[Review Sách] Tự Phát Triển 101
"Tự Phát Triển 101” là cuốn sách nằm trong bộ “Những Điều Nhà Lãnh Đạo Cần Biết” của tác giả John C.Maxwell. Gần đây tôi thường hay nghĩ tới sự phát triển và đang có không ít câu hỏi về khái niệm này thì may mắn gặp được sách. Với tôi, phát triển là để trở thành người lãnh đạo của cuộc đời mình.
Tôi cảm thấy điều thú vị nhất của phát triển là người ta khao khát, nỗ lực để có được, nhưng khi có được một vài dấu hiệu rồi thì nó lại dường như không phải là nó (nghe có vẻ hơi mang tínhThiền?). Tôi nghĩ vậy bởi phát triển là bản chất của sự sống, vì thế sự phát triển là sinh động và hoàn toàn không lệ thuộc vào thông số thống kê, đo lường do con người nghĩ ra. Nhưng nếu dò dẫm hoặc xông xáo theo bản năng mà không có mục tiêu, con người ta cũng chưa chắc đã phát triển.
Vậy nguyên lý của phát triển, đối với con người, theo tác giả John C.Maxwell là gì?
Đó là 5 yếu tố:
- Trở thành người học hỏi cả đời
- Tập trung phát triển tối đa tiềm năng của mình
- Hi sinh để không ngừng tiến bộ
- Vượt qua các trở ngại để cải thiện bản thân
- Biết cách biến kinh nghiệm thành hiểu biết
Quay trở lại tên của cuốn sách, bạn sẽ thấy dòng chữ “Tự phát triển”. Có lẽ đây là dụng ý của tác giả, nhằm mong muốn nhấn mạnh phương thức phát triển của con người nằm ở “tự” (tự lực, tự lập, tự học). Một cá nhân thụ động rất khó có thể phát triển. Sự duy trì mang tính cầm cự của họ sẽ dẫn tới kết quả là thoái hóa. Nhưng một cá nhân chủ động thì khác: họ biết lý do vì sao và cần làm thế nào để tự phát triển. Vậy nên nếu học được bao nhiêu nguyên lý chăng nữa, nếu bạn không chủ động thì phát triển chỉ là những từ ngữ, ý tưởng rời rạc.
Người duy nhất bạn chắc chắn có năng lực phát triển là đó là chính bản thân bạn. Và điều kỳ diệu là khi bạn làm như vậy, mọi thứ xung quanh bạn sẽ đột nhiên phát triển theo hướng tốt lên trông thấy. Vậy điều mấu chốt là nếu bạn muốn thành công, bạn cần sống một cuộc đời để không ngừng phát triển. Và cách duy nhất để bạn trưởng thành đó là khi bạn lựa chọn trưởng thành.
(trang 7, “Tự phát triển”)
Nền tảng vững chắc cho công trình vĩ đại mang tên phát triển không gì khác ngoài học tập: trở thành người học hỏi cả đời. Nếu bạn và tôi giữ được sự tò mò, ham hiểu biết như khi chúng ta còn là những đứa trẻ, thì mặt đất này sẽ ngập tràn những nhà thông thái.
Để lãnh đạo bản thân và người khác, bạn cần có hiểu biết. Hiểu biết ấy chính là thực lực của bạn- mà bạn cần liên tục bồi dưỡng, nâng cao. Quá trình đi lên của thực lực sẽ tỷ lệ thuận với giá trị của bản thân bạn. Đến đây, mong rằng phần nào chúng ta đã nhận thấy lý do tại sao muốn thành công (và quan trọng là duy trì thành công) con người cần tự phát triển.
Bằng trải nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy không ít người quan tâm đến thành công hơn là sự phát triển. Động lực ấy không sai, nhưng hướng đi sai rất có thể sẽ khiến họ cảm thấy thất vọng. Đạt được thành công không có nghĩa con người sẽ giữ được thành công ấy lâu bền. Bên cạnh đó, thành công thường có xu hướng giữ chặt người đã đạt được nó, để họ ngủ quên trên vòng nguyệt quế và những lời ca tụng.
“Tự phát triển” là một tập sách mỏng, dễ đọc nên tôi mong rằng bạn sẽ dành thời gian đọc sách. Vì nếu thực tâm muốn tự phát triển, bạn sẽ không thỏa mãn với việc chỉ đọc review sách của người khác, đúng không?
Với bốn yếu tố còn lại, gồm: Tập trung phát triển tối đa tiềm năng của mình, hi sinh để không ngừng tiến bộ, vượt qua các trở ngại để cải thiện bản thân, biết cách biến kinh nghiệm thành hiểu biết, tôi chỉ xin chia sẻ thêm một chút về nội dung “biết cách biến kinh nghiệm thành hiểu biết”. Vì tôi nhận thấy đây là một khám phá giá trị của tác giả John C.Maxwell.
Hầu hết chúng ta thích nói về bản thân, và bạn đoán được chứ? Khi nói về bản thân, chúng ta rất thích nói về những kinh nghiệm. Có lẽ đây là cách mà nhân loại trao truyền các bài học sinh tồn cho nhau. Nhưng nó cũng là thứ khiến thế hệ sau ngần ngại (và đôi khi là không có cơ hội) phát triển.
Tôi nhớ về một kịch bản trong cuốn “Những giấc mơ của Einstein”, trong đó dòng thời gian vô tận khiến con người trở nên bất tử. Vì họ bất tử nên xảy một tình huống khá lạ lùng là trước khi một con người trong xã hội ấy ra quyết định, họ cần hỏi cha mẹ, cha mẹ họ lại hỏi ông bà, ông bà lại đi hỏi cụ tổ. Tất cả đều cảm thấy cần kinh nghiệm của người đi trước. Nhưng kinh nghiệm và hiểu biết có thực sự là một?
Kinh nghiệm chỉ thực sự trở thành hiểu biết khi chúng ta ngẫm nghĩ đủ sâu sắc về kinh nghiệm ấy và biết cách tái sử dụng nó sao cho hiệu quả hơn. Do đó, nếu muốn tự phát triển, bạn nên trung thực với chính những kinh nghiệm của bản thân và khách quan khi tiếp thu kinh nghiệm của người khác.
Nếu lơ là, hành động bạn nghĩ là “tham khảo kinh nghiệm” thực chất sẽ là lặp lại một cách máy móc tư duy của người khác để bản thân không phải đau đầu suy nghĩ. Tôi cho rằng người “ngại nghĩ” không phải là mẫu người phù hợp với sự tự phát triển.
Thay cho lời kết
Cuốn sách “Tự phát triển 101” đã cung cấp cho tôi hành trang để đến với cuốn sách tiếp theo của John C. Maxwell, đó là cuốn “Cố vấn 101”. Vì sao tôi lại hứng thú với hai cuốn sách dành cho lãnh đạo và doanh nhân này? Vì tôi tin cách tiếp cận thiết thực trong hai tập sách sẽ bổ trợ cho tôi trong quá trình làmcố vấn (mentor)cho các bạn thanh thiếu niên.
Tôi nghĩ rằng một người cố vấn sẽ xứng đáng là cố vấn khi chính họ biết cách tự phát triển bản thân và tìm thấy niềm vui trên hành trình học tập suốt đời ấy.