[Review Sách] Trên Bục Giảng

  1. Sách

Trên Bục Giảng là cuốn sách của hai tác giả Brad Cohen cùng Lisa Wysocky (Dịch giả: Uông Xuân Vy & Vi Thảo Nguyên). Câu chuyện chứa đựng trong đó là minh chứng tuyệt vời về ý chí và lòng yêu nghề có thể giúp con người vượt qua mọi chướng ngại- bao gồm cả hội chứng Tourette.


Tuổi thơ đầy khiếm khuyết

“Hội chứng Tourette là chứng rối loạn thần kinh trong não bộ khiến người bệnh phát ra những âm thanh không thể kiểm soát và co giật cơ”.

Tác giả của cuốn sách, anh Brad Cohen đã giới thiệu ngắn gọn như vậy về căn bệnh của mình. Tuy nhiên, để giải thích căn bệnh oái oăm ấy một cách dễ hiểu là cả một chặng đường khó nhọc với Brad cùng không biết bao nhiêu lần bị từ chối, xua đuổi, thậm chí bị đánh đập.

Thời gian anh lớn lên cùng bệnh tật là vào những năm 1980. Khi ấy, sự hiểu biết về Hội chứng Tourette chưa phổ biến. Brad đã phải chung sống với bối cảnh bị kì thị từ những người xung quanh. Sau khi cha mẹ ly hôn, hội chứng này càng trở nên rõ ràng hơn ở Brad.

Các bác sĩ tâm lý cho rằng Brad có vấn đề về hành vi, nên họ khuyên cha anh cần phải nghiêm khắc hơn và ông đã làm theo đúng lời dặn, đôi khi kèm theo cả tay chân khi giáo dục Brad. Một số người khác thì tin rằng anh bị quỷ ám, điều này khiến mẹ anh lo lắng và anh được đưa đến bác sĩ để nhận một loạt đơn thuốc không thực sự đúng với căn bệnh của mình.

Tất cả chỉ khiến mọi việc trở nên trầm trọng hơn với Brad. Anh cô độc, chỉ có cậu em trai Jeft và bà ngoại Dodo ủng hộ. Thậm chí họ hàng cũng có biểu hiện xa cách khi cho rằng Brad là một đứa trẻ nghịch ngợm, thích gây ra tiếng ồn để tạo sự chú ý. Bệnh trạng không thể kiểm soát của anh trở thành sự ngỗ nghịch, thách thức với những người xung quanh.


Ở trường học, mọi thứ còn kinh khủng hơn nữa với Brad. Anh đã rất nhiều lần bị mời ra khỏi lớp hoặc bị phạt vì “tội” làm ồn. Có vài giáo viên đã đối xử với anh như đối với những học sinh tệ hại, thích gây rối trong giờ học của họ.

Brad cũng thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, đánh đập để giải trí.

Hoàn cảnh đầy thử thách này đã nung nấu trong anh suy nghĩ:

Bị chối bỏ, tôi quyết tâm trở thành người thầy mà tôi chưa bao giờ có được!”

Vượt qua chính mình

Brad thực hiện ước mơ của mình bằng cách theo học ngành sư phạm, tại một trường Đại học tên là Bradley. Anh chọn ngôi trường này bởi tên nó trùng với tên của mình.

Quyết định khá ngộ nghĩnh của Brad mang đến nhiều thay đổi tích cực. Anh quen biết thêm những người bạn mới và những thầy cô giáo mới. Đã có thêm những người lắng nghe, thông cảm, ủng hộ anh thực hiện ước mơ của mình.

Sau rất nhiều lần bị mời khỏi rạp chiếu phim vì gây tiếng ồn, bị đuổi khỏi nhà hàng vì sự bất lịch sự, bị nghi ngờ đang say rượu hoặc phê thuốc, Brad dần dần can đảm hơn để chia sẻ về hội chứng Tourette.

Bằng sự tích cực của bản thân, Brad đã chứng tỏ khả năng kết nối và dẫn dắt mọi người khi trở thành Hội trưởng Hội AEPi (hội sinh viên Do Thái quốc gia) trường Bradley.

Anh tiếp tục được biết đến với các bài báo về mình và nhận được phản hồi từ rất nhiều người. Đến lúc này, không ít trường hợp mắc phải hội chứng Tourette chủ động liên hệ với anh, để xin lời khuyên về cách để đương đầu với rắc rối trong cuộc sống.


Brad tràn đầy niềm tin vào con đường mình đã chọn. Anh phấn đấu học hỏi hết sức trong thời gian thực tập của mình. Để giải thích về Tourette, anh có chia sẻ với những đứa trẻ trong lớp bằng Lý thuyết Quả chuối như sau:

“Các em không thể đánh giá một quả chuối qua lớp vỏ của nó. Vỏ quả chuối có thể thâm xì và nhìn rất không ngon, nhưng khi bóc lớp vỏ đó ra, bên trong có thể là một quả chuối trắng ngần, sạch sẽ và thơm ngon”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Brad bắt đầu hành trình tìm việc của mình. Dĩ nhiên đồng hành cùng anh là người bạn thân thiết: Hội chứng Tourette.

Người bạn lý tưởng

Công cuộc tìm việc luôn bắt đầu một cách tốt đẹp, nhưng không ai biết trước kết thúc của nó ra sao. Đối với người bình thường là vậy, đối với Brad mọi điều xảy ra theo cách này:

Triết lý của tôi trong giảng dạy là ... RAH...cho học sinh cơ hội thành công bằng cách WOOP đem đến cho các em những kinh nghiệm thực tiễn...”

