[Sách] Hẹn hò với Paris khi ta còn trẻ
Nhân ngày bài viết về cuốn sách của mình 4 năm trước được chính tác giả đăng lại trên facebook của anh, và nhân dịp cuốn sách sắp tái bản nữa, mình muốn giới thiệu đến mọi người một cuốn sách du ký mà mình rất thích của tác giả Trương Anh Ngọc.
Nhà báo Trương Anh Ngọc trở thành tác giả du ký yêu thích của tôi vì một lý do rất đơn giản – anh luôn khuyến khích mọi người đi và tận hưởng cuộc sống theo cách tích cực nhất. Tôi rong ruổi cùng anh trên những chặng đường nước Ý ở “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” và “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”, chứng kiến cuộc khám phá Nam Phi của anh trong “Phút 90++”, vì vậy, chẳng có gì là ngạc nhiên khi tôi lại mong chờ cuộc hẹn hò của anh với Paris như vậy.
Trong “Hẹn hò với Paris”, tôi thấy một Trương Anh Ngọc khác. Anh, tất nhiên, sẽ không nhìn nhận Paris như cái cách anh nhìn nhận nước Ý của anh, sẽ không yêu Paris theo cách anh yêu nước Ý của anh, mà với anh, Paris giống như một nỗi nhung nhớ và khao khát khắc khoải, một món nợ trong đời nhất định phải trả. Và Trương Anh Ngọc đến với Paris, như người đàn ông đến với người tình mà anh ta khát khao bấy lâu. Trong suốt cuộc hành trình trên đất Pháp, và ở Paris của anh, tôi tưởng như anh muốn ôm trọn cả Paris ấy vào lòng, để hít hà, để yêu, và để giữ mai chẳng cho lìa xa.
Thoắt một cái, từ Paris xinh xắn và hoa lệ, anh đã đến Brazil, vùng đất Nam Mỹ sặc sỡ sắc màu với niềm đam mê bóng đá cháy bỏng – tất nhiên, không thể nào đọc một cuốn sách của Trương Anh Ngọc mà không thấy anh nhắc đến bóng đá, chỉ là sớm hay muộn, ít hay nhiều mà thôi, ở Brazil với muôn vàn sự đối lập, nơi người dân sống với một tinh thần khoáng đạt, tâm hồn rực rỡ y như đất nước của họ, và niềm đam mê bất tận dành cho trái bóng tròn và đức tin với Chúa trời.
Tôi tất nhiên sẽ không mong mỏi được nhìn thấy một Paris hay một nước Pháp mà trái tim mình ước ao trong những dòng chữ của người khác, qua con mắt và tâm hồn của người khác. Mà nhờ có Trương Anh Ngọc và sự cổ vũ cũng như thôi thúc không ngừng nghỉ từ anh rằng hãy “đi khi ta còn trẻ”, tôi đã và sẽ luôn tin rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ tới Paris hay bất cứ một nơi nào tôi muốn, để yêu theo cách của riêng tôi, nhìn bằng đôi mắt của riêng tôi, và cảm nhận bằng trái tim tôi. Lý do mà Trương Anh Ngọc trở thành nhà văn du ký yêu thích nhất của tôi cũng vì lẽ ấy, vì sự cổ vũ và thúc đẩy mang đầy năng lượng tích cực mà anh cứ không ngừng nghỉ truyền cho mọi người, năng lượng ấy chỉ có thể đến từ một tâm hồn phóng khoáng, yêu cuộc đời và yêu con người, và từ một trái tim cực kỳ tử tế.
Nguyenphuhoang Nam