[Review sách] TÔI KHÔNG CHO PHÉP NGƯỜI KHÁC LÀM TỔN THƯƠNG MÌNH NỮA
– Tấm bản đồ giúp bạn tìm lại chính mình sau những chênh vênh cuộc sống –
Tác giả: Kim ByungSu
___
Có câu thơ ví von rằng:
“Tôi là con cá sống dưới nước
Nhưng lại sợ trời mưa làm ướt thân mình.”
Giống như câu thơ ngắn gọn ấy, cuộc đời ta là chuỗi mâu thuẫn bất tận. Và cuộc sống của người trưởng thành thì lại có muôn vàn vấn đề nan giải, dù ta cố vắt óc suy nghĩ thế nào đi chăng nữa cũng không thể tìm ra câu trả lời.
- Chúng ta nên làm điều mình thích, hay làm điều bản thân giỏi?
- Chúng ta nên kết hôn, hay sống độc thân sẽ tốt hơn?
- Chúng ta có nên từ bỏ công việc không phù hợp với năng lực của mình, hay chịu đựng và tiếp tục làm việc vì kinh tế hiện tại không cho phép?
Liệu có thật sự tồn tại lời giải đáp cho những câu hỏi này? Giá như chúng ta có thể làm những điều mà chúng ta hằng mong ước.
Con người sở hữu trái tim yếu đuối, đây là chuyện hết sức bình thường. Sự tồn tại của con người vốn rất yếu ớt, thế nên chúng ta mới quây quần bên nhau. Nếu muốn trái tim trở nên kiên cường, chúng ta phải rèn luyện tâm lý mềm dẻo và linh hoạt, để “không cho phép người khác làm tổn thương mình nữa”.
---------
Cuốn sách “Tôi không cho phép người khác làm tổn thương mình nữa” được viết bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần người Hàn Quốc – Kim ByungSu, hiện đang công tác tại một bệnh viện ở Seoul và điều hành Phòng khám tâm thần Kim ByungSu – nơi ông trò chuyện và chữa trị cho các bệnh nhân của mình. Nếu có ai đó đang gặp khó khăn bởi chứng trầm cảm, người mất niềm vui và kiệt sức, hay sống trong lòng bộn bề đầy lo lắng, ông muốn thay đổi thái độ của họ về cách nhìn nhận mọi sự vật và sự việc, từ đó tìm kiếm giải pháp điều trị.
Cuốn sách này sẽ dẫn dắt bạn bước vào quá trình “chữa lành tâm hồn” qua 3 chương chính:
· Chương 1: Mở cánh cửa đến với phòng tư vấn
Những người tìm đến đây đôi khi vì chỉ muốn chữa lành trái tim yếu mềm và tái sinh với tinh thần mạnh mẽ hơn. Gặp nhiều “vị khách” với những vết thương tâm hồn khác nhau, không chỉ người lớn hay nhân viên văn phòng, lớp thanh thiếu niên hiện nay cũng mang trong mình cảm giác bất lực “nặng nề”, chứng trầm cảm và rối loạn lo âu ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Cụ thể, nhìn bề ngoài là một học sinh trung học chăm chỉ và luôn đạt thành tích tốt, nhưng đến khi tâm sự, người học sinh đó lại bộc bạch rằng: “Em chẳng muốn làm gì cả, em chẳng có tâm trạng làm bất cứ việc gì!”
Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy mở cánh cửa đến với phòng tư vấn Kim ByungSu để tìm ra liều thuốc cứu cánh cho tâm hồn mình, để bạn được yêu và tìm lại chính mình.
-------
· Chương 2: Bác sĩ và khách đến tư vấn
“Người biết cách sống trọn từng phút giây, người sống cho hiện tại và dịu dàng trân trọng từng bông hoa nhỏ ven đường, yêu quý từng giá trị tiêu khiển vụn vặt trong mỗi khoảnh khắc, với những con người như thế cuộc sống đương nhiên sẽ không thể nào gây tổn thương cho họ.”
