Review sách: Mật mã tài năng
3 Bài học đắt giá rút ra từ cuốn sách “Mật mã tài năng”
“Tôi sẵn sàng đảm bảo rằng bạn sẽ không đọc được cuốn sách nào quan trọng và hữu ích hơn trong năm 2009 và cả những năm sau nữa.”–Tom Peter, tác giả cuốn sách Kiếm tìm sự hoàn hảo.
Tôi tự hỏi, tại sao tôi chưa biết cuốn sách này từ những năm 2009, hay gần đây là năm 2019 thôi. Có lẽ biết thêm 1 ngày là lợi thêm nhiều năm tháng về sau của chính mình.
3 bài học lớn mà tôi có được từ cuốn sáchMật mã tài năng.
Bài học số 1. Hãy cứ sai…
“Một thí nghiệm do Henry Roediger tại Đại học St. Louis ở Washington tiến hành, trong đó sinh viên được chia thành 2 nhóm cùng nghiên cứu một bài luận về lịch sử tự nhiên. Nhóm A học trên tài liệu trong 4 tiết. Nhóm B chỉ học 1 tiết nhưng được kiểm tra 3 lần. Một tuần sau, cả 2 nhóm cùng làm bài kiểm tra và nhóm B đạt kết quả cao hơn 50% so với nhóm A. Họ chỉ học 1/4 thời gian nhưng lại thu được nhiều kiến thức hơn.” – Trích sách:Mật mã tài năng – Daniel Coyle.
Tại sao lại như vậy?
Ví dụ thực tế…
Nào, giờ hãy nhớ lại những đề thi cấp 3 của bạn cách đây nhiều năm về trước. Bạn còn nhớ mình đã làm thử bao nhiêu đề thi trước khi ngồi vào phòng thi chính thức cho kỳ tuyển sinh đại học hay không?
Tôi cá là bạn nhớ không nổi và cũng đếm không xuể. Bản thân tôi cũng vậy.
Trong hơn 1 tháng trước kỳ thi đại học, gần như tất cả các học sinh đều “cày” đầu vào việc giải các đề thi. Đề thi từ các năm trước, từ các cuộc thi khác nhau, từ giáo viên, từ trên internet. Tất cả đều làm với mục đích có được số điểm cao nhất có thể trong kỳ thi đại học gần kề.
Câu chuyện trên hé lộ điều gì?
Rõ ràng chúng ta trở nên “giỏi” hơn, tiến bộ hơn sau mỗi lần giải đề. Có thể ban đầu bạn giải sai rất nhiều câu trong đó. Nhưng rồi từ những lần sai đó bạn lại nhớ hơn, cảnh giác hơn và cẩn thận hơn với những câu hỏi và bài tập tương tư. Rồi bạn rèn cho bộ não của mình ghi nhớ các thông tin, và càng là những thông tin bạn có được sau mỗi sai lầm bạn càng nhớ.
Đó chính là cách bộ não của chúng ta hoạt động và ghi nhớ.
Chúng thường có ấn tượng với những điều bất thường, ví dụ như những sai lầm diễn ra trong quá khứ. Và chúng được bạn luyện tập với cường độ cao trong 1 khoảng thời gian giới hạn. Nó khiến não bộ của bạn liên tục phải vận động. Và đã được vận động thường xuyên thì “cơ bắp” của não bộ bắt đầu được hình thành. Chúng trở nên khỏe mạnh, nhanh nhạy và chính xác hơn mỗi ngày.
Ứng dụng thực tế
Nếu bạn có theo dõi tôi thường xuyên trên Blog này hoặc trên trang Facebook cá nhân, có thể bạn biết gần đây tôi đang tập trung cho dự án xây kênh Tiktok mới của mình (Dành cho bạn nào quan tâm: @huongnguyentt.vn).
Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trước quyết định có hiện diện trên khuôn hình video hay không? Chính bài học “Hãy cứ sai…” trong cuốn sách này đã thôi thúc tôi hiện diện trên các video gần đây.
