[Review Sách] Người thầy

  1. Giáo dục

 Cuốn sách Người thầy- Hồi ức của một nhà giáo Mĩ. (Tên gốc: Teacher Man – A Memoir) của tác giả Frank McCourt, dịch giả Lê Chu Cầu. Đây là một tác phẩm chân thực, tỉnh táo về nghề dạy học nên rất phù hợp với những ai thực sự muốn dấn thân vào con đường giáo dục.


1. Làm Thầy

Hành trình gian nan của nhà giáo trẻ từ Ireland đến New York lập nghiệp rồi cuối cùng trở thành giáo viên là mạch nguồn của tác phẩm độc đáo này. Nếu độc giả đã từng nghe đến câu nói “Cuộc đời dở tệ sẽ góp phần viết nên những áng văn hay” thì điều ấy là hoàn toàn đúng với Người thầy. Người thầy- tức Frank McCourt đã bị sa thải không ít lần rồi lại tiếp tục tìm kiếm cơ hội để theo nghiệp giáo. Sau mỗi lần mất việc, ông giáo lại càng cá tính hơn, thực tế hơn và hóm hỉnh hơn bằng sự điềm đạm đầy thách thức trước những vùng an toàn trong giáo dục mà các đồng nghiệp của mình đang cố thủ.

Mở đầu cho chặng đường hơn ba mươi năm dạy học tại các trường trung học ở New York của Frank McCourt là buổi đầu đi dạy ông đã nhặt mẩu bánh học sinh đang ném nhau- để ăn ngon lành.

Hành động này tạo nên hiệu ứng chấn động với ông hiệu trưởng lẫn đám học trò. Ông hiệu trưởng cho rằng điều ấy là sai quy tắc, làm xấu hình ảnh mẫu mực của nhà giáo. Học sinh thì lại cho rằng ông thầy mới thật thú vị và chúng chăm chú xem ông ta sẽ làm gì tiếp theo.

Câu trả lời là những giờ giảng hào hứng, sôi nổi với những hành động vượt qua mọi giới hạn gò bó. Mặc cho treo trên đầu là chỉ trích từ cấp trên, ngang bên tai là cảnh cáo từ đồng nghiệp nhưng trong mắt thầy giáo trẻ ấy luôn là những đứa trẻ vị thành niên cần nâng đỡ, bảo ban. Ông đã tiếp tục trải nghiệm cả niềm hạnh phúc khi dạy học và cả sự phũ phàng của những bất hạnh trong đời sống cá nhân bằng thái độ lạc quan, pha chút bất cần của một ông thầy xuất thân từ tầng lớp lao động.


Ông trao cho học sinh cơ hội ngắm nhìn thế giới bằng chính đôi mắt và thay đổi thế giới ấy cũng bằng chính trí tưởng tượng của chúng, dù thấu hiểu:

“ Anh tập tọng làm nhà giáo, không dễ ăn đâu nhé. Ta biết chứ. Ta từng mà. Anh làm cảnh sát xem ra dễ hơn đấy. Ít ra anh cũng có khẩu súng hay dùi cui để tự vệ. Còn thầy giáo chẳng có gì hết ngoài cái miệng. Nếu anh không học mà yêu lấy nghề thì đời anh sẽ khốn khổ thôi”.

Đó là góc nhìn thẳng thắn về công việc của một cá nhân đã sống đúng như một con người với đủ các cung bậc cảm xúc, những quyết định táo bạo, những phút e dè song hành cả đúng đắn và sai lầm. Thành công của Frank McCourt nằm ở chỗ: Ông đã làm người trọn vẹn, trước khi làm thầy.

2. Bài học kinh nghiệm của người thầy

Đọc người thầy, chúng ta có thể nhận ra rằng không ai có thể làm tốt cùng lúc mọi thứ ngay từ đầu. Đó là điều hoàn toàn đúng với cả người thầy lẫn người trò.

Bằng các câu chuyện chia sẻ tỉ mỉ những dấu ấn “vớ vẩn” trong cuộc đời của mình như: thất tình, đi làm bốc vác ở bến cảng, mỉa mai các vị hiệu trưởng, ly hôn, nỗ lực học cao không thành v.v... càng làm cho vở diễn bi – hài đan xen trong cuộc đời của Frank McCourt khiến người đọc lúc thì ngặt nghẽo cười khi thi thất thần hoang mang.

