lý năm 1918, Max Planck bắt đầu một tour đi xuyên nước Đức. Bất cứ nơi nào ông được mời, ông đều giảng cùng một bài giảng về cơ học lượng tử mới. Dần dà, người tài xế của ông bắt đầu thuộc lòng bài giảng đấy: “Thật nhàm chán làm sao nếu lần nào ngài cũng giảng lại bài đó, thưa Giáo sư Planck. Tôi có thể giảng thay cho ngài ở Munich được không? Ngài có thể ngồi ngay hàng ghế đầu và đội chiếc mũ tài xế của tôi. Điều đó sẽ cho cả hai chúng ta một trải nghiệm mới” Planck thích thú với ý tưởng này, vậy nên hôm đó người tài xế được trình bày một bài thật dài về cơ học lượng tử trước một nhóm khán giả khả kính. Sau đó, một giáo sư vật lý đứng dậy đặt câu hỏi. Gã tài xế ú ớ chống chế: “Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng ai đó ở một thành phố tiên tiến như Munich này lại có thể hỏi một câu hỏi đơn giản đến vậy! Sau đây tài xế của tôi sẽ trả lời câu hỏi của ông.”

Đây là một số lỗi tư duy tôi nêu ra dựa trên quyển sách Tư Duy Rành Mạch của Rolf Dobelli (thực tế là còn vài cái nữa, ở đây tôi chỉ nêu những thứ liên quan). Tôi sẽ cố gắng không vấp phải những lỗi này, và chúng ta khi tranh luận thì cũng nên chú ý mấy ý trên.

Đây là bộ 3 quyển sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, được soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư - Tiến sỹ Tâm lý học Hồ Ngọc Đại do nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành.

Bộ sách này được xem là chương trình cải cách của Bộ giáo dục, điểm khác biệt của nó so với chương trình cũ nằm ở phương pháp đánh vần. Đây là phương pháp của ông Hồ Ngọc Đại sáng tạo với mục đích giúp các em học sinh mới vào lớp 1 có thể nhanh chóng nghe, đọc và viết được tiếng Việt.

Bộ sách được khởi thảo vào năm 1977, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1985 (dẫn chứng), và được đưa vào chương trình giảng dạy của trường Tiểu học Thực Nghiệm (ngày xưa có tên gọi là Trung tâm thực nghiệm giáo dục phổ thông) vào năm học 1987-1988. Sau từng năm, chương trình này được đưa vào giảng dạy tại các trường thực nghiệm khác ở nhiều địa phương. Năm 2016, chương trình được áp dụng tại 48 tỉnh, thành phố. (Trong đó, từ năm 2000 đến năm 2005, Bộ thì tạm dừng để thống nhất sách giáo khoa toàn Quốc, chương trình Công Nghệ Giáo Dục được thực riêng tại trường Thực Nghiệm). Ngày 19/04/2017, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định lại cuốn "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục" dựa trên đánh giá hiệu quả thực hiện thí điểm tại các địa phương trước kia. Sau thẩm định, Bộ GD&ĐT đánh giá: trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng là một trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Điều kiện tiên quyết là tất cả tài liệu phải được Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua mới được xem là một cuốn sách giáo khoa chính thức. Hiện tại, tài liệu “Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục” đang được đưa vào giảng dạy tại một số trường dưới hình thức thí điểm, và Bộ thì không bắt buộc bất cứ trường nào phải thí điểm, theo tôi biết thì sở Giáo dục ở Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh tuyên bố không tham gia chương trình thí điểm này. Ở chiều ngược lại, có nhiều thông tin cho rằng ông Hồ Ngọc Đại sử dụng quan hệ cá nhân để yêu cầu các trường thí điểm chương trình của mình (thông tin này tôi đọc được trên báo giaoduc.net.vn và không rõ tính xác thực), tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề vì sẽ làm chúng ta mắc vào cái bẫy công kích cá nhân - chẳng giúp ích gì cho tư duy phản biện cả . Sau nhiều lần chỉnh sửa và tái bản, bản mới nhất có bìa như hình chúng ta thấy ở trên.