Tác giả Kim ByungSu cho rằng bác sĩ cũng chỉ là những người bình thường, không phải cao siêu gì cả. Đôi khi ông học hỏi được nhiều điều từ chính bệnh nhân của mình. Có lúc phương pháp quản lý bản thân mà bệnh nhân hướng dẫn cho ông lại hiệu quả hơn những mẹo vặt thực dụng mà ông bày cho họ. Tâm sự với các bệnh nhân nhiều vấn đề, từ sinh hoạt hằng ngày, công việc cho đến chuyện tình cảm, ByungSu thi thoảng nhìn lại chính mình, từ đó tìm ra sợi dây kết nối giữa ông và bệnh nhân, chẳng hạn như “Bác sĩ có tập thể thao không?”, hay ta nên “Chạy bộ thay vì dùng thuốc”…
-------
· Chương 3: Rời khỏi phòng tư vấn
Nếu ở phần 2 tác giả chỉ “tiết lộ” đôi chút về bản thân thông qua vài mẩu chuyện nhỏ thì đến phần này, độc giả sẽ được lắng nghe những chia sẻ về công việc bác sĩ vất vả của ông. Đã từng bỏ dở công việc bác sĩ và cố nương náu tại nơi đất khách quê người, song nhờ cậu bé người Iraq – Husseine – nạn nhân của một vụ nổ bom, khiến em không thể nghe và nói. Qua việc giao tiếp cùng Husseine bằng tranh vẽ, tác giả đã tìm lại được bản thân mình, quay về Seoul và tiếp tục công việc “chữa lành” cho các bệnh nhân.
Những khó khăn trong hai tháng đầu khi mở phòng khám, những tâm sự về quá khứ hay đơn giản chỉ là sở thích viết mọi thứ bằng bút chì HB để nghe tiếng sột soạt trên giấy đều được Kim ByungSu chia sẻ một cách chân thật nhất, gần gũi nhất, khiến người đọc nhiều lúc quên mất rằng mình “đang ở phòng khám để điều trị.”
“Điều trị không hẳn là làm cho người khác tốt hơn. Chúng ta không thể có được toàn những điều tươi sáng mà không vướng chút tăm tối. Ta điều trị không phải để trở nên hoàn hảo tuyệt đối. Phát hiện cái bóng ẩn sâu trong mỗi chúng ta, truyền nhận thức và giúp đỡ chúng để có thể sử dụng chúng bằng năng lực ta mang, đó mới là điều trị đúng nghĩa.”
---------
Lời kết, dù buồn đến mấy cuộc sống vẫn chảy xuôi. Đằng nào nó cũng trôi qua, chúng ta hãy ngân nga câu hát rồi gặm nhấm nỗi buồn. Cuộc sống là đại dương với gió bão ùa về. Bài hát cất lên trên chiếc thuyền lan bạt giữa đại dương dữ dội dù không thể vỗ về cơn cuồng phong nhưng vẫn có thể xoa dịu tâm hồn mỗi chúng ta. Và hãy nhớ rằng, chiếc ly thuỷ tinh dù được đánh bóng hay được lau chùi đến đâu đi chăng nữa cũng không để biến nó thành bát inox, tương tự như bản chất của tâm hồn vốn chẳng dễ thay đổi dáng hình. Đừng tốn công gượng ép phải thay đổi, hãy trân quý và yêu thương bản chất thật sự của chính mình.
“Tôi luôn tin cuộc đời nhỏ của mình
Hạnh phúc hơn khi có người làm bạn,
Tươi mát lòng tôi những ngày khô hạn,
Ủ ấm tim tôi khi giá lạnh ùa về…”
(trích thơ của Du Phong)
——
Thank you for reading!
Review & Photo by @Thu Hồng Hoàng.
review sách
,book review
,tâm lý
,phong cách sống
,sách
,tâm lý học
Hình chiếc ly ở trên còn nguyên mà ở dưới lại vỡ nát có nghĩa gì vậy bạn nhỉ?
Nguyenphuhoang Nam
Hình chiếc ly ở trên còn nguyên mà ở dưới lại vỡ nát có nghĩa gì vậy bạn nhỉ?
Diệu Hà
Mong dịch sớm chấm dứt thôi chứ cứ thế này trầm cảm hết mất :(
Trần Linh Linh
Bìa sách nhìn nghệ thuật quá! bạn có gu thẩm mỹ khi chọn sách nhỉ?
Tuyết Liên
Bài viết nhẹ nhàng kết lại bằng những áng thơ êm ái...trước đây Liên không có thói quen đọc review sách, nhưng từ ngày tham gia noron lại rất thích đọc review từ bạn. Thu Hồng Hoàng mạnh khỏe, bình an nhé _()_