[Sách đọc 2020] Bẫy-22 - Một lời cầu nguyện đến Chúa: Chúa là của ta, của nó, hay Chúa không của riêng ai?

  1. Sách

Bẫy-22 là cuốn sách đầu tiên mình đọc trong năm 2020. Không dễ gì để bắt đầu với nó, rất khó khăn để theo dõi nó, và vô cùng dễ chịu khi kết thúc nó. Nếu như Hoàng tử bé – cuốn sách cuối cùng mình đọc trong năm 2019, nhẹ nhàng và tình cảm bao nhiêu, thì Bẫy-22 nặng nề và u ám bấy nhiêu. Chưa kể, phần tình cảm trong nó còn trần trụi và rất đỗi bi thương, khiến mình cảm thấy rất đau lòng. Vì chiến tranh, vì con người tình người trong chiến tranh, và vì cả… cái bẫy do chính tác giả giăng mắc tản mác trong khắp cả cuốn sách khiến mình bối rối, hoang mang đến mức muốn bỏ chạy đi cho rồi!

Bẫy-22 là gì? Vì sao có Bẫy-22?

bay22

Bối cảnh câu chuyện xảy ra trên một hòn đảo ngoài khơi nước Ý thời Thế chiến II có một liên đoàn không quân Mỹ, nơi có Đại tá Cathcart và Đại úy Yossarian. Một kẻ thì khao khát muốn gây ấn tượng với cấp trên bằng cách ép lính đi lái máy bay ném bom mỗi lúc một nhiều hơn; còn một người thì nhất định chỉ muốn nghỉ bay và toàn mạng trở về nhà. Nhưng kẻ thì liên tục thành công trong việc nâng số lượt chuyến bay, còn người thì liên tục thất bại trong việc tìm cách được giải nhiệm để trở về, chưa kể trong lúc thất bại còn phải thường xuyên đối mặt với thảm kịch về một sự chết chóc kinh hoàng. Muốn thoát ra ư? Làm sao được khi mà luôn có một cái bẫy. Bẫy-22 luôn giăng sẵn trước mắt?

Bẫy-22 là gì? Chẳng có Bẫy-22 nào ngoài một cái bẫy và đó là Bẫy-22! Hãy thử đọc to lên đoạn này xem, bạn cảm thấy bối rối như thế nào về cái gọi là Bẫy-22:

Bẫy-22 chỉ ra rằng việc con người biết lo lắng cho sự an toàn của bản thân khi đối mặt với những hiểm nguy có thực, và ngay trước mắt là sự vận hành của một bộ óc sáng suốt có lý trí. Orr bị điên và có thể được nghỉ bay. Tất cả những gì gã cần làm là đưa ra yêu cầu; và ngay khi gã làm việc đó thì gã không còn điên nữa và sẽ phải tiếp tục bay ra trận. Orr sẽ phát điên nếu phải bay ra trận nữa và sẽ không điên nếu gã không phải bay nhưng nếu gã không điên thì gã phải bay ra trận. Nếu gã bay thì gã điên và nhờ thế mới không phải bay; nhưng nếu gã không muốn bay thì gã không điên và vì vậy gã phải bay. Một sự đơn giản tuyệt đối của Bẫy-22 – một cái bẫy xịn nhất hiện có!

Bạn có thấy một sự xúc động mãnh liệt nào không? Có thấy cảm động sâu sắc và đầy kính nể như Yossarian – nhân vật chính, đã cảm thấy? Có thấy bất khả thoát khỏi nếu chính bạn bị rơi vào chính cái bẫy đó?

Làm thế nào để thoát ra?

Những lần trốn tránh nghĩa vụ của Yossarian và đồng bọn

Đó là những lần Yossarian tìm cách để được ở… bệnh viện Pianosa, nơi có thể đem lại những ý tưởng về một cuộc đào thoát. Mặc dù ở bệnh viện chỉ toàn là những người với “cái miệng có hiệu suất cao và cặp mắt có hiệu suất thấp”, tức chỉ giỏi nói mà không giỏi nhìn, nhưng nó lại là nơi có thức ăn ngon, được y tá phục vụ tận giường, chưa kể còn được thoải mái chứng kiến sự tiếp diễn của chiến tranh ở bên ngoài kia. Về cơ bản, ở bệnh viện sướng hơn cả ở tù! Vì ở bệnh viện, Yossarian còn được làm một công việc rất chi là lãng mạn đó là kiểm duyệt thư, mà chiếu theo cách làm của hắn thì chính là “giải phóng nhịp điệu cho các lá thư”.

