[Review Sách] Tôi tự học
Tôi đã do dự khá nhiều trước khi review cuốn sách “Tôi tự học” của tác giả Thu giang Nguyễn Duy Cần. Bởi với tôi, ông là một học giả uyên bác, sâu sắc và có nền tảng học vấn bài bản. Một độc giả trẻ như tôi, chưa chắc đủ khả năng nhìn hết được chỗ tinh túy của tác phẩm, cũng như tâm tư của tác giả để bình xét.
Vậy nhưng sau cùng tôi vẫn viết, vì lòng ngưỡng mộ công sức của tác giả và mong muốn bày tỏ phần nào suy nghĩ của bản thân để việc đọc sách trở nên có ý nghĩa hơn.
Bài review này tôi viết vào ngày Nhà giáo Việt Nam, cũng bởi nhan đề “Tôi tự học”. Tôi tin rằng, dù có kính trọng hay ngưỡng mộ những bậc thầy đến đâu, thì chúng ta cũng phải dần dần thoát ra khỏi nếp nghĩ mãi nương tựa, sống gửi vào thầy, vào tư tưởng của thầy. Bậc thầy chân chính cũng không muốn học trò của mình chỉ là kẻ nói dựa, học theo lý lẽ của thầy để trình bày trôi chảy lý thuyết mà thiếu đi thực học, thực hành.
Viết về “Tôi tự học” là để khích lệ chúng ta cố gắng tự thân giáo dục. Để chúng ta biết rằng dù ban đầu có may mắn “đứng trên vai những người khổng lồ” thì cũng đừng quên nếu chỉ biết đứng ỳ trên vai họ thì thành ra lại là bất hạnh.
Nội dung sách được chia như sau:
Chương thứ nhất: Thử tìm một định nghĩa
Chương thứ hai: Những yếu tố chính
Chương thứ ba: Những điều kiện thuận tiện cho sự tự học
Chương thứ tư: Những phương tiện chính yếu
Chương thứ năm: Đọc những gì?
Chương thứ sáu: Học những gì?
Chương thứ bảy: Ba yếu tố chính để xây dựng một nền văn hóa vững vàng
Chương thứ tám: Một vài nguyên tắc làm việc
Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần thường thêm một phần phụ lục lời hay ý đẹp để kết lại tác phẩm.
Tôi sẽ điểm lại những ý đối với tôi là hay nhất của cuốn sách. Bạn nào chưa đọc review sách của tôi bao giờ thì có thể thắc mắc chỗ này (thậm chí tự hỏi không biết tôi có đúng là viết review sách không nữa?) nhưng tôi cũng nói thêm, tôi viết review theo cách tôi thích. Quan trọng hơn tôi viết review không phải để người đọc đỡ tốn công đọc sách. Lựa chọn đọc tiếp hay dừng, là hoàn toàn tùy các độc giả.
“Người học thức, tức là người thà biết ít mà thật biết những gì mình biết, còn những gì mình không biết thì cũng biết rõ là mình không biết.”
Đối với tự học, thì ý thức cảm thấy mình cần học, muốn học đóng vai trò quyết định. Lấy ví dụ ở trẻ em: chúng có thể nhõng nhẽo khi đòi cha mẹ xúc thức ăn nhưng khi cái đói thực sự ập đến, thì hiếm khi nào chúng cần cha mẹ phải bón.
Việc học tập cũng vậy. Xuất phát điểm là con người ta mong muốn được học thì mới bàn đến việc tự học. Do đó, chúng ta có thể dạy phương pháp, kỹ năng tự học; truyền cảm hứng, động lực học nhưng không thể dạy được tinh thần tự học.
Hầu hết con người thường ưu ái trong việc tự đánh giá bản thân và phóng khoáng trong việc bày tỏ một cách chắc chắn quan điểm sinh ra từ trí óc khiêm tốn của mình. Con người đơn giản cho rằng cách nhìn nhận của mình là đúng bởi mình học đã đủ.
