[Review Sách] Lịch Sử Loài Ong
* Noron hiện tại chưa hiển thị được ảnh nên bài viết của tôi sẽ thiếu ảnh minh họa.
Dĩ nhiên cuốn sách có liên quan đến loài ong, nhưng từ chuyện của loài ong, tác giả Maja Lunde đã kết nối người đọc đến với những vấn đề của một loài sinh vật khác cũng có tổ chức xã hội: loài người.
Đây là cuốn sách tôi mượn từ một bạn học sinh của mình. Tôi đã không kỳ vọng nhiều lắm cho đến khi nghe em chia sẻ cuốn sách này đáng đọc- đặc biệt là có liên quan đến mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Tôi nghĩ vấn đề lớn nhất hiện nay trong giáo dục không phải nằm ở nhà trường, sách giáo khoa, mạng xã hội hay game. Là một cá nhân vẫn đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, tôi nhận thấy nan đề thực sự của giáo dục trong thời đại này nằm ngay trong từng gia đình: sự kết nối giữa cha mẹ và con cái (nhưng tôi sẽ bàn đến cảm nghĩ này trong phần cuối bài để tập trung vào nội dung cuốn sách trước).
“Lịch sử loài ong” của tác giả Maja Lunde (dịch giả Lê Minh Đức) là một cuốn tiểu thuyết giả tưởng, khai thác cả thời quá khứ, hiện tại và tương lai của con người trước thảm họa Sự Sụp Đổ do khan hiếm lương thực. Nguyên nhân của kết cục bi đát này là môi trường bị biến đổi quá nhanh chóng, ô nhiễm, khai thác bừa bãi khiến chuỗi thức ăn bị đứt gãy, các loài sinh vật dần biến mất, trong đó có loài ong.
Cuốn sách 389 trang này sẽ dẫn bạn đọc đến với hành trình của William (năm 1852, nước Anh) một nhà tự nhiên học kiêm chủ cửa hàng hạt giống với khát vọng thiết kế ra loại thùng nuôi ong tiên tiến; George (năm 2009, nước Mỹ) một người nuôi ong truyền thống kiên định trước ngành công nghiệp nuôi ong thụ phấn hiện đại; Đào (năm 2098, Trung Quốc) nữ công nhân phải thụ phấn bằng tay cho cây ăn quả mười hai tiếng mỗi ngày, có cậu con trai Vi Văn gặp tai nạn.
Số phận và mối quan hệ của họ có lẽ sẽ giúp bạn và tôi nhận ra thêm nhiều điều, không chỉ vĩ mô như sự tồn tại của nhân loại, sự tuyệt chủng của các loài sinh vật mà còn rất cụ thể là điều gì khiến cho gia đình tan vỡ và làm thế nào để hàn gắn hoặc tốt hơn là phòng ngừa sự rạn nứt ấy từ bên trong mỗi thành viên.
William- năm 1852, nước Anh
Một người đàn ông bị ám ảnh với nỗi xấu hổ trong quá khứ, không quan tâm đến tương lai và hiện tại thì bị dằn vặt với việc theo đuổi đam mê nghiên cứu hay nuôi sống gia đình?
William chắc chắn không phải một người đàn ông xấu tính. Nhưng cuộc đời dường như là quá khó khăn với ông. Ông nối liền chuỗi ngày vô mục đích của mình với những lý do khiến ông đau khổ: bị thầy Rahm khiển trách, bị cột chặt cuộc đời cơm áo gạo tiền với sinh kế cho vợ và đàn con. William đã quên mất một điều: chính nhờ nỗ lực không mệt mỏi của họ (mà ông coi là gánh nặng) đã giúp ông gượng dậy, tìm ra chút ánh sáng. Ánh sáng đời ông nằm ở việc quan sát lũ ong để thiết kế ra một kiểu chuồng mới không làm hại chúng mà vẫn giúp con người thu hoạch mật. Ông mơ đến giấc mơ con người là chúa tể của loài ong, với ánh nhìn từ trên xuống. Trong đó, cũng có cả tình cảm của một người cha khao khát làm được điều gì đó vẻ vang trong đời cho con cái mình tự hào.
