[Review Sách] SỰ IM LẶNG - Lời nói dối hay sự trừng phạt?
Tác giả: John Biguenet
______
Ông bà ta có câu: “Im lặng là vàng.” Con người chúng ta từ khi sinh ra chỉ mất khoảng hai năm để học nói nhưng để học cách im lặng thì phải mất cả đời. Bên cạnh đó, trong xã hội xô bồ, hiện đại ngày nay, sự im lặng càng trở nên hiếm gặp bởi ta đang sống trong “sự ồn ào”: tiếng máy móc hoạt động liên tục, tiếng các phương tiện giao thông, ti vi, thiết bị gia dụng, điện thoại, laptop, v.v.. Chúng ta đắm chìm trong những tiếng ồn đó và không tìm được sự im lặng. Theo tác giả John Biguenet, sự im lặng đôi khi có thể che giấu một lời nói dối, một sự trừng phạt, tiếng nói của lương tâm, và im lặng thường là một thứ xa xỉ. Vậy bạn đã hiểu hết về nó – sự im lặng?
-------
Hai chữ “im lặng” thật ngắn gọn, nó được cấu thành nên chỉ từ sáu chữ cái và một khoảng trắng, nhưng đằng sau đó là vô vàn những điều bí ẩn, đầy ắp những khuôn bậc trạng thái mà trong từng thời điểm và tình huống, sự im lặng lại cho ta những “hương sắc” và “mùi vị” khác nhau. Cuốn sách này đã lựa chọn sự vật bình thường, thậm chí là tầm thường trong cuộc sống: sự im lặng, rồi từ đó làm sinh động bởi những yếu tố lịch sử, chính trị, khoa học, thần thoại và cả triết học. Đầy ắp các chi tiết hấp dẫn, mới lạ được tác giả truyền tải sắc nét qua lời tâm sự, những câu chuyện, giai thoại trên khắp thế giới.
Ban đầu khi cầm cuốn “SỰ IM LẶNG” này trên tay, mình cứ nghĩ nội dung ắt hẳn sẽ đề cập về cách con người tìm kiếm sự tĩnh lặng để tìm kiếm bản thân hay những điều tương tự khác. Nhưng thay vào đó, John Biguenet lại giải quyết vấn đề chính của sự im lặng theo đúng nghĩa đen, bằng các quan điểm, khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Ông giải thích bằng các trải nghiệm cá nhân, bằng những dẫn chứng độc đáo, cuốn hút, từ Freud đến thơ của John Keats, Yeats, câu chuyện của Poe, bộ phim truyền hình The Twilight Zone hay tiểu thuyết Ozma của xứ Oz cho đến tập tục nuôi dạy một bé gái như một bé trai của người Afghanistan khi một gia đình không có con trai,… “SỰ IM LẶNG” chứa đầy những giai thoại thú vị và dữ kiện khá nặng, song chính sự mơ hồ của thuật ngữ đã thúc đẩy mình đi đến trang cuối cùng. Tất cả sẽ góp phần mở ra một thế giới quan mới cho độc giả, đưa người đọc từ thế giới cổ đại đến Nhà nguyện Rothko ở Houston, vượt ra cả không gian vũ trụ, John Biguenet mang đến cho chúng ta một chuyến tham quan náo nhiệt đáng ngạc nhiên về sự im lặng, tĩnh lặng và bình tĩnh.
-------
Bạn khao khát hay sợ hãi sự im lặng? Tác giả mở đầu cuốn sách bằng việc nói về sự im lặng và cô độc. Cô độc không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với im lặng bởi vì ngay cả những người sống trong cô độc cũng có thể bị bao quanh bởi những tiếng ồn khó chịu.
“Chúng ta cho rằng cô độc là nền tảng của im lặng, nhưng thực sự một trong hai thứ thường chỉ là sự nối dài của thứ còn lại.” (Trang 34)
John Biguenet cũng giải thích rằng trong những năm gần đây, mọi người (đặc biệt là những người giàu có) sẵn sàng trả tiền để dành thời gian trong ốc đảo yên bình và tách biệt khỏi một thế giới quá ồn ào mà chính chúng ta đã tạo ra, trả phí cho những cuộc tĩnh tâm đắt đỏ. Vì vậy, tìm kiếm sự im lặng cũng đồng nghĩa với sự xa xỉ. Bằng chứng rõ ràng nhất đó là những người bình thường sống trong một khu phố nhỏ ồn ào, tấp nập, ngày ngày chật vật bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” trên vai thì họ không thể có một kỳ nghỉ hay không có thời gian để tìm kiếm sự im lặng riêng cho chính bản thân mình.
-------
Tiếp đến, John Biguenet phân tích sự im lặng trong văn học. Chúng ta biết cách làm thế nào để ra hiệu im lặng. Trong một vài tình huống, quy ước tạo ra sự im lặng rất đơn giản: dùng tay che miệng hoặc đặt một ngón tay lên môi. Thế nhưng đại diện của sự im lặng lại thách thức các văn sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ nói chung. Nếu các nhà tiểu thuyết sử dụng dấu chấm thì các nhà soạn nhạc lại chen vào dấu lặng, ấy là điểm khiến ta ngừng, cho chúng ta một chút thời gian im lặng.
Kế đó, tác giả tiếp tục phân tích sự im lặng trong nghệ thuật và trong nhiếp ảnh - một khía cạnh mới khá thú vị: “Một nghệ sĩ tung hứng sẽ không dành trọn buổi biểu diễn để ném bóng vào không khí. Mà trong phân nửa thời gian, người nghệ sĩ chờ quả bóng rơi xuống.” – trích lời của diễn viên, ca sĩ M. Cerveris. Đối với anh ấy, sự im lặng là phần biểu diễn có thể quan trọng hơn cả lời thoại. Còn trong nhiếp ảnh, John Biguenet tiết lộ rằng máy ảnh là một thiết bị rất đặc biệt, nó là “một chiếc máy lọc âm thanh”, tấm ảnh là một lát cắt của thế giới đã được loại bỏ tất cả âm thanh. Đến khi nhìn lại, ta lấp đầy sự im lặng trong bức ảnh đó bằng tiếng trò chuyện, tiếng chim hót, tiếng động cơ xa xa,... Không như ánh sáng, âm thanh không để lại chút dấu vết nào trên ảnh.
-------
Tạm kết, chúng ta cho rằng im lặng chỉ là sự vắng mặt của âm thanh, đâu đó trên Trái Đất này, trong vũ trụ này vẫn có một vùng im lặng đang chờ đợi. Nhưng trí tưởng tượng sẽ đánh lạc hướng chúng ta nếu ta cho rằng sự im lặng là cái đích mà mình có thể đến. Thế giới hiện đại vẫn ồn ào, con người chúng ta vẫn đang đắm chìm trong các âm thanh của cuộc sống, khi im lặng thực sự buông xuống, liệu bạn có vui vẻ đón nhận hay miễn cưỡng chấp nhận nó?
_______
Thank you for reading!
Review by @Thu Hồng Hoàng.
book
,review book
,sách
,review sách
,văn hóa
,khoa học
,sách
Đôi khi sự im lặng là giải pháp cho một vấn đề, đôi khi nó lại không!
Việt Cường
Đôi khi sự im lặng là giải pháp cho một vấn đề, đôi khi nó lại không!
Huy Phan
Mình cũng đang khá tà mò về quyển sách này, không biết có thể tìm thấy ở đâu được nhỉ?
Dung Võ
Phạm Hồng Phúc
Hay quá ! Cảm ơn chuyên gia!
Nguyenphuhoang Nam
Cường Kiều quang