Vậy cái mọi người tranh cãi ở đây là gì? Theo tôi quan sát trên mạng, và tóm gọn lại thì thấy có mấy ý như sau?

  • Đang yên đang lành không việc gì phải cải cách cả! Đây là cải lùi chứ không phải cải cách.
  • Phương pháp đánh vần mới thật kỳ quặc, không thể chấp nhận được!
  • Phương pháp này làm mất đi tính trong sáng của tiếng Việt! Và sẽ làm cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam mù chữ.
  • Sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục sử dụng ngôn từ không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1.
  • Và một số tranh cãi linh tinh khác đến từ thói quen "đọc lướt" trên Facebook mà thiếu kỹ năng phân tích, tìm hiểu thông tin (phần này mình không xoáy sâu, vì nó khá vô nghĩa)

Sau đó tôi bắt đầu nghiên cứu bằng cách tìm kiếm nhiều nhất có thể mọi nguồn thông tin trong vòng 2 ngày, và nghiền ngẫm nó. Tôi nhận ra là phần đa trong số những nhận định phía trên đều vướng phải ít nhiều những lỗi tư duy được nêu ở trên:

  • Thứ 1, chúng ta cho rằng từ xưa đến giờ đa số mọi người đều học theo chương trình cũ và đều biết nghe, biết đọc, biết viết thì không cần phải cải cách nữa. Trên thực tế, như đã nêu rõ về mục đích của chương trình mới là: Giúp học sinh có thể nghe, đọc, viết tiếng Việt nhanh hơn chương trình cũ, rõ ràng sự khác biệt ở đây là “nhanh hơn”, chứ không đơn thuần là chỉ “biết”. Một số quan điểm sâu hơn thì cho rằng “nhanh hơn” để làm gì, có thật là nhanh hơn hay không? Tại sao không giữ cách cũ để có thể tận dụng thêm nguồn lực của phụ huynh (tức là phụ huynh về nhà sẽ dạy thêm cho con trẻ), ông Hồ Ngọc Đại đã phản hồi ý này trong một phóng sự trên VTV là với phương pháp mới,không cần phụ huynh dạy ở nhà. Và để đánh giá đây là “cải lùi” hay “cải cách” thì phải có số liệu đánh giá về hiệu quả của nó, về số liệu này tôi không tìm được con số chính xác. Nhưng sự thật là tôi chưa thấy phụ huynh nào có con được học phương pháp mới phàn nàn về hiệu quả của nó cả (cái này có thể là do tôi chưa đọc được thôi, chứ tôi không khẳng định là không có, bạn nào có thông tin xin phản hồi lại cho tôi dưới phần bình luận), theo tôi tìm hiểu thì hầu hết đều khen. Phần này còn một ý nữa mà tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nhắc đến là trong chương trình cải cách này, phần thời gian dư ra trong chương trình học do hiệu quả của phương pháp mới thì được tối ưu cho việc gì (ví dụ như bảo phương pháp mới giúp học sinh chỉ cần học xong lớp 1 có thể nghe, nói, đọc như học sinh học hết lớp 3 ở chương trình cũ - nghĩa là tối giản được 2 năm chương trình học tiếng Việt, vậy thời gian dư ra so với chương trình cũ được sử dụng như thế nào?), nếu có thêm giải thích hoặc trình bày được thông tin lộ trình cho phần này thì có lẽ chương trình cải cách sẽ thuyết phục hơn.
  • Thứ 2, phương pháp này là cải cách về cách đánh vần tiếng Việt với mục đích giúp các em học sinh nhanh biết nghe, đọc, viết hơn, không hề liên quan gì đến chữ viết. Đây là bản tóm tắt nội dung cải cách cách đánh vần, bạn nào cần có thể tham khảo tại đây.
  • Thứ 3, sau khi thông suốt về phần liên quan đến chính sách cải cách giáo dục, và nội dung phương pháp cải cách, tôi bắt đầu tìm hiểu về nội dung hình thức của sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Sau khi tìm hiểu, tôi phần nào cũng hiểu được băn khoăn, bức xúc của mọi người khi cho rằng về hình thức nội dung có phần chưa phù hợp với học sinh lớp 1 vì có khá nhiều phương ngữ (từ ngữ địa phương), và nội dung ví dụ chưa phù hợp với độ tuổi. Phần này thực chất là do cảm quan cá nhân, điều tôi băn khoăn là Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định nội dung quyển này theo tiêu chí gì?
  • Thứ 4, tôi nhận ra cư dân mạng thì đang chia làm 2 phe, một bên ủng hộ, một bên phản đối quyển sách. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, bên ủng hộ thì chỉ đưa ra các luận điểm về sự tiến bộ của phương pháp đánh vần mới mà phớt lờ đi nội dung hình thức của quyển sách chưa thật sự phù hợp. Bên phản đối thì chỉ tập trung công kích vào nội dung hình thức của sách và phớt lờ đi phương pháp đánh vần mới. 2 bên tranh cãi, phản biện lẫn nhau, trong khi tư duy đang bị vướng phải cái bẫy “thiên kiến chứng thực”.

