[Review Sách] “Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức” và “Hiện diện bên con”
Thương con nhưng con vẫn hư? Nghiêm khắc với con, nhưng con vẫn hỏng? bậc cha mẹ có thể tham khảo cuốn sách “Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức” của tác giả Susan Tiffelman. Với “Hiện diện bên con”, sách không những giúp các bậc cha mẹ hiểu bản chất của giáo dục con mà còn giúp họ đối diện với những tổn thương bên trong của chính mình.
NUÔI CON BẰNG TRÁI TIM TỈNH THỨC
Tựa đề “trái tim tỉnh thức” khiến tôi ấn tượng. Tôi cảm nhận đây là hướng đan xen giữa tình thương và hiểu biết, giữa yêu và hiểu con và cũng là yêu, hiểu chính mình của bậc cha mẹ. Bạn đừng lo ngại cuốn sách này sẽ mang đậm màu sắc tâm linh với những thuật ngữ trừu tượng, xa lạ với đời sống. Bởi tác giả cuốn sách này là một người mẹ- không phải một bậc thầy tâm linh chưa từng lập gia đình và có con.
Bà đã đồng hành, nuôi dạy con và có trải nghiệm về niềm vui, nỗi buồn cùng sự tự hào và cả những nỗi trăn trở về con khi chứng kiến cha mẹ ly hôn. Susan Tiffelman chia sẻ những câu chuyện thực trong đời thường mà bậc cha mẹ nào cũng cần đối mặt. Quan trọng hơn, bà đã chứng minh sẽ luôn có phương pháp để họ giúp đỡ con cái và chính mình khiến hành trình nuôi dạy con đến bến bờ hạnh phúc.
“Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức” dày hơn 300 trang, được chia ra làm 13 chương, thảo luận cùng bạn đọc về từng chủ đề cần lưu tâm khi nuôi dạy con. Ví dụ như: “Làm gì khi con cãi lời, tức giận, ăn vạ và hung hăng” (chương 6), “Giúp con có nhiều mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng” (Chương 3), “Hiện diện và tỉnh thức, thư giãn không cần thiết bị điện tử” (Chương 11), “Giúp trẻ tránh phiền muộn và lo âu – thực sự hạnh phúc” (Chương 10) v.v…
Quan hệ giữa cha mẹ và con cái
Khi con cái thấy chúng ta bình tĩnh – dù thái độ hay hành vi của con có ra sao – thì chúng có thể an tâm rằng chúng có thể trông cậy vào chúng ta để vượt qua những khoảnh khắc khó khăn của cuộc đời. (trang 25)
Cha mẹ sinh con, nuôi dạy con nhưng ít khi quan tâm đến bản chất của mối quan hệ này. Họ thường hoặc quá độc đoán chuyên quyền, hoặc quá nhu nhược, dễ dãi. Tôi nghĩ không nên phán xét cha mẹ, bởi lần đầu họ chỉ có thể làm cha mẹ dựa vào bản năng và những điều tâm trí, trái tim mách bảo họ là đúng (điều đáng tiếc là hai yếu tố này cũng lại thường xuyên xung đột với nhau). Chính nhận thức này hình thành nên kiểu quan hệ giữa cha mẹ và con cái- điều sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con và cả cha mẹ.
Tác giả chia sẻ về ba kiểu quan hệ thường gặp giữa cha mẹ và con cái:
- Cha mẹ nắm quyền: Cha mẹ giống như một vị thuyền trưởng, tôn trọng, yêu thương nhưng không quên vai trò dẫn dắt con đến với những giá trị tích cực. Đây là biểu hiện của bậc cha mẹ có “trái tim tỉnh thức”.
- Không ai nắm quyền: “Một nước hai vua”: Đây là mối quan hệ khiến đôi bên đều dễ trở nên giận dữ, kiệt sức và mệt mỏi. Cha mẹ liên tục phải thỏa hiệp với con cái, con cái thường xuyên cảm thấy bất mãn với cha mẹ (và cha mẹ cũng thế). Ở dạng quan hệ này, cha mẹ dường như chỉ có thể “nuôi” mà không thể “dạy” con. Đứa trẻ cảm thấy cha mẹ bình đẳng với chúng nên nếu đủ dai dẳng, chúng sẽ luôn có được điều mình đòi hỏi.
