[Review Sách] Musashi: Giang hồ kiếm khách

  1. Sách

  2. Sáng tác

  3. Tâm sự cuộc sống

Bộ tiểu thuyết Musashi – Giang hồ kiếm khách của tác giả Yoshikawa Eiji để lại cho tôi bài học đáng suy ngẫm về chặng đường của người cầu Đạo. Tôi xin chia sẻ lại những giá trị ấy cùng bạn đọc.

https://cdn.noron.vn/2021/08/25/samurai-22586041920-1629860221.jpg

Trí tuệ và tính cách

Con người sinh ra có tính cách và hoàn toàn có quyền rèn luyện để hoàn thiện những nét tính cách ấy. Với bản năng hung tàn, Takezo chẳng thể thoát ra được sự u tối để đạt đến trí tuệ nếu không có sự chỉ dẫn của thiền sư Takuan. Môt bậc thầy kiếm đạo sinh ra từ thiền đạo và sau này, thiền đạo, kiếm đạo hợp nhất dưới tên gọi mới của Takezo: Miyamoto Musashi.

Bằng sự sáng suốt, tình thương nhưng cũng rất mực nghiêm khắc của mình, thiền sư Takuan đã hoán cải tâm hồn Musashi. Sau khi đánh tan ngã chấp ngang tàng, ưa giết chóc của Musashi, ông dành cho anh ba năm lăng lẽ trong căn phòng cách biệt để học lại cách làm người. Những bậc thầy lớn thường coi trọng tính cách của học trò cũng bởi tầm nhìn của họ xa hơn học trò rất nhiều. Họ biết trí tuệ thực sự chỉ nảy sinh nếu người trò đó mang nhân tính.

Thông qua suy ngẫm, Musashi đã đạt được sự đột phá khi nhận ra sai lầm của bản thân, sự dữ tợn khiến anh bị ghét bỏ và sức mạnh đến mức cuồng dại của anh chỉ dẫn anh đến địa ngục sâu thẳm. Khi đọc sách, anh khám phá thêm về sự dốt nát của chính mình và được khơi lại ước vọng về cuộc đời đúng đắn mà một chiến sĩ Samurai nên có. Lòng khát khao cầu Đạo xuất hiện sau khi màn đêm của vô minh tan biến, Musashi được sinh ra lần thứ hai.

Chiến thắng thực sự là không còn ảo vọng

Trong những năm đầu, Musashi quyết chí lên đường để so tài cùng các kiếm khách đương thời. Anh tìm kiếm tài năng của thiên hạ để khẳng định tài năng của chính mình. Lưỡi gươm của anh luôn chực chờ tước ra khỏi vỏ để phân định thắng, thua.

Musashi không coi trọng những lề lối truyền thống hay thịnh suy của các môn phái. Anh khao khát chiến thắng và tìm đến tất cả những kẻ sẵn sàng hay chưa sẵn sàng đấu với anh. Tài năng càng tấn tới thì số sinh mạng bị anh tước đi càng tăng theo. Anh chém giết có mục đích và tin rằng bất kì ai đã chọn con đường samurai cũng phải chấp nhận sự vô thường của cuộc đời và cái chết.

Những chiến thắng được đánh đổi bằng sinh mệnh và những cuộc đời mất đi song mối thù ở lại là thứ ngập tràn con đường Đạo của anh. Nhưng may mắn thay, anh đã kịp thời dừng lại lắng nghe. Anh lắng nghe ham muốn chiến thắng của mình và tiếng thét của kẻ thất trận xấu số; anh nghe những lời ca ngợi và những lời nguyền rủa. Musashi một lần nữa nhận thấy sự lầm lạc trong chính anh, thay vì thanh kiếm, anh cần buông bỏ bản thân mình khỏi sự tự mãn. Con đường cầu Đạo lâu dài và gian khổ anh chọn không cần những chiến thắng hời hợt ấy. Nó yêu cầu cao hơn thế rất nhiều.

Musashi hiểu hơn về thanh gươm và về chính anh, con người chọn cầm gươm để đắc Đạo. Chân Đạo của người chiến sĩ không phải là cái chết, mà là sự sống.

https://cdn.noron.vn/2021/08/25/museum-39589581920-1629860221.jpg

Bậc thầy là người thấu hiểu sự sống

Đoạn Musashi cùng Iori quyết tâm cải tạo đất đai để làm ruộng và giúp những người nông dân chiến thắng giặc cướp khiến tôi rất yêu thích. Hành động đó đã nâng anh từ một kiếm sĩ xuất chúng trở thành bậc thầy của kiếm đạo.

Musashi không chiến đấu với những kẻ thù bên ngoài nữa. Anh chiến đấu với kẻ thù bên trong anh, với những tham – sân – si của nhân loại mà anh là một trong số đó. Đôi tay anh không còn cầm kiếm để thực hiện tham vọng của cá nhân anh, mà cầm kiếm để chiến đấu chống lại những điều xấu xa và gìn giữ những điều tốt đẹp. Anh chính thức trở thành biểu tượng cho đức tính phụng sự của một samurai đích thực. Nhưng thay vì phục sự cá nhân, tổ chức thì anh phụng sự cho sự sống tự nhiên- đồng thời cũng là người thầy chỉ bảo anh mọi điều hiển hiện cũng như bí ẩn của kiếp người.

Trên chặng cuối của con đường, anh gặp Thiền sư Gudo. Ông vẽ nên vòng tròn nơi anh đứng. Musashi không còn chìm trong bế tắc nữa và cũng không còn những ảo vọng phân vân giữa việc trở thành một kiếm khách nổi danh hay trở thành phu quân của nàng Otsu xinh đẹp. Con đường Đạo bất tận kết thúc bằng vòng tròn song vòng tròn lại không có kết thúc.

