[Review Sách] Sáu chiếc mũ tư duy

  1. Sách

Với phương pháp tư duy thông qua sáu chiếc mũ khác nhau, tác giả Edward de Bono sẽ giải phóng chúng ta khỏi mớ tư duy rối rắm và những cuộc họp liên miên thiếu hiệu quả.

https://cdn.noron.vn/2022/09/05/31996114586948-1662368021.jpg

Sáu chiếc mũ tư duy gồm có: chiếc mũ màu trắng, chiếc mũ màu đỏ, chiếc mũ màu đen, chiếc mũ màu vàng, chiếc mũ màu xanh lục và cuối cùng là chiếc mũ màu xanh da trời. Bạn đừng lo lắng về việc sẽ phải đi mua sáu chiếc mũ sáu màu khác nhau rồi suốt ngày phải kè kè mang theo chúng- cách làm đó cũng không phải điều tác giả đề cập tới. Sáu chiếc mũ này nằm sẵn trong tâm trí của chúng ta.

Bằng việc nhìn nhận vấn đề lần lượt qua từng chiếc mũ, cũng chính là các góc nhìn khác nhau, chúng ta sẽ hình dung ra được bối cảnh tổng thể, cảm nhận của bản thân, những điều nên làm, những điều nên tránh trong bầu không khí đồng thuận. Không còn tình trạng lý lẽ phải chiến đấu với cảm xúc, so đi tính lại mặt tích cực và hạn chế hay cuộc họp một người nghĩ trong khi tất cả chỉ ngồi.

Khó khăn lớn nhất trong tư duy chính là tình trạng mơ hồ, không rõ ràng. Chúng ta thường tham lam mà cố làm thật nhiều việc trong cùng một lúc.

Mời bạn cùng tôi đi qua từng chiếc mũ để lấy lại phương hướng tư duy nhé:

Chiếc mũ trắng

Đây là phương hướng tư duy tập trung vào thông tin, số liệu, sự thật khách quan. Chỉ cần cung cấp thông tin trung thực mà không cần thêm vào đó đánh giả chủ quan hay xây dựng các giả thuyết kèm theo. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy con người có xu hướng đưa ra các số liệu để củng cố cho quan điểm, lập luận của bản thân. Nhưng chúng ta sẽ không làm vậy khi đang mang chiếc mũ trắng. Chỉ cần tiếp cận thông tin chính xác như một chiếc máy tính tận tụy và đó là toàn bộ việc cần làm.

Chiếc mũ đỏ

Mũ đỏ đối lập với mũ trắng, chúng hoàn toàn tập trung vào cảm xúc của bạn. Đến phiên đội chiếc mũ đỏ, bạn có thể thỏa thích phát biểu với lời mào đầu kiểu như: “Tôi cảm thấy… Tôi thấy có vẻ… Hình như là tôi không thích điều này… Tôi chỉ biết rằng tôi hài lòng…”. Mọi góc nhìn bắt nguồn từ cảm xúc đều được khuyến khích: chỉ cần nói ra theo cách bạn muốn, đậm đà bản sắc cá nhân, đầy tính chủ quan cũng không sao. Bởi chúng ta là những sinh vật cảm xúc nên cảm xúc có quyền lên tiếng, dù là trong công việc. Với sự hướng dẫn của chiếc mũ đỏ, cảm xúc sẽ được bước lên sân khấu, được chào đón hơn. Thay vì tình trạng bị dồn nén rồi chạy đi lung tung như một tên phá đám trong rạp hát.

Chiếc mũ đen

Đội chiếc mũ đen vào và bạn bắt đầu nhìn thế giới với cặp mắt cảnh giác, thận trọng. Chiếc mũ đen kích hoạt năng lực phê phán, tìm ra yếu điểm và rủi ro trong mọi vấn đề. Nhưng tác giả cũng lưu ý với chúng ta rằng đây là chiếc mũ dễ bị lạm dụng nhất. Bởi sẽ có một số người thường xuyên đội chiếc mũ này để công kích, tranh luận nhằm thỏa mãn “cái tôi” thay vì thực sự tập trung xử lý công việc. Góc nhìn của chiếc mũ đen là từ một người bảo vệ, không phải một quan tòa, bạn đừng quên điều này nhé.

Chiếc mũ vàng

Chiếc mũ mang màu sắc tươi sáng này hướng đến những suy nghĩ tích cực, sự lạc quan. Màu vàng giống như tia nắng soi sáng các cơ hội trong khó khăn. Đây là chiếc mũ nạp lại sức sống cho các dự án, ý tưởng và nhân sự. Chiếc mũ vàng khích lệ chúng ta tiến lên để đến với những điều tốt đẹp ở phía trước.