- Con nắm quyền: Con cái nhận biết và hoàn toàn điều khiển cảm xúc của cha mẹ để đạt được điều chúng muốn, chúng chuyển kênh và bật tắt “Tivi mẹ” (hoặc cha) theo sở thích. Những đứa trẻ nhóm này có xu hướng trở nên ích kỷ, thiếu suy xét và vô lý khi lớn lên. Cha mẹ không còn đủ bình tĩnh để thay đổi tình huống và phải liên tục nhượng bộ (ý tưởng nhượng bộ khiến họ dễ chịu hơn một chút, nhưng thực chất họ đã hoàn toàn đầu hàng việc giáo dục con).
Nếu cha mẹ không kịp thời nắm vị trí thuyền trưởng của gia đình, thì việc giáo dục con sẽ không bao giờ xảy đến. Đứa trẻ được nuôi nấng sẽ lớn nhưng không bao giờ khôn hoặc khôn nhưng sẽ không hề ngoan- điều này thường gây ra những ăn năn muộn màng trong cha mẹ, vì đã thiếu quan tâm, không dành thời gian và hiểu được tầm quan trọng của việc nuôi dạy con.
Cha mẹ có thể thăng tiến, tạo ra nhiều tài sản còn đứa trẻ sẽ không bao giờ bé lại. Thành tựu trong sự nghiệp cha mẹ tăng có thể là lúc liên kết giữa con với cha mẹ giảm. Trẻ cảm nhận được cha mẹ yêu sự nghiệp hơn chúng và thích dành thời gian cho sự nghiệp hơn chúng.
Giáo dục con trẻ cần có thời điểm và bỏ qua thời điểm đó là mất phần trọng yếu nhất trong công trình nuôi dạy con.
Sự tỉnh táo là yêu cầu quan trọng đối với những bậc làm cha mẹ. Dù tác giả không đề cập đến điều này, nhưng cá nhân tôi nghĩ nếu chưa sẵn sàng sống có trách nhiệm, thì các cặp đôi nên cân nhắc kỹ đến việc tạo ra thêm những sinh mệnh mới.
Bởi sự thiếu sáng suốt của họ sẽ dẫn tới một thế hệ con trẻ lớn lên với chằng chịt những tổn thương cảm xúc thời thơ ấu (để hình dung rõ hơn hệ lụy, bạn có thể tìm đọc cuốn sách “Lấp đầy trống rỗng - Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu” của tác giả Jonice Webb).
Đứa trẻ mà cảm thấy gắn bó thân thiết với bạn thì dễ nghe lời bạn hơn (trang 168)
Tạo dựng kết nối
Viện cớ là cung cấp cho trẻ những đồ chơi và thiết bị hiện đại nhất và tuyệt vời nhất, chúng ta đã góp phần khiến con không thể cảm thấy yên lòng khi không có chuyện gì đó khơi gợi sự chú ý của con (trang 261)
Kết nối Internet cần các thiết bị công nghệ, điện và thanh toán cước phí đúng hạn. Để có kết nối này rất dễ, nhưng kết nối Internet không tạo nên con người đúng nghĩa. Kết nối giữa cha mẹ và con cái được bồi đắp bằng thời gian, sự hiện diện và lắng nghe sâu. Có thể thấy tâm trạng, tính cách của đứa trẻ có thể phản ánh rõ nhất tình cảm, đặc điểm gia đình trẻ sống.
Một đứa trẻ không biết quan tâm đến người khác, dễ nổi giận, chìm ngập trong Internet thường là dấu hiệu cho thấy những bất ổn của cả gia đình đang bị che giấu. Một đứa trẻ hoạt bát, vui vẻ, yêu thương mọi người là bởi đã nhận được tình yêu thương và có nền tảng giáo dục tốt.