Âm thanh ồn ào cùng các cơn co giật xen kẽ trong câu trả lời của Brad với vị hiệu trưởng đang phỏng vấn anh.

Điều này lặp đi lặp lại 24 lần với 24 ngôi trường, 24 vị hiệu trưởng khác nhau.

Trong quãng thời gian liên tục bị từ chối một cách đầy chuyện nghiệp ấy, không ít lần Brad cảm thấy tuyệt vọng. Anh cần một cơ hội để chứng tỏ rằng đam mê với công việc dạy học có thể giúp anh trở thành một giáo viên tốt.

Từng buổi phỏng vấn đến rồi đi khiến Brad khủng hoảng nặng. Càng lo lắng thì hội chứng Tourette càng phát tác dữ dội hơn, kèm theo những cơn co giật mạnh hơn, nhưng tiếng ồn lớn hơn (âm thanh này được chính Brad nhận định giống với tiếng chó sủa) và những cặp mắt nhìn chằm chằm vào người đàn ông phát ra tiếng ồn dữ dội ấy khi đến nộp đơn xin việc.

Thời điểm khó khăn này, mẹ vẫn thường xuyên gọi điện để khuyên anh trở về nhà. Bạn bè xung quanh cũng hỏi han Brad về công việc.

Có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ chọn cách bỏ cuộc, hay nhận tạm một công việc nào đó trái với mong muốn để thoát khỏi áp lực.


May mắn thay, Brad đã không làm như thế. Anh tiếp tục và đã trở thành một giáo viên sau lần phỏng vấn thứ 25 tại ngôi trường Mountain View. Nối tiếp niềm vui sướng khi có công việc bản thân mong muốn là sự băn khoăn không rõ liệu mình có làm tốt công việc đó hay không, Brad nhận được lời khuyên:

Nếu anh muốn cảm thấy yên tâm, hãy làm những gì anh đã biết rõ. Nếu anh muốn là một nhà giáo thực sự và không ngừng tiến bộ...Hãy vượt lên trên năng lực hiện tại của mình, điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh tạm thời mất đi cảm giác yên tâm. Vậy nên những khi anh không chắc về về điều mình đang làm, đó là lúc anh đang tiến bộ hơn.- Nhà giáo dục Madeline Hunter”

Brad đã có những giờ học thú vị cùng học sinh thế nào; trở thành một giáo viên tài năng ra sao; công việc đóng vai linh vật yêu thích là gì; tìm thấy hạnh phúc lứa đôi với ai v.v... là diễn biến thú vị nằm ở phần còn lại của cuốn sách mà tôi muốn dành bạn đọc tự khám phá. Bật mí là, cuốn sách sẽ kết thúc có hậu.

Bạn đọc cũng muốn vậy mà, đúng không?

Có một điểm tương đồng trong mọi hoàn cảnh: Brad luôn trân trọng mọi thứ, kể cả đó là hội chứng Tourette. Anh coi khó khăn là một người bạn đồng hành, một phần không thể chối bỏ trong cuộc đời mình.

Tinh thần bao dung với chính bản thân và không ngừng vươn lên ấy đã giúp những người xung quanh đồng cảm, để sẵn lòng tin tưởng, trao cơ hội cho Brad Cohen.

Thay cho lời kết

          Đã một thời gian dài, tôi mới viết tiếp review sách, mặc dù đọc sách vẫn là thói quen thường ngày của tôi. Sách mang đến cho tôi rất nhiều tri thức, nhưng không phải cuốn sách nào cũng cho tôi sự rung động.

          Sẽ dễ hiểu hơn, khi so sánh với việc bạn gặp gỡ những người mang đến lợi ích hay gặp gỡ những người bạn yêu mến. Hai cảm giác là không giống nhau.

          Cuốn sách Trên Bục Giảng giúp tôi nhớ đến những khoảnh khắc tuyệt vời với các thầy cô giáo, với chị em, bạn bè đồng nghiệp, với các bậc phụ huynh và đặc biệt là với các bạn học sinh.

          Đôi khi, tôi nhận thấy mình không chỉ dạy, mà còn học được rất nhiều từ những bạn nhỏ ấy.

Nếu được hỏi triết lý giáo dục của tôi là gì, thì triết lý ấy không cố định mà sẽ bắt nguồn từ từng cá thể, từng môi trường và từng thời kì khác nhau.

Vì vậy, tôi mong muốn có thể truyền cảm hứng để học sinh tự học, để các em biết cách vận dụng kiến thức đã được học vào hoàn cảnh riêng. Tự học có thể giúp những tâm hồn thuần khiết ấy dám ước mơ song cũng biết chấp nhận, sống can đảm song cũng giàu yêu thương.

Quá trình này sẽ luôn khởi đầu từ việc các em thoải mái bộc lộ cá tính, mắc sai lầm, rút ra bài học rồi quên đi bài học ấy. Con người sẽ trưởng thành hơn bằng hiểu biết của chính mình khi tự khám phá ra giá trị thực sự của bài học đã từng quên.

*P/s: Cuốn sách Trên Bục Giảng đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên: Trên Bục Giảng (Front Of The Class) của đạo diễn Peter Werner, ra mắt khán giả năm 2008.

Listener: Review Sách

hnreader07.blogspot.com

Từ khóa: 

review sách

,

trên bục giảng

,

giáo dục

,

sách

Hội chứng đáng sợ quá, giờ mình mới biết.

Trả lời

Hội chứng đáng sợ quá, giờ mình mới biết.