[Review Sách] Thiên nga đen
Thiên nga đen (tác giả: Nassim Nicholas Taleb) là cuốn sách thách thức sự hiểu biết của nhân loại. Tôi thích giọng văn của tác giả trong cuốn sách này: sáng suốt, mỉa mai đủ để tấm mặt nạ “biết tuốt” của người đọc rơi xuống mà không mang lại cho họ cảm giác bị tổn thương.
“Trước khi khám phá ra thiên nga đen tồn tại trên đời (ở Úc), người ta vẫn tin rằng tất cả chim thiên nga trên đời đều có màu trắng. Phát hiện bất ngờ này đã thay đổi toàn bộ thế giới quan của nhân loại (về thiên nga)”
Từ sự kiện này, chúng ta cần xem lại những điều chúng ta đã biết, những cuốn sách chúng ta đã đọc và những kinh nghiệm mà chúng ta đã có. Bởi nếu nhìn ở góc độ chủ quan, hầu hết mọi người sẽ coi các yếu tố này là vốn sống có giá trị- con người thường đánh giá cao những thứ mình sở hữu hơn so với giá trị thực của chúng.
Vậy còn điều chúng ta chưa biết, các cuốn sách chúng ta chưa đọc và lượng kinh nghiệm chúng ta chưa có thì sao? Dù là ai, thỉnh thoảng, bạn và tôi sẽ quên mất sự thật này.
Nội dung cuốn sách 470 trang này gồm 4 phần:
Phần 1: Thư viện của Umberto Eco, hay cách chúng ta tìm kiếm sự công nhận
Phần 2: Đơn giản là chúng ta không thể dự đoán được
Phần 3: Những con thiên nga xám của Extremistan
Phần 4: Phần kết
Tác giả có kiến thức về kinh tế học, triết học và toán học khá vững vàng- đủ vững để thêm vào một chút giễu cợt nhưng vẫn khái quát đúng khi trình bày bản chất của các lĩnh vực này trong đời thực. Dưới đây là những ý tưởng mà tôi rút ra được sau khi đọc sách:
“Chúng ta không biết rất nhiều thứ nhưng lại hành động như thể mình có khả năng dự đoán được mọi điều”.
Điều đã qua đi thì ai cũng có thể chắc chắn (hoặc không)
Con người thường băn khoăn về tương lai. Vậy nên các hình thức dự đoán dựa vào khoa học hay các hình thức bói toán luôn có chỗ tồn tại trong xã hội. Đôi khi, các dự đoán này cũng mang lại kết quả. Tuy nhiên, để xác định được dự đoán đó có chính xác hoàn toàn hay không, người ta phải đợi nó xảy đến.
Đó là lý do các sự kiện lớn mang tính chất bước ngoặt thường khó dự đoán, thế nhưng lại dễ dàng để phân tích, bình luận. Bạn có thể nhận ra không ai biết trước dịch bệnh, chiến tranh xảy đến, nhưng khi dịch bệnh, chiến tranh đến, người ta sôi nổi bàn tán với nhau về nó (không chỉ trong các phòng họp mà còn ở các quán nước ven đường).
Hoạt động chia sẻ suy nghĩ, quan điểm về sự kiện đã qua khiến chúng ta an tâm vào hiểu biết của bản thân hơn. Trên thực tế, điều chúng ta cần không phải là phân tích một thảm họa, mà là tránh thảm họa hoặc tối thiểu là có ý thức phòng bị để giảm thiểu thiệt hại từ đó.
Ở mặt khác, điều chúng ta đã biết có thể là lợi thế, hoặc không. Tác giả đã lấy dẫn chứng về các sự kiện lịch sử để chứng minh rằng: không thể nhận thức được một cách trọn vẹn lịch sử. Bởi lịch sử không chỉ là tập hợp các trận đánh được đánh dấu theo mốc năm, mà còn tiềm ẩn nhiều cái bắt tay mà chúng ta chưa biết.
