[Review sách] NGÔI NHÀ CỦA NGƯỜI CÁ SAY NGỦ

  1. Sách

  2. Tâm lý học

  3. Noron

- “Thế gian này có những thứ tham lam mấy cũng không thể bảo vệ nổi. Và tham lam vì con cái của mình thì chỉ có thể là người làm mẹ.” -

Tác giả: Higashino Keigo

Thể loại: Tâm lý xã hội (Văn học Nhật Bản)

______

Biết đến tác giả Higashino Keigo qua nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X hay Trứng chim cúc cu này thuộc về ai? với biệt tài không phải viết ra những cuốn sách rùng rợn, gay cấn, hồi hộp đến thót tim, mà là đan cài những vấn đề xã hội nhức nhối và các giá trị đạo đức của con người vào trong một tác phẩm chứa đầy bí ẩn, từ đó đặt ra những câu hỏi đầy thôi thúc về giá trị nhân sinh, về mối tương quan giữa con người với con người, về ranh giới mong manh giữa cái thiện - ác, đúng – sai… khiến người đọc mãi day dứt, trăn trở. Và Ngôi nhà của người cá say ngủ cũng là một tác phẩm như thế - một câu chuyện về tình thương và đức hi sinh của gia đình nói chung và của những bậc làm cha làm mẹ nói riêng.

-------

“Gia đình là nơi không ngừng yêu thương và không bao giờ bỏ cuộc”

Câu chuyện Ngôi nhà của người cá say ngủ xoay quanh một cặp vợ chồng đang ly thân và dự định sẽ ly hôn sau khi cô con gái Mizuho vào cấp một. Nhưng tin dữ bất ngờ ập đến: một vụ tai nạn không may đã xảy ra với cô bé ở bể bơi. Song sự thật còn đau đớn hơn gấp bội đó là bác sĩ chẩn đoán rằng Mizuho đã bị chết não (kiểu trạng thái người thực vật) trên đường đưa đến bệnh viện, tuy nhiên, điều kì lạ là trái tim nhỏ bé của cô vẫn còn đang đập và những ràng buộc riêng trên mặt luật pháp đã không cho vị bác sĩ nào dám khẳng định cô bé đã tử vong.

https://cdn.noron.vn/2021/06/23/26610882515452919-1624447865_1024.jpg

--------

Higashino Keigo đã đặt ra một câu hỏi khiến bất cứ ai theo dõi câu chuyện này đều cảm thấy hoang mang: “Trường hợp trẻ em bị chết não thì luật pháp yêu cầu bố mẹ đưa ra quyết định có chấp nhận báo tử và có hiến xác hay không?” Nếu bố mẹ chấp nhận thì bệnh viện sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng não – cách duy nhất có thể biết được não của bệnh nhân có thực sự chết hẳn hay chưa, nếu không đồng ý thì bệnh nhân sẽ vẫn cứ nằm trong tình trạng người thực vật như thế cho tới khi tỉnh lại. Tuy nhiên, trong khi đó, ở các bệnh viện khác còn rất nhiều bệnh nhi mắc các chứng bệnh nan y đang mòn mỏi từng ngày chờ người hiến tạng thích hợp. Nếu đặt mình vào vị trí người làm cha làm mẹ ấy, liệu bạn có dám dứt khoát đưa ra quyết định không?

-------

“Vậy kẻ hại chết con gái tôi sẽ là tôi sao?”

Nếu đó là nội tạng của bản thân thì dễ dàng rồi, nhưng… nếu đó là của những người thân yêu của ta, chính xác nếu đó là của một đứa trẻ 6 tuổi hoạt bát, đáng yêu, là đứa con mình dứt ruột sinh ra thì liệu ta có phân vân, trăn trở như vậy?

Với mong muốn và hi vọng nhỏ nhoi cô bé sẽ hồi tỉnh cùng bản năng của một bà mẹ, từng ngày trôi qua trong tuyệt vọng, người mẹ quyết định sẽ không hiến tạng của Mizuho mà nhờ sự can thiệp của công nghệ để giúp cô bé tiếp tục sống.

“Thế gian này có những thứ tham lam mấy cũng không thể bảo vệ nổi. Và tham lam vì con cái của mình thì chỉ có thể là người làm mẹ.” (Higashino Keigo)

https://cdn.noron.vn/2021/06/23/26610882515452921-1624447984_1024.jpg

-------

Không chỉ đơn thuần là một câu chuyện bi kịch, Higashino Keigo tập trung đào sâu vào trong cảm xúc, tình cảm của con người. Trong tác phẩm này, ông đã khắc họa rõ nét tình mẫu tử thiêng liêng và tình cảm vĩ đại nhất trên thế gian này - tình cảm gia đình, tương tự trong Trứng chim cúc cu này thuộc về ai? – một tác phẩm cũng thuộc thể loại tâm lý xã hội được xuất bản ở Việt Nam vào năm 2016.