Chiếc mũ xanh lục

Tôi khá thích chiếc mũ màu xanh lục này (mặc dù màu ưa thích của tôi là xanh da trời và xám). Mũ xanh lục phá tan các giới hạn: thời khắc cho sự bùng nổ các ý tưởng sáng tạo và các phương án đột phá. Không cần lo lắng quá nhiều về mọi thứ nữa, bạn chỉ cần nói ra những ý tưởng của bản thân. Bất kể chúng kì lạ, vô lý đến đâu thì chúng cũng có quyền tham dự cuộc họp khi tất cả đã mang chiếc mũ xanh lục này. Những “cây ý tưởng” sẽ rất biết ơn chiếc mũ này, bởi họ sẽ không còn bị mắc kẹt trong tình trạng phải căng não nghĩ, còn những người xung quanh nhìn vào với đôi mắt chăm chú như khi ngồi đợi chiếc bánh nướng ngon lành ra lò. Tất cả sẽ cùng nhau đóng góp ý tưởng, và nhiều ý tưởng chắc chắn sẽ góp phần chọn lọc ra ý tưởng hữu ích.

Chiếc mũ xanh da trời

Chiếc mũ mang màu của bầu trời này có chức năng tập trung vào quá trình tư duy và kiểm soát các chiếc mũ khác. Có thể coi đây là chiếc mũ điều phối để giúp chúng ta sử dụng các chiếc mũ còn lại giải quyết vấn đề. Mũ xanh da trời cũng xác lập các mục tiêu của buổi làm việc, thứ tự xuất hiện của những chiếc mũ và tiến hành tổng kết, đánh giá. Nếu coi Phương Pháp Sáu Chiếc Mũ Tư Duy giống với một trò chơi, thì đây chính là nhà quản trò đầy công minh.

https://cdn.noron.vn/2022/09/05/31996114586953-1662368051.jpg

Tính ứng dụng

Tôi nghĩ Phương Pháp Sáu Chiếc Mũ Tư Duy có tính ứng dụng cao trong các cuộc họp và các cuộc nói chuyện cá nhân (có hướng đến kết quả cụ thể).

Trong hội họp, với từng chiếc mũ, mỗi người đều có cơ hội nói ra tất cả các khía cạnh của vấn đề song vẫn đảm bảo trật tự rõ ràng. Qua đó mọi người có thể lắng nghe, thấu hiểu quan điểm của nhau để tiến tới kết luận thống nhất. Như vậy sẽ tránh khỏi tình trạng lạm dụng việc “họp” tràn lan, lúc họp thì không ai nói, họp xong thì ai cũng nói ngoài phòng họp, gây suy giảm hứng thú làm việc, sức tập trung và mất thời gian.

Đối với các cuộc trò chuyện mang tính cá nhân, chúng ta sẽ hạn chế được việc đưa ra các ý kiến dựa trên các giá trị quan khác nhau trong cùng một thời điểm. Điều này thường dẫn đến tranh cãi, làm tổn thương lẫn nhau một cách vô ích và dĩ nhiên: mất thời gian mà không đạt được điều gì.

Dựa trên phương pháp của Edward de Bono, tôi có cải biên một chút để tạo ra phương pháp cho riêng mình, trong vai trò là một freelance làm các công việc khác nhau cùng lúc.

Cụ thể là khi cần thông tin chính xác (mũ trắng) tôi chọn vai là một cộng tác viên báo chí; khi cần phát huy trực giác, cảm xúc (mũ đỏ) tôi cảm nhận theo hướng của một Tarot Reader; khi cần phân tích tính khả thi (mũ đen) tôi chọn đánh giá theo cách của một biên tập viên; khi cần đến sự lạc quan, sáng tạo (mũ vàng, mũ xanh lục) tôi quay về với vai trò của một nhà giáo dục kiêm blogger; và khi cần cân nhắc, sắp xếp lại tư duy (mũ xanh da trời), tôi tiếp cận theo hướng của một nhà tư vấn độc lập.

Mới ban đầu có thể sẽ hơi rối, nhưng dần dần sau khi đã quen thì bạn sẽ từ từ cảm thấy việc chuyển đổi giữa các chế độ khác nhau không quá khó, thậm chí còn thú vị như chơi một trò chơi thay đổi các cặp kính để quan sát các thế giới khác nhau.

Từ khóa: 

review sách

,

sáu chiếc mũ tư duy

,

edward de bono

,

noron

,

nguyễn phú hoàng nam

,

sách