Trên thực tế, anh chàng Yossarian có thể lắm mưu nhiều mẹo, lắm trò nhiều chuyện, có thể giả vờ mang trong mình đủ thứ bệnh từ gan cho đến vàng da qua cả sốt rét, cúm… để không phải bay, nhưng chưa bao giờ anh ta thoát khỏi. Luôn có một ai đó, một cái gì đó tới để “lùa” anh ta cùng đồng bọn trở về với chiến trường "thân yêu".

Nói đến đồng bọn, thì ngoài Yossarian vốn là một người sống chết với 1 niềm tin duy nhất vô lý khi cho rằng tất cả mọi người xung quanh mình đều bị điên, luôn bức xúc và muốn giết sạch người lạ bằng súng máy, thói xuyên tạc quá khứ, mối nghi ngờ không có cơ sở rằng mọi người căm ghét mình và có âm mưu giết mình. Cảm thấy mỗi tiếng động từ phía sau đều là một lời cảnh báo và mỗi người mình đi qua đều là một sát thủ tiềm năng. Một người luôn cho rằng mình đúng vì “chưa bao giờ sai”; thì còn có:

  • Cha tuyên úy R. O. Shipman – tu sĩ theo dòng Anabaptist và là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên với Yossarian;
  • Dunbar – kẻ luôn nỗ lực tăng tuổi thọ của mình bằng cách nuôi dưỡng sự buồn chán, thậm chí khiến mình trông giống như đã chết;
  • Appleby: tin vào Chúa, tình Mẹ và lối sống Mỹ;
  • Havermeyer: phi công cắt bom trưởng không bao giờ trượt mục tiêu;
  • Clevinger là một người có rất nhiều trí thông minh nhưng lại chẳng khôn. Gã là 1 thằng đần, rất nghiêm túc, rất chân thành và rất tận tâm. Gã biết tất cả mọi thứ về văn học ngoại trừ việc làm thế nào để thưởng thức nó;
  • Bác sĩ Daneeka: người có khả năng giải nhiệm bay cho các sĩ quan bằng cách cấp chứng chỉ “bị điên” hay gán bất cứ căn bệnh trầm kha nào đó cho họ. “Chúng ta đang sống trong một thời đại không có niềm tin và những giá trị tinh thần xuống cấp. Ngay cả lời của một bác sĩ có chứng chỉ hành nghề cũng bị nghi ngờ bởi chính tổ quốc mà anh ta yêu.”
  • Cũng nhiều đồng bọn khác nữa…

Vì sao mọi người trốn tránh?

Vì tất cả mọi người không ai có lòng yêu nước. Mọi người chỉ chiến đấu vì miếng cơm, manh áo. Cũng chẳng có lấy thứ tình yêu quê hương nào. Có người còn luôn mang trong mình mặc cảm Jehovah, luôn thổi phồng cái tôi bản thân, tin rằng mình chính là Jehovah, thượng đế toàn năng. Chỉ vì có những cái lưng bị còng xuống vì một khối bất công giờ đã thành gánh nặng vĩnh cửu. Mặc dù ta không thể để cho người điên quyết định xem liệu anh ta có điên hay không, nhưng ai cũng nghĩ/cho mình là điên.

Nhưng làm sao mà điên được, khi có Bẫy-22? Bất cứ ai muốn ngừng ra trận đều không thực sự điên.

Họ là những người luôn sống trong sự “chờ đợi 1 cái lệnh không bao giờ tới, cho phép họ trở về nhà.”

Chiến tranh là gì?

Chiến tranh là gì ngoài ý nghĩa nó mang đến những cuộc chiến nhơ nhuốc và gớm ghiếc? Người ta, những người lính có thể sống mà không cần có nó – có khi còn sống mãi nữa là đằng khác! Con người ai rồi cũng sẽ chết. Nhưng ai sẽ chịu chết vì hoàn cảnh buộc họ phải chết? Nhân vật chính Yossarian của chúng ta thì sẵn sàng làm nạn nhân của bất cứ cái gì, ngoại trừ hoàn cảnh!