Những thước phim đầu tiên với tôi quả thật quá khó khăn, mặc dù tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm nói chuyện trước đám đông trước đó. Hơn thế, tôi có sẵn trong người tư duy của một nhà đạo tạo. Do vậy, việc sắp xếp thông tin, cách dẫn dắt câu chuyện chưa bao giờ là điểm yếu của tôi. Vậy mà tôi vẫn sợ hãi.
- Sợ hãi về âm sắc trong giọng nói
- Sợ hãi về biểu cảm trong khuôn mặt
- Sợ hãi về cách quay dựng video
- Sợ hãi trong việc chọn nhạc
- Sợ hãi trong …
Rất nhiều sự sợ hãi bao trùm tôi, và tất nhiên nỗi sợ này của tôi chính là sợ sai, sợ thất bại, sợ mất đi sự tin tưởng vào chính mình.
Nhưng rồi bằng rất nhiều ví dụ trong cuốn sách này cùng những trải nghiệm trong quá khứ của tôi. Tôi chợt hiểu ra rằng, có rất nhiều lần tôi có được thành công không phải một sự thiên bẩm sẵn có mà là bởi tôi đã luyện tập và chuẩn bị rất kỹ trước đó. Bao gồm cả những bước đi sai lầm.
Điều gì đã xảy ra?
Và chính những điều đó đã thôi thúc tôi hành động. Tính tới thời điểm gõ xuống dòng chữ này, tôi đã có 10 video đăng tải, trong đó có 2 video gần đây có sự xuất hiện trực tiếp của tôi trước camera. Chưa có bất cứ thành tích gì đáng kể nhưng sau mỗi lần quay dựng và chỉnh sửa video, tôi lại rút ra cho mình những bài học. Ví dụ như:
- Cách hắt sáng
- Cách chọn nhạc
- Cách chèn hình ảnh, video minh họa
- Cách viết tiêu đề
- Cách chọn ảnh bìa
- Cách viết caption
- Cách chia nhỏ nội dung để lúc quay hiệu quả và nhanh chóng hơn
- Cách sử dụng hiệu ứng hình ảnh để video bớt nhàm chán
- …
Thế đó, cuối cùng thì chỉ có luyện tập mới tạo ra giá trị, chỉ có vượt qua những sai lầm mới khiến ta giỏi hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn.
“Bạn sẽ thông minh nhờ trải qua những lỗi lầm của chính mình.” – Ngạn ngữ Đức.
Bài học số 2. Ba quy tắc tập luyện sâu
Tôi thường nhận được câu hỏi rằng:Làm sao tôi có thể rèn luyện thói quen đọc sách như bây giờ?
Tôi sẽ chỉ cho bạn 3 quy tắc sau đây để giúp bạn rèn luyện bất cứ thói quen nào mà bạn muốn.
Quy tắc 1. Hãy chia nhỏ thành các phần
Luyện tập sâu mang lại cảm giác hơi giống với việc khám phá một căn phòng tối, xa lạ.
Bạn bắt đầu chậm rãi, va vào đồ đạc trong phòng, dừng lại, suy nghĩ và bắt đầu lại. Chậm chạp và với một chút đau đơn, bạn khám phá đi khám phá lại không gian đó, chú ý đến các lỗi mắc phải, mở rộng khoảng không gian mà mình vươn tới được từng chút, từng chút một, vẽ ra trong đầu một sơ đồ cho đến khi bạn có thể đi quanh phòng một cách nhanh chóng bằng trực giác.
Từ đây bạn có thể đúc rút ra một lộ trình như sau:
- Bước 1. Khám phá từng chút một. Sai – dừng lại – ghi nhớ – sửa chữa.
- Bước 2. Khi quen thuộc ở nơi cũ, mở rộng phạm vi khám phá và lặp lại bước 1.
- Bước 3. Tập hợp thông tin bước 1 và bước 2, tiến tới đích.
Ứng dụng như thế nào vào việc đọc sách?
Bước 1. Đặt ra mục tiêu nhỏ
Khi mới bắt đầu, đừng cố gắng đọc một lúc 100 trang sách. Hãy thử bắt đầu bằng 10 trang, 5 trang, thậm chí là 1 trang sách.