Nếu từng đọc cuốn “Lấp đầy trống rỗng – Chữa lành tổn thương cảm xúc thời thơ ấu” của tác giả Jonice Webb. Bạn đọc sẽ nhận ra William là kiểu phụ huynh gì. Và trong cuộc đời sa đọa của cậu con trai cả Edmund, tôi nghĩ ông có liên quan. Bởi khi Edmund bỏ bê học hành, sa vào rượu chè thì William cũng đang nằm âu sầu trên giường để gặm nhấm nỗi thất vọng vô ích. Một người cha với hành động kịp thời đã không xuất hiện.
William luôn mơ đến những điều không thể và để nỗi thất vọng triền miên nhấn chìm ông. Mặc dù ông đã có những cố gắng, nhưng tôi tin mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu ông học được ở loài ong đức tính bớt quan trọng hóa bản thân và biết trân trọng những đóng góp của mọi người xung quanh, đặc biệt là cô con gái Charlotte. Ông đã quá quan tâm đến điều ông muốn nhưng lại phớt lờ điều người thân của ông cần. Con người ta khó có thể thành công và hạnh phúc nếu chỉ biết đến hạnh phúc và thành công của riêng mình.
George- năm 2009, nước Mỹ
Một người cha, người chồng đầy trách nhiệm, đôi khi hơi gia trưởng, cứng nhắc nhưng yêu gia đình.
Ông bố George nổi giận khi biết ý định của cậu con trai Tom. Tom không muốn trở thành người nuôi ong. Cậu có tài năng viết lách và giáo sư hướng dẫn cậu ở trường đại học cũng thừa nhận điều ấy. Cậu có tiềm năng trở thành một nhà văn, nhà báo giỏi.
Nhưng đó không phải kiểu thành công ông bố George muốn. Ông muốn con trai kế thừa di sản: trang trại ong. Tom sẽ trở thành một chủ trang trại ong mà thế hệ cha ông đi trước đã gây dựng, bồi đắp. Quá hăng say với kịch bản này, George ngày càng xa cách con. Ông không biết con muốn gì, phù hợp với điều gì và cảm thấy hạnh phúc khi làm kiểu công việc gì? Ông chỉ biết trang trại ong là tất cả cuộc đời mình, cũng như là tất cả cuộc đời của Tom. Sẽ là như vậy. Cần phải như vậy.
Sự kiên định của George khiến ông trở thành độc đoán lúc nào không hay. Ông yêu gia đình nhưng dần dần để mất đi kết nối với vợ và con. Như một chiếc tổ ong trống rỗng trước Sự Sụp Đổ, càng ngày George càng trở nên cô đơn. Sâu trong ông là nỗi lo sợ bị bỏ rơi, như những chú ong thợ bỏ cho ong non và ong chúa chết đói. Nhưng ông vẫn quyết tâm làm việc như một chú ong thợ, cho đến khi cặp cánh rách bươm, rơi xuống mặt đất, từ giã cõi đời.
Người cha chăm chỉ, đầy quyết tâm này cũng không hề xấu. George chỉ cố gắng làm điều gì đó mà ông tin là tốt đẹp cho gia đình của mình. Nhưng trong lúc ấy, ông lại phá hủy liên kết tốt đẹp giữa ông và họ. Mật đáng ra sẽ ngọt nếu ông không cố gắng buộc bầy ong phải làm theo cách của mình. Ông hiểu bầy ong, nhưng ông không phải là ong để quyết định thay việc chúng nên làm. Người cha này dù ít cực đoan hơn nhưng cũng phần nào đó gợi tôi nhớ đến người cha trong cuốn hồi ký “Được học” của tác giả Tara Westover.
Đào- năm 2098, Trung Quốc
Một người phụ nữ thông minh nhưng số phận đã phân vai cho cô làm người thụ phấn thay ong mười hai tiếng một ngày. Vất vả, cực nhọc nhưng Đào vẫn chấp nhận được vì bên cô có chồng và đặc biệt là cậu con trai Vi Văn. Cho đến khi Vi Văn biến mất…
Hành trình tìm con của Đào bộc lộ tình yêu thương mãnh liệt mà một người mẹ dành cho con. Với Đào, Vi Văn là lẽ sống của cô. Cô chấp nhận mạo hiểm, tiến sâu vào thành phố Bắc Kinh hoang tàn, đầy nguy hiểm sau Sự Sụp Đổ để tìm con. Tình mẫu tử mãnh liệt ấy cho Đào lòng can đảm để chất vấn toàn bộ hệ thống lãnh đạo đất nước mà đại diện là Lý Hạ. Sự nhiệt tình và nỗi đau của cô đã cảm hóa được Lý Hạ. Bà đón nhận cuốn sách “Lịch sử loài ong” từ Đào để tìm hiểu mọi việc và đưa ra những quyết định đúng đắn hơn cho sự sinh tồn của đất nước mình- trong mối liên hệ chặt chẽ, hợp tác với hệ sinh thái, không phải là chống lại hay cố nhào nặn hệ sinh thái một cách đầy sai lầm như trước đây.