Cha mẹ sẽ ít chú ý đến con và thường chọn giao tiếp với con theo kiểu “hình thức”. Điển hình như những câu hỏi: “Hôm nay đi học con được mấy điểm?” (thay vì hỏi “Con có vui không?”), “Tại sao bạn A lại có điểm cao hơn con?” (thay vì hỏi “con cảm thấy thế nào khi bị điểm thấp”?). Hoặc những lời phán xét: “Học thì không học mà suốt ngày đòi hỏi”, “Nhìn con nhà bà A, bác B mà học tập”, “Con không cần giải thích vì cha mẹ đã hiểu hết rồi” v.v.
Cứ như vậy, kết nối của cha mẹ và con cái không hề được củng cố mà bị rút dần cho đến mức cạn kiệt theo năm tháng. Tình trạng trật nhịp, lạc điệu bắt đầu xuất hiện nhiều hơn khi đôi bên tương tác. Con bùng nổ cảm xúc, cha mẹ vội vàng nhồi nhét những bài giảng lý trí. Khi đứa trẻ cần cha mẹ đưa ra nhận xét lý trí, cha mẹ lại tùy tiện giải thích bằng cảm xúc.
Nuôi con chắc chắn không phải là điều dễ dàng, và nếu muốn nuôi con một cách dễ dàng, né tránh những việc khó bằng cách phó thác cho ông bà, người giúp việc, thầy cô, các thiết bị công nghệ thì cha mẹ đang chưa suy ngẫm đủ sâu về những hậu quả mình bắt buộc sẽ gánh chịu trong tương lai.
Cha mẹ cần chú tâm xây dựng và thường xuyên củng cố kết nối với con. Kết nối mạnh mẽ sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt khi cha mẹ nâng đỡ trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu phải đối mặt với những thử thách lớn trong đời hoặc bị chìm ngập vào mạng xã hội, trò chơi trực tuyến.
Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, “Hiện diện bên con” của đồng tác giả là cuốn sách chỉ dẫn cho chúng ta cách thức để tiến sâu hơn vào thực tại, để từ đó luôn kịp thời gắn kết với bản thân và với con.
“Lối sống của bạn có thể dập tắt hoặc làm bừng sáng lên ngọn lửa khao khát khám phá sở thích và thể hiện thiên tài độc đáo trong con” (trang 311).
HIỆN DIỆN BÊN CON
Cuốn sách “Hiện diện bên con” gồm có 11 chương, dày gần 300 trang. Trong đó tôi cảm nhận 10 chương đầu chia sẻ kinh nghiệm và nguyên lý giáo dục con (có kèm theo mục “Ứng dụng thực tế” giải đáp các câu hỏi thường gặp của các bậc cha mẹ ở cuối chương), còn chương 11 tập trung vào gợi ý các hướng thực hành trong đời sống. Cách trình bày như vậy khá cân bằng về lý thuyết và thực hành.
Đối với dòng sách giáo dục, tôi thấy sự cân bằng giữa thực hành và lý thuyết sẽ giúp cha mẹ hiểu bản chất của các phương pháp mà mình áp dụng hơn. Cha mẹ sẽ tránh được tình trạng phải chật vật với những cuốn sách dày ngập tràn lý thuyết đến mức thường phải bỏ dở việc nghiên cứu hoặc loay hoay với các cuốn sách trình bày phương pháp nhanh gọn, nghe ấn tượng nhưng không mang lại hiệu quả lâu bền, rồi cuối cùng do thiếu nhất quán nên cũng đành bỏ dở việc áp dụng.
Cha mẹ đang băn khoăn về việc con cái từ chối tiếp thu sự dạy bảo, có xu hướng xa lánh người khác hoặc chìm đắm quá mức vào các trò chơi trực tuyến, luôn đòi hỏi và thường xuyên bày tỏ sự bực bội, chán nản với trường lớp nên tìm đọc cuốn sách này.