Bước 2. Mở rộng mục tiêu
Khi quen dần với việc mở sách ra đọc mỗi ngày, bạn bắt đầu tăng số trang đọc mỗi ngày lên từ 1 trang lên 3 trang, từ 5 trang lên 10 trang, từ 10 trang lên 15 hoặc 20 trang.
Bước 3. Duy trì và tiếp tục mở rông mục tiêu
Duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày, và nhích lên từ từ từng chút một. Mỗi ngày đọc nhiều hơn ngày hôm qua 1 trang thôi cũng được, nếu không thể, bạn cứ tiếp tục đọc. Dù chỉ 1 trang cũng hơn là không có trang nào.
Cuối cùng, chỉ cần bạn liên tục “luyện tập” việc đọc của mình hằng ngày, não bộ và cơ thể của bạn sẽ quen dần với việc ngồi yên để đọc sách.
Bạn thử nghĩ xem, trung bình 1 cuốn sách rơi vào khoảng 300 trang. Nếu tuần đầu tiên, mỗi ngày bạn đọc 5 trang. Hai tuần tiếp theo, mỗi ngày bạn đọc 10 trang. Tuần kế tiếp mỗi ngày bạn đọc 15 trang. Thì sau 30 ngày, bạn đã có thể hoàn thành xong cuốn sách 300 trang đó rồi.
HÃY HỌC CÁCH CHIA NHỎ TỪNG PHẦN
Quy tắc 2. Lặp đi lặp lại
“Cách đơn giản nhất để giảm kỹ năng của một tài năng thuộc bậc siêu sao là gì? Là không cho học tập luyện trong 1 tháng.”
Việc lặp đi lặp lại việc luyện tập rất quan trọng, chỉ cần bạn lơ là thì bạn sẽ mất đi kỹ năng thượng thừa của mình, hay nói đúng hơn là “mai một” kỹ năng đó.
Nói thật thì tôi đã phải luyện tập lại thói quen đọc sách rất nhiều lần bởi những giai đoạn ngừng đọc. Việc lấy lại sự tập trung để ngồi đọc một cuốn sách gần như phải quay lại từ đầu. Tất nhiên sẽ không lâu như lần đầu tập luyện nhưng nó cũng cần một khoảng thời gian nhất định.
Khi đó, bạn buộc phải quay về quy tắc 1 và thực hiện luyện tập lại từ đầu. Bởi vậy trong quá trình rèn luyện thói quen đọc, bạn cần duy trì hoạt động này liên tục, không ngắt nghỉ.
Hãy nhớ rằng, dù lười biếng hay mệt mỏi, đọc 1 trang sách thôi cũng hơn là bạn không đọc trang nào.
Quy tắc 3. Học để cảm nhận
“Tập luyện sâu không đơn giản là một cuộc vật lộn, nó còn là tìm kiếm một cuộc vật lộn đặc biệt.”
Nếu bạn chỉ đọc sách để bản thân có hoạt động đọc sách thôi thì chưa đủ, đằng sau nó là cái gì? Là một thói quen giúp bạn được chữa lành, được học tập, được phát triển bản thân, được rèn luyện, được tích lũy, được trau dồi, thậm chí là được công nhận.
Bạn thậm chí còn cảm thấy khó chịu không hoạt động này không diễn ra như mục tiêu mong muốn. Bạn thèm khát được khám phá những điều mới, chính phục những cuốn sách khó hơn, nặng đo hơn. Bạn muốn bứt ra khỏi không gian an toàn của mình, mở rộng vùng khám phá.
Đó chính là thứ bạn sẽ có được nếu đắm mình vào luyện tập sâu thật sự.
“Những đứa trẻ tập đi là hiện thân của bản chất sâu xa nhất trong luyện tập sâu: để đạt được một điều gì đó tốt đẹp, rất cần sự sẵn sàng, thậm chí là hăng hái mắc lỗi. Cách những đứa trẻ tập đi chính là cách đạt được kỹ năng một cách vinh quang.”
