[Review Sách] Máu bẩn

  1. Sách

https://cdn.noron.vn/2023/06/09/391086458589665-1686283496.jpg

Tóm lược vụ việc

Năm 2015, nhà sáng lập kiêm CEO của Theranos, Elizabeth Holmes, được công nhận rộng rãi là Steve Jobs của nữ giới: một sinh viên xuất sắc của Stanford bỏ học giữa chừng để khởi nghiệp và xây dựng được một công ty “kỳ lân”, hứa hẹn sẽ làm cuộc cách mạng trong ngành y với một thiết bị giúp thực hiện xét nghiệm máu nhanh hơn và dễ dàng hơn rất nhiều so với các công nghệ hiện tại. Với sự hậu thuẫn của những nhà đầu tư đình đám như Larry Ellison và Tim Draper, Theranos đã bán được lượng cổ phiếu lớn trong một vòng đầu tư định giá công ty này ở mức 9 tỉ đô-la, đưa Holmes trở thành một trong những nữ tỷ phú trẻ với số tài sản ước tính 4,5 tỷ đô-la. Chỉ có một vấn đề duy nhất: công nghệ của họ không hoạt động.

Suốt nhiều năm, Holmes đã dắt mũi các nhà đầu tư và đối tác bán lẻ như Safeway và Walgreens, che giấu sự thật rằng công nghệ của cô khiếm khuyết và có những hạn chế nghiêm trọng. Trong khi đó, Holmes và cộng sự của mình là Sunny Balwani lại tạo ra một môi trường làm việc khắc nghiệt và đầy bí mật, trong đó các nhân viên của Theranos thường xuyên thấy đồng nghiệp bị sa thải vì lên tiếng tố cáo những sai phạm. Hành vi lừa đảo của họ tạo ra gần 1 triệu kết quả xét nghiệm giả, trong đó có những kết quả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân.

Khi John Carreyrou, một phóng viên của tờ Wall Street Journal, biết được manh mối thông tin và bắt tay vào điều tra, cả ông và tạp chí này cũng như nhiều nguồn tin của họ đều nhận được những lời đe dọa từ phía Theranos. Không nản lòng, Wall Street Journal đăng loạt bài đầu tiên về Theranos vào cuối năm 2015. Tới đầu năm 2017, giá trị của công ty tỷ đô này về ngưỡng 0, và tới tháng 6/2018, Holmes bị kết án với nhiều tội danh khác nhau.

(Trích từ bìa trước sách “Máu bẩn”)

Cảm nhận bản thân

Cuốn sách tường thuật lại một vụ việc có thật nên tôi nghĩ rằng mình cần tóm lược lại những điểm chính trước khi chia sẻ cảm nghĩ. Nếu nhìn ở góc độ cảm thông, có lẽ “Máu bẩn” kể về câu chuyện của thiên thần sa ngã, nhưng thẳng thắn hơn một chút, có lẽ đây là câu chuyện kể về ác quỷ đội lốt thiên thần.

Bởi tôi nghĩ rằng nếu chỉ đơn thuần là lòng tốt cộng thêm một chút thiếu hiểu biết thì Theranos không thể gây ra thiệt hại to lớn, lâu dài như vậy. Nhà sáng lập Theranos thực sự có lòng tham và tham vọng quá lớn ấy đã khiến cô đánh mất tất cả- nhưng trớ trêu, tham vọng ấy lại trở thành chất xúc tác khiến cô thành công ở giai đoạn đầu trong một bối cảnh sôi sục với “cơn sốt tìm vàng của thung lũng Silicon” và giấc mơ các công ty khởi nghiệp “Kỳ lân”.

Để thành công, Elizabeth Holmes đã bắt chước người thành công. Cô thần tượng Steve Job: từ cách điều hành, các sáng chế cho đến cách ăn mặc của ông. Cô cũng tạo dựng cho mình vài cú bẻ lái kịch tính, để chứng tỏ sự khác biệt như: bỏ học giữa chừng ở Stanford, thành lập doanh nghiệp khi còn rất trẻ, tuyên bố mình có thể tạo ra những sản phẩm quá tốt (để có thể là có thật), thực hiện các vòng gọi vốn và các vụ tranh tụng đình đám.