Tôi sẽ bổ sung vào bài viết nếu tôi tìm được thêm thông tin liên quan.

Trước khi phán đây là "cải cách" hay "cải lùi". Tôi mong sẽ nghe được nhiều chiều ý kiến từ mọi người, bạn nhìn nhận và đánh giá chương trình cải cách này như thế nào?

----------

Phần bổ sung: Tôi nhận được nhiều góp ý rằng bài viết này thiếu vấn đề "ô vuông, tam giác, tròn", tôi cho rằng đấy là những tranh cãi linh tinh trên Facebook của cộng đồng mạng vì a-dua mà thiếu tỉnh táo để tìm hiểu cặn kẽ vấn đề. Và phần bình luận bên dưới có mấy bạn đã giải thích rồi, nên ai muốn tìm hiểu cho rõ thì đọc thêm các bình luận bên dưới, mình xin phép không đi sâu vào chi tiết này.

Từ khóa: 

cải cách giáo dục

,

tiếng việt lớp 1

,

công nghệ giáo dục

,

giáo dục

,

giáo dục

Mình khá đồng tình, và xin đóng góp 2 video để bổ sung thêm cho các quan điểm của tác giả, dành cho bạn nào quan tâm, và muốn tìm hiểu sâu hơn

  • Đây là buổi phỏng vấn được thực hiện gần đây
  • Còn đây là video được thực hiện cách đây 5 năm


Trả lời

Mình khá đồng tình, và xin đóng góp 2 video để bổ sung thêm cho các quan điểm của tác giả, dành cho bạn nào quan tâm, và muốn tìm hiểu sâu hơn

  • Đây là buổi phỏng vấn được thực hiện gần đây
  • Còn đây là video được thực hiện cách đây 5 năm


Mình bổ sung thêm ý này không biết có thừa hay không, 2 ngày trở lại đây mình thấy bên nhóm phản đối đưa ra một vấn đề (lạ) khi ô vuông - tam giác - hình tròn lại có thể đọc thành câu thơ (văn) để công kích, phản bác chương trình cải cách. Mình có tìm hiểu thì đây là một phương pháp khoa học tiến bộ được nhiều nơi trên thế giới dùng để dạy tiếng Anh, mình nghĩ việc cải tiến và áp dụng vào phương pháp học tiếng Việt một cách khoa học để giúp các em biết đọc, nghe, viết nhanh hơn thì hoàn toàn hợp lý, không có vấn đề gì cả.

Hơn nữa, ông Hồ Ngọc Đại là giáo sư Tâm lý giáo dục, mình tin ông có cơ sở khi đưa ra phương pháp này. Việc đánh giá hiệu quả của phương pháp thì sau khi tranh luận đến mức độ nào đi chăng nữa thì vẫn phải chờ kết quả khảo sát thực nghiệm.

Việc đánh giá một quyết sách rõ ràng là phải dựa trên tính toán cụ thể và hiệu quả của nó mang lại, chứ không phải lên mạng "đọc lướt" để phán được.