Như vậy, cách con người dự đoán, đánh giá đôi khi chỉ là trò chơi của suy nghĩ, được lắp rắp lại theo mô hình: quan niệm, đức tin, học vấn, tính cách, kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Đó là lý do ít khi chúng ta nhìn nhận mọi thứ đúng với bản chất thực sự. Từ phán đoán sai, dẫn đến hành động sai. Kết quả là mỗi lần “Thiên Nga Đen” xuất hiện, chúng tạo nên ảnh hưởng vô cùng to lớn. Bởi ít ai tin là chúng có thể xảy đến.
Không thể giúp người không biết, biết điều họ không biết
Tôi khá thích ý tưởng này, nhưng để trình bày nó một cách mạch lạc và dễ hiểu quả thực hơi khó. Mong rằng bạn đọc trực tiếp tìm đọc sách để tiếp cận với tư tưởng của tác giả một cách thấu đáo hơn.
Tiếp tục ở phần trước, chúng ta đang dừng ở tình trạng quan sát thế giới bằng cặp mắt chủ quan và bỏ qua hiện thực khách quan. Như vậy, sẽ luôn tồn tại những điều bản thân chúng ta không biết. Điểm đáng sợ nhất ở đây là con người khó nhận thức được điều này, chúng gần như là điểm mù tuyệt đối (vì chúng ta có xu hướng hợp lý hóa mọi chuyện xảy đến để đảm bảo vùng an toàn- kể cả hiểu biết ít ỏi cũng được ưu ái biện minh).
Trong sách, tác giả có đưa ra ví dụ về một con gà Tây: Nó được bảo vệ, cũng cấp chỗ ở và cho ăn miễn phí. Thời gian này kéo dài một ngàn ngày. Dần dần nó tin rằng định mệnh của nó sinh ra để sống đời như vậy. Tuy nhiên, ngày thứ một ngàn lẻ một, nó bị đưa ra khỏi chuồng để làm thịt.
Hãy thử tưởng tượng bạn ở cùng chuồng với con gà Tây này. Vào ngày thứ ba trăm, sáu trăm, hoặc chín trăm, bạn nói rằng nó thể bị làm thịt. Chắc chắn chú gà Tây sẽ không hiểu điều bạn đang muốn nói là gì. Nhận thức vượt quá tầm so với nó, mâu thuẫn hoàn toàn với thức ăn, cái ổ ấm áp và sự săn sóc miễn phí nó nhận được.
Quay trở lại xã hội loài người, bạn sẽ nhận ra để nói với người khác về những điều họ chưa biết cũng tương tự vậy. Tình huống này giống như một giáo viên trò chuyện với học sinh về cuộc sống ở bậc Đại học, rồi nói với sinh viên Đại học về cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Tôi đã thử và thấy quả thật không hề dễ dàng.
Điều đều đặn xảy ra hằng ngày không có nghĩa là nó sẽ xảy ra mãi mãi.
“Ngẫu nhiên” có ý nghĩa nhiều hơn chúng ta tưởng
Nếu cuộc sống đầy rủi ro như vậy, mà bản thân lại không thể dự đoán trước, bạn sẽ làm gì? Câu trả lời của không ít người là lập kế hoạch cuộc đời, gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm.
Điểm mạnh của lựa chọn này là mang đến cảm giác an toàn cho chúng ta. Chúng có ích song không thể đảm bảo chúng giúp ta thoát khỏi các nguy cơ đau khổ.
Thử lấy ví dụ như sau: Bạn lập ra một kế hoạch tích lũy cụ thể, tính đến đúng thời hạn để nhận về một khoản tiền. Bạn dùng khoản tiền đó tái đầu tư rồi lãi mẹ đẻ lãi con v.v…Nhưng nếu “Thiên Nga Đen” đến, nó sẽ cười vào kế hoạch của bạn. Bạn có thể gặp phải vấn đề về sức khỏe, khoản tiền gửi đột nhiên biến mất hay khủng hoảng xảy đến, chẳng đơn vị nào chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư của bạn. Hoặc may mắn hơn, cuộc đời cần kiệm của bạn mang đến một gia tài kếch sù nhưng thay vì kế thừa, phát triển theo tâm nguyện của cha ông, hậu duệ của bạn có thể dùng nó để vui vẻ.
