[Review sách] Mùa lá rụng trong vườn
Mình vừa đọc xong cuốn "Mùa lá rụng trong vườn" và tâm trí mình vẫn còn bay bổng trong câu chuyện và các nhân vật.
Với không gian gần như chỉ gói gọn trong một căn nhà, xoay quanh một gia đình Hà Nội vẫn còn duy trì nếp sống cổ. Tác giả cho ta nếm trải trọn vẹn vẻ đẹp, nếp sống, văn hoá của đất nước những năm đầu sau chiến tranh. Những suy nghĩ mới - cũ trộn lẫn, từng nhân vật được chăm chút cẩn thận và vô cùng đặc sắc, mình tự hỏi tác giả phải có vốn sống như thế nào mới có thể nắm rõ nhân vật của mình như vậy.
Đó là Đông: Trung tá quân đội về hưu, suy nghĩ đơn giản, nhưng cũng hời hợt và thiếu trách nhiệm.
Lý: Vợ Đông, ít học nhưng khôn khéo, Lý thích nghi rất nhanh với thời cuộc nhưng cũng dễ bị những cám dỗ vật chất lôi cuốn.
Luận: Em trai Đông, người mình thích nhất trong truyện, thông minh, sâu sắc, nhân hậu, vị tha, tuy có những lúc rất "người".
Phượng: Vợ Luận, người phụ nữ đảm đang, tốt bụng có phần hơn Luận, sống tình cảm nhưng khi cần cũng rất lý trí.
Và một số nhân vật khác cũng có những nét rất riêng mà khi đọc ta có thể hình dung ra khuôn mặt, nét đứng nét ngồi, giọng nói, nụ cười... ôi ông Ma Văn Kháng thật tài tình.
Tác giả lồng ghép nội dung tình cảm gia đình, tôn vinh các giá trị đạo đức nhưng hoàn toàn không khiên cưỡng, ngược lại xem xong tác phẩm ta chỉ có thể nói nó hợp lý đến mức không thể hợp lý hơn. Một số đoạn còn thể hiện tư tưởng phóng khoáng, đi trước thời đại của tác giả, chẳng hạn như nhìn nhận thói quen đánh đập con cái, phân biệt đối xử là điều mà người lớn chưa đúng.
Lời văn trau chuốt, cẩn thận, dễ đọc, mình kết thúc cuốn sách trong tiếc nuối, ước gì nó dài hơn. Cũng xém khóc, vì nó.. quá đẹp. Cái kết để mở nhưng thế là đủ để chúng ta cảm nhận được thông điệp và sự nhân văn mà tác giả gửi gắm.
Mình sẽ rất vui nếu các bạn bỏ thời gian đọc tác phẩm, để nhìn lại một thời đã qua tuy gian khó nhưng cũng rất đẹp của đất nước Việt Nam thân yêu.
sách
Ma Văn Kháng là một nhà văn người Hà Nội gốc nhưng lên công tác một thời gian dài ở miền núi Tây Bắc. Ông viết khá nhiều chuyện về những người dân Tây Bắc chất phác, mộc mạc. Giọng văn của ông có cái tinh tế của người Hà Nội, lại có cái mộc mạc, thuần chất đặc trưng của người miền núi. Mình biết đến ông cũng từ cuốn sách này, một giọng văn đặc biệt, mô tả tâm lý đặc sắc lại có cách ví von, miêu tả nhuần nhị đầy hình ảnh.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Huyen Thuong
Ma Văn Kháng là một nhà văn người Hà Nội gốc nhưng lên công tác một thời gian dài ở miền núi Tây Bắc. Ông viết khá nhiều chuyện về những người dân Tây Bắc chất phác, mộc mạc. Giọng văn của ông có cái tinh tế của người Hà Nội, lại có cái mộc mạc, thuần chất đặc trưng của người miền núi. Mình biết đến ông cũng từ cuốn sách này, một giọng văn đặc biệt, mô tả tâm lý đặc sắc lại có cách ví von, miêu tả nhuần nhị đầy hình ảnh.
Nguyenphuhoang Nam
Cảm ơn bạn đã chia sẻ bài review này. Đọc về những phố cũ, người cũ của Hà Nội luôn mang lại cảm giác bồi hồi về một thời cuộc sống tuy diễn ra chưa nhanh nhưng không ai bị bỏ lỡ điều gì. Hà Nội của những năm ấy thật lãng mạn, nên thơ và đáng sống. Đôi lúc chạnh lòng tự hỏi là "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?"
Chung Bùi
Ồ, lâu rồi mình mới gặp một bài viết về tác phẩm văn học Việt Nam đấy. Nếu mình nhớ không nhầm thì trong chương trình Ngữ văn 12 có đoạn trích tác phẩm này thì phải. Câu chuyện đúng thật nhẹ nhàng và đẹp nữa, tình người Hà Nội lúc ấy cũng thật đẹp