[Review Sách] Tiến trình thành nhân
Nhờ cuốn sách “Tiến trình thành nhân” của Carl R. Rogers mà tôi có thêm hiểu biết về trường phái Tâm lý học Nhân văn và liệu pháp Thân chủ trọng tâm.
Tôi sẽ như thế nào
Trong khoảnh khắc tiếp theo,
Và tôi sẽ làm gì,,
Là điều sinh ra từ khoảnh khắc hiện tại,
Và không thể dự đoán trước được.
–Carl R. Rogers
Cuốn sách 450 trang này gồm có hai phần:
Phần 1: Lý thuyết về tâm lý – trị liệu và sự trưởng thành của con người
Phần 2: Ứng dụng vào những lĩnh vực khác nhau của đời sống
Tôi biết đến cuốn sách này do một người em đang làm công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 chia sẻ. Giống như trước đây khi tìm hiểu về liệu pháp Chấp nhận & Cam kết (ACT)tôi được một người em khác là một nhà tham vấn tâm lý giới thiệu.
Tôi chia sẻ điều này để bày tỏ lòng biết ơn đến hai em, đồng thời thể hiện sự tôn trọng đối với các nhà tham vấn, trị liệu tâm lý được đào tạo chính quy, bài bản. Tôi tin sự hỗ trợ từ những chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần là rất hữu ích. Nếu cần giúp đỡ, bạn nên tham khảo lời khuyên từ họ, thay vì tìm đến các giải pháp tự phát (như xem bói, sử dụng chất kích thích, mặc kệ vấn đề, mua hàng đống sách tâm lý với tựa đề hấp dẫn, cậy nhờ các chuyên gia “tự phong” có lai lịch không rõ ràng v.v.).
Bằng cấp chuyên môn của tôi không thuộc ngành tâm lý học nhưng lĩnh vực tôi lựa chọn là giáo dục (trong vai trò gia sư kiêm cố vấncho thanh thiếu niên) có liên quan mật thiết với tâm lý học. Sau bảy năm gắn bó với công việc, tôi nhận thấy không thể làm giáo dục nếu không có kiến thức về tâm lý học.
Vì học tập thường là ưu tiên hàng đầu của các bậc phụ huynh, còn đối với các bạn thanh thiếu niên thì cuộc sống có nhiều mối bận tâm hơn thế. Để giúp đỡ các bạn học sinh, tôi không thể bỏ qua khó khăn mà các bạn đang phải đối mặt trong cuộc sống bên ngoài cũng như những mâu thuẫn từ thế giới bên trong trên tiến trình trưởng thành.
Tri thức tâm lý của tôi đến từ các trải nghiệm thực tế, các tựa sách được những cá nhân có chuyên môn giới thiệu và các khóa học ngắn hạn gắn liền với từng vấn đề cụ thể của học sinh để tiến hành hoạt động cố vấn/giáo dục tâm lý. Giờ đây khi cầm trên tay cuốn “Tiến trình thành nhân”, tôi soi chiếu lại hành trình ấy và nhận ra hướng tiếp cận của mình mang tương đối nhiều đặc điểm của trường phái này.
Hoạt động review sách của tôi sẽ không giống như hầu hết bài review sách các bạn từng đọc (hoặc giống với những gì các bạn hình dung về một bài review sách). Vì viết với tôi là một hoạt động để thấu hiểu những trải nghiệm của mình hơn, do đó nếu may mắn được bạn đọc quý mến, tôi rất trân trọng. Ngược lại nếu nhận thấy bài viết của tôi không phù hợp với điều bạn tìm kiếm, thì bạn có thể tạm dừng ở đây, trực tiếp tìm đọc sách để đỡ mất thời gian của bạn.
Cuộc sống vốn là tương giao
Nếu tôi tạo được một mối tương giao định tính bằng:
- sự chân thực và trong suốt, trong đó tôi sống với các cảm quan thực của tôi
- sự nhiệt tình tôn trọng và chấp nhận người khác như một cá nhân riêng biệt;
- khả năng nhạy cảm để nhìn thế giới của người đó và chính người đó y như người đó nhìn họ
Thì người kia sẽ:
- kinh nghiệm và hiểu được những phương diện trước đây bị đè nén trong chính mình;
- thấy mình trở nên hợp nhất hơn, có thể hành động hữu hiệu hơn;
- trở nên giống mẫu người mà mình muốn trở thành hơn;
- tự chủ hơn và tự tin hơn;
- trở nên người hơn, độc đáo hơn và tự bộc lộ hơn;
- hiểu người khác và chấp nhận người khác hơn;
- có thể đương đầu với những vấn đề của đời sống một cách thích đáng và dễ chịu.
(trang 82, 83)
Trên đây là những khám phá mà tôi cảm thấy là quan trọng nhất của tác phẩm này. Sự sống là một tiến trình và tiến trình đó cần đến sự tương giao giữa con người. Trong sự tương giao ấy, mọi vấn đề sẽ được cởi mở dần dần và cũng chính từ đây hiểu biết về bản thân và thế giới được hình thành.
Sẽ có những cá nhân bất ổn một cách đều đặn và cũng có những cá nhân hiếm khi cảm thấy dao động, bế tắc. Tôi nghĩ khác biệt nằm ở tương giao của họ với những người xung quanh và những sự kiện xảy đến.
Những lệch lạc bên trong bắt nguồn từ thế giới bên ngoài và thế giới bên ngoài gánh chịu những phóng chiếu lệch lạc từ thế giới bên trong. Những thân chủ có vấn đề về sức khỏe tinh thần thường là những bức tranh ghép hình rất độc đáo nhưng dở dang. Miếng ghép còn thiếu có thể là tình yêu thương, là năng lực cảm xúc xã hội, là ý nghĩa cuộc sống hoặc cũng có thể là những đoạn ký ức đau buồn được giấu đi.
Họ có thể nhận thấy, nhận thấy một phần hoặc không hoàn toàn nhận thấy điều xảy đến với mình. Đó là lúc họ cần sự bao dung và nâng đỡ từ đồng loại.
Thành nhân trước khi giúp đỡ tha nhân
Tâm lý trị liệu, bản thân nó, không đem lại động lực cho sự phát triển hay trưởng thành đó. Động lực này nằm trong chính mỗi người, giống như xu hướng phát triển và trưởng thành về thể chất của con người, khi được cung cấp những điều kiện thỏa đáng tối thiểu. Nhưng tâm lý trị liệu đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giải phóng và tạo điều kiện thuận lợi cho khuynh hướng phát triển, trưởng thành về tâm lý của con người khi nó bị ngăn chặn hoặc bế tắc. (Trang 128)
Điều tôi thường quan tâm ở một cá nhân có năng lực tham vấn/trị liệu đôi khi lại không phải là bằng cấp của họ, mà là họ đã bao giờ thử tự phân tâm bản thân hay chưa và triết lý sống cá nhân của họ là gì?
Hay nói một cách dễ hiểu hơn, họ hiểu bản thân họ đến mức nào? Bởi là giống loài có tính xã hội, chúng ta rất quan tâm và thích tác động đến những người xung quanh. Nhưng đôi khi sự giúp đỡ đó không mang lại hiệu quả, thậm chí còn để lại hậu quả nếu chúng ta không biết đối phương đang cảm thấy thế nào và thực sự cần gì.
Được trang bị các công cụ, kiến thức nhà tham vấn/trị liệu có thể tạo ra ảnh hưởng rõ rệt đối với thân chủ, nhưng ảnh hưởng đó liệu có giúp thân chủ phát triển hay sẽ dẫn họ đến chỗ bị lệ thuộc hoặc giải quyết được vấn đề bề nổi nhưng vẫn lẩn tránh khó khăn ẩn sâu bên trong?
“Tiến trình thành nhân” mang đến cho tôi ý tưởng này bởi cuốn sách đã chỉ ra sự tự hoàn thiện nhân cách là quyền lợi song cũng là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Sự cầu viện các yếu tố bên ngoài ở chừng mực nhất định cũng thi thoảng có ích, nhưng nếu lạm dụng chúng thì sẽ là có hại.
Mỗi cá nhân muốn thành nhân thì đều cần bước đi trên đôi chân của chính mình. Họ cần học hỏi từ trải nghiệm, cảm xúc của bản thân và tìm ra cách đứng dậy sau mỗi lần va vấp. Để được như vậy, họ cần trực tiếp tham dự vào cuộc sống, thực sự sống thay vì né tránh cuộc sống hoặc tồn tại trong dạng thức do người khác tạo ra. Ví dụ như sống với cuộc đời được người khác hoạch định từ trước, sống ảo trên thế giới ảo được lập trình sẵn hoặc tạo ra “mặt nạ” để sống.
Chỉ khi đang bước đi trên con đường thành nhân, chúng ta mới nên quan tâm đến việc giúp đỡ tha nhân. Tôi nghĩ hiểu biết về “duy ngã” trước khi đạt đến “vô ngã” là tất yếu.
Nhà tham vấn/trị liệu giỏi nhất cũng có giới hạn là sự nâng đỡ (mối liên hệ trợ lực). Điều này thể hiện rõ nhất trong nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của họ là không để thân chủ lệ thuộc. Vậy nên, bản thân mỗi người cần tìm ra con đường học hỏi và thích nghi trong cuộc sống, bằng tự lực.
Thay cho lời kết
“Tiến trình thành nhân” của Carl R. Rogers là cuốn sách đáng được đọc lại nhiều lần, ít nhất với tôi là như vậy. Dù bạn có trực tiếp làm việc trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục hay không thì bồi dưỡng những tri thức về bản thân và đồng loại cũng không bao giờ là thừa.
Có lẽ lối tiếp cận nhân văn tồn tại cùng lúc cả ưu điểm và hạn chế. Nhưng tôi nghĩ cả ưu điểm, lẫn hạn chế đều không phải là tuyệt đối. Sẽ cần nhiều thời gian để “thành nhân” và dù tự nhận bản thân thuộc nhóm lạc quan, tôi cũng đồng tình với hiện thực này.
Không phải lúc nào sự trưởng thành của con người cũng là một tiến trình, mà đó sẽ là một diễn trình có lúc tiến bộ và cũng có lúc thoái hóa. Sự sống luôn biến động và con người cũng vậy.