Mình rất tâm huyết với bài viết của bạn, mặc dù thì điều số (4) trong các lỗi tư duy bạn nêu trong bài đăng, thực chất là đã vướng phải "thiên kiến kể truyện" :))

Rất cảm ơn bài viết của bạn :D

Cảm ơn bài viết rất đầy đủ và đa chiều của bạn. Mình cũng không theo dõi cụ thể diễn biến của việc tranh luận này, và bị phản cảm với cách công kích, thóa mạ lẫn nhau của cư dân mạng (đặc biệt là phe phản đối ) nên mình rất rất dị ứng. Hai ngày gần đây mình bắt đầu đọc kỹ và cũng nhìn nhận thấy 1 số vấn đề:

  • Đa phần phản bác do sợ Cải cách. Nhưng nỗi sợ này phần nào có lý do của nó, do đánh đồng Cải Cách như lần công bố phương án cải cách chữ Viết của TS Bùi Hiền --> Mọi người sợ cải lùi, sợ những thứ nhảm nhí dẫn dắt
  • Khi bị đám đông dẫn dắt, nỗi sợ và sự giận dữ lấn át; mọi người không buồn phân biệt cả các khái niệm giữa Âm (đánh vần) và Chữ (Viết) ; để rồi dễ dàng share lại những nội dung, những clip câu view rất ngớ ngẩn
  • Cả vấn đề tranh luận về phương pháp giảng dạy/ nội dung cải cách với hình thức, phần nội dung minh họa của sách cũng bị lẫn lộn, đánh tráo. Trong 1 cuộc tranh luận khi đang nói về phương pháp mới, các bác cứ thích tương vào mấy cái hình minh họa (hình thức) :))
  • Vấn đề vùng/ miền bị đẩy lên cao: nhìn chung mình thấy miền Nam phản đối; miền Bắc ủng hộ --> cái này 1 phần do phần minh họa, sử dụng từ ngữ địa phương chưa hợp lý. Phần khác do bị kích động, hùa theo; thế nên mọi thứ càng lúc càng leo thang và càng lúc càng bị đẩy lên. Phía nào cũng đi tìm các hình ảnh, bằng chứng (đôi khi nó chỉ là một phần của câu chuyện) để lôi ra công kích lẫn nhau.

Ở vấn đề này, mình đang thấy tồn tại mấy vấn đề của các cấp quản lý, đặc biệt là những nhà quản lý giáo dục:

  • Chưa có tuyên bố chính thông, chính thức nào đưa ra từ cơ quan quản lý giáo dục : để truyền thông bẩn dẫn dắt, các clip viral; những ý kiến của Cộng đồng mạng - của những chuyên gia tự phong được chia sẻ --> Gây hoang mang cho phụ huynh học sinh, khôgn biết đâu mà lần nhất là trong giai đoạn nhạy cảm, khai giảng năm học mới
  • Truyền thông báo chí ăn theo, câu view, chưa tìm hướng xác thực và đi sâu vào đánh giá vấn đề. Lẽ ra trách nhiệm của báo chí lúc này phải bám sâu sát cơ quan chủ quản giáo dục để có những thông tin chính thống, có giá trị, có ích đối với người dân. Chứ ko phải hùa theo Cộng đồng mạng để giật tít, câu view ; làm hoang mang & gây chia rẽ người dân
  • Chương trình giáo dục của thực nghiệm dù tân tiến, dù tốt; nhưng tất cả đều là đánh giá chủ quan của những người tham gia học. Hiện nay đang thiếu các báo cáo, các nghiên cứu khách quan về hiệu quả của các chương trình thực nghiệm này

Đọc đến điều này là như thâu tóm đc nỗi lòng của mình rồi. Chẳng hiểu sao cứ ra sức đấu đá trong khi ko nhìn thẳng vào khiếm khuyết trong tư duy của nhau :3

  • Thứ 4, tôi nhận ra cư dân mạng thì đang chia làm 2 phe, một bên ủng hộ, một bên phản đối quyển sách. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, bên ủng hộ thì chỉ đưa ra các luận điểm về sự tiến bộ của phương pháp đánh vần mới mà phớt lờ đi nội dung hình thức của quyền sách chưa thật sự phù hợp. Bên phản đối thì chỉ tập trung công kích vào nội dung hình thức của sách và phớt lờ đi phương pháp đánh vần mới. 2 bên tranh cãi, phản biện lẫn nhau, trong khi tư duy đang bị vướng phải cái bẫy “thiên kiến chứng thực”.