Elizabeth Holmes đã trượt dần từ một cô gái trẻ tuổi, sáng dạ, có hoài bão sang vực thẳm của một con người xảo trá, lợi dụng vẻ ngoài lanh lợi của mình để thao túng người khác. Tổng kết lại sự tha hóa này, nhà báo John Carreyrou đã nhận xét chính xác như sau:

Xét ở nhiều góc độ, cô có một tầm nhìn mà cô thực lòng tin tưởng và nỗ lực hết sức để biến nó thành hiện thực. Nhưng trên con đường mải mê chinh phục để trở thành Steve Job phiên bản thứ hai giữa cơn sốt vàng của sự bùng nổ các công ty “kỳ lân”, dần dà cũng đến lúc cô ngừng lắng nghe những lời khuyên chí tình chí lý và chuyển sang tìm những lối đi tắt. Hoài bão trở thành tham vọng, và nó không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào. Nếu có thiệt hại ngoài dự kiến nào trên hành trình tìm kiếm tiền tài và danh vọng của cô, thì đành chịu vậy (trang 370)

Cô đã thực sự trở thành một siêu lừa với đường lối đối nội chặt chẽ, độc đoán trong doanh nghiệp của mình nhưng lại hóa thân thành một nữ tỷ phú nổi danh, có đường lối đối ngoại phóng khoáng, thân thiện và tạo dựng quan hệ rất tốt với các quan chức chính phủ và cả giới đầu tư.

Có lẽ nếu đủ tỉnh táo, và bớt tham lam hơn, những nhà đầu tư đặt niềm tin nơi cô sẽ nhận ra sai lầm chí mạng của họ: Elizabeth Holmes thực sự đã bán tham vọng, lời hứa và ước mơ thay vì những giá trị thực. Bản thân cô không có giá trị thực nên cô không thể đem trao đi giá trị ấy.

Những con người tưởng chừng thực dụng nhất và sắc sảo nhất cuối cùng lại sập bẫy những thứ lý thuyết và công thức nhất. Có lẽ nỗi cay đắng này rõ rệt hơn nỗi đau bị thiệt hại tài sản- vì chính trị gia và nhà tư bản vốn dĩ là những con người có lòng tự tôn rất cao.

https://cdn.noron.vn/2023/06/09/68593654410707-1686283569.jpg

Một vài băn khoăn

Trong phần này tôi sẽ chia sẻ một vài thắc mắc của bản thân và thử giải thích theo ý kiến chủ quan. Những lý giải này là góc nhìn cá nhân, nên sẽ khó bao quát được mọi góc độ của sự thực. Tôi hy vọng rằng một chút gợi mở ấy sẽ giúp chúng ta cùng nhau nhìn lại những điểm trọng yếu (và biết đâu là rút ra các quy luật) để những sự kiện tương tự sẽ không có cơ hội lặp lại.

Thiệt hại của các vụ lừa đảo không chỉ đơn thuần là tài sản, mà nó còn gây nên sự tổn thất nghiêm trọng nơi lòng tin giữa con người với con người và đôi khi gây ra khó khăn đáng kể cho những doanh nhân làm ăn chân chính.

Vì sao các nhà đầu tư có thể tin tưởng một cá nhân bỏ học giữa chừng sẽ đủ kiên nhẫn đi đến cùng hoài bão của bản thân?

Đây là điểm đầu tiên tôi thấy rất vô lý. Dù có thần tượng (thậm chí là mê cuồng) những tấm gương thành đạt sau khi bỏ học đến đâu, thì cũng chúng ta không thể vội vàng tin ai đó sẽ thành công bền vững sau khi chứng kiến họ bỏ qua mọi thứ để điên cuồng lao tới thành công. Dù có thực sự rất thông minh đi chăng nữa, thì những bước “nhảy cóc”, “đi tắt” này sẽ khiến họ rơi vào tình huống “thông minh quá nên bị thông minh hại”.

Trong cuốn sách “Khởi hành – Lời khuyên sinh viên Việt Nam”, tác giả John Vu đã khẳng định việc học đại học (hoặc các môi trường đào tạo chính quy, bài bản tương đương) có đóng góp rất lớn cho sự kiến tạo tương lai bền vững của giới trẻ. Nếu một cá nhân không thể kiên trì hoàn thành chương trình giáo dục căn bản thì tôi tin chúng ta có quyền hoài nghi về năng lực và sự kiên định của họ trong hoạt động thực tế.