Bài học số 3. Động lực có thể đến từ đâu?
Hầu hết chúng ta đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực để duy trì một hoạt động nào đó cần nhiều sự đầu tư về mặt công sức, trí tuệ hoặc thời gian.
Ở bài học này, tôi sẽ chỉ cho bạn 5 cách giúp bạn tự tìm kiếm động lực cho mình. Khi có những động lực, bạn sẽ kiên trì hơn với mục tiêu của bản thân, chỉ khi bạn kiên trì đến cùng hoàn thành nó bạn mới có thể tạo ra giá trị thật sự cho cuộc sống của mình.
1. Bạn cũng có thể làm được điều này!
Vào năm 1954, một sinh viên y khoa gầy gò tại Oxford có tên là Roger Bannister trở thành người đầu tiên chạy cự ly 1 dặm trong khoảng thời gian dưới 4 phút. Điều đáng nói ở đây là các nhà sinh lý học và các vận động viên đều coi giới hạn 4 phút/dặm là một chướng ngại không thể vượt qua về mặt sinh lý học. Thế nhưng, Bannister đã phá kỷ lục một cách có hệ thống, anh đã vượt giới hạn chỉ bằng một phần mấy giấy và có mặt trong tiêu đè các bài báo trên khắp thế giới. Thậm chí, tạp chí Sports Illustrated đã gọi là thành tự thể thao cá nhân vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Sau sự kiện đó, hàng loạt các thành tích vượt qua giới hạn 4 phút đã được xác lập. Trong vòng 3 năm, có không dưới 17 vận động viên vươn tới thành tựu thể thao vĩ đại nhất thế kỉ XX này.
Hơn 17 vận động viên đã nhận được một tín hiệu rất rõ ràng từ sự kiện phá với giới hạn 4 phút của Bannister năm 1954, đó là:bạn cũng có thể làm được điều này!
Câu chuyện của tôi
Chính câu nói tương tự đó cũng đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến cuộc đời tôi. Có một điểm trùng hợp trong đời tôi về những người nói với tôi câu nói: Em làm được!
Họ đều là những phụ nữ rất tài giỏi, đáng học hỏi và có tư duy sắc bén và độc lập. Họ đều sinh năm 1989. Họ đều từng là cấp trên, là người hướng dẫn trực tiếp của tôi. Và họ đều đặt cho tôi nhưng câu hỏi đúng lúc tại các thời điểm bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi.
Nhờ niềm tin mạnh mẽ tôi được trao từ những Mentor này, tôi đã có thêm cho mình rất nhiều năng lượng và động lực để HÀNH ĐỘNG – điều cốt lõi để tạo ra giá trị.
Thực tế, sau này khi tôi làm việc và nói chuyện với nhiều người bạn, người em tìm tới tôi để xin những lời khuyên. Tôi đều kết thúc câu chuyện bằng câu nói ấy:Em làm được!
Và nó thật sự là câu nói mang rất nhiều sự động viên, tin tưởng và kích hoạt động lực hành động trong mỗi con người.
Ứng dụng cuộc sống
Cho nên, nếu bạn muốn tìm kiếm động lực, bạn hãy dõi theo những người tích cực, truyền cảm hứng, thậm chí là chuyên gia trong lĩnh vực bạn muốn tìm hiểu.
Ví dụ:
- Nếu bạn muốn tìm kiếm động lực đọc sách, viết lách và phát triển bản thân bạn có thể tìm tới tôi.
- Nếu bạn muốn tìm kiến động lực học tiếng Anh, bạn có theo theo dõi MC song ngữ Thanh Thanh Huyền, bạn Khánh Vy, chị Chi Nguyễn…
- Nếu bạn là người đam mê công nghệ, tìm kiếm sự hoàn hảo, thì bạn đừng bỏ qua những câu chuyện của Steve Jobs.
- Nếu bạn muốn tìm hiểu và phát triển trong thị trường chứng khoán, đương nhiên bạn không thể bỏ qua Warren Buffett.