Ngoài ra bài viết của bạn sẽ hoàn chỉnh hơn nếu đề cập đến cả vấn đề các clip ô vuông, ô tròn, tam giác gần đây. Mong bạn sớm bổ sung

Cảm ơn bạn vì bài viết chất lượng.


Em cũng tính khảo sát vấn đề này trên Noron để xem dư luận trên này thế nào. Quả là khác hoàn toàn với Facebook ạ. Có vấn đề nữa là em thấy rất nhiều người không hiểu mà chỉ hùa theo trend: mình cùng nhau hát tròn trong vuông vuông, tam giác vuông tròn. Dù chỉ là đùa vui nhưng nếu trend đó càng nổi thì vô hình chung đã tạo thêm áp lực và lan rộng tâm lý sợ hãi và phản đối của những người chưa hiểu gì về phương pháp mới.


Thực chất công nghệ giáo dục là một hệ thống, quy trình đào tạo, chứ không phải là chỉ là một phương pháp đánh vần mới hay 1 bộ sách tiếng Việt lớp 1 mới.

Nói về công nghệ giáo dục thì mình share thêm video trò truyện với thầy Phạm Toàn - người ngày xưa cùng Giáo sư Hồ Ngọc Đại xây dựng chương trình Công nghệ giáo dục


Hnay mới thấy bài viết này rât hay. Búc xúc k tài nào tả nổi . Minh thấy bài viết trên facebook mình vào rồi thấy có 4 comen ủng hộ bài viết mình like bài viết và cả comen con để lại mấy từ ủng hộ. 1 lúc sau mình vào k thấy mấy comen ấy đâu thay vào đó là mấy ông tuất hợi ở đâu nói nhặng lên toàn dm...hay chó mèo j đấy. Không biết ad xóa những comen hay đổi bằng những comen kia để cãi nhau tăng view m. Thật khó hiểu và búc xúc khi những trang mạng chỉ thích câu view mà k còn quan tâm j đến các thành viên dắt mũi

Không phải cứ cố trình độ và nghiên cứu lâu thì sẽ có ích.  K phải cứ áp dụng ở thực nghiệm thành công thì sẽ đưa ra toàn quốc được.  Chẳng phải thời Tống phát hành tiền giấy thì kinh tế thịnh vượng còn nhà Hồ làm thì nát bét đó Sao


Người Nhật cũng dạy trẻ con bằng phương pháp "vuông tròn".

Gần đây đã có nhiều ý kiến có chuyên môn hơn, thể hiện góc nhìn và kiến thức rõ ràng hơn. Sáng nay mình có đọc 1 bài viết của FB anh Đàm Quang Minh, rất muốn đóng góp vào luồng này mọi người cùng đọc. Mình paste lại như bên dưới:

Bản chất giáo dục "Hồ Ngọc Đại"

Suốt 40 năm triển khai "Thực nghiệm" là 40 năm tranh cãi và thăng trầm. Người ủng hộ, người phản đối đều rất đông nhưng bản chất của vấn đề thì nhiều người vẫn hiểu nhầm.

Nhầm lẫn 1: Thực nghiệm là thử nghiệm

Thực nghiệm gốc tiếng anh là experimental và hoàn toàn không có nghĩa chương trình này là thử nghiệm. Nhiều người cho rằng thử nghiệm đến 40 năm là không hiểu bản chất của từ thực nghiệm. Triết lý học thực nghiệm có nghĩa là người học phải học qua trải nghiệm thực tế để hiểu bài học.

(Đính chính: tôi nhận được góp ý là trường Thực nghiệm là nhằm mục đích thử nghiệm thực hành giáo dục, trước khi đưa ra xã hội. Theo 

Dương Trọng Tấn
 cung cấp thông tin thì cụ Đại, cụ Toàn coi đây như là một "van an toàn" trước khi áp dụng cho toàn xã hội.) Phần phương pháp giáo dục thì ko sai và được nêu bên dưới nhưng nó không liên quan đến chữ "Thực nghiệm" - Thành thật cáo lỗi.