Người ta chẳng thấy lợi ích gì từ chiến tranh ngoài việc chiến tranh trả lương cao và đã giải phóng trẻ em khỏi vòng ảnh hưởng nguy hại của cha mẹ chúng. Bao trùm chiến tranh chỉ là những kẻ trục lợi, sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để kiếm lời. Những người luôn cho rằng “Hối lộ là phạm pháp. Nhưng kiếm lời thì không phạm pháp. Do vậy, nếu tôi hối lộ cho ai đó để kiếm lời thì không thể nào là phạm pháp được.

Một số người được sinh ra tầm thường, một số người giành được tầm thường, và một số người bị tầm thường giáng xuống đầu.” Quan trọng là mỗi người tự nhận ra giá trị của bản thân trong cái bẫy tầm thường đó. Bởi bản thân chiến tranh thì cứ lê đi chậm chạp, trong khi các sĩ quan chỉ huy chỉ làm tròn nghĩa vụ của mình. Ở đó, để làm nổi bật phẩm chất lãnh đạo độc đáo của mình, họ, cần phải có 1 số biện pháp mạnh như bắt liên đoàn của mình bay nhiều trận hơn bất cứ liên đoàn nào khác. Chưa kể, còn có những người với suy nghĩ cho rằng “Không có gì là ngớ ngẩn khi mạo hiểm mạng sống vì đất nước của mình. Bất cứ cái gì đáng để người ta sống vì nó, thì đều đáng để người ta chết vì nó.”

Chết đứng còn hơn sống quỳ hay Sống đứng còn hơn chết quỳ?

Trong hai câu trên, bạn cảm thấy câu nào ý nghĩa hơn? Và nếu phải lựa chọn, bạn chọn chết đứng hay sống quỳ, sống đứng hay chết quỳ?

Đôi khi, trong chiến tranh, bí quyết đích thực lại nằm ở việc thua trận. Nói đúng hơn, là ở việc biết được cuộc chiến nào thì có thể để thua. Bởi chiến thắng có thể đem lại những ảo tưởng điên rồ về quyền lực đến mức có thể gây ra một hay nhiều cuộc chiến khác mà không có cơ hội nào cho bất cứ ai để giành chiến thắng. Cho nên, thành công trong việc bị đánh bại chính là thành công đỉnh cao và trong một thế giới mà thành công là đức hạnh duy nhất, thỉnh thoảng chịu bất lực thu mình vào loại thất bại cũng là điều hay!

Hiện tượng Déjà vu

Đọc Bẫy-22, chúng ta còn được tiếp cận với Déjà vu, khi mô tả việc cha tuyên úy Shipman trong một thoáng nào đó bỗng dưng thấy râm ran một cảm giác kỳ dị, huyền bí rằng mình từng trải qua tình huống y hệt như thế một lần nào đó tại một thời điểm nào đó trước đây hoặc ở kiếp trước. Déjà vu. Hay được gọi là Paramnesia - các hiện tượng thị giác mà hệ quả của nó thì như là jamais vu (chưa từng thấy) và Presque vu (gần như đã thấy). Nếu có dịp, chúng ta sẽ tìm hiểu về chúng trong một thời điểm khác.

Ai rồi cũng sẽ chết, chúng ta phải làm gì để bảo vệ mình?

Havermeyer

Clevinger

Appleby

Kid Sampson

McWatt

Từng người một, ai rồi cũng chết. Những đồng bọn “điên khùng”. Những người bạn. Phải làm gì để mình không phải chịu cảnh chết chùm?

Giải pháp là đây, bất cứ ai cũng có thể làm được, mà chẳng cần gì đến đầu óc. Và cũng không cần có cá tính. Chỉ cần “biến sự đồi bại thành đức hạnh , lời vu khống thành sự thật, bất lực thành tiết chế, tự mãn thành khiêm nhường, cướp bóc thành làm từ thiện, trộm cắp thành vinh quang, báng bổ thành thông thái, tàn bạo thành yêu nước và tàn ác thành công lý”. Những người chết dù là đã hoàn thành 70 trận bay ném bom hay chỉ mới là lính mới, thì cái chết của họ liệu có gì khác nhau? Có khiến người còn sống cảm thấy đau lòng ít hơn?