Học sinh của ông thì muốn nghe kể mãi những câu chuyện này trong khi bố mẹ của chúng lại chỉ mong muốn giáo viên làm đúng phận sự dạy học của mình. Để giúp họ gói ghém, đóng hộp cuộc đời lứa trò nhỏ vào vòng quay của tốt nghiệp, tìm kiếm việc làm, giàu có và lập gia đình càng sớm càng tốt.



Ông đã không làm như thế, bởi một nhà giáo dục đích thực không phải là công cụ và cũng không bao giờ trao công cụ để con người kiểm soát, định đoạt số phận của nhau. Nhà giáo dục truyền cảm hứng để mỗi cá nhân tự tìm ra điều mình cần làm trong cuộc sống vốn có vô vàn ngã rẽ. Frank McCourt cũng thấy sự thật phũ phàng song hành tồn tại với lý tưởng:

Có nhiều ông thầy dạy học mà chẳng thèm biết học trò nghĩ gì về họ cơ. Giáo án là chúa nhất. Những ông thầy này oai lắm. Họ chế ngự lớp học bằng chính tính cách họ kèm sự đe dọa: cây bút đỏ sẽ ghi vào phiếu điểm cái chữ F đáng sợ. Thông điệp họ gửi học trò là: Tôi là thầy giáo chứ không phải cố vấn của các em, không phải người để các em thổ lộ tâm tình, không phải bố mẹ các em. Tôi dạy một bộ môn: học hoặc không học, có thế thôi”.

Làm một người thầy tốt không dễ, vì khái niệm tốt của người trưởng thành thường rất mơ hồ. Nhưng làm một người thầy “được việc” thì dễ, thậm chí có phần nhàn tản, sung túc hơn. Vậy nên, khó lòng trách những ai phấn đấu để “được việc” khi dạy học- có chăng, nên tiếc cho họ vì điều ấy không thực sự đúng với bản chất công việc mà họ chọn, con đường giáo dục mà họ theo.

Lí do khiến chúng ta không thể buông cuốn sách xuống khi chưa kết thúc là bởi sự nỗ lực và tâm huyết của người thầy với tư duy đặc biệt, phương pháp đặc biệt dành cho những học sinh đặc biệt của mình, đã gây ra ấn tượng mạnh. Bản sắc riêng có thể giúp giáo viên giỏi hơn những cũng có thể khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn hơn trong nhiệm vụ của mình. Frank McCourt đã chứng minh phong cách giáo dục bằng chính sự nghiệp của mình với một nụ cười nhẹ khi kết thúc tác phẩm. Phải chăng ẩn sau nụ cười ấy là suy nghĩ: “Hóa ra làm thầy cũng không dễ, nhưng được cái vui?

Năm 1976, ông được phong danh hiệu Nhà giáo của Năm, danh hiệu cao quý của một nhà giáo Mỹ.

3. Tổng kết

Người thầy tổng hợp lại kinh nghiệm của một đời giáo tâm huyết ẩn sau gương mặt luôn dửng dưng với công việc, của tác giả Frank McCourt. Cuốn sách này giống một ông thầy dễ tính, sôi nổi, nhiệt tình, tràn đầy năng lượng nhưng chẳng tuân theo quy luật nào, khiến học trò luôn phải quan sát, thắc mắc.


Điểm hay của Người thầy là không diễn tả lại một hình tượng mẫu mực đóng khung, mà khắc họa thành công biến đổi của hình tượng mẫu mực ấy trong thực tế đầy thăng trầm. Tuy nhiên, người đọc cũng cần lưu ý về tính chất tự truyện của cuốn sách và bối cảnh, văn hóa, xã hội khác biệt để tự mình tiếp thu những giá trị phù hợp.

Khép lại cuốn sách, chúng ta sẽ hiểu được nhận xét của Ron Charles, The Washington Post: “…Ông đã miêu tả một người thầy mà tất cả chúng ta đều ao ước có được”.

Từ khóa: 

giáo dục

,

review sách

,

người thầy

,

frank mccourt

,

giáo dục