Elizabeth Holmes có khao khát thành công nhưng không hề tâm huyết với lĩnh vực cô chọn. Cô không hoàn thành chương trình học căn bản, thời gian thực hành và nghiên cứu, tự học của cô là một ẩn số nhưng thời gian cô đi trò chuyện, tuyên bố hùng hồn về sản phẩm chưa hoàn thiện của Theranos lại rất rõ ràng- thiếu kiến thức, kỹ năng thì đến với sự dối trá, quảng cáo láo là lựa chọn tất yếu.

Vì sao Theranos có thể lừa dối lâu đến như vậy?

Một giả thuyết tôi nghĩ tới ở đây đó là Theranos không đơn độc trong quá trình lừa dối. Theranos và nhà sáng lập của nó đã khéo léo giăng lên mạng lưới lợi ích nhóm chằng chịt, nơi mà ai cũng nghĩ rằng bản thân sẽ có lợi nếu người khác bị lừa. Trò lừa đảo này tinh vi đến nỗi khiến người tham gia quên đi kịch bản: “trong sòng bạc, nếu không biết ai đang bị lừa thì chính bạn là người đang bị lừa”.

Trong nội bộ, Theranos giấu diếm mọi thông tin và tháo rời các bộ phận làm việc- dù điều này rõ ràng gây ra trở ngại cho việc tạo nên hiệu suất, hiệu quả công việc. Theranos cách ly nhân viên với mọi manh mối nhạy cảm cho thấy sự hoạt động mập mờ kém hiệu quả của mình. Đồng thời, đơn vị này còn ép buộc nhân viên phải ký vào những cam kết bảo mật- thức chất là cam kết nói dối thế giới về sự thất bại hoàn toàn của họ trong quá trình sáng chế ra công nghệ xét nghiệm máu từ ý tưởng của Elizabeth Holmes. Ý tưởng này được vận hành trơn tru trên giấy tờ và trục trặc thường xuyên trong thực tế.

Theranos cũng tạo nên lớp vỏ bóng bẩy với trụ sở nằm trong khu vực sang trọng, siêu xe đỗ tận cổng với những nhân vật tên tuổi trong hội đồng giám đốc, hội đồng cố vấn: Luật sư David Bois, cựu Ngoại trưởng Mỹ George Shultz, Tướng Mattis, cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Will Perry v.v. thêm những bức ảnh xuất hiện với các yếu nhân khác trong thời kỳ chính quyền Obama càng làm tăng thêm (thực ra là tạo nên, vì giá trị thực của Theranos + Elizabeth Holmes= 0) thanh thế để đơn vị này tung hoành, hô biến tài sản của nhà đầu tư thành tiêu sản. Elizabeth Holmes đã thành công trong việc biến công nghệ thành một trò ảo thuật.

Có lẽ đi theo đám đông quyền lực và thành công không phải lúc nào cũng là lựa chọn sáng suốt.

Trong kinh doanh có đạo đức hay không?

Sau khi đọc cuốn “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế” của Inamori Kazuo, tôi tin rằng vẫn có những doanh nhân lương thiện muốn đạt đến thành công, làm giàu cho bản thân và những người xung quanh theo cách thức chân chính.

Nhưng con đường này bé nhỏ và khó đi, nên dường như ít ai có can đảm để bước đi đến tận cùng. “Thương trường như chiến trường”- trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, con người dễ cho phép bản thân sử dụng mưu mô, thủ đoạn. Đặc biệt là trong kinh doanh thì kinh tế là yếu tố hàng đầu, đạo đức dễ bị tạm gác sang một bên- vì đạo đức không ngay lập tức giúp doanh nghiệp tăng trưởng, xử lý công nợ, luân chuyển dòng tiền và tạo ra lợi nhuận khiến cho nhân viên cùng các cổ đông hài lòng.

Trong kinh doanh có đạo đức, nhưng để giữ vững đạo đức trong kinh doanh đúng là không hề dễ dàng. Vì một bên là “có” – “không”, “chính” – “tà” với một bên là “lãi - lỗ”, “thành đạt – phá sản” thì vế sau thường cụ thể, dễ chọn lựa hơn.

