[Sách] Nỗi buồn chiến tranh: “Chính nghĩa đã thắng, bạo lực phi nhân cũng đã thắng”

  1. Sách

https://cdn.noron.vn/2022/02/28/ne1bb97i-bue1bb93n-chie1babfn-tranh-1646055590.jpg

Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng, nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng.

(Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh)

Với “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã trở thành một hiện tượng văn chương châu Á, làm hớp hồn giới phê bình Tây phương và được đem ra so sánh với cả Erich Maria Remarque. Tuy nhiên, dù cho mối tương đồng giữa Bảo Ninh và nhà văn phản chiến người Đức là gì, thì tôi vẫn cho rằng không cần thiết phải so sánh hai tác giả và tác phẩm, bởi vì tự tác phẩm đã mang hơi thở của chính nó, và thật khó để đặt chúng lên bàn cân mà ngẫm ngợi. Nhưng cũng không thể không thừa nhận, rằng “Nỗi buồn chiến tranh” đã là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn khác biệt so với bất cứ cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam nào trước đó và cả sau này.

Bảo Ninh đã dùng cách kể chuyện đầy tự sự trong dòng thời gian phi tuyển tính để dẫn dắt người đọc bước vào dòng hồi tưởng miên man, đầy buồn thương, và đầy ám ảnh của nhân vật Kiên về chiến tranh, về con người, về tình yêu. Kiên, cũng như bao nhiêu con người trưởng thành từ cuộc chiến, bị tàn phá bởi cuộc chiến, và cuối cùng là mãi mãi mang trong thâm tâm những vết sẹo chẳng bao giờ lành từ cuộc chiến, đã đối mặt và kể lại quá khứ một cách chân thành và chân thật hết sức. Đúng hơn, dường như anh không kể lại, mà anh đã sống trong đó, Kiên có lẽ sẽ mãi mãi sống trong cuộc chiến, khi trở về thực tại mới chính là khi anh đã chết, cả cuộc đời anh đã gói gọn lại trong những năm tháng của quá khứ huy hoàng nhưng đau thương và lớp lớp những bi kịch nối dài.

Chiến tranh là tàn phá, nó không chỉ tàn phá cuộc đời Kiên, cuộc đời Phương, hay cuộc đời những nhân vật trong câu chuyện, mà nó tàn phá cuộc đời của bất cứ ai từng bước chân qua nó. Nó tàn phá hòa bình, tàn phá nhân tính, tàn phá sự trong trắng của linh hồn lẫn thể xác, không chừa lại bất kể thứ gì. Nó vươn móng vuốt hôi hám, cáu bẩn, đen ngòm của mình đến đâu là mang đến đó sự héo úa, rũ rượi, sự chết chóc, và mất mát. Bảo Ninh đã mở ra trước mắt người đọc một sự thật trần trụi không khoan nhượng về chiến tranh, mà ở đó, ông không cho phép chúng ta được thối lui khỏi hiện thực, không cho phép chúng ta được phép nghĩ khác đi, không cho phép chúng ta được giữ niềm tin nhị nguyên về chính nghĩa hay phi nghĩa nữa, dù ông chưa bao giờ phủ nhận tính chính nghĩa của nó. Bằng việc Kiên cứ trở đi trở lại về quá khứ huy hoàng, dù ám ảnh bởi sự phi luân và bất nhân của cuộc chiến, anh cũng không thể dứt mình ra khỏi niềm vui chung của dân tộc khi tin rằng chính nghĩa đã chiến thắng. Chỉ có điều, khi người ta đã bước qua những đau thương của thời loạn lạc để tiến về phía trước, thì những người lính bước ra từ cuộc chiến đó dù bị thương tật hay lành lặn thì cũng đã vĩnh viễn mang những thương tật trong tâm hồn mà không cách gì chữa lành. Cuộc chiến đã xé toạc tất cả những điều tốt đẹp còn sót lại trong tâm hồn con người, nó không cho phép người ta vui mừng hay hạnh phúc đủ lâu trước khi lại một lần nữa lao đến triệt tiêu đi phần người cuối cùng. Sống giữa cuộc chiến ấy, con người buộc phải nghĩ đến sự hy sinh, bởi đó là thứ cao cả có vẻ gần nhất với nhân tính để mà bấu víu vào, vì nếu không có nó, con người sẽ chỉ còn là “con” thôi chứ chẳng còn sót lại phần manh mún nào của phần “người’.

Khi càng nhìn nhận được ở nhiều góc độ hơn về chiến tranh, dù có nhìn bằng kiểu gì thì vẫn chỉ có thể nhìn bằng con mắt của người ngoài cuộc, thì chúng ta càng không thể nào cho phép mình nhìn chiến tranh bằng tư duy về chính nghĩa và phi nghĩa nữa, và càng chẳng thể nào tha thứ cho bản thân vì đã từng giữ niềm tin ngây thơ rằng có cuộc chiến nào đó là chính nghĩa. Bởi khi ta chỉ nhìn cuộc chiến ở khía cạnh chính nghĩa của nó mà quên mất phần nhân tính, luân lý, khía cạnh đạo đức căn bản của nó, thì nghĩa là ta đang gián tiếp phủ nhận sự tàn phá thực sự, âm ỉ và sâu sắc, dài lâu của nó, cũng có nghĩa là đang phủ nhận những tâm hồn mà nó đã xé nát, đã nghiến ngấu, đã băm vụn trong cái cối xay dã man và tàn ác của nó. Và nếu ta sống tiếp mà bỏ qua cái bài học đau thương ấy của lịch sử, thì chiến tranh sẽ chẳng bao giờ kết thúc trên thế giới này, giữa loài người này.

Từ khóa: 

chiến tranh

,

phản chiến

,

nỗi buồn

,

bảo ninh

,

sách

Bài review gợi đến những vấn đề thời sự. Mong rằng con người sống hoà bình với nhau.
Trả lời
Bài review gợi đến những vấn đề thời sự. Mong rằng con người sống hoà bình với nhau.

đúng đợt này đang chiến tranh thì lên bài này, đọc buồn thật sự...