Mối tương giao giữa cha mẹ và con cái
Sinh con là làm cha mẹ, nhưng làm cha mẹ không phải chỉ đơn giản là sinh con. Tôi nghĩ ai có gia đình rồi thì đều thấm thía điều này. Tôi chưa lập gia đình, nhưng do tính chất công việc, tôi thường tiếp xúc với các bạn thanh thiếu niên và gia đình của các em. Qua những lần tiếp xúc ấy, tôi thán phục cả sự kiên nhẫn của cha mẹ và sự kiên nhẫn của trẻ em.
Sinh con và nuôi con là điều không hề dễ dàng. Làm cha mẹ không dễ dàng nhưng làm con cái cũng vậy. Bởi nhìn ở bề nổi, chúng ta thường dễ nhận thấy sự khó nhọc của các bậc cha mẹ hơn. Những đứa con của họ vì nhận sự dưỡng dục, tình thương và công lao vô bờ ấy (thường xuyên được/bị nhắc lại) nên cũng đồng thời phải chấp nhận sự lệ thuộc, và thật đáng buồn nếu cha mẹ của các em coi đó là một khoản đầu tư luôn cần thu về lợi ích tương xứng.
Cha mẹ cho rằng con cái tôn trọng mình là điều đương nhiên và quên mất con mình cũng là người- các em cũng có nhu cầu được tôn trọng. Cha mẹ cũng thường nhớ họ có nhiều vốn sống hơn, nắm giữ hầu hết các tài nguyên sống của gia đình nên xứng đáng có quyền lực hơn. Nhưng họ lại quên rằng bản thân chưa hoàn hảo, đôi lúc mâu thuẫn giữa lời nói – hành vi và cũng mang những tổn thương trong quá khứ, biểu hiện với một số đặc điểm tính cách không dễ chịu lắm ở hiện tại.
Trong cuốn “Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức”, tác giả Susan Stiffelman đã chỉ ra mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thường diễn ra theo những cách thức sau:Thuyền trưởng (cha mẹ chịu trách nhiệm) - Tranh biện (không ai chịu trách nhiệm) - Độc đoán (con cái chịu trách nhiệm).
“Tranh biện”, “Độc đoán” thường mang lại sự chống đối, phản kháng, phẫn nộ cho cả đôi bên nhưng “Thuyền trưởng” sẽ giúp cha mẹ ở đúng vị thế của mình và khi cha mẹ ở đúng vị thế của mình thì con cái sẽ điều chỉnh cách cư xử phù hợp. Đây là một khám phá rất có ý nghĩa. Bởi “thượng bất chính, hạ tắc loạn” (trên mà không mẫu mực thì dưới cũng không nền nếp), cha mẹ thường mong muốn thay đổi con sau khi nhìn ra những khuyết điểm của con nhưng lại rất ngại nhìn vào những thiếu sót của bản thân. Hơn nữa, việc uốn nắn một đứa trẻ đang lệ thuộc vào mình bao giờ cũng dễ dàng hơn đối mặt với con người thật nằm sâu bên trong mỗi chúng ta.
Vậy nên làm cha mẹ cũng có nghĩa là cần đủ dũng khí để đối mặt với sự thật và chấp nhận cải thiện bản thân để biết cách yêu thương cũng như được yêu thương.
Trong cuộc đời làm mẹ của mình, tôi nhận ra rằng mặc dù không cần phải hoàn hảo, nhưng tôi phải học cách chịu trách nhiệm về những lời nói hay hành động không đáng có vì sự mất bình tĩnh của mình gây ra. Tôi đã phải học cách “xin lỗi”.
Đây là một quá trình khó khăn bởi vì “cái tôi” của chúng ta tạo ra nhiều chiến lược để biện minh cho những thiếu sót. Tôi đã lớn lên trong một môi trường coi trọng việc Là Người Đúng hơn là thừa nhận những thiếu sót của bản thân, và tôi được đào tạo về nghệ thuật bảo vệ bản thân, có kỹ năng Biện minh, Hợp lý hóa và Đổ lỗi cho người khác. (trang 161)
Nhưng làm thế thế nào để cha mẹ ở đúng vị thế? Đó chính là xây dựng kết nối sâu sắc và lắng nghe con bằng sự hiện diện trong trong giây phút thực tại bên con.