- ….
2. Những người ở đằng kia đang làm gì đó cực kỳ quý giá?
- Bạn có từng xúc động trước hành động cứu trợ đồng bào miền Trung của ca sĩ Thủy Tiên hồi năm 2020 không?
- Bạn có từng gửi 1 phần tiền rất nhỏ của mình cho MC Phan Anh năm 2016 không?
- Bạn từng vì thấy mọi người đang nhét tiền vào thùng từ thiện ở trước bảo tàng và vô thức làm theo không?
- Bạn có từng thấy một người bạn nào đó của mình share Dự án “Nuôi em” trên Facebook và bạn cũng muốn tham gia vào nó không?
- Hoặc đơn giản, bạn thấy Hương chia sẻ email cảm ơn từ trung tâm nhận tóc Hiến cho bệnh nhân ung thư vú hồi tháng 10 năm ngoài mà bạn nghĩ rằng bạn sẽ hiến tóc trong 1 vài năm tới hay không?
- …
Có rất nhiều suy nghĩ, hành động của chúng ta được kích hoạt khi chứng kiến hoặc nghe kể về ai đó là cố gắng làm gì cực kỳ quý giá cho công đồng.
Ví dụ như trông cây gây rừng, phân loại rác thải, thu gom rác trên biển, hiến tóc, hiến tạng, làm từ thiện, dạy học cho trẻ vùng cao…
Tất cả những câu chuyện đó dù không chủ động đều mang tới động lực tích cực khiến chúng ta muốn làm theo. Bởi ai cũng muốn là 1 phần của sự tốt đẹp.
Bạn có thể để ý các cuộc thi hoa hâu, luôn có giải cho dự án thiện nguyện hay dự án vì cộng đồng. Và một trong những sứ mệnh lớn của một đương kim hoa hậu chính là tạo nên câu chuyện “người tốt việc tốt”. Mục đích ban đầu đương nhiên là khiến có nhiều người tham gia vào hoạt động cộng đồng này hơn từ đó tạo nên một xã hội tích cực hơn, một môi trường sách hơn, những con người phát triển toàn diện hơn…
Ứng dụng cuộc sống
Bạn sẽ nhận được rất nhiều động lực tích cực nếu bạn tiếp xúc và dõi theo những con người tích cực. Bạn có thể khiến cuộc sống của mình sinh động hơn, vui vẻ hơn, nhiều cảm hứng hơn từ việc tham gia vào các cộng đồng mà những người tích cực sẽ tập trung.
Ví dụ như cộng đồng những người đọc sách, thiền định, ăn eat clean, tập Yoga, Gym, lối sống tối giản,… thay vì những cộng đồng như Tám chuyện showbiz, Hội khẩu nghiệp, Hội chăn chuối…
Hãy bắt đầu từ vòng tròn bạn bè trên mạng xã hội, bỏ follow hoặc hủy kết bạn. Tiếp tục với những người nổi tiếng có lối sống không lành mạnh. Thực hiện tương tự với các hội nhóm, fanpage bán hàng, đăng tin giật gân, những câu chuyện tiêu cực…
Hãy dọn dẹp không gian để đón chào những động lực tích cực đến với cuộc sống của bạn.
3. Bạn nên luôn bận rộn
Nếu bỗng dưng bạn quá rảnh rỗi, nhám chán, bạn tự nhiên sẽ muốn làm một điều gì đó để thay đổi hiện trạng này. Bạn sẽ chú tâm hơn cho công việc, hoặc một việc gì đó khiến bạn thay đổi năng lượng của mình.
Tôi có quen một cậu em tên Hoàng Anh – 25 tuổi. Mỗi ngày cậu ấy làm việc hơn 16 tiếng liên tục ở 2 quán cafe khác nhau. Gần như ngày nào cũng làm việc từ 7 giờ sáng tới 11 giờ đêm. Vấn đề đáng nói ở đây chính là không ai bắt ép cậu ấy phải làm điều đó, càng không phải vì cậu ấy có 1 khoản nợ khổng lồ mà là cậu ấy không muốn bản thân rảnh rỗi.
