[Review Sách] Khởi hành: Lời khuyên sinh viên Việt Nam

  1. Sách

Cuốn sách tập hợp những lời khuyên tâm huyết từ giáo sư John Vu (dịch giả Nguyên Phong) về hành trình trước khi vào đại học, trong khi học đại học và sau khi tốt nghiệp đại học dành tặng các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam.

https://cdn.noron.vn/2023/03/24/7964753116411558-1679652792.jpg

“Khởi hành – Lời khuyên sinh viên Việt Nam” tập hợp từ những bài viết hướng dẫn cho sinh viên trên trang blog của giáo sư John Vu (science-technology.vn). Giáo sư John Vu còn có bút danh quen thuộc là Nguyên Phong với loạt sách phóng tác có chủ đề tâm linh, được không ít độc giả tìm đọc tại Việt Nam như: “Hành trình về phương Đông”, “Ngọc sáng trong hoa sen”, “Đường mây qua xứ tuyết”, “Dấu chân trên cát” v.v. và gần đây là 02 tập “Muôn kiếp nhân sinh”.

Bạn đọc muốn tìm hiểu thêm về ông thì có thể đọc bài viết “Giáo sư John Vu - Nguyên Phong - nhà khoa học và dịch giả nổi tiếng Việt Nam” đăng trên mục Văn hóa của Báo điện tử vov.vn.

Cuốn sách “Khởi hành – Lời khuyên sinh viên Việt Nam” được First News – Trí Việt phát hành với dung lượng 134 trang. Bố cục sách gồm 3 phần. Phần 1: Tốt nghiệp trung học xong, ta nên làm gì?; Phần 2: Vào đại học rồi, ta phải làm gì? và Phụ lục. Cá nhân tôi nghĩ đây là một tập sách nhỏ nhưng mang lại giá trị lớn cho bạn đọc trẻ tuổi.

Trước khi đến với Đại học: Sự lựa chọn

Ngày nay nhiều thanh niên thường tự hỏi liệu họ có nên vào đại học? với tư cách là một giáo sư, tôi bao giờ cũng khuyên thanh niên phấn đấu vào đại học để được giáo dục một cách bài bản. Tôi thường bảo họ rằng những trường hợp bỏ học mà vẫn thành công như Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg đều là trường hợp ngoại lệ và rất hiếm khi xảy ra; và rằng đừng để vài trường hợp “đột biến” trở thành kim chỉ nam, định hướng cho tương lai của bản thân mà cần phải nhìn vào thực tại. (trang 14)

Sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông thì các bạn học sinh đứng trước lựa chọn quan trọng: tiếp tục học lên đại học hay học nghề? (và cũng có thể là đi làm luôn). Nhưng không phải bạn học sinh nào cũng nhận thức được lựa chọn này sẽ tạo nên ảnh hưởng lâu dài trong cuộc đời mình.

Thiếu thông tin, thiếu trải nghiệm thực và thiếu khả năng ra quyết định sẽ khiến các bạn học sinh bối rối, đứng quan sát cuộc đời mình trong khi dư luận sẽ “nhảy vào” định đoạt giúp- mà cũng là giúp theo kiểu nhiệt tình cộng thêm thiếu tầm nhìn, thừa “kinh nghiệm chủ nghĩa”. Để rồi dù vào hay không vào đại học, thì lối sống thụ động của các bạn vẫn được duy trì.

Dẫn chứng cụ thể gần đây nhất là phát ngôn phiến diện của một số tiktoker chưa tập trung xây dựng sự nghiệp nhưng lại thích đưa ra định hướng nghề nghiệp, khẳng định “những tấm bằng đại học vô dụng”.

Tôi nghĩ rằng nhận thức chủ quan, đổ lỗi để “ăn vạ” này của một nhóm nhỏ các bạn trẻ nêu trên là hậu quả của việc thiếu mục tiêu rõ ràng, cách xử lý “nước đến chân mới nhảy” và nhảy không được thì mang tâm lý nạn nhân. Giá như các bạn chăm chỉ, chịu khó học và chịu khó đọc hơn, chịu khó làm và chịu khó rút kinh nghiệm hơn, để có thói quen suy nghĩ tích cực, thấu đáo về một vấn đề trước khi phát biểu thì có lẽ giờ đây, các bạn đang bận rộn với những công việc tạo ra giá trị thực, “ích nước lợi nhà” trong đời thực thay vì “thương thân, trách…bằng cấp” trên thế giới ảo.