Các ý tưởng u ảm trên thường bị xem nhẹ hoặc bị lờ đi do nó mang đến cảm giác khó chịu. Mặc dù vậy, việc bạn không tin vào sự ngẫu nhiên không có nghĩa là trên đời không tồn tại tính ngẫu nhiên.
Tin tốt là không phải “Thiên Nga Đen” nào cũng xấu. Một ngày đẹp trời, bạn bỗng nhiên cảm thấy muốn ra công viên thư giãn. Tình cờ, quyết định ngẫu hứng mang tới cho bạn cơ hội gặp gỡ ai đó đặc biệt đang dạo mát tại đây. Cuộc gặp không sắp đặt từ trước này có thể thay đổi tương lai của bạn mãi mãi.
Sau này nhìn lại, bạn có thể thích thay từ “ngẫu nhiên” bằng “nhân duyên”, “số phận” v.v… sáng tạo thêm các chi tiết, rồi say sưa kể về cuộc đời đã vươn lên ra sao để thành công (Cố tật của con người là luôn phải tìm cách đặt tên mọi thứ).
Chủ nghĩa thực nghiệm hoài nghi
Tác giả tự nhận bản thân theo trường phái hoài nghi. Tôi cảm thấy thích sự hoài nghi pha lẫn hóm hỉnh ấy. Tôi tin cuộc sống sẽ thú vị hơn nếu chúng ta có được óc nghi ngờ của nhà khoa học, nhưng lại biết cách nhìn nhận vấn đề bằng đôi mắt của triết gia và chia sẻ lại những điều mình hiểu với giọng điệu của một nghệ sĩ.
Mặc dù vậy, tôi hơi buồn vì hiếm gặp được ai mang phong cách như tác giả ngoài đời thực. Lối sống phổ biến mà tôi bắt gặp thường là: óc nghi ngờ lãng mạn kiểu nghệ sĩ, nhìn nhận vấn đề nghiêm trọng hóa như nhà khoa học và trình bày vấn đề dài dòng theo kiểu triết gia.
Do đó, tôi thích đứng trên đôi chân của mình để sải bước khám phá sự thật hơn là hài lòng với chân lý nhân tạo. Chân lý nhân tạo có thể đúng với người tạo ra nó, song chưa chắc đúng với tôi. Tôi có thiện cảm với lối tiếp cận thực nghiệm hoài nghi hơn.
Tôi sẽ kết lại bài viết này bằng trích dẫn từ cuốn sách Thiên Nga Đen:
“Hãy tưởng tượng một đốm bụi nhỏ đặt kế bên một hành tinh có kích thước lớn hơn Trái Đất một tỷ lần. Đốm bụi đó tượng trưng cho tỷ lệ bạn được sinh ra; hành tinh khổng lồ kia đại diện cho tỷ lệ ngược lại. Bởi vậy, đừng nhọc công vì những chuyện không đâu. Đừng hành động như một kẻ vong ơn bội nghĩa, được tặng cho một tòa lâu đài và lại đi khó chịu về chút rêu mốc mọc trong nhà tắm. Đừng chê bai xói mói những gì mình được tặng – hãy nhớ rằng bạn chính là một Thiên Nga Đen. Và xin cảm ơn bạn đã đọc cuốn sách này.”
Những con người hoài nghi không phải lúc nào cũng khó chịu hay chán đời. Họ yêu cuộc đời nên muốn hiểu về nó càng nhiều, càng tốt.
review sách
,thiên nga đen
,nassim nicholas taleb
,hnreader07
,noron
,sách
Ngày trước lúc vô tình biết cuốn này t bị hơi sốc khi đọc nó 😂😂😂. Nhưng mà nó đúng quá không cãi được.
Cảm ơn review của Nam. Chắc t lại phải đọc lại Thiên Nga Đen 1 lần nữa rồi.
Nguyen Daisy
Ngày trước lúc vô tình biết cuốn này t bị hơi sốc khi đọc nó 😂😂😂. Nhưng mà nó đúng quá không cãi được.
Cảm ơn review của Nam. Chắc t lại phải đọc lại Thiên Nga Đen 1 lần nữa rồi.
Thu Hồng Hoàng