Rong kinh là gì? Rong kinh có nguy hiểm không?

  1. Sức khoẻ

Rong kinh là tình trạng hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.Rong kinh là một chứng rối loạn kinh nguyệt phổ biến. Nếu phụ nữ không quan tâm khắc phục kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

rong kinh la gi


1. Rong kinh là gì? Dấu hiệu nhận biết rong kinh

Một chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 22 - 35 ngày, trong đó vòng kinh thông thường là từ 28 - 32 ngày. Thời gian hành kinh là từ 2 - 7 ngày, phổ biến nhất là 3 - 5 ngày. Lượng máu mất đi mỗi kỳ trung bình là 40 - 80 ml máu. Nếu như thời gian hành kinh kéo dài quá 7 ngày thì được gọi là rong kinh.

 Máu kinh có thể ra nhiều hoặc ít hơn bình thường, nhưng đa phần rong kinh hay đi kèm với rong huyết (chảy nhiều máu > 80ml/ kỳ).

Một số dấu hiệu điển hình mà chị em có thể nhận biết hiện tượng rong kinh đó là:

  • Số ngày hành kinh > 1 tuần
  • Phụ nữ phải thay băng vệ sinh thường xuyên hơn, trước kia có thể chỉ cần dùng tới 3 - 4 miếng/ ngày, nhưng thời gian rong kinh phải dùng tới 7 - 8 miếng/ ngày.
  • Về ban đêm máu vẫn ra nhiều
  • Máu kinh thường vón thành cục máu đông, đôi khi có màu đen và khiến phụ nữ bị đau bụng nghiêm trọng hơn các kỳ kinh khác.
  • Nếu rong kinh kéo dài và ra nhiều máu sẽ khiến phụ nữ rơi vào tình trạng thiếu máu, cơ thể mệt mỏi, da dẻ nhợt nhạt hay thở dốc.

Tìm hiểu:

Phương pháp chẩn đoán rong kinh

2. Nguyên nhân gây rong kinh

Rong kinh được chia làm 2 loại:

Rong kinh cơ năng: là tình trạng rong kinh do bất thường về nội tiết tố sinh lý trong cơ thể. Điều này thường xảy ra vào 2 thời điểm đầu và cuối của chu kỳ sinh sản. Nghĩa là phụ nữ thường hay bị rong kinh khi mới dậy thì hoặc đến tuổi tiền mãn kinh. 

Rong kinh thực thể: Là tình trạng rong kinh do những tổn thương thực thể trong đường sinh dục hoặc các bệnh lí toàn thân gây ra: u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, viêm vùng chậu, tăng sinh nội mạc tử cung, ung thư tử cung, bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp,...Ngoài ra, một số thuốc tránh thai (đặc biệt là thuốc tránh thai khẩn cấp) có thể gây rong kinh.

Một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng thêm nguy cơ bị rong kinh đó là: sử dụng thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai, nạo phá thai, hút thuốc lá, stress, căng thẳng,....

3. Rong kinh nguy hiểm không?

Tình trạng rong kinh kéo dài nhiều tháng có thể gây ra nhiều mối nguy hại, cụ thể:

  • Rong kinh kéo dài sẽ khiến các chị em bị mất nhiều máu, dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, khó thở, cơ thể xanh xao, thiếu sức sống.
  • Nếu không đảm bảo được vấn đề vệ sinh trong thời kỳ hành kinh thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào gây ra viêm nhiễm phụ khoa. 
  • Ảnh hưởng nhiều tới sinh hoạt hằng ngày, khiến phụ nữ luôn có cảm giác khó chịu hay thậm chí là sợ hãi khi đến kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng ít nhiều tới đời sống vợ chồng, các chị em sẽ thêm phần tự ti khi ngại gần gũi bạn đời của mình. Đó cũng là một điều kiện ảnh hưởng tới việc sinh con với nhiều cặp đôi.
  • Rong kinh là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh nguy hiểm trong cơ thể. Nếu như không điều trị kịp thời, thì những căn bệnh này sẽ diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn. Thậm chí một số căn bệnh còn tước đoạt khả năng làm mẹ của phụ nữ, hay nguy hại cho tính mạng nếu như chữa bệnh ở giai đoạn muộn.

4. Nên làm gì khi bị rong kinh?

Khi bị rong kinh, phụ nữ nên thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Nên nghỉ ngơi nếu tình trạng ra máu quá nhiều, khiến cơ thể mệt mỏi, tụt huyết áp.
  • Bạn có thể uống thêm một ly trà gừng hoặc chườm ấm bụng để giảm đau trong thời gian dày.
  • Tuy nhiên, không nên ngừng vận động hoàn toàn. Vì nếu lười vận động, máu kinh bị dồn ứ sẽ vón cục và khó đào thải ra ngoài.

Nếu tình trạng rong kinh kéo dài nhiều tháng, thì bạn nên nghi ngờ rằng đó có thể là một vấn đề tiềm ẩn trong cơ thể, chứ không phải do ảnh hưởng tạm thời của stress, căng thẳng hay bất kỳ yếu tố bên ngoài nào.

 Xem thêm:

Các phương pháp điều trị rong kinh phổ biến hiện nay?

Bị rong kinh nên ăn món gì?

Từ khóa: 

rong kinh

,

sức khoẻ