Quá bận rộn với việc học, đôi khi khiến con người ta quên mất học là để làm gì. Chăm chỉ không phải là xấu, nhưng nếu sự chăm chỉ không phương hướng sẽ khiến tuổi trẻ bị lãng phí khi bỏ mặc tiềm năng ngủ quên. Vì để nhận diện, khơi gợi những tiềm năng ấy, tuổi trẻ cần môi trường phù hợp.

Giáo dục đại học (hoặc các cơ sở đào tạo nghề nghiệp chính quy) không phải là lựa chọn duy nhất, nhưng sẽ là một trong những con đường cơ bản nhất để khám phá những tiềm năng của tuổi trẻ và giúp con người xây dựng nhận thức có hệ thống, được thử nghiệm trong môi trường có hướng dẫn từ những người giàu hiểu biết và vốn sống.

Bạn có thể vào đại học hoặc không- nhưng đừng bao giờ từ bỏ việc học tập. Trong Phần 1 của cuốn sách, giáo sư John Vu sẽ lần lượt giải đáp cho các độc giả trẻ tuổi những băn khoăn cơ bản nhất:

“Tại sao mình nên vào đại học?”

“Chỉ cần đậu đại học, chọn ngành nào/trường nào cũng được?”

“Làm thế nào để chọn trường đại học phù hợp với bản thân?”

https://cdn.noron.vn/2023/03/24/950444482303867-1679652815.jpg

Trong khi học Đại học: Sự chủ động

“Vào đại học, học đại được chăng?”

Nếu đã quyết định vào đại học, thì hành trình học tập chủ động của bạn thực sự bắt đầu. Khác với những năm tháng trung học, dù bạn nỗ lực đến đâu, việc học cũng chủ yếu để phục vụ các thời khóa biểu được nhà trường, cha mẹ đề ra. Các thời khóa biểu sau cùng cũng chỉ để phục vụ các kỳ thi. Thói quen ấy tạo nên nghịch lý khá ly kì trong giáo dục: khi còn ít tuổi, học sinh học rất nhiều và khi lớn tuổi hơn, trở thành sinh viên, họ học ít đi và khi đi làm rồi thì việc học hoàn toàn đình trệ ở không ít người.

Nhiều sinh viên bước vào đại học với thái độ và thói quen học tập khi còn là một học sinh trung học. Đó là sai lầm lớn. Kỹ năng học tập mà sinh viên học được ở trường trung học thực sự không đủ để đáp ứng các yêu cầu thực tế khi vào đại học. Bởi vì chương trình đào tạo đại học đòi hỏi sự chủ động nhiều hơn, nguồn tài liệu cũng đa dạng và phong phú hơn so với trung học. (trang 39)

Đến khi viết bài review cuốn sách này, tôi vẫn còn ám ảnh với những chuyện kể về: bốn sinh viên dùng chung một quyển vở và một cái bút trong những năm đầu đại học, sinh viên học đại học 6 năm trong khi hệ đào tạo là 4 năm, những sinh viên năm nhất coi việc vào đại học là để “bung xõa” sau kì thi vất vả nên họ vô tư ăn mừng luôn cả 4 năm học đại học, có những sinh viên coi việc đi làm thêm và hoạt động ngoại khóa quan trọng hơn học tập trên giảng đường nên dành phần lớn tiền kiếm được để vui chơi và đóng tiền học lại hoặc dựa vào mối quan hệ khi hoạt động để đi xin điểm, có những nhóm tụ họp nhau lại để phung phí thời gian với những sinh hoạt thiếu lành mạnh dẫn đến ảnh hưởng về sức khỏe, đạo đức v.v.

Thực tế bi hài nêu trên sẽ bớt phần “hài” đi rất nhiều và chuyển sang đoạn “bi”, khi các bạn sinh viên phải đối mặt với cuộc sống- mà cuộc sống ngoài vòng tay cha mẹ, thầy cô thì không bao giờ dễ dàng giống như trên các bộ phim ngọt ngào.