Sứ mệnh của cha mẹ
Tôi tin bản chất của con người không xấu, chúng ta đều tốt nhưng tốt theo những cách khác nhau- và sự khác biệt đó đôi khi bị hiểu lầm là xấu khi chúng không phù hợp.
Làm cha mẹ là làm gì? Sẽ có nhiều việc cần làm, nhưng mong cha mẹ đừng quên việc quan trọng nhất: “Hiện diện bên con”. Chúng ta không chỉ nuôi dưỡng con bằng vật chất mà còn bằng tinh thần. Nếu thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ, mối tương giao giữa cha mẹ và con cái sẽ không được hình thành và đến lúc cha mẹ chợt nhận ra mình muốn kết nối với con thì con cái đã không còn cảm thấy cần phải kết nối với cha mẹ nữa.
Chặng đường kết nối với con không hề dễ dàng, nhưng đó cũng là sứ mệnh vinh quang mà cha mẹ đảm nhiệm khi đón con đến với thế giới. Tác giả Susan Stiffelman gợi ý giao tiếp lành mạnh và tăng cường kết nối với con gồm các hoạt động:
-Làm gương về cách cư xử tốt
-Đối phó với cơn giận dữ
-Kể sự thật
-Lắng nghe một cách tôn trọng
-Kết nối thông qua nói chuyện phiếm
Con cái cần cha mẹ như là những người đồng hành đáng tin cậy, không phải bên trên con, bên dưới con mà là ở bên con.
Nếu tóm gọn, cuốn sách “Hiện diện bên con” là diễn giải chi tiết nhận xét:
“Liệu có ai trong chúng ta có đủ sự trưởng thành trước khi có con? Giá trị của hôn nhân không phải là người lớn sinh ra những đứa trẻ mà là đứa trẻ làm người lớn trở nên trưởng thành.” (trang 10)
Cuốn sách sẽ một lần nữa nhắc nhở các bậc cha mẹ về sứ mệnh làm cha mẹ- hành trình vinh quang, dù chưa hoàn hảo nhưng cũng không ngừng vươn đến sự hoàn thiện.
Về tác giả
Susan Stiffelman là nhà báo phụ trách chuyên mục “Parent Coach” trên tờ Huffington Post uy tín và là tác giả của hai cuốn “Nuôi con bằng trái tim tỉnh thức” và “Hiện diện bên con”. Cô còn là một nhà tâm lý trị liệu về cặp đôi và gia đình, một giảng viên, một diễn giả quốc tế.
Cuốn sách “Hiện diện bên con” nằm trong Eckhart Tolle Editions: khởi phát năm 2015 để xuất bản những tác phẩm để đời, mới lẫn cũ được chính Eckhart Tolle lựa chọn. Loạt sách này nằm dưới sự bảo trợ và giới thiệu của New World Library nhằm đưa những cuốn sách giúp chuyển hóa tâm thức và thức tỉnh người đọc tới một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa và hiện diện..
Theo John Gray (tác giả cuốn “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”):
“Susan Stiffelman có một trái tim và tâm hồn đong đầy tình yêu thương vô bờ bến nhưng cô cũng rất tỉnh táo bám chắc vào nền tảng tri thức và hiểu biết. Cô khiến cho việc nuôi dạy con cái trở nên dễ dàng hơn nhờ cung cấp rất nhiều tri thức và hướng dẫn cho các bậc làm cha làm mẹ, để từ đó họ có thể gắn bó sâu sắc với con cái mình.”
Còn với Ari Andersen thì:
“Mẹ là một người mẹ tuyệt vời, và con nghĩ nhiều người sẽ vỡ ra nhiều điều và ngày càng trưởng thành hơn với tư cách là cha mẹ khi họ đọc cuốn sách này. Nhưng mang đừng quên, không có con của mẹ thì cũng chẳng có cuốn sách này đâu.”
Ari Andersen chính là con trai của tác giả Susan Stiffelman, lúc viết những dòng này cậu mới 17 tuổi./.