Những cá nhân tài năng và lão luyện có thực sự sáng suốt?

Sau khi đọc xong “Máu bẩn”, ngay lập tức tôi đọc cuốn “Từng ngày sống sót: vì sao người thông minh làm điều ngu dại” của tác giả Laurence Gonzales. Thú thực là tôi vẫn khó hình dung nổi vì sao Theranos với màn kịch của mình lại thành công đến vậy trước một đội ngũ tài năng, lão luyện cả trên chính trường lẫn thương trường trong nhiều thập kỷ. Vụ việc này cũng khiến tôi thắc mắc về giá trị thực sự của “Thung lũng Silicon”- tôi không có ý quy chụp, nhưng tôi hoài nghi về luật chơi cũng như tính minh bạch của sân chơi này.

Khi tìm hiểu, tôi nhận ra những cá nhân lỗi lạc hóa ra hoàn toàn có thể mắc sai lầm nếu chìm vào đám đông- ở điểm này Gustave Le Bon với tác phẩm “Tâm lý học đám đông” đã không hoàn toàn sai. Bị chi phối bởi tâm lý đám đông, họ lần lượt ra các quyết định chống lại quyền lợi của chính họ và cố chấp bảo vệ kẻ mà họ chỉ mới gặp gỡ đôi lần.

Khao khát thành công tạo nên thành công hay ảo tưởng về sự thành công?

Con người luôn mong muốn chứng tỏ giá trị của bản thân. Nhưng chứng tỏ giá trị và thực sự có giá trị luôn khác nhau. Khi thực sự có giá trị, người ta sẽ không cần thiết phải cố gắng chứng tỏ nó và ngược lại nếu quá mải mê chạy theo việc chứng tỏ, họ sẽ trở thành “thùng rỗng kêu to”.

Khao khát vươn đến cuộc sống tốt hơn không phải là sai, nhưng bất chấp mọi giá để vươn lên cuộc sống ấy thì cần phải xem xét lại. Bởi nếu đánh mất đạo đức, lương tri thì thành công sẽ không bền vững. Những câu lạc bộ dạy làm giàu, những hội nhóm thúc đẩy chúng ta làm giàu chưa chắc mang đến cho người tham gia những giá trị thực.

Hành động này giống với việc đổ thêm dầu vào lửa: khiến ngọn lửa tham vọng sôi sục hơn nhưng cũng trở nên mất kiểm soát hơn và càng ngày người ta sẽ càng trở nên mất phương hướng hơn. Nếu không trao đi giá trị thực thì không thể nhận về giá trị thực. Nếu biết mình biết người, chúng ta cần luôn đề phòng trước những “giấc mơ lớn”, vì đâu phải ai trong chúng ta cũng là những “người khổng lồ”.

Thay cho lời kết

Dù bàn về điều dở nhưng “Máu bẩn” của nhà báo John Carreyrou lại mang về giải sách kinh doanh hay của năm 2018 do Financial Times và McKinsey bình chọn.

Tác phẩm đã một lần nữa cho chúng ta thấy được bằng chứng về mặt trái của khát vọng mù quáng và dã tâm bất chấp đạo đức sẽ dẫn con người ta đến với sự sụp đổ không thể cứu vãn ra sao. Trước phiên tòa, luật sư của Elizabeth Holmes vẫn khiên cưỡng bám vào tinh thần khởi nghiệp với lập luận thất bại không có nghĩa là bị trừng phạt. Nhưng có lẽ ông quên rằng hành vi của cô từ lâu đã không còn là của một nhà khởi nghiệp nữa, mà là của một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp.

Phóng đại về sản phẩm của mình để nhận tiền đầu tư trong khi giấu nhẹm tình trạng thật của sản phẩm với hi vọng rằng thực tế cuối cùng cũng đuổi kịp sự phóng đại đó – đây là một hiện trạng sẽ còn tiếp tục đeo đẳng ngành công nghệ (trang 367).

Tiền mất đi thì có thể kiếm lại được, nhưng danh dự và uy tín đã mất đi rồi thì không dễ dàng để khôi phục lại nữa.

Từ khóa: 

review sách

,

máu bẩn

,

bad blood

,

john carreyrou

,

noron

,

sách