'Robot hóa' lĩnh vực điện ảnh, một tương lai chắc chắn
Có lẽ bạn sẽ có phần khó chịu khi nghe người người nhà nhà hiện nay nhắc đến 4.0. "Cái gì mà kỉ nguyên 4.0 - kỉ nguyên của robot và trí tuệ nhân tạo! Toàn những thứ xa vời, chẳng bao giờ xảy ra", đây có lẽ là suy nghĩ của không ít người. Đúng, việc nhân loại tiến vào 4.0 có lẽ là chuyện xa vời, nhưng là một chuyện chắc chắn xảy ra.
Chúng ta có thể nhận thấy những dấu hiệu cho việc này quanh mình. Đơn cử là trong lĩnh vực điện ảnh, hiện nay công nghệ đang ngày càng được tích hợp vào công việc của các đạo diễn, diễn viên. Điển hình nhất phải kể đến chính là công nghệ CGI.
CGI là gì?
Nếu bạn là một người mê phim ảnh, chắc chắn sẽ không xa lạ gì với khái niệm CGI - Computer-generated Imagery - công nghệ đang được áp dụng trong rất nhiều phim hiện nay, cả phim điện ảnh lẫn phim truyền hình, và đặc biệt là những phim thuộc chủ đề khoa học viễn tưởng.
(Ảnh: Internet)
Kể từ những bộ phim áp dụng thành công CGI đầu tiên như Shrek và Avatars, cách thức làm phim này ngày càng được áp dụng rộng rãi trong vô số bộ phim khác nhau. Các dòng phim 'đình đám' như Lord of the Rings, Planet of Apes, Star Wars, Toy Story...hay sắp tới là Detective Pikachu, bộ phim về các chú Pokémon sẽ ra mắt khán giả vào ngày mai - 10/5/2019, đều được đầu tư nguồn kinh phí khổng lồ cho CGI.
Vậy tại sao nên CGI, hay công nghệ hóa phim ảnh nói chung?
Đơn giản vì nó giúp tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời hơn, sống động hơn, thậm chí 'thật' hơn cho người xem, đặc biệt là đối với những cảnh quay vốn bất khả thi nếu không sử dụng CGI (như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng). Với các bộ phim như Detective Pikachu hay Toy Story, việc phát triển và áp dụng CGI lại càng cần thiết hơn.
(Ảnh: Internet)
Về chi phí, nhiều người thường cho rằng CGI và các khâu hậu kì gây tốn kém hơn, nhưng thực chất việc này tùy thuộc vào từng cảnh quay, từng bộ phim. CGI không phải lúc nào cũng tốn kém hơn cách thức quay phim thông thường. Trong khi hiệu quả mà nó mang lại vượt trội hơn hẳn, so với các cách dựng phim thông thường.
Một trong các vấn đề hiện tại của CGI có lẽ chỉ là nó chưa đủ phát triển để có thể được các đạo diễn sử dụng xuyên suốt bộ phim, cho mọi phân cảnh. Nhưng trong tương lai gần, sự phát triển của các loại hình công nghệ và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ thay đổi điều này.
Theo thống kê, các diễn viên trong tương lai có 37% khả năng bị thay thế vĩnh viễn bởi robot. Đây là một tỉ lệ không cao, và nghề diễn viên được đánh giá là một nghề không thể sớm bị 'robot hóa' (xếp hạng thứ 259 trên tổng số 702 nghề được nghiên cứu, đánh giá). Tuy nhiên, chuyện tương lai không ai có thể nói trước điều gì. Vì sau cùng thì, sự phát triển của công nghệ tăng trưởng nhảy vọt theo cấp số nhân, không phải cấp số cộng.
Công nghệ CGI hiện tại đã có thể tạo ra những hình ảnh rất giống các diễn viên thật. Không ai dám chắc rằng trong 10 hay 15 năm tới, công nghệ còn có thể thay đổi lĩnh vực này đến mức nào:
(CGI hình ảnh của diễn viên Andy Serkis. Ảnh: Internet)
Yếu tố xã hội
Ở khía cạnh xã hội, sự phát triển của robot và trí tuệ nhân tạo cũng mang lại nhiều lợi ích. Đơn cử là nó có thể giúp giải phóng con người khỏi những loại hình lao động, công việc mà chúng ta không mong muốn. Con người khi đó có thể thảnh thơi làm những việc mà chúng ta yêu thích, trở nên tự do hơn.
Thứ nhì là, chi phí cát-xê cho diễn viên không phải là một khoản tiền nhỏ. Và tuy việc công nghệ hóa phim ảnh hiện nay vẫn không rẻ hơn là mấy, nhưng một khi các loại hình công nghệ được phát triển mạnh và trở nên phổ biến, giá thành của chúng tất nhiên sẽ giảm xuống. Dù sao thì, xét rộng toàn xã hội, những nghề nghiệp 'cần thiết' hơn như nghiên cứu khoa học, kĩ sư, bác sĩ, cần phải được trả nhiều tiền hơn là các diễn viên điện ảnh này.
'Robot hóa' lĩnh vực điện ảnh nói riêng, và rất nhiều lĩnh vực khác nói chung, là một điều vừa không thể tránh khỏi, vừa thực sự cần thiết. Quan điểm của các bạn về vấn đề này thế nào?
Đọc thêm:
Replaced by robots!? _ Will actors be replaced by robots?
The Los Angeles Film School _ CGI vs. in-camera effects