Để bản thân trở nên bận rộn, con người ta sẽ tận dụng từng giây phút để làm những công việc mang nhiều giá trị hơn là thời gian rảnh.
Bạn nên luôn bận rộn cũng là mệnh đề thúc đẩy tôi xuất bản cuốnebook Keep and Morevào hồi tháng 9 năm 2022 vừa qua. Đây cũng là kết quả của việc rảnh rỗi quá đà khiến tôi có cảm giác mình chỉ đang tồn tại và hít thở. Tôi muốn mình được hiện diện, sống và có ích cho nên tôi đã dành hơn 20 ngày trong tháng 8 để thực hiện cuốn ebook này. Tôi gần như chìm trong cuốn sách với nhịp độ rất nhịp nhàng mỗi ngày 6 tiếng viết liên tục chia cho 3 khoảng thời gian sáng – chiều – tối.
Và đúng vào ngày 10/09/2023, một cuốn ebook gần 45.000 từ được gia mắt và nhận được rất nhiều feedback cảm ơn từ độc giả củaBlog Phụ Nữ Tự Do. Tôi mừng vì mình đã nhận thực được: “Tôi nên luôn bận rộn”.
Ứng dụng cuộc sống
“Rảnh rỗi sinh nông nổi” – Đừng để thời gian rảnh giết chết cuộc sống của bạn. Hãy khiến mình trở nên bận rộn bằng một danh sách những hoạt động vui chơi, thư giãn, phát triển bản thân lành mạnh. Ví dụ như:
- Viết nhật ký
- Đọc sách
- Xem Ted Talk, Web5ngay
- Đọc blog của Hương
- Nghĩ ra một công thức món ăn mới và thực hiện chúng
- Vẽ trang
- Tập thuyết trình trước máy quay
- Học cách quản lý tài chính cá nhân, đầu tư…
- Học thiết kế trên canva
- Đi dạo
- Tập Yoga
- Tìm hiểu về cafe, rượu vang, thời trang, đồng hồ, bình gốm,…
Hãy viết riêng cho mình danh sách ít nhất 10 hoạt động giúp bạn thư giãn và phát triển bản thân khi có thời gian rảnh nhé.
4. Bạn không an toàn
Con người nếu ở trạng thái lý tưởng thường không có động lực để thúc đẩy hành động. Bạn thường nghe rất nhiều người thành công nói rằng: Vì họ nghèo, vì họ nợ, vì họ không có một ông bố giàu có, vì họ mất gia đình từ sớm… nên họ buộc phải tiến về phía trước.
Khi chúng ta ở trạng thái “không an toàn”, nó giống như đứng cạnh bờ vực, khi đó chúng ta sẽ liền mình tiến về những hi vọng cuối cùng cho dù là nhỏ bé.
Câu chuyện của tôi
Tôi chính mà minh chứng cho cái gọi là “bạn không an toàn”. Tôi được sinh ra trong gia đình không trọn vẹn (như xã hội gọi là đứa con ngoài giá thú), một gia đình không khá giả. Khi còn đi học, tôi “được” bạnbè đặc biệt quan tâm. Họ tìm cách bắt nạt, trêu chọc và cách ly tôi. Tôi thậm chí còn cảm nhận được điều đó từ cô giáo chủ nhiệm lớp 1 của tôi. Cô giáo hoàn toàn không ghi nhận bất cứ sự cố gắng nào của tôi. Khi chuyển lên lớp 2, chúng tôi được phân loại lớp dựa vào điểm số đánh giá đầy cảm tính của giáo viên chủ nhiệm. Có rất nhiều ứng cử viên “tối” giá đã tranh mất vị trí của tôi. Sự thiếu công bằng ấy khiến tôi phải ở một lớp kém sự cạnh tranh hơn, thiếu sự cọ sát và đôi lúc có kèm đi vài phần cơ hội.
