Rồng và Thuồng luồng có phải là các con vật có thật hay không?
kiến thức chung
Rồng là một loài sinh vật huyền thoại, là sản phẩm của trí tưởng tượng con người, theo đó rồng có mình dài, có vảy, có chân và biết bay. Hầu hết trong đởi sống tinh thần các dân tộc, Rồng là loài sinh vật đặc biệt, mang nhiều giá trị cao quý, rất thiêng liêng, là đại diện cho những gì thanh cao nhất. Theo quan niệm của người Á Đông thì rồng là con vật đứng đầu trong Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng. Rồng Trung Quốc được hình dung như hình sau đây:
Rồng Việt Nam không giống hẳn như vậy. Dưới đây là hình đầu rồng thời Lý (thế kỷ 11-12):
Theo tài liệu lấy từ mạng www.avssnonline.net thì con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người Việt. Rồng là hình ảnh mà các vua Việt Nam phải xăm lên đùi mình để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi của các vua. Rồng là tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "long, lân, quy, phụng”. Vì thế, hình tượng con rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.
Hình tượng rồng đã được hình dung lên từ thời đại Hùng Vương qua con vật thân dài có vảy như cá sấu được chạm trên các đồ đồng thời ấy.
Qua thời kỳ Bắc thuộc dài đằng đẵng, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh “rồng bay lên” Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đem đặt lên cho đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân có vảy và lưng có vây. Thân rồng uốn cong nhiều vòng uyển chuyển theo hình “Omega”, mềm mại và thoải nhỏ dần về phía đuôi. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa, vì thế được gọi là mào lửa. Trên trán rồng có một hoa văn giống hình chữ “S”, cổ tự của chữ “lôi”, tượng trưng cho sấm sét, mây mưa.
Hinh tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng thời Trần không còn mang nặng ý nghĩa mơ ước nguồn nước nữa. Dạng tự chữ “S” dần dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi và đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vảy như những nửa hình hoa tròn nhiều cánh đều đặn, có vảy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời Lê (thế kỷ XV) thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài như rắn uốn lượn đều đặn nữa mà ở trong nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều. Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), qui (con rùa - tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi.
Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trởi, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ... Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vây tròn lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chia ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Thuồng luồng là con vật không có thật, được mường tượng là con vật hung dữ sống dưới nước, có thế cắn chết người. Lấy ví dụ từ sự tích Hòn Phụ tử ở Hà Tiên: Khi nói đến Hà Tiên, ta không thể nào bỏ qua hòn Phụ Tử, nơi được xem là một danh lam thắng cảnh tiêu biểu của vùng đất huyền diệu này. Theo truyền thuyết từ xa xưa ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con người chài lưới sống. Quá bức xúc trước thực trạng này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng ác nghiệt này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng lao đến cắn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu, ôm lấy, khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm qua khiến người con trúng độc rồi chết theo. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm bỗng mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn lớn là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử ( theo mạng http:// chimviet.free.fr).
(Có hình ảnh minh họa, trang 6)
(Có hình minh họa, trang 7)
Nội dung liên quan
Hồ Nhi