Vì ảo tưởng ấy, hạt mầm của ý thức tự giác học tập rất khó sinh trưởng. Người ta muốn dạy nhiều hơn là muốn học. Càng dạy nhiều, thì họ lại càng học được ít và mất đi cơ hội nhìn ra khiếm khuyết trong sự học của bản thân- nhất là nếu không may họ lại được tâng bốc, bợ đỡ vì một vài yếu tố nào đó.
Tự học là điều đương nhiên nếu muốn thành người. Chỗ đáng quý của tự học không phải là khái niệm, mà là ý thức thực hành như một thói quen không cần bàn luận nhiều. Vì hình như, lẽ đời có thói là thứ gì càng được đem ra bàn luận nhiều thì lại càng xa rời thực tế.
“Có được một cái học rộng rãi thì tránh được nạn thiên kiến chấp nhất; có được một cái học chuyên môn thì cái học của mình mới biến thành thực dụng. Điều hòa được cả hai lối học ấy là thực hiện được mức cao nhất công trình văn hóa của mình.”
Bàn đến đoạn này, tôi nhớ đên cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời người tri thức trong những truyện ngắn của Nam Cao. Hiểu biết họ thừa, nhưng cơm áo họ thiếu. Tư tưởng họ cao siêu, nhưng hành động của họ lại nông nổi.
Cũng giống như ngày nay, tạm coi như một phe cực lực ủng hộ những sách vở kinh điển, lý thuyết nghiên cứu bài bản “so găng” cùng một phe gân cổ đề cao tính linh hoạt của “trường đời”, của trải nghiệm đường phố. Tôi nghĩ chẳng cần tranh luận làm gì, vì nhìn lại, nếu cực đoan theo một trong hai khía cạnh đó thì cuộc đời khó lòng vui vẻ được.
Bởi theo như tôi quan sát, người tri thức không được thời thì canh cánh trong lòng mối hận để rồi biến sách vở thành nọc độc châm chọc với đời. Còn người không đèn sách, thì thời trẻ tự do hưởng lạc nhưng càng già, càng cay cú vì bất lực, rồi cảm thấy hình như đời lừa dối mình.
Tác giả khuyên chúng ta thế nào? đó là điều hòa thôi. Điều hòa lối học cả bề rộng lẫn bề sâu, cả thực hành lẫn lý thuyết. Tôi nghĩ việc tự học cũng là thuận tự nhiên, chẳng qua vì tâm tính con người lệch lạc nên mới gây ra nhiều trắc trở, khổ đau.
“Học là một vấn đề không biết lúc nào là cùng. Còn sống giờ nào, còn phải học giờ nấy.”
Điều này thì không cần bàn luận thêm nhiều, còn sống là còn học. Ở đời này có học có hiểu, có hiểu thì có hơn.
Nếu có kiếp sau thì vốn học đấy chắc sẽ không vô nghĩa, mà nếu không có kiếp sau thì bản thân cũng đã học được nhiều nhất có thể trong phận làm người.
Học chưa chắc là thừa, không học thì sớm muộn cũng sẽ hối tiếc.
Thay cho lời kết
Các bạn nên tìm đọc tác phẩm “Tôi tự học” để tự đọc và tự chiêm nghiệm. Đây là cuốn sách quý, đọc được sớm chừng nào hay chừng ấy. Trí tuệ còn ít ỏi nên tôi chỉ điểm được nhưng ý ở trên.
Tôi đoán rằng đọc bài này người thực học thì sẽ thấy đôi chỗ hữu dụng, người học hành lớt phớt thì sẽ thấy khó hiểu, còn người không có đam mê nơi việc học thì có lẽ thấy lắm lời mà chẳng hữu ích gì.
Tôi biết ơn cả ba lớp người ấy vì họ chứng minh cho tôi thấy giá trị của tự học.
* Bài viết được đăng tải lại dưới dạng video trên Spiderum:
Dung Võ
Thu Hồng Hoàng
happy and lucky
Review hay quá anh! Lần trước đến chơi nhà bạn nhấc lên rồi, bảo bạn mượn mang về thế nào lại không mang về! Lần tới sang gạ cho mượn để đọc thôi:))
Nhật Hạ
Thật trùng hợp là em vừa đọc lại cuốn này, thực sự từng câu rất hay và thấm