Chúa là của ta, của nó, hay Chúa không của riêng ai?

Có một câu nói thế này trong Bẫy-22, rằng “Lính cũng cầu nguyện tới cùng 1 Chúa như sĩ quan!” Thế thì, trong cuộc đời này, chúng ta cầu nguyện để làm gì? Lời nguyện cầu liệu Chúa có nghe không? Sao bây giờ tìm Người hoài không thấy? Sẽ thế nào nếu trong một đêm tối trời tôi ra khỏi chiến trường tịch mịch của mình và tự hỏi:

Ngay trong đêm nay hiện có bao nhiêu người đang phải sống trong nghèo túng, thậm chí ở ngay đất nước phồn vinh này, bao nhiêu mái ấm chỉ là những túp lều lụp xụp, bao nhiêu người chồng đang say khướt , bao nhiêu người vợ bị đánh đập, bao nhiêu trẻ em bị bắt nạt, bị ngược đãi hay bỏ rơi? Bao nhiêu gia đình đói vì không đủ tiền mua thức ăn? Bao nhiêu trái tim tan vỡ? Bao nhiêu vụ tự tử sẽ xảy ra và bao nhiêu người phát điên? Bao nhiêu con gián và bao nhiêu chủ đất sẽ chiến thắng? Bao nhiêu người chiến thắng sẽ thành chiến bại, thành công thành thất bại, bao nhiêu người giàu sẽ trở nên nghèo? Bao nhiêu gã thông thái sẽ trở nên ngu dốt? Bao nhiêu kết thúc có hậu sẽ lại trở nên bi thảm? Bao nhiêu người trung thực là những kẻ nói dối, người dũng cảm lại là hèn nhát, người nhận được sự ủy thác nhưng lại bán linh hồn cho những đồ đê tiện chỉ vì những đồng tiền vặt vãnh, bao nhiêu người từng chưa có linh hồn? Bao nhiêu con đường thẳng và hẹp bỗng trở thành cong queo? Bao nhiêu gia đình tốt nhất lại trở nên tồi tệ nhất, bao nhiêu người tốt lại trở thành kẻ xấu?

Chắc có lẽ, ai đó phải làm một việc gì đó vào một lúc nào đó, bởi mỗi nạn nhân là một thủ phạm và mỗi thủ phạm lại là một nạn nhân. Chẳng có cái Bẫy nào ở đây hết. Bẫy-22 không tồn tại. Vấn đề là ai nấy đều nghĩ nó có tồn tại. Chính vì vậy cho nên, chẳng thể nào có vật thể hay văn bản nào để mọi người có thể nhạo báng hay phủ định, buộc tội, chỉ trích, tấn công, sửa đổi, căm thù, sỉ vả, nhổ nước bọt, xé vụn, giậm nát hay đốt cháy nó cả.

Trên tất cả, bản chất của con người là gì?

Con người là vật chất. Thả ra ngoài cửa sổ, anh ta sẽ rơi xuống. Đốt anh ta, anh ta sẽ cháy. Chôn anh ta, anh ta sẽ thối rữa như đủ thứ rác rưởi khác. Hồn đã mất thì người chính là rác rưởi. Sự chín muồi là tất cả. Ripeness is all – Cái chết là không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là khi nào.

Giải pháp nào cho chúng ta?

Hãy kiên nhẫn đọc Bẫy-22 đến dòng cuối cùng, bạn sẽ thấy được giải pháp! Cái giải pháp khiến chúng ta vỡ òa trong sự bất ngờ. Để đối phó với Bẫy-22, chỉ có một cách đó chính là:

Catch me if you can!
catch22

Bẫy-22 hay Catch-22. Catch me if you can! Ảnh: Group Nhã Nam.

Từ khóa: 

bẫy-22

,

catch-22

,

joseph heller

,

thế chiến 2

,

cảm nhận sách

,

sách