Con người không xấu xa, họ chỉ lầm lạc

Ngoài Musashi, các nhân vật trong tiểu thuyết cũng rất thú vị, mang âm hưởng vừa trần tục, vừa thanh cao. Ngoài những bậc siêu phàm như thiền sư Takuan, lão tướng Sekikusai, cô Otsu, thầy Gudo, nghệ thuật gia Koetsu thì còn các số kiếp đời thường tưởng chừng xấu xa mà lại không phải vậy.

Đó là Matahachi hết lầm lỗi này sang lầm lỗi khác; cô Akemi đáng thương song cũng đáng trách; Sasaki Kojiro lắm tài nhiều tật, bà Osugi cay độc vì oán hận hay Seijuro mê mờ trong tửu sắc. Tất cả họ góp phần làm cho bộ tiểu thuyết trở nên sinh động hơn. Đó cũng là bức tranh nhân sinh mà trải qua biết bao thời đại vẫn không mảy may thay đổi.

Con người không xấu xa, mà họ thường xuyên lầm lạc. Cứ mỗi lần lầm lạc, họ lại đánh mất bản thân một chút, thêm mê mờ một chút. Tuy nhiên, nếu có bậc trí tuệ, bao dung kịp thời cảnh tỉnh vẫn thì có thể cứu vớt được họ.

Trong đời này, những trái tim tinh tấn, mạnh mẽ như Musashi là không nhiều. Hầu hết, con người luôn phải vật lộn với chính mình. Quá trình ấy chiến đấu dai dẳng ấy minh chứng Phật tính trong họ.

Không ai trao tặng cho bạn danh dự và sự vĩ đại

Trở thành tay kiếm phục vụ lãnh chúa, được làm thầy dạy của Tướng Quân, lương bổng hàng chục ngàn thùng gạo v.v… những lý tưởng trai trẻ đã dần dần lùi vào quên lãng của Musashi.

Anh hiểu rõ bản thân mình muốn gì và kiên định theo đuổi. Musashi không mong muốn tiến thân để trở thành công cụ trong tay người khác. Anh muốn khai phá con đường mà số phận trao cho anh, để trở nên danh dự và vĩ đại trong chính tên gọi của mình mà không cần chức tước hay bổng lộc nào kèm theo.

Nếu Sasaki Kojiro kịp nhận ra anh thua kém Musashi vô cùng ở điểm này, thì có lẽ anh đã không uổng mạng.

Trí năng tột bậc của bậc thầy Kiếm đạo Miyamoto Musashi đã đo lường và thấu suốt mọi địch thủ. Do đó, về mặt tâm lý hay chiến lược anh bất bại. Không kỹ thuật nào trên đời đủ mạnh để đánh bại được con người như thế. Musashi đã can đảm biến chiến pháp thành cuộc đời và biến các kỹ thuật thành tinh thần bất bại không giống với bất kì ai ở thời đại đó.

Kết thúc bộ tiểu thuyết là chuyến ra khơi của Musashi. Anh đã thuộc về biển và thuộc về tự do vĩnh cửu trên con đường mình theo đuổi. Tên tuổi của anh trở thành huyền thoại, nhưng đó cũng không còn là điều anh bận tâm nhiều như năm tháng trẻ tuổi nữa.

Dù không có tên, núi vẫn là núi. Dù không có tên, biển vẫn là biển.

https://cdn.noron.vn/2021/08/25/mount-fuji-23329541920-1629860221.jpg

Thay cho lời kết

Tôi không nhớ chính xác, nhưng có lẽ trọn bộ tiểu thuyết Musashi – Giang hồ kiếm khách gồm năm tập có dung lượng khoảng một nghìn năm trăm trang.

Tôi cảm thấy thật may mắn khi tìm mua được bộ tiểu thuyết này, bởi mặc dù mang tính chất hư cấu, tác phẩm cũng giúp tôi hình dung được phần nào về cuộc đời của bậc thầy đã viết nên cuốn Ngũ Luân Thư lừng danh.

Bậc thầy là con người sáng tỏ con đường của chính họ trước khi chỉ dạy lại cho người trò.

Mọi Đạo trên đời đều vô nghĩa, nếu như không góp phần làm sáng tỏ chính Đạo bên trong mỗi chúng ta.

Từ khóa: 

miyamoto musashi

,

giang hồ kiếm khách

,

yoshikawa eiji

,

review sách

,

nguyễn phú hoàng nam

,

sách

,

sáng tác

,

tâm sự cuộc sống

Musashi để lại cuốn Ngũ luân thư. Ông là kiếm khách nhưng cách ông dùng kiếm lại như binh pháp tức là quy mô lớn hơn rất nhiều, thanh kiếm ở đây giống như "Đạo" tâm trí - tâm thế đối diện phân tích xử lý vấn đề.
Quyển này sau cũng như quyển "binh pháp Tôn Tử" được nhiều người đọc và áp dụng vào nhiều lĩnh vực nhất là kinh doanh.
Trả lời
Musashi để lại cuốn Ngũ luân thư. Ông là kiếm khách nhưng cách ông dùng kiếm lại như binh pháp tức là quy mô lớn hơn rất nhiều, thanh kiếm ở đây giống như "Đạo" tâm trí - tâm thế đối diện phân tích xử lý vấn đề.
Quyển này sau cũng như quyển "binh pháp Tôn Tử" được nhiều người đọc và áp dụng vào nhiều lĩnh vực nhất là kinh doanh.