Câu chuyện được thay đổi khi sang cấp 2, chúng tôi được chuyển cấp. Thay vì phân loại lớp bởi điểm số chủ quan, chúng tôi được thi 1 bài kiểm tra chung, và được chấm bởi những người không biết chúng tôi là ai. Tôi trở về đúng vị trí của mình. Tiến lên vài bước trong sự nghiệp học hành. Việc bị bắt nạt và bị cô lập vẫn tiếp tục, nhưng thay vì im lặng chịu đựng tôi đã học cách đẩy cao giá trị bản thân bằng cách học thật giỏi. Tôi bắt đầu có được tiếng nói có trọng lượng từ năm lớp 8 trở đi. Khi ấy, tôi không còn là một học sinh bình bình trong lớp chọn ấy, tôi là thành viên trong top đứng đầu của khối. Và chẳng có gì khó hiểu khi tôi trở thành đứa “con cưng” của các thầy cô.
Tôi mạnh mẽ hơn, có tiếng nói hơn nhờ việc học tập không ngừng. Và động lực cốt lõi khiến tôi làm điều đó chính bởi “tôi không an toàn”. Tôi không có 1 ông bố chống lưng nếu tôi làm sai. Tôi không có một gia đình khá giả để bạn bè phải kiêng rè. Thứ tôi có duy nhất chính là năng lực. Nếu đến thứ cuối cùng tôi có, tôi cũng không thể tận dụng, có lẽ tôi “phế” thật rồi.
Ứng dụng cuộc sống
Thực ra tôi không mong bạn phải rơi vào trạng thái không an toàn này. Tôi mong bạn có một gia đình đầy đủ, một xuất thân trọn vẹn. Tôi không mong bạn nợ ngập đầu. Tôi càng không mong bạn ở trạng thái “không có gì để mất”.
Nhưng nếu bạn thật sự rơi vào tình huống ấy, thì tôi muốn nói với bạn rằng: bạn không an toàn. Và bạn cần khiến mình trở nên mạnh mẽ để đối đấu với những thứ không an toàn ngoài kia.
Tôi làm được và bạn cũng thế!
5. Bạn đang ở phía sau – hãy theo kịp mọi người
- Sẽ ra sao khi tất cả mọi người đều đang ở điểm số 8 còn bạn thì ở điểm số 6?
- Sẽ ra sao khi tất cả mọi người đang có một cơ thể cân đối còn bạn thì quá khổ với những lớp mỡ dày?
- Sẽ ra sao khi bạn bè xung quanh bạn đều đã thành đạt và giàu có còn bạn vẫn đang loay hoay đi tìm định hướng cuộc đời mình?
- Sẽ ra sao khi đồng nghiệp vào cùng thời điểm với bạn đều đã thăng chức tăng lương còn bạn thì chưa?
Nghe có vẻ áp lực phải không? Nếu thật sự không muốn mình bị bỏ lại phía sau, thì còn cách nào ngoài cách thúc đẩy bản thân tiến về phía trước?
Câu chuyện của tôi
Ngày 03/03/2022, tôi quyết định dốc hết số tiền tích lũy còn lại của mình cho dự án Phụ Nữ Tự Do – Một blog viết về chủ đề quản lý tài chính cá nhân cho phụ nữ độc thân.
Một trong những động lực lớn nhất khiến tôi thực hiện điều này chính là tôi đã bị bỏ lại phía sau so với những blogger khác cùng thời. Tôi đã không chọn được mentor phù hợp cho bản thân và dự án của mình. Đồng thời, những gì tôi thực hiện đã không hiệu quả (chính là chiếc blog này, giờ thì nó đã khá hơn rất nhiều rồi).
Tôi cảm thấy mình như một chú chim lạc bầy, cô đơn và bị bỏ lại phía sau. Tôi thích 1 mình nhưng phải là phía trước, tôi ghét ở phía sau. Cho nên, lúc đó tôi đứng trước 2 quyết định: Từ bỏ giấc mơ viết lách tự do của mình hoặc là “đập đi xây lại” từ đầu.