Vào đại học, không thể học đại. Vì nếu bạn học đại, thì cái lắc đầu từ thầy cô cũng chính là cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng trong tương lai. Nhà tuyển dụng ngày nay có thể không quá coi trọng bằng cấp, nhưng họ coi trọng những con người có kỹ năng. Họ sẽ chào đón những con người vừa có kỹ năng, vừa có bằng cấp. Đặc biệt là họ sẽ chủ động săn tìm những con người vừa có kỹ năng (kỹ năng cứng hài hòa với kỹ năng mềm), vừa có bằng cấp, vừa có thái độ sống tích cực.

Nếu bạn đã chọn dành ra một phần tuổi trẻ ở đại học, thì việc quan trọng nhất là học và đừng bao giờ để bản thân mất đi lợi thế rõ rệt này.

Trong phần 2, giáo sư John Vu sẽ chia sẻ cách thức để đạt thành quả tốt nhất khi học đại học ở các phần:

“Học có mục đích”

“Học để lấy kỹ năng”

“Phương pháp học tích cực”

Sau khi học Đại học: Sự khởi đầu

Sinh viên phải hiểu được rằng thị trường đã thay đổi, và nếu họ không đọc nhiều hơn, biết nhiều hơn và nỗ lực rèn luyện để có được những kỹ năng cũng như hiểu biết mà chúng tôi cần, họ sẽ thất nghiệp trong một khoảng thời gian dài (trang 95)

Đây là chia sẻ từ một nhà tuyển dụng. Đó cũng có thể là suy nghĩ của rất nhiều nhà tuyển dụng. Khác với cha mẹ và các giáo viên, không phải chủ lao động nào cũng thích thỏa hiệp và kiên nhẫn giảng giải với người lao động. Vì nguyên lý chủ đạo chi phối thị trường dựa trên “cung – cầu”, “giá cả - giá trị”, “quy luật cạnh tranh”. Có bao giờ các bạn tân sinh viên nghĩ rằng giữa lĩnh vực thiết thực như: cơm – áo - gạo - tiền và triết học cuối cùng lại liên quan mật thiết với nhau đến vậy? Và học triết học không phải là để học thuộc lòng nội dung trong sách, mà tham khảo trong sách để các bạn tự xác định triết lý sống đúng đắn cho bản thân.

Có lẽ, giờ là lúc không ít bạn sinh viên sẽ ước rằng được quay lại các giờ triết học trên giảng đường, để thay vì thụ động ca thán bài học vô bổ, sẽ chủ động tìm hiểu thêm bằng cách lên thư viện đọc sách hoặc tra cứu Internet.

Ngược lại, nếu chọn đi đường tắt, bỏ qua trường lớp và học tập, các cá nhân sẽ tự tạo ra hệ thống triết lý chủ quan, cảm tính của bản thân. Sự khác biệt giữa được đào tạo và không được đào tạo đã trở nên rất rõ ràng từ đây- để rồi sẽ dần dần mở ra thêm những khác biệt tiếp theo về chất lượng cuộc sống sau này.

Kết thúc đại học chỉ là sự khởi đầu với những lựa chọn tiếp theo như: đi làm, khởi nghiệp, học lên bậc cao hơn hay đi du học. Nhưng càng miệt mài học tập, rèn luyện và tích lũy vốn sống sớm bao nhiêu thì những lựa chọn về sau lại càng sáng suốt bấy nhiêu. Ai trong đời cũng sẽ có lúc mắc sai lầm, đặc biệt là khi còn trẻ nhưng sai lầm là cái giá để chúng ta mua được những bài học. Vậy nên mong rằng các bạn trẻ đừng nên trả giá song lại lãng phí bài học, để rồi mỗi lần học lại là mỗi lần đánh mất niềm tin, mà trước hết là niềm tin vào bản thân.

Ngoài cuốn sách “Khởi hành – Lời khuyên sinh viên Việt Nam”, tôi đã từng đọc cuốn “Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ” của giáo sư John Vu. Tôi cảm nhận ông là một tác giả tâm huyết và còn nhiều trăn trở với nền giáo dục nước nhà, với thế hệ trẻ và các bậc phụ huynh. Do đó, những tâm sự chân thành từ một con người hiểu biết như ông rất đáng để chúng ta cùng đọc, cùng suy ngẫm.

Từ khóa: 

review sách

,

khởi hành

,

sinh viên việt nam

,

gs john vu

,

noron

,

sách