[Review Sách] Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống
Tâm trí có thể là đôi cánh nhưng cũng có thể là gông cùm. Vì sức mạnh của tâm trí khá lớn và chúng ta thường có thói quen trao cho sức mạnh ấy sự tự do, nên đôi lúc chúng ta quên rằng cuộc sống này không thuộc về tâm trí. Với cuốn sách “Thoát khỏi tâm trí và bước vào cuộc sống”, bạn và tôi sẽ được tìm hiểu về Liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT - Acceptance and Commitment Therapy). Theo cảm nhận của cá nhân tôi, ACT là con đường hữu ích để đưa tâm trí về đúng địa vị nó vốn có.
Về ACT
ACT có nền tảng là Lý thuyết Khung Quan Hệ (Relational Frame Theory – RFT): một chương trình nghiên cứu cơ sở về cách tâm trí con người hoạt động (Hayes, Barnes – Holmes và Roche 2001). Nghiên cứu này nói rằng nhiều công cụ mà chúng ta sử dụng để giải quyết các vấn đề dẫn chúng ta đến những cái bẫy tạo nên đau khổ. Nói một cách thẳng thắn, con người đang chơi một trò chơi gian lận mà trong đó tâm trí họ - công cụ tuyệt vời để điều khiển môi trường – chống lại chính chủ nhân của nó.
Cảm nhận của tôi về ACT
Tôi biết đến cuốn sách và trường phái trị liệu này từ một chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực Tâm lý học. Bằng một vài mô tả ngắn gọn, tôi hình dung đây sẽ là giao điểm cân bằng giữa tâm lý và tâm linh- giá trị mà tôi luôn tin tưởng sẽ mang lại ích lợi bền lâu cho con người. Bởi nếu hoàn toàn phụ thuộc vào những kiến thức tâm lý, con người chỉ quan tâm đến các câu hỏi bên ngoài. Nhưng hoàn toàn tin vào tâm linh, con người chỉ quan tâm đến các câu trả lời bên trong. Tôi nghĩ cần kết hợp cả hai thì chúng ta mới phần nào hiểu được bản thân. ACT sẽ mang đến những nghịch lý rất quen thuộc nhưng cũng rất mới lạ: thử thách sự chấp nhận của chúng ta, nhưng không phải lối chấp nhận cam chịu hay vô minh, mà là sự nhận thức đầy đủ nhất những gì cần phải xảy đến trong cuộc đời- bao gồm cả nỗi đau khổ và sự buồn bã.
Phương tiện được tích hợp trong ACT khá thân thuộc với những ai từng dành thời gian tìm hiểu về Phật giáo, gồm: Chánh niệm, Chấp nhận và Giá trị.
Nếu hình dung tâm trí là một tấm mạng nhện khổng lồ, thì càng giãy giụa, nạn nhân sẽ càng kẹt chặt lại với đám tơ chằng chịt. Đến khi họ kiệt sức, thì con nhện sẽ rút cạn sinh lực của họ. Bạn có thể hình dung con nhện đó tượng trưng cho tâm trí, còn sợi tơ là dòng suy nghĩ miên man.
Có thể cách miêu tả này của tôi hơi rùng rợn, nhưng tôi tin nó có ích trong việc giúp các bạn hình dung một cách sinh động hơn về ý nghĩ, tâm trí và vì sao ý nghĩ, tâm trí đôi khi không phải lúc nào cũng là những người bạn đáng tin cậy trong thế giới nội tâm của chúng ta (dù chúng rất hăng hái và được việc khi hành động hướng đến thế giới bên ngoài).
Sau phần Giới thiệu, cuốn sách gồm có 13 chương:
Chương 1: Nỗi đau khổ của con người
Chương 2: Tại sao ngôn ngữ dẫn tới đau khổ
Chương 3: Lực kéo của sự trốn tránh
Chương 4: Dừng kiểm soát
Chương 5: Rắc rối đối với những suy nghĩ
Chương 6: Việc có một suy nghĩ và việc tin vào một suy nghĩ
Chương 7: Nếu tôi không như những suy nghĩ của mình thì tôi là ai
Chương 8: Chánh niệm
Chương 9: Sự sẵn lòng là gì và không phải là gì
Chương 10: Sự sẵn lòng: học cách nhảy
Chương 11: Các giá trị là gì
Chương 12: Lựa chọn các giá trị của bạn
Chương 13: Cam kết hành động
Cuối cùng thì chúng ta sẽ đến với Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham khảo. Như bạn thấy, với bố cục ở trên thì cuốn sách là cẩm nang hữu ích dành cho cả những người mới bắt đầu tìm hiểu về ACT lẫn những nhà tâm lý trị liệu đã có kinh nghiệm. Tôi rất ấn tượng với các bài tập kèm theo trong sách. Bởi các bài tập này giúp người đọc thực sự được trải nghiệm ACT. Giá trị của ACT được kiểm chứng dựa vào các trải nghiệm thực tế này, nên thật thú vị nếu bạn vừa là người thực hành lại vừa kết hợp là người kiểm chứng.