Đào là hình mẫu người mẹ hết lòng vì con. Nhưng liệu con cái có thể trưởng thành với một người mẹ luôn hết lòng vì chúng? Đây là một câu hỏi để ngỏ. Giống như một chút đường sẽ khiến bạn và tôi dễ chịu. Nhưng quá nhiều đường sẽ khiến chúng ta mang bệnh. Ẩn sau sự quan tâm thái quá, là sự lệ thuộc sâu sắc của người mẹ vào con. Mối liên hệ kiểu này nếu không giảm dần để đứa trẻ có thể tự lập, thì sẽ khiến chúng bị hư hỏng do được nuông chiều. Giống như ấu trùng ong được nuôi dưỡng khi chúng còn nhỏ. Nhưng nếu trưởng thành rồi mà vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng sẽ khiến chúng không thể phát triển đôi cánh, cặp râu, giác quan rồi chết yểu.
Trong cuốn “Vô cùng tàn nhẫn Vô cùng yêu thương”, tác giả Sara Imas có kết luận “Mọi tình yêu trên đời đều hướng đến sự gắn kết, chỉ có tình yêu con cái là hướng đến sự phân ly”. Tôi nghĩ đây là một quy luật tất yếu. Nếu từ chối học cách chấp nhận những quy luật tất yếu thì con người thường sẽ đau khổ. Nhưng biết sao được, khi làm cha, làm mẹ là cùng lúc được nếm trải niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau?
Thay cho lời kết
Từ bản thiết kế tổ ong của bố con William, Charlotte cho đến cuốn sách “Lịch sử loài ong” của Tom và khoảnh khắc Đào tìm lại được cuốn sách này trong thư viện hoang tàn của Bắc Kinh có một sự liên kết kỳ diệu. Điều này khiến tác phẩm rất hấp dẫn, tạo ra một cái kết tuy không mấy tươi sáng nhưng vẫn ngập tràn hy vọng. Tôi xin dành tặng bạn đọc tự khám phá. Có lẽ nhân loại không thể sửa chữa lại những việc đã xảy ra. Vậy nên chỉ có hai lựa chọn hoặc phòng ngừa chúng hoặc chấp nhận chúng để tiếp tục sinh tồn.
Tác phẩm mượn hình ảnh xã hội loài ong để gợi ra cho chúng ta bài học không mới nhưng thường bị lãng quên: tính liên kết trong xã hội con người, sự tương hỗ, tương giao giữa các thành viên trong gia đình. Trong xã hội hiện đại, con người online (trực tuyến) nhiều hơn nhưng kết nối giữa họ lại giảm đi. Điều cha mẹ, con cái chia sẻ cùng nhau hầu hết là thông tin mà không phải là cảm xúc, ý nghĩ chân thực.
Sự Sụp Đổ xảy ra ngay lập tức là điều đáng sợ. Nhưng tôi nghĩ có thứ đáng sợ hơn đó là Sự Xói Mòn niềm tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Sự Xói Mòn ấy cũng đang đe dọa những tài nguyên thiên nhiên thiết yếu như: không khí, đất đai, nguồn nước. Nhưng chúng ta chưa thấy được hệ quả rõ rệt từ nó nên mọi lời nhắc nhở dường như vẫn chỉ là “gió thoảng qua tai”. Nhân loại thường quá bận rộn để biết điều gì là quan trọng.
Đáng buồn là, không ít người quá đề cao những phát minh tiên tiến, công nghệ cao của mình nhưng lại xem thường cơ chế tự nhiên, thường vô cùng đơn giản mà hiệu quả, đã được thử thách qua thời gian.
Nếu thảm họa tự nhiên xảy ra, tôi nghĩ chúng ta mong manh hơn loài ong, loài kiến rất nhiều. Đó là cái giá phải trả của động vật bậc cao cố chấp với nhận thức mình là động vật bậc cao.