Cuối cùng tôi đã chọn điều chính kế hoạch tiến tới mục tiêu thay vì từ bỏ mục tiêu của bản thân. Tôi chọn bắt đầu lại từ con số 0 với một blog hoàn toàn mới, một chủ đề hoàn toàn mới.
Cũng chính vì dự án Phụ nữ tự do này đã cho tôi rất nhiều bài học quý giá về việc lách, về trải nghiệm khách hàng, về kỹ năng bán hàng và cũng cho tôi cơ hội khám phá ra khả năng viết một cuốn sách giá trị.
Quả thật, động lực quanh ta có quá nhiều, chỉ là ta đã thật sự chậm lại để nhận ra chúng hay không mà thôi.
Ứng dụng cuộc sống
- Thay vì ghen tị với cái đứa mình ghét lấy được chồng giàu thì tìm cách mà giàu lên đi
- Thay vì ghen tị với đồng nghiệp đã mua được xe hơi thì ngưng săn sale shopee và lượt tiktok trong vô định mà học thêm kiến thức để gia tăng năng lực bản thân đi
- Thay vì ghen tị với chị dâu nhà hàng xóm đẻ xong mà da vẫn đẹp thì đừng thức khuya nữa, uống nhiều nước lên.
- Thay vì ghen tị với thằng em mặt búng da sữa thì chú ý ăn uống lành mạnh, skin care kỹ lượng, thể dục thường xuyên đi
- …
Đừng để đến lúc chẳng còn nhìn thấy ai quanh mình nữa (bởi họ đã vượt quá xa bạn) thì mới hoảng loạn hoang mang. Bạn không những phải chen lên cùng đám đông mà thậm chí còn phải vượt lên trên cả nó nữa đấy!
6. Sự khan hiếm
- Cơ hội trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức trưởng bộ phận chỉ có một. Nếu bạn không nỗ lực, cơ hội này sẽ thuộc về người khác.
- Chỉ có duy nhất một suất học bổng du học trong năm nay. Nếu bạn muốn nó là của mình, bạn cần học tập điên cuồng hơn nữa.
- Nếu hôm nay bạn không tỏ tình, thằng hàng xóm của cô ấy sẽ làm điều đó trước bạn; rất có thể hắn sẽ là chồng tương lai của cô gái trong mơ của bạn.
- …
Chúng có mang đến cho bạn động lực để hành động không?
Bạn hiểu ý tôi rồi chứ? Sự khan hiếm của các cơ hội khiến chúng ta mất bình tĩnh, nhưng chúng là liều doping vô cùng hữu hiệu cho mọi “vận động viên” trên đường đua để dành được phần thưởng đó.
Nếu bạn đang tìm kiếm động lực để làm gì đó, thay vì nghĩ về những gì bạn có được hãy thử nghĩ về những điều bạn sẽ MẤT ĐI nếu KHÔNG làm điều đó.
Chúng chính là động lực to lớn dành cho bạn ngay lúc này!
Đánh giá chung về cuốn sách: Mật mã tài năng – Daniel Coyle
Trước khi đọc cuốn sách này, tôi luôn nghĩ những con người thành công trên thế giới đều có nhiều phần may mắn và một phần nào đó bẩm sinh. Tôi chưa thành công như họ bởi tôi thiếu ít nhất 1 trong 2 điều đó.
Sau khi đọc cuốn sách này, tôi tin rằng mọi tế bào của một người thành công trên thế giới này từ lúc sinh ra đều giống với tôi. Họ chỉ khác tôi một điều đó là họ luyện tập có chủ đích trong rất nhiều giờ.
Theo như nghiên cứu được chia sẻ trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”:
LUYỆN TẬP SÂU X 10.000 GIỜ = KỸ NĂNG TẦM CỠ THẾ GIỚI
Tài năng có thể được ươm trồng từ những con người bình thường thông qua luyện tập sâu.
Đánh giá cuốn sách: 8/10 – Sẽ đọc lại.
sách
Cảm ơn bạn Hương đã chia sẻ
Nguyenphuhoang Nam
Cảm ơn bạn Hương đã chia sẻ