[Review Sách] Trăm năm cô đơn
Tôi thường chủ ý tìm đọc những cuốn sách đạt giải Nobel Văn chương. Không phải vì tôi sành sỏi hay khao khát tìm ra điều gì đó siêu việt trong những tác phẩm này. Thứ khiến tôi tìm đến với những cuốn sách ấy là cảm giác về sự khác biệt. Giống như trong một bữa tiệc có rất đông người, bạn sẽ thích việc dành thời gian lâu hơn với ai đó thú vị. Sự thú vị đó như thế nào, tôi không diễn tả chi tiết hơn được nữa.
Nhưng nếu đi vào cụ thể với một cuốn sách, thì Trăm Năm Cô Đơn giúp tôi hình dung về đời sống trăm năm nếu mình đủ trăm tuổi, cho tôi thấy được thời gian là vòng tròn thay vì đường thẳng và thấy được la liệt các trạng thái yêu đương, chiến tranh, tài sản, thí nghiệm, tín ngưỡng, lý tưởng…chỉ là những gương mặt khác nhau của trạng thái cô đơn mà mỗi con người luôn tìm cách trốn tránh.
Trăm Năm Cô Đơn kể về bảy đời của dòng họ Buendía tại ngôi làng Macondo. Ngôi làng do thế hệ đầu tiên lập nên và cũng là ngôi làng chôn vùi thế hệ cuối cùng của dòng họ này. Tôi từng nghe một số bạn đọc chia sẻ việc nhớ tên các thành viên trong cây gia phả của dòng họ này tương đối khó, vì họ đặt tên trùng nhau. Nhưng khi khám phá ra rằng thời gian trong cuốn sách này là vòng tròn, thì tôi không bận tâm lắm đến việc nhớ tên các nhân vật nữa. Giống như bà cụ Úrsula Iguarán đã đúc kết lại: những đứa mang tên là Aureliano thì thông minh nhưng đượm buồn còn những đứa tên Jose Acardio thì khỏe khoắn, táo tợn. Bà cụ tinh đời dù mang đôi mắt lòa ấy đã lèo lái dòng họ Buendía khỏi sự đói nghèo, những lời nguyền và sự điên khùng do họ tự chuốc lấy.
Có lẽ, để nhận xét mức độ điên khùng của các nhân vật trong sách hay một người nào đó ngoài đời thực không quá khó, nhưng để nhận xét về sự điên khùng của chính bản thân, lại không hề dễ dàng. Họ hoặc điên khùng, hoặc sống giữa những người điên khùng, thế nên lời nguyền của dòng họ trăm năm cô đơn ấy, ngẫm đến cùng cũng chẳng phải là quá đáng sợ (thậm chí còn may mắn, vì là trăm năm chứ không phải vĩnh cửu). Những thành viên mang họ Buendía cũng ấp ủ lẽ sống của riêng mình như say sưa trong khoái lạc, dấn thân nơi trận mạc để tìm kiếm vinh quang, tạo ra thật nhiều tài sản để đời sống dư dả, yêu cuồng nhiệt người khác hoặc chính bản thân mình, sống khép kín đầy tính sùng đạo hoặc bất cần theo lối vô đạo.
Trong trăm năm đó, tưởng chừng họ sẽ khắc vào lịch sử những dấu mốc hiển hách hay biến Macondo trở thành một thị thành phát triển. Thế nhưng khi tất cả qua đi, thì họ tan vào hư vô để Macondo cũng theo đó hoàn toàn biến mất.
Một trăm năm của dòng họ độc đáo song đơn độc ấy cũng là một trăm năm con người ta sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Không nhanh, không chậm, tác giả Gabriel Garcia Marquez kể lại câu chuyện với giọng điệu đều đều- thi thoảng pha thêm những tình tiết kì ảo như việc Remedios Người Đẹp bay về trời hay hồn ma cụ Melquides chưa tan biến vì đợi chờ dòng họ Buendía tan biến.
Đọc Trăm Năm Cô Đơn, tôi có cảm giác mình bước lên một đoàn tàu đi với vận tốc trung bình. Theo đó, cảnh vật bên ô cửa sổ cứ hiện lên rồi lại biến mất như trò đùa của thời gian: hoặc là chúng ta tiến lên, hoặc là chúng ta đang đi vòng tròn, tùy vào nhận thức của từng người. Thứ duy nhất neo giữ tâm hồn chúng ta là niềm tin, nhưng nhiều lúc tôi cũng không chắc niềm tin có thực hay không. Dòng họ Buendía không thiếu niềm tin, mỗi người tin vào những thứ khác nhau, chỉ có duy nhất hai sự thật là thói điên khùng của họ và ngày họ tiêu vong mãi mãi, thì không ai tin- điều đầu tiên thì ít ra còn có cụ Úrsula nhận thấy.
Giống như con người, tin vào nhiều thứ, nhưng lại không tin vào việc bản thân sẽ chết một ngày nào đó. Ngày đó là ngày nào, thì không ai biết rõ. Có thể cũng vì vậy, sự cô đơn sinh ra đồng thời với mỗi con người chăng? Sau đó, người ta lao vào yêu đương, chiến tranh, tích cóp, tin tưởng chỉ để chạy trốn định mệnh cô đơn ấy?
Giống như dòng họ Buendía, tất cả nhân loại đều mang hạn định trăm năm cô đơn ấy và không có cơ hội thứ hai trở lại mặt đất này. Cô đơn và cái chết là hình phạt hay món quà? Câu hỏi đó thuộc về những con người đang sống.
Thay cho lời kết
Nếu mong muốn tìm đọc một bài review kèm theo những hình ảnh minh họa đẹp mắt và đi vào phân tích các khía cạnh chi tiết về từng tình huống, từng nhân vật, thì có lẽ bài review của tôi chưa khiến bạn thỏa mãn. Nhưng dù sao cũng cảm ơn bạn đã đọc đến đây.
Để thưởng thức trọn vẹn tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn, bạn hãy trực tiếp đọc nó. Sau đó bạn có thể viết hoặc không viết review, nhưng tác phẩm đó chắc chắn sẽ nằm lại trong tâm trí của bạn và trở thành một phần trong tâm hồn, tính cách của bạn. Tôi chúc cho phần nằm lại đó sẽ là những điều đẹp đẽ, thay vì phải già đi trăm tuổi sau khi đọc xong. Nếu bạn thích cô đơn, thì bạn vẫn có thể rời xa nó, nhưng nếu bạn hiểu sự cô đơn rồi, thì bạn và sự cô đơn trở thành một.
Bạn có thể thực sự thích tác phẩm mà không nhất thiết phải hiểu nó hoàn toàn. Vì tôi nghĩ, người viết ra nó cũng chưa chắc đã hiểu nó trọn vẹn.
Thu Hồng Hoàng