Độc giả đôi lúc sẽ cảm thấy người mẹ này vừa đáng thương vừa đáng giận. Mặc cho người thân xung quanh cảm thấy như thế nào, người mẹ vẫn một mực kiên quyết nhờ đến kỹ thuật khoa học tiên tiến nhất để cô bé tự thở mà không cần máy hô hấp: “Tôi chỉ muốn con gái của mình được thở thôi!” - Một câu nói nghe đau đến nhói lòng, bà không cần ước mơ cao sang gì khác, ước mơ ấy đơn giản chỉ là muốn Mizuho được thở, để tin rằng đó là dấu hiệu cô con gái bé nhỏ của mình vẫn còn tồn tại trên thế giới này.

Nhưng, liệu cố gắng níu giữ “sự tồn tại” của một người đã chết có ý nghĩa gì? Hay đây chỉ là sự ích kỷ của bản thân họ? Và rồi, càng về sau, độc giả sẽ thấy được tình cảm của bà mẹ đã trở nên “đáng sợ” và “kỳ quái” hơn. Nếu không được cảnh tỉnh kịp thời thì có thể số phận của các nhân vật sẽ tồi tệ thêm. Đó là lúc lý trí cần lên tiếng.

https://cdn.noron.vn/2021/06/23/26610882515452922-1624447999_1024.jpg

--------

Mình thích từ lời văn cho đến mạch truyện của tác phẩm, tuy có ít tình tiết gay cấn nhưng đầy quyết định bất ngờ. Những tư duy và tâm lý của nhân vật thể hiện tinh tế qua những lời văn chân thật, đầy xúc động, ta có thể cảm nhận được nỗi đau giằng xé của bậc làm cha làm mẹ hay sự trăn trở, dằn vặt trước khi phải đi đến quyết định cuối cùng. Đồng thời, qua “Ngôi nhà của người cá say ngủ”, người đọc có thể hiểu rõ hơn về chế độ và quy định của ngành y tại Nhật Bản về vấn đề “chết não ở tuổi vị thành niên”. Tất cả đều được phác họa chân thực mà vô cùng cảm động. Những cảm xúc của câu chuyện sau khi khép trang sách cuối lại vẫn ở đó, lắng đọng thật sâu trong tâm trí của người đọc, khó phai mờ, để mình cũng như các độc giả khác phải trăn trở, day dứt về nỗi niềm nào đó, hoặc cảm giác được một phần mình cũng từng trải qua như các nhân vật trong câu chuyện.

------------

Cuối cùng, “Ngôi nhà của người cá say ngủ” có một kết thúc mở, theo mình là khá trọn vẹn. Có lẽ cuốn sách như một lời gợi nhắc về tình cảm gia đình, về tấm lòng của những người làm cha làm mẹ dành cho những đứa con của mình bởi “gia đình là nơi không ngừng yêu thương và không bao giờ bỏ cuộc”. Giống như người cá vậy, cô bé Mizuho có một trái tim thật đẹp, những nhịp đập yếu ớt của trái tim bé nhỏ ấy vẫn muốn gửi gắm đến cha mẹ lời yêu chưa một lần nói ra.

——

Thank you for reading!

Review & Photo by @Thu Hồng Hoàng.

Từ khóa: 

review sách

,

book review

,

tâm lý xã

,

sách

,

tâm lý học

,

noron

Thường những quyết định bao giờ cũng để lại cho người ta chút gì đó hối hận. Việc cân bằng hoàn toàn lý trí và tình cảm để đưa ra quyết định thật sự rất khó

Trả lời

Thường những quyết định bao giờ cũng để lại cho người ta chút gì đó hối hận. Việc cân bằng hoàn toàn lý trí và tình cảm để đưa ra quyết định thật sự rất khó

Cô bé và người mẹ đáng thương quá...

Mình nghĩ trong tình huống éo le bản chất con người sẽ dễ dàng bộc lộ hơn, thế nhưng quyết định hoàn toàn dựa trên lý trí hoặc thuần túy tình cảm đôi lúc khiến cho con người ta cảm thấy ân hận bởi chính lựa chọn của bản thân.