Nhầm lẫn 2: Đánh vần là CNGD của Hồ Ngọc Đại. 

Thực ra tác giả của phần đánh vần gây tranh cãi vừa qua là nhà giáo Phạm Toàn. Hai nhà giáo này cùng nhau xây dựng được hết chương trình Tiếng Việt 1 - CNGD thì chia tay nhau. Nhà giáo Phạm Toàn sau này phát triển Cánh Buồm cũng dựa trên các lý thuyết về ngữ âm mà chính ông là tác giả trước đây.

Nhầm lẫn 3: Cách học của CNGD là cách học Xô viết. 

Thực tế trường thực nghiệm đầu tiên trên thế giới là do John Dewey cha đẻ của giáo dục hiện đại mở năm 1896 tại Chicago Hoa Kỳ. Nền tảng của phương pháp giáo dục này dựa trên tâm lý học và ngày nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Một số nhà tâm lý học giáo dục cấp tiến đã đưa về Liên Xô, trong đó có thầy giáo của GS. Hồ Ngọc Đại.

Nhầm lẫn 4: Trường Thực nghiệm Liễu Giai chỉ dạy chương trình CNGD. 

Thực tế là trường Thực nghiệm dạy cả chương trình phổ thông nhưng theo cách tiếp cận của giáo dục thực nghiệm lấy học sinh làm trung tâm.

Nhầm lẫn 5: Chương trình CNGD là quá cấp tiến, không phù hợp với giáo dục Việt Nam. 

Thực tế thì triết lý căn bản của CNGD đã có từ trên 100 năm và ngày nay đã trở thành thông dụng. Gốc rễ của phương pháp chính là Học tập Kiến tạo hay Constructivism. Học tập kiến tạo cho rằng người học sẽ tự hình thành kiến thức dựa trên các trải nghiệm và suy luận chứ không do thầy cô rót vào đầu. Chính vì vậy tăng cường xây dựng các trải nghiệm học tập sẽ giúp người học nhanh chóng có được kiến thức và kỹ năng. Do đó, phương pháp học tập này cổ vũ việc thảo luận, tranh biện. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi.

Nhầm lẫn 6: Học theo CNGD sẽ bị nghẹo cổ

Lớp học điển hình theo phương pháp Học tập kiến tạo là học sinh sẽ nhìn vào nhau theo nhóm. Phương pháp này lấy học sinh làm trung tâm nên việc giảng dạy của giáo viên được coi là việc phụ trợ. Người học sẽ phải tự nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn là nghe thầy cô giảng bài. Thực tế thì nhiều trường trên thế giới đã áp dụng phương thức này. Theo thống kê không chính thức thì tỷ lệ nghẹo cổ ở các quốc gia áp dụng rộng rãi phương pháp này ví dụ như Phần Lan không cao hơn Việt Nam chủ yếu áp dụng phương pháp nghe giảng truyền thống.

Nhầm lẫn 7: Chỉ có các trường dạy theo CNGD mới áp dụng phương pháp này. Thực tế các trường quốc tế ở Việt Nam đã áp dụng từ lâu. Một số trường Việt Nam cũng thực hành phương pháp này cho dù không nói ra như Trường Đinh Thiện Lý, Việt Úc (Tp.HCM) Trường Gateway, Olympia (HN). Ngoài ra còn có nhiều trường chuyên ở các tỉnh như Lào Cai, Tây Ninh cũng khá thành công với CNGD.

Giáo dục giống như một con voi mà gia đình nào cũng liên quan. Do đó, không phải ai cũng có cái nhìn khách quan và toàn diện. Chưa kể, mọi việc đều có kỹ thuật của nó. Đó là vấn đề ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu. Vì vậy, lấy một góc, một trang sách hay một đoạn clip để đưa lên chế diễu không phản ánh đầy đủ về phương pháp luận giáo dục.