Ưu điểm này đồng thời cũng có thể là một hạn chế, bởi nếu chưa từng nghiên cứu các tài liệu tâm lý học căn bản, đồng thời chưa từng tìm hiểu kiến thức Phật giáo (đặc biệt là Chánh niệm), bạn có thể cảm thấy mơ hồ, mất phương hướng. Tôi sẽ lấy ví dụ về câu nói tôi thích nhất trong cuốn sách: “Kết quả là quá trình mà qua đó, quá trình trở thành kết quả”. Cách trình bày như vậy không hề hiếm gặp trong sách, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày có lẽ bạn và tôi ít khi giao tiếp với nhau theo cách này.
Ngày nay, đa số chúng ta thường chờ đợi các thông điệp “rõ ràng, dễ hiểu” mà quên rằng thực ra điều chúng ta muốn là mọi thứ phù hợp với nhận thức của chúng ta- mặc dù trong thế giới, điều này là bất khả. Hơn nữa, nhận thức của con người thì càng ngày càng bị lệ thuộc vào các mẩu quảng cáo hay các video ngắn, đến mức họ gần như tê liệt trong lựa chọn và suy nghĩ. Họ muốn quá trình giao tiếp thật “rõ ràng, dễ hiểu” mà quên các thông điệp có tính chất như vậy đều ít nhiều tồn tại trong các mệnh lệnh dẫn dắt.
Thế giới tự nhiên không vận hành giữa trên khái niệm và ngôn ngữ, cũng không được xây nên bởi hệ thống cơ giới, lập trình.
Do đó, nếu quen dùng nhận thức để kiểm soát mọi việc, dần dần con người ta sẽ bị mắc kẹt lại trong sự kiểm soát đó. Sẽ ra sao nếu con người cảm thấy không thể chấp nhận những quy luật tự nhiên, cảm thấy không thể từ bỏ việc kiểm soát những điều mà bản thân không đủ năng lực để kiểm soát? Đó chính là nguồn gốc của đau khổ.
Tôi nghĩ rằng khác với hầu hết các “con đường thoát khổ”, ACT không kéo bạn ra khỏi bể khổ mà tặng bạn một con thuyền và dạy bạn kỹ năng bơi lội trước khi thả bạn lại vào bể khổ ấy.
Cuốn sách này dành cho ai?
Nếu có nền tảng kiến thức về Phật giáo, từng tìm hiểu và thực hành Thiền định, Chánh niệm hay có hứng thú tìm hiểu các kinh sách cổ xưa về các hoạt động tinh thần, bạn sẽ cảm thấy hứng thú với cuốn sách này. Bởi sách không hề khó hiểu, nhưng nếu bạn cố để hiểu thì nội dung trong sách lại trở nên thật rối rắm. Đó là lúc tâm trí của bạn đang thống trị và muốn hướng sự chú ý của bạn sang những lĩnh vực mà nó có thể kiểm soát. Tâm trí rất láu cá ở chỗ này, bởi nếu bạn đi theo nó, thì nó luôn đúng (và tìm mọi cách để lập luận khiến cho chúng ta tin rằng nó đúng). Đã bao giờ bạn đưa ra một quyết định trước rồi sau đó mới tìm lý do chưa? đây chính là cách tâm trí vận hành.
Dĩ nhiên chúng ta không tuyên chiến với tâm trí. Cách tiếp cận của ACT khá giống với nguyên lý tự vệ của Hiệp Khí Đạo (Aikido). Bạn không cần ra đòn và cũng không giao tranh. Chính vì không giao tranh nên bạn không bao giờ thất bại. Chỉ đơn giản là bạn giúp tâm trí nhận ra rằng nó có ích khi giải quyết các vấn đề bên ngoài, nhưng nó không thể sống thay cuộc đời của chúng ta. Không phải điều gì tâm trí cũng có thể kiểm soát, đặc biệt là chủ nhân của nó.
Trong sách có một ví dụ khá hay về bàn cờ vua, về những quân cờ trắng và những quân cờ đen. Dù ở phe nào thì bạn cũng cảm thấy có nghĩa vụ phải chiến đấu với phái còn lại. Tại sao không thử làm một người quan sát, ở bên ngoài cuộc chiến, ghi nhận mọi thứ theo cách chúng cần phải xảy ra và bình thản vui sống?
Tôi hiểu rằng nhận định vậy nghe dễ dàng quá, nhưng liệu chúng ta có đang mang thói quen làm phức tạp hóa mọi vấn đề lên không?
